chan_dung-ke_si

BẢN HỢP ĐỒNG - Truyện ngắn Vũ Lưu Xuân

19-09-2023

Lượt xem 943

Đánh giá 2 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Truyện ngắn hay

BẢN HỢP ĐỒNG - Truyện ngắn Vũ Lưu Xuân

Nhà văn Vũ Lưu Xuân

Cuối cùng người ấy cũng đã chết, năm ba mươi bảy tuổi. Chẳng biết nên gọi cô ta bằng gì cho đúng? Con gái hay đàn bà? Cô ta chưa chồng nhưng đã từng làm vợ hờ khắp người ta. Cái chết đến bất chợt: tự tử. Chúng ta không có quyền chọn lựa nơi sinh, nhưng có quyền chọn lựa cách kết thúc một cuộc đời. Đó là cơ may cuối cùng, khi phải đối diện với sự nghiệt ngã của số phận.

Tối thứ sáu, cô ta còn ngồi cạnh tôi, bên cửa sổ, khuôn mặt giãn ra, thoáng nét vui hồn hậu. Tôi ngồi cạnh cô ta, lẩm cẩm triết lý về cuộc đời, giống như hồi mới lớn, còn đầy ắp niềm tin. Vậy mà sáng thứ hai đã thấy cô ta nằm đấy. Sáng thứ hai tôi tới sớm, chắc cô ta còn ngủ, tôi không gõ cửa, lặng lẽ mở khoá vào phòng. Tôi thấy cô ta nằm đó, trên tấm drap trắng lạnh lẽo, mắt nhắm nghiền như người còn ngủ, miệng thoáng nụ cười như đang mơ. Giấc mơ nào đã đến cùng lúc với cái chết?

Cô ta để lại một lá thư tuyệt mạng, kèm theo kết quả xét nghiệm ung thư. Cô không muốn tôi bị pháp luật làm khó dễ, vì đây là cái chết tự nguyện. Cô viết riêng cho tôi lá thư khác, nó là dấu chứng cuối cùng của một đời người.

Tôi nhờ hàng xóm báo công an, rồi ngồi đợi cạnh xác cô ta, giữa ranh giới sự sống và cái chết. Cái chết hoang đường giống như cuộc sống cô ta vốn dĩ hoang đường. Tôi nhìn cô ta trừng trừng, có nhiều điều muốn hỏi. Cuối cùng tôi mở lá thư ra đọc. Tôi không bật điện phòng, tôi thích đọc thư trong cảnh sáng tối lờ mờ để lỡ có nhỏ vài giọt nước mắt, cũng khỏi phải xấu hổ với chính mình.

"Anh thân yêu"

"Lần cuối cùng anh cho em lạm dụng từ "thân yêu". Vốn dĩ giữa chúng ta chỉ có bản hợp đồng sòng phẳng, không có tình cảm.

Trong cuộc sống, bọn em có quá ít sự lựa chọn. Sau nhiều đêm đắn đo, em thấy cái chết là chọn lựa đúng nhất. Nó giúp em khỏi phải chịu đựng những cơn đau chắc chắn sẽ đến nay mai, và chấm dứt mọi ảo vọng trước khi phải đối mặt với sự thật trần truồng.

Sáng thứ năm em đã cầm trong tay kết quả khám nghiệm: ung thư vú. Phía dưới ngực trái em bắt đầu u lên một cục nhỏ. Chắc anh không biết, mà có lẽ anh cũng chẳng cần biết. Hôm ấy em gặp con bạn cũ lúc còn đi học. Nó rất thành đạt, chồng nó cũng thành đạt, gia đình giàu sang, hạnh phúc. Vậy mà nó cũng bị ung thư, nó đã xạ trị nhiều lần, đã phải cắt bỏ một bên vú. Tốn kém thốc men, phẫu thuật trên dưới hai chục cây. Hiện thời cứ mỗi nửa tháng, nó phải chi mười ba triệu cho một toa thuốc. Dù vậy cuộc sống cũng chỉ kéo dài vài năm. Nó sẽ chết, bỏ lại sau lưng những năm tháng hạnh phúc đã hưởng. Cái chết là sự bình đẳng duy nhất trong xã hội loài người. Em cũng sẽ chết, thời hạn ngắn hơn, trong những cơn đau vật vã, vì hiện tại với em, mười ba triệu là số tiền trong mơ. Anh thấy đó, cái chết chính là sự lựa chọn khôn ngoan của đứa con gái vốn dĩ ngu đần. Nhưng em sẽ để lại những gì sau lưng?

Sáng thứ sáu anh đến, em xách giỏ đi chợ, em muốn thử tìm cảm giác làm vợ, dù chỉ một lần. Em khao khát cảm giác làm vợ và làm mẹ. Chắc anh cười em là đồ dở hơi. Thật ra những việc làm dở hơi đôi khi lại rất cần để trang trí cho cuộc đời tối tăm.

Tối thứ sáu ngồi bên anh, em thấy anh thật khác. Chúng ta thật sự rất khác với chiếc mặt nạ đời thường, vậy mà vẫn không can đảm cởi ra. Những lời tâm sự của anh hé cho em một chút ánh sáng, có thể là ảo tưởng, em hài lòng, con người sẵn sàng lừa mình bằng thứ ảo tưởng ngọt ngào.

Thứ bảy, chủ nhật anh không tới, đó là hai ngày anh ở nhà vui với con cháu. Hôm ấy, lần đầu tiên em cảm thấy trống vắng hoàn toàn. Tối chủ nhật, em đi đến quyết định cuối cùng. Em chết không ân hận vì đã có một ngày vui, một ngày vui quá đủ cho cả cuộc đời. Em vui vì thấy giữa chúng mình hình như không chỉ tồn tại một bản hợp đồng. Em vui vì thấy hình như giữa con người, tương quan không chỉ đơn thuần là cuộc đổi chác."

Lá thư còn dài, nhưng tôi không thể đọc tiếp, tôi rất mệt, gục xuống. Cuối cùng một người công an đánh thức tôi dậy. Sau khi khám xét thật kỹ hiện trường, xác cô ta được chở đi. Tôi đứng nhìn xác cô ta được chở đi. Tôi trả lời những câu hỏi một cách lơ mơ, hơn nửa tiếng đồng hồ, ký không biết mấy tờ biên bản. Trước pháp luật tôi vô tội, nhưng tôi cố gắng đi tìm cảm giác vô tội ở một phạm vi khác, không phải pháp luật, một cố gắng nhọc nhằn trong nỗ lực tự lừa dối mình, để lương tâm vốn đã hao mòn tìm được chút nghỉ ngơi.

Cuộc đời tôi chia ra làm hai giai đoạn rõ rệt. Bốn mươi năm đầu cũng học, cũng làm, cũng lấy vợ, sinh con. Nhưng bốn mươi năm ấy nhạt phèo như nước ốc. Tôi xếp nó vào rương, khoá lại, không bao giờ đụng tới nữa. Từ bốn mươi tới sáu mươi, hoàn toàn thành một cuộc đời mới, với những vụ đầu tư một vốn mười lời. Vụ đầu, chạy ngược chạy xuôi kiếm mối vượt biên, nhét được hai đứa con trai, đứa thứ ba tốn hai cây vàng mượn bà con. Vài năm sau, chúng bắt đầu gửi tiền về, lúc đầu chút ít, về sau tăng dần. Ngày vợ tôi còn sống, mỗi đứa gửi ngàn rưởi đô năm, còn hùn nhau mua cho bố mẹ căn lầu dưỡng lão. Năm năm sau này, vợ tôi chết, số tiền rút xuống mỗi đứa còn một ngàn đô. Phong lưu chán. Vụ đầu tư thứ hai dành cho đứa con gái út, lúc nhỏ đầu tư cho nó một ít chữ nghĩa, lớn lên đầu tư một ít nhan sắc. Cuối cùng nó lấy được anh giám đốc, bằng cấp chẳng biết thật hay giả, nhưng gốc rất lớn. Thỉnh thoảng tụi nó biếu bố ít tiền tiêu vặt, bét ra cũng hai đồng cứng. Khi dọn tới căn phố lầu ở khu biệt thự, xa hẳn xóm ổ chuột chui rúc gần hai mươi năm, hàng xóm không ai dám nghĩ tôi là anh ký cóp chế độ cũ và dân chợ trời chế độ mới. Hiện nay tôi còn giữ được lá số tử vi của mét Khánh Sơn. Phía trái, trên cùng tờ số in đậm khuôn mặt câng câng của mét, bên dưới là hàng chữ khoe khoang mét đã từng coi tướng cho thái tử Norodom Xihanúc và cựu hoàng Bảo Đại. Đại khái mét phán hai điều: từ năm bốn mươi đời tôi sẽ sang trang mới, bay bổng như diều. Thành thật ! Điều sau mét phán tôi có hai dòng con. Vấn đề này còn xét lại, hiện thời chưa đúng. Mà tôi gần sáu mươi rồi, vui chơi thì có, con cái làm gì cho bận. Từ ngày vợ chết, tôi ở một mình, trong căn nhà lớn, vắng vẻ. Ba thằng con trai xa nhà. Đứa con gái út ở với chồng, thứ bảy, chủ nhật nó dẫn mấy đứa nhỏ về chơi với ngoại. Thời gian còn lại, tôi tự do như gió.

Đây là chân dung tôi lúc ra đường: ngự trên giấc mơ II, tóc nhuộm đen, xịt keo láng mượt, miệng cắn tẩu Dunhill nhồi half- and half, áo thun cá sấu, quần jean chính hiệu từ Mỹ mang về, giầy Adidas trắng. Chả biết người lịch lãm có chê tôi nửa nạc nửa mỡ hay không? Còn bọn gái trẻ trong quán cà phê lúc nào cũng anh em ngọt xớt. Thế là đủ, rất đủ. Tôi gặp cô ta trong hình ảnh ấy. Thằng bạn già giới thiệu trong một quán ăn hạng sang:

- Đan Thanh.

Nó không giới thiệu nghề nghiệp, mà tôi cần quái gì biết tới nghề nghiệp, cần quái gì quá khứ. Nhìn dáng dấp bên ngoài, tôi đoán chừng cô ta là một ca ve về chiều, ngoài ba chục.. Nhan sắc này lúc sáng giá có thể chấm 8/10, bây giờ hơi xuống cấp, bớt đi hai phân, còn 6/10. Gã bạn ghé tai cô ta:

- Cái mỏ này đất xốp, dễ đào.

Tôi nghe, nhưng kệ xác. Lát sau nó lại nói nhỏ với tôi:

- Chịu không ? Rất điệu nghệ.

Tôi nghiêng đầu quan sát thật kỹ: mình dây, chân dài !.

- OK.

Nhưng với tôi lúc nào cũng phải có bản hợp đồng, sòng phẳng:

- Bên A chịu tiền mướn nhà, cơm nước tuần ba ngày: hai, tư, sáu giá hai đồng cứng. Cơm thường, muốn ăn sang. chi ngoài.

- Bên B, điều kiện tiên quyết không nhiễm HIV dương tính, không được tiếp ai khác ngoài tôi.

Khoản này kê ra cho có, nếu thỉnh thoảng nó muốn cải thiện với ai, mặc xác, ghen gì.

Hợp đồng tạm thời kéo dài ba tháng, có hiệu lực sau kỳ xét nghiệm, và cuộc xét nghiệm xảy ra tức thời, ngay sáng hôm sau. Cô ta thản nhiên đến lạnh lùng, còn tôi cần quái gì biết đến tình cảm của cô ta. Thương thảo hợp đồng không cần sự hiện diện của trái tim.

Ba hôm sau có được tờ xét nghiệm, âm tính. Tôi dẫn cô ta đi mướn nhà, đúng ra là căn phòng lầu ba, kiểu appartement, bảy trăm ngàn tháng, khoảng 15 m2 ,bếp, nhà vệ sinh riêng. OK. Tôi xỉa ba tháng cọc, cho thêm cô ta hai ngày chuẩn bị nhà mới, hai hôm sau tôi đến, phòng trống tuênh. Ngoài mấy món chủ cho mượn: một chiếc tủ hạng xoàng, một bàn, hai ghế, một giường nệm, cô ta chỉ mang theo chiếc vali cũ.

- Em không có gì à?

Cô ta vẫn thản nhiên:

- Còn cần gì nữa?

- OK. Chỉ cần một chiếc giường tốt là đủ.

Sau khi thực hiện xong mục chính của bản hợp đồng, tôi gật gù:

- Hết ý, anh chịu. À quên, em tên gì nhỉ?

- Đan Thanh.

- Đan Thanh này, đàn bà con gái tối thiểu cũng phải có ông cố vấn sắc đẹp.

Tôi dẫn cô ta tới Ngô Gia Tự, sắm một cái bàn phấn có ông cố vấn sắc đẹp bóng loáng, hình bầu dục.

Từ đó, đúng theo hợp đồng, mỗi tuần tôi đến ba ngày. Ngoài việc chiều chuộng, cô ta có vẻ ít nói. Cần gì. Điều hơi chán, chắc cô ta không biết nấu ăn, mỗi lần tôi tới đều kêu cơm phần. Tôi ở từ sáng đến tối, buổi chiều dắt nhau ra tiệm.

Ngày cuối cùng của tháng thứ ba, tức là sau đó cô ta phải xách vali trở về nhà trọ vách ván, cô ta nhìn tôi thở dài không nói. Khi thấy tôi móc tiền chi tháng thứ tư, mặt cô ta giãn ra, trong dáng điệu ngậm ngùi, chịu đựng. Lần đầu tiên sau ba tháng, tôi nhìn sâu vào đôi mắt cô, tôi nhận ra sự chịu đựng, cay đắng. Tuy nhiên, không thể vì vậy mà quan hệ hai bên được cải thiện. Tôi luôn sòng phẳng, còn có vẻ hơi rộng rãi. Căn phòng đã có tivi, đầu máy, tủ lạnh, những chi tiết không hề ghi trong hợp đồng. Sau đó hợp đồng cứ gia hạn tháng một, có lẽ hơn một năm rồi. Con gái tôi nhiều phen đến nhà không gặp, lâu dần đâm nghị Một hôm, nắm tay tôi, nó bảo:

- Mẹ chết lâu rồi, bố muốn lấy vợ cũng được, trẻ cũng được, bắt con gọi dì xưng con cũng được, thậm chí bố cho cô ta cả căn nhà này cũng được.

Nó không nói tiếp để tôi tự hiểu lấy, "chứ bố đừng đi chơi lang bang, mất tư cách". Nó là đứa con gái dịu dàng, suốt đời không muốn xúc phạm ai. Vậy mà hôm ấy nó đã thốt lên:

- Sự tự mãn làm bố hư hỏng dần dần.

Tôi giận, đuổi nó về. Nó rất ngu, sự tự mãn là quyền của người giầu, bất kể số tài sản ấy do đâu mà có. Đúng, nó rất ngu. Tôi bỏ một kỳ không đến. Sáng thứ sáu lúc tôi tới, hơi sớm hơn mọi lần, cô ta đang sửa soạn, rất giản dị.

- Em định đi đâu?

- Em đi chợ, em muốn thử tìm cảm giác làm vợ.

Cô xách giỏ, đội nón, mặc quần đen, áo bà ba trơn.

Tôi nhìn theo, rất lạ. Tôi nghĩ bụng "đò dở hơi" nhưng không nói ra miệng.

Một mình nằm dài trên giường, căn phòng hẹp, chật cứng, nhưng tôi vẫn thấy có những khoảng thừa thãi, trống rỗng. Hình như thiếu cái gì. Tôi nhìn quanh: tủ lạnh, tivi, bàn phấn, đủ cả, nhưng hình như vẫn còn thiếu cái gì. Một ý nghĩ thoáng qua, tôi ngắt ngang, không thèm nghĩ nữa. "đồ dở hơi", chẳng lẽ hôm nay lại có tới hai đứa "dở hơi"? Lúc ấy cô ta đi chợ về, tôi dựa lưng vào thành giường ngắm cô ta làm bếp. Rất bận rộn, tất bật, tiếng dao thớt, tiếng nồi niêu, chén bát. Ngồi vào bàn, tôi lấy trong tủ lạnh hai lon bia:

- Chúc mừng.

Đôi má cô hồng rực, không phải phấn, tại hơi bếp, mắt long lanh.

- Chúc mừng.

Cũng chẳng biết chúc mừng gì. Đồ ăn nêm nếm món mặn món lạt, không ra sao, nhưng từ khi vợ chết, tôi rất ít khi được hưởng không khí gia đình, ăn vớ vẩn cũng thấy ngon. Tôi khui thêm bia, uống tới say mèm. Buổi chiều ngủ dậy muộn, gật gù:

- Hồng Phát ?

- Thôi, bổn cũ soạn lại.

Lại hâm cơm, hâm canh, lại vẫn món mặn, món lạt, nhưng ăn vẫn thấy ngon.

Cả ngày hôm ấy tôi không làm công việc chính của bản hợp đồng. Buổi tối chúng tôi ngồi bên cửa sổ. Căn phòng có một cửa sổ trông ra những mái nhà lổn nhổn, cái cao cái thấp, không thấy vườn hoa, không thấy cây xanh, tức là không có khung cảnh tạo ra cảm giác thơ mộng. Tôi cười:

- Như đôi vợ chồng già.

- Được vậy đã tốt.

Tôi nhìn sững cô ta, lời nói nửa phần cay đắng. Đêm đó, cả hai ngồi thơ thẩn đến khuya. Đây là lần đầu tiên sau hơn một năm chung sống, chúng tôi ngồi bên nhau đến khuya, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Tôi ghét suy nghĩ, suy nghĩ khiến người ta mau già, nhiều khi lại khổ tâm vô ích. Vậy mà trong không gian vắng lặng, rất nhiều ý nghĩ thoáng qua, hỗn độn, mâu thuẫn. Tôi nghĩ nhiều nhất tới người con gái đã chung sống với tôi theo bản hợp đồng. Người con gái ấy không thể có trái tim, tôi cũng không có trái tim, chỉ có những toan tính rất lạnh lùng, thực dụng. Người con gái ấy đang ngồi nhìn trời, bất động. Trời có trăng, có sao, Tôi chỉ:

- Sao xẹt, người ta bảo mỗi ngôi sao xẹt cho một ước mơ, nếu biết cầu xin thật nhanh.

- Vớ vẩn, lúc rất trẻ, ngồi trên sân thượng, em đã cầu xin nghìn lần.

- Em cầu gì vậy?

- Em cầu cho cha mẹ bình yên, em thi đậu, gặp người yêu lý tưởng, người yêu trở thành người chồng, có một gia đình hạnh phúc, hai đứa con bụ bẫm, những ước mơ rất thật đối với mọi người con gái, nhưng lại hoá hão huyền. Ngàn điều xin, không được một điều. Vớ vẩn !

- Ngày xưa em cũng đi học à?

Lần đầu tiên tôi hỏi đến quá khứ:

- Em học Saint Paul hết Seconde thì giải phóng. Bố em làm thiếu tá, chết khi đang học tập.

Tôi gật gù:

- Té ra em học trường Tây. Vậy từ đó tới giờ, đã lần nào em chính thức lập gia đình chưa ?

- Chưa hề, bởi thế đôi lúc lẩn thẩn, em thèm cảm giác làm vợ, mặc dù lúc đói, em đã cam làm vợ hờ khắp người ta.

- Vậy trong những ngày ấy, em có đứa con nào không ?

- Không hề. Em cũng thèm cảm giác làm mẹ.

- Sao em không lập gia đình?

- Anh thích nói đùa. Hồi nhỏ em hay đọc tiểu thuyết của Sagan.

- Trong đó có "Bonjour tristesse" ?

- Tất nhiên, cả Quỳnh Dao nữa, qua bản dịch của Liêu Quốc Nhĩ. Những mối tình trong ấy dù cay đắng đến đâu cũng vẫn đẹp, dù buông thả, phóng túng đến đâu cũng để lại dư vị của sự tận hiến, sống đến tận cùng cảm xúc của mình. Như vậy còn hơn sống lần lữa như cây cỏ, nhạt nhẽo vô vị.

Lần đầu tiên tôi thấy giao động giữa tình người và sự hưởng thụ lạnh lùng. Trong một phút thiếu tự chủ, tôi đâm ra dông dài:

- Kinh thánh có chép một câu chuyện: Lúc đó bọn giả hình muốn ném đá người đàn bà tội lỗi, Chúa bảo họ: "Ai là người vô tội, hãy cầm viên đá đầu tiên ném người đàn bà này." Câu nói đó xác định tư thế hiện sinh của chúng ta. Bản chất con người vốn bất túc, bởi vậy chúng ta luôn bị đặt trong một tư thế chênh vênh, rất khó vươn lên mà dễ dàng rơi xuống. Từ tư thế ấy chúng ta phải khoan dung mỗi khi phán xét. Đan Thanh này, nhắc đến chuyện Kinh Thánh, anh không hề muốn ám chỉ em, thiệt đó.

- Nhưng chính vì sự khoan dung, nhiều khi người ta trở nên quá dễ dãi với mình. Có lúc em tự hỏi, đói và rét là hai cái cớ thường được dùng để tự bào chữa, thực sự nó có chính đáng không?

- Điều nghiệt ngã là trong một thế giới còn bất công, chúng ta có quá ít sự lựa chọn, bởi thế ranh giới giữa tội phạm và nạn nhân, không phải lúc nào cũng rạch ròi.

Nói tới đây, nghĩ lại, tôi chợt bật cười, tôi đã lải nhải bằng giọng điệu triết gia nửa mùa với một em ca ve về chiều. Đó là suy nghĩ của tôi ba bốn chục năm về trước, đã lạc hậu, rỗng tuếch, chỉ đủ sức lừa gạt bọn nhẹ dạ, bây giờ nó khác rồi, nó thực dụng, lạnh lùng và sòng phẳng. Giữa tôi và cô ta là một cuộc chơi sòng phẳng, cả lúc đến cũng như lúc đi, không ai nợ ai, bởi thế không bao giờ có chỗ cho tình cảm chen vào. Tôi nhìn lại cô ta, lúc ấy đèn trong phòng đã tắt hết, chỉ có ánh trăng mười sáu xuyên qua cửa sổ. Tôi nhìn kỹ nhan sắc đã từng chấm 6/10, nhìn kỹ cô gái tôi đã gia hạn hợp đồng mỗi tháng. Nhan sắc không son phấn có vẻ tiều tuỵ, chỉ đáng 5/10, nhưng cô gái ấy đang nhìn tôi bằng đôi mắt rất thật, đôi mắt rất muốn tha thiết mà vẫn ngượng ngùng không dám. Nó không phải đôi mắt bên B. Cô bỗng cười ảm đạm:

- Em tuổi ngựa, ngựa què, mã cùng đồ.

- Vậy em kém anh gần hai giáp.

- Tên thật của em là Nguyễn Thị Ngọ. Đan Thanh là tên giả, cũng như lông mày, lông mi giả, ngực giả, mông giả, thậm chí có cô tóc giả, răng giả. Chúng ta đến với nhau toàn bằng của giả.

- Đúng, chỉ có tâm hồn là thật, nhưng nó xa cách nhau cả nghìn trùng.

Tự nhiên tôi kéo đầu cô ta vào lòng, xiết chặt đôi vai run rẩy. Tôi đã từng ôm cô ta cả trăm lần, nhưng bằng tư thế khác, tư cách khác. Tôi dịu dàng vuốt mái tóc uốn cong đã duỗi. Tôi nhìn lại bàn tay, nó không phải là bàn tay đen đúa, tham lam. Tôi hôn thật nhẹ lên mái tóc, lên vầng trán, lên đôi mắt, đôi mắt ướt sũng để lại vị mặn ở đầu môi, cũng không phải đôi môi tham lam. Tôi bỗng rùng mình, rất sợ, sợ cho tuổi sáu mươi vẫn còn vụng về, dại dột. Tôi đã đi quá xa, không đúng tư cách bên A trong bản hợp đồng. Tôi đứng dậy, bỏ về.

Trên đường, tôi ghé quán cà phê nhạc, nhạc xập xình, tiếng hát chí choé như đám cãi nhau. Một em tiếp viên trên dưới hai mươi ngúng nguẩy nhìn tôi cười tình.

- Anh dùng gì ?

- Bất cứ món gì mát mẻ em bán.

Lát sau cô ta quay lại, cúi xuống đặt ly cà phê. Chiếc áo ba lỗ đủ cả vòng một vòng hai.

- Chắc anh mới tới lần đầu.

- Có lần đầu mới có lần hai lần ba.

- Thật nhé.

- Được, tôi sẽ thương lượng với bà chủ mua đứt chiếc ghế này, để tối tối tới đây ngồi đồng, chịu không ?

- Chịu gấp.

Lúc về tôi đưa tờ hai chục.

- Khỏi thối, để mai uống trừ.

- Nhớ nhé, đừng để người ta phải đợi.

Lần đầu tiên tôi thấy lạnh gáy, già rồi. Đúng ra bố nó phải gọi tôi bằng anh, hoặc tôi phải gọi ông nội nó bằng anh. Ở đâu cũng có thể bắt gặp nỗi cay đắng của cảnh đói nghèo. Ý nghĩ đó khiến tôi lại nhớ đến cô ta. Lạ thật, tôi bỗng nhớ đến cô ta da diết khôn nguôi.

Bây giờ cô ta đã chết, sáng thứ hai đến, cô ta đã chết.

- À quên, em tên gì nhỉ?

- Đan Thanh.

Đan Thanh tồn tại và biến mất giữa một thế giới thừa thãi sự tiến bộ, nhưng thiếu hụt tình người. Cô sống như cỏ cây, như hạt bụi đọng.

- Đan Thanh là tên giả, chúng ta đến với nhau toàn bằng của giả.

Quan hệ giữa người với người, cùng những dự phóng tương lai là chất dính kết chúng ta vào cuộc sống.

- Em đừng quên, giữa chúng ta chỉ có bản hợp đồng.

Tôi nhớ lại câu cô đã viết: "Nhưng em sẽ để lại những gì sau lưng ?" Tôi không trả lời, rất sợ tìm câu trả lời. Tôi bỗng nhớ cô da diết.

Buổi tối, tôi trở lại căn phòng trọ. Tôi rất muốn gõ cửa, nhưng lại cay đắng biết rằng phía sau đó là một thế giới không con người, là cõi hư vô. Căn phòng vắng ngắt, lạnh vô cùng. Buổi sáng cô ta còn nằm đây. Tôi leo lên giường, thử đặt mình vào vị trí cô ta đã nằm, vị trí của cái chết. Tôi nhắm mắt lại, thử tìm cảm giác của cái chết. Tất cả đều lờ mờ. Sáng tối lờ mờ chính là không gian hiện sinh. Từ đâu đó lãng đãng vọng lại tiếng hát Khánh Ly, tiếng hát lênh đênh, ma quái trong một không gian ma quái, không gian có chiều thứ tư của nội tâm dằn vặt.

"Hỡi người yêu dấu ! Bản hợp đồng đã kết thúc, vĩnh viễn kết thúc. Tới lúc này anh mới biết giữa chúng ta không chỉ tồn tại một quan hệ sòng phẳng, lạnh lùng".

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.