chan_dung-ke_si

ANH LÍNH TONY D – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

24-01-2024

Lượt xem 1292

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Lê Minh Khuê

ANH LÍNH TONY D – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

Nhà văn Lê Minh Khuê năm 1971, lúc đang là phóng viên chiến trường

 

Một gã đàn ông mặt mũi tối tăm, loại người nhan nhản vẫn lượn lờ ở các chốn đô hội, ghé vào nhà lão Thiến.

Gã đàn ông đứng ở cửa, thân thể vạm vỡ của kẻ được nuôi sống bằng chất bột lấn át dữ dội ở khuôn mặt nhờ nhờ, không ra thiện ác, khuôn mặt trên cái đầu nhỏ tí. Lão Thiến hỏi mà không thèm đứng lên:

- Chuyện thằng Thán hả?

- Vâng, sao ông biết?

- Điều đó tính sau. Sao?

- Thằng Thán chết mất xác rồi.

Lão Thiến nghe câu đó, hơi động đậy cục hầu to tướng trông như cục gạch bám vào cổ. Thằng Thán con trai lão đi đào vàng ở miền Trung. Nó nhập vào đội ngũ những kẻ đào vàng tứ xứ đã gần năm nay. Đây là lần thứ ba có kẻ đến nhà báo tin thằng Thán chết: Một lần chết đuối, một lần chết chém. Lần này chết mất xác. Gã đàn ông báo tin đứng ở cửa liếm môi. Trông bộ gã đói ăn. Lão Thiến thừa biết tâm địa bọn này nên lão hỏi mà không thèm động đậy các cơ mặt.

- Vì gì mà mất xác?

- Sập hầm! Không moi được.

- Ba kiểu chết!

- Ông bảo gì?

- Ba thằng báo ba kiểu chết. Mẹ chúng mày!

Gã đàn ông đưa tin có vẻ hơi sững người. Gã quan sát căn phòng của cha con lão Thiến. Không có gì đáng cho gã cầm lên tay. Đồ giẻ rách! Gã lầm bầm rồi cố nài:

- Nhưng tôi đã đến đây. Tàu xe tốn kém. Xin ông vài bữa cơm bụi.

Lão Thiến khoát tay chỉ ra cái hõm tối tăm: Xem đấy! Gặm được cái chó gì thì gặm! Gã đàn ông rõ là loại cố cùng. Gã bước chân qua lưng lão Thiến, giơ tay túm cái quạt tai chuột, cánh quạt thủng lỗ chỗ như cóc gặm:

- Xin ông tạm!

Gã kẹp cái quạt vào nách đi ra. Lão Thiến nói to: - Giờ hồn. Thằng Thán nhà ông nó về xin tí tiết mày bù vào, xéo mẹ mày đi!

Lão Thiến thừa biết thằng con lão loắt choắt như loài chuột nhắt, chứ nó thuộc loại trời đánh không chết. Nó như loại cỏ dại đốt bảy lần lại bảy lần mọc lại, lần sau mạnh hơn lần trước. Chả thế có lần nó đi ăn trộm ngã từ sân thượng tầng ba xuống, phúc bảy mươi đời lại có cụ tổ đỡ cho rơi vào đống cát. Lão đố thằng nào vật chết được nó… Tuy vậy, sau khi tống được gã đàn ông ra cửa, lão Thiến cũng thấy nôn nao trong dạ. Lão chờ đêm đến, lão lôi cái rađiô nhỏ giấu kỹ trong đống bát rếch ở gậm giường ra. Và lão bắt đầu dò đài. Không bao giờ lão nghe trọn được một câu người ta nói trong đài. Cái thú của lão là cầm núm điều chỉnh mà xoay. Chỗ nào sọt sẹt, lão lắng nghe rồi vặn tiếp. Hàng xóm láng giềng lườm nguýt, hậm hực. Lão cho qua tất. Việc lão lão làm. Động đến mả bố chúng mày đấy à? Lão sẽ trả lời như vậy vì lão không thể tưởng tượng được con người ta, tại làm sao chỉ vì những tiếng động mà lại mất ngủ? Có nổ bom tấn bên tai lão, lão vẫn an giấc như thường. Lão chén bữa tám bát cơm gạo mốc, cho nó rẻ, ăn kèm với thứ mắm muối từ đầu cá ruột gà nhặt nhạnh ở chợ chiều. Mỗi khi lão ăn mắm, cả xóm nín thở. Lão bảo chỉ có những thứ nặng mùi thế này mới hợp khẩu vị lão. Lão to kềnh to càng như cái máy kéo cổ lỗ hết dầu mỡ và bỏ xó từ đời tám hoánh nào. Đôi khi người ta bảo lão là cái hồn ma từ địa ngục trở về hoành hành nơi dương thế. Ăn ngủ như thế nên lão cường tráng nhất khu nhà này. Không ai muốn dây vào lão. Trước kia lão hù dọa láng giềng là nhà lão ba đời trong sạch, lại có công lao. Hơi một tí lão lôi công lao ra kể, ai muốn nghe thì nghe, thường là con trẻ muốn nghe, như vịt nghe sấm. Đến lúc các thứ hù dọa như thế có vẻ hết hiệu lực, lão lấy sức mạnh bù vào. Lão đi qua sân là cả khu nhà rung lên như động đất, nói theo nghĩa đen vì lão khỏe lắm, như một con bò mộng. Mà lão lại xuất thân từ tầng lớp không bao giờ đếm xỉa đến chữ “sỹ”, cái thứ xa xỉ của những con người hèn yếu vì có đôi chút lương tâm. Lão muốn gì lão làm cho bằng được. Lão xéo lên tất cả. Lão làm chân gác cổng, về hưu từ chục năm nay. Lão có nhà ở ngoại ô, có vườn, ao thả cá. Đột nhiên lão bán tất để chuyển vào thành phố. Lão dùng tiền mua vàng giắt túi, giả nghèo giả khổ, bắt cả nhà chui vào cái hốc chưa đầy chục mét vuông, không cửa sổ, một bên là khu vệ sinh công cộng, mà đã là của công thì không thiếu gì mùi. Một bên là cái sân thượng giờ đây người ta tràn ra che cót để ở. Mỗi cái hốc bốn bên cót ép là một gia đình. Thật là đủ màu sắc. Có những cặp vợ chồng phường chèo chửi nhau như chó với mèo, đêm vẫn ôm nhau ngủ trên một cái giường, rúc rích cười đùa khi đêm về có trận mưa làm không khí bớt nồng nặc hôi thối. Có những nhà toàn đàn ông con trai lộc ngộc. Ban ngày tứ tán kiếm ăn, đêm cùng chui vào hốc. Điện mất. Quạt không có. Nước hiếm không dội được cái thân thể tràn trề sinh lực vì mồ hôi. Họ cởi trần nằm ngủ như cá xếp trong nồi. Khắp cái sân thượng ngày xửa ngày xưa đã từng là nơi hóng mát của các cậu ấm cô chiêu giờ đây khò khè khọt khẹt vang lên tiếng ngáy của đám chúng sinh yên ngủ dưới bầu trời đầy sao của thượng đế che chở họ. Ban đêm họ ngủ như những con người khốn khổ hèn mạt. Ban ngày họ là lũ quỷ dữ, một bầy súc vật sống với nhau như bầy đàn, con nào mạnh thì tranh được miếng ngon. Đó là bộ mặt của trăm ngàn cái nhà tập thể đổ ra từ khi người ta cứ quyết tâm nhốt, từ linh hồn đến thể xác con người vào cùng một rọ… Lão Thiến bán gia tài ở nhà quê, vàng giắt đầy người mà vờ đói khổ như đồ giẻ rách. Lão cũng chui vào một trong những cái hốc trên sân thượng này và trong bầy thú ở đây, lão là con thú có bộ răng dữ tợn nhất.

 

 

Vài hôm sau thằng Thán lù lù xuất hiện. Hắn có cái ba lô căng phồng đằng sau lưng, bên trong không hiểu đựng thứ gì. Thán bước đi oai vệ vào khu tập thể. Mọi ánh mắt phóng ra từ các hang các hốc đều hội tụ vào cái ba lô thằng du côn đang đeo sau lưng. Có tiếng chớt nhả giọng Nghệ pha giọng Bắc vang lên trong hốc cầu thang: Thán! Gì? Thằng Thán quay nhìn mụ đàn bà béo ngấn cổ, son phấn loè loẹt như gái ở ngoài ga, miệng toe toét cười, một cọng hành còn dính ở răng cửa: - Chào chú? Vâng, chào bà chị! Mày mang cái gì trong ba lô mà hùng thế? Quần áo thôi! Mẹ mày, quần áo cái chó gì. Có là vàng mới nặng thế chứ! Lão Thiến chạy ra đón con, lão đỡ lời: Vàng gì, có là vàng thoi!

- Vàng thoi đấy! - Thằng Thán hiên ngang đi lên gác.

Cái cầu thang xây từ thời Pháp thuộc rên rỉ, cót ca cót két, lúc nào cũng gây cảm giác “a lê hấp, sập cho mà xem!” Nhưng hàng chục năm nay nó vẫn chưa sập. Người ta bảo là vì nó được xây từ thời Pháp. Thời ấy thợ thuyền chưa biết ăn cắp xi măng, chưa hề đếm xỉa đến cái thói gian dối đã trở thành nạn dịch thời nay nên nhà cửa thời ấy chứa năm người bây giờ chứa cả hai trăm người mà không có sao hết.

Mấy thằng nhãi đang chơi bài ăn tiền ở sân túa ra, reo ầm lên khi trông thấy thằng Thán: Công tử đã về, “quan đại thần” khao chúng cháu đi.

Sở dĩ lão Thiến có cái tên “quan đại thần”, vì lão sống như súc vật, ai cũng nghĩ lão như súc vật, trừ có lão. Lão hoàn toàn hài lòng khi ở trong cái hốc tăm tối mà cha con lão gọi là nhà. Lão cũng làm lễ sinh nhật. Trời phật ơi, sinh nhật hẳn hoi! Đám nhãi con nín thở theo dõi lão làm sinh nhật. Ngày xưa lão đã làm thường trực ở một cơ quan to đáo để ngoài phố nên lão biết mùi vị của các thứ lễ lạt này lắm. Lão kéo hai gã đàn ông vô tích sự ở cùng phố tới nhà, ngồi nhắm bia với lạc rang và đọc thơ. Gì chứ thơ thì các lão làm như trẻ con đánh rắm. Mỗi giờ làm được vài chục bài… Rồi lão làm giỗ chạp, tết nhất. Đám anh em họ hàng lão đã tràn từ cái làng xa tít tắp kia ra hết thành phố. Lão là một tài năng ghê gớm ở xứ này. Đám anh em lão chẳng học hành gì sất mà có trong biên chế Nhà nước tất tật. Người thì bán rau mậu dịch. Kẻ thì làm bảo vệ. Lúc về hưu cũng lương bổng như ai. Lão mang cái bằng “có công với cách mạng” đi làm tấm bùa hù dọa các ông thủ trưởng yếu bóng vía. Lão đi lại năm bảy lần, hai mươi lần. Lão ngồi lỳ ở nhà các thủ trưởng, không quà bánh gì sất, chỉ nói oang oang. Ấy vậy mà hai lão em trai, hai bà em gái và hàng chục họ hàng hang hốc được cấy hết vào các cơ quan Nhà nước, hộ khẩu tem phiếu đàng hoàng… Giỗ chạp, lão tập trung cả đám trong cái hốc nhà lão, lão thường đãi cả đám một con vịt cỏ - nhà lão giỗ vào mùa vịt - năm nào cũng thế. Con vịt được nấu trong nước loãng, thêm gia vị và cả đám hàng chục nhân mạng ngồi quanh sì sụp ăn uống. Chật chội nhưng thành thị vẫn hơn đất nhà quê… Lão ngồi giữa, đàng hoàng lên giọng phê phán, đi ra đi vào giữa đám em út cháu chắt ngồi quanh con vịt trong khi vàng lão giắt nặng trong người. Chưa có một ông quan, ông vua nào trên đời lại thỏa thuê sung sướng trong cảnh điền viên như lão. Và biệt hiệu “quan đại thần” đặt cho lão thật là xứng đáng. Chỉ có vua quan mới sống trong vương quốc của mình được như thế, bất kể trời nóng trên 40 độ C, bất kể mưa dột, mùi chuột chết, mùi nhà xí... Lão cứ làm việc lão, cứ ăn ngủ như thường…

Thằng Thán ném cái ba lô, ra chiều mệt nhọc. Nhưng nghĩ thế nào nó lại ôm vào lòng, nhìn quanh quất rồi giúi vào góc, chỗ vẫn thường nấu nướng bằng bếp dùng điện ăn trộm.

Hắn trông chừng lão Thiến. Lão kềnh càng thế thôi chứ khi ăn cắp, lão nhẹ nhàng hơn mèo. Suốt ngày lão chăm chắm xem ai có gì là lão thó. Lão thó tất, từ quần lót đàn bà đến cái đoạn dây điện nối từ ngoài vào nhà người ta. Lão lấy cả cái bô trẻ con để ngoài sân. Lão tống tất cả vào cái ba lô to, thỉnh thoảng lão làm một chuyến về quê. Ở đây lão còn có ông anh ruột ở lại quê vì không thể chuyển tải lũ con cả mười đứa ra thành phố. Lão Thiến thường đổi cái ba lô đựng đồ ăn cắp vặt cho anh lão rồi mang ra thành phố nắm khoai sọ, nắm đỗ… Cả khu nhà này biết lão ăn cắp mà không bắt được bao giờ. Thằng Thán là môn đệ của bố nhưng hắn thường làm các quắn to, “không lèm nhèm ăn vặt như ông!” Hắn hay quát bố như thế.

Vợ lão Thiến đã chết. Đứa con gái gả chồng trên miền núi. Còn lão với thằng Thán.. Thằng Thán theo chúng bạn đi tứ phương kiếm ăn thỉnh thoảng cho lão tiền nhưng hai bố con không bao giờ ăn cùng mâm. Khi thổi cơm, lão hoặc thằng Thán ăn trước. Hai bố con làm cái dây móc trộm điện ở công ty bên cạnh, đun sùng sục ngày đêm. Lão thường đun nhừ mớ đầu cá hoặc xương lợn mua rẻ ngoài chợ để húp nước, khi không có gì đun lão cũng cắm điện vào bếp. Lão chặc lưỡi: - Ăn cắp thì cho bõ. Ăn cắp như tớ thì ăn thua chó gì. Báo đài nói đầy ra đấy. Có kẻ ăn cắp bạc tỷ mà chả sao sất. Tớ là gà què ăn quẩn cối xay!

Lúc này lão Thiến quanh ra quẩn vào, mắt liếc liếc cái ba lô. Ruột gan lão cồn cào. Chưa bao giờ lão Thiến thấy thằng Thán mang về được cái ba lô to như thế. Lão hào phóng chìa cho thằng con cái bánh mì. Nhìn thằng con im lìm ngồi ăn, lão không thể nhịn được nữa.

- Thán, quắn này mày vớ bẫm, hả?

- Cái chắc.

- Quả gì đậm thế?

- Quả c…! Thằng Thán văng tục, nhặt nhạnh mấy mẩu bánh rơi dưới chiếu, quệt tay chùi mồm, vào xó mở cái nắp bô. Một mùi khai thối khủng khiếp lan ra khắp nhà. Thằng Thán làm phận sự xong, chui vào cái xó nhà bố nó phân chia cho nó, ngáy như sấm. Một tay nó ngoắc vào cái dây ba lô.

Trong khi thằng con ngủ, lão Thiến như ngồi trên lửa. Lão cố đoán xem cái gì mà không tài nào đoán được. Gần tối lão dò dẫm lại chỗ thằng con:

- Thán, dậy tao bảo.

- Gì?

- Mày có của sụ, coi chừng thằng Hùng. Nó về hơn tuần nay. Trốn trại.

- Vậy hả? - Thằng Thán bật dậy, ôm ghì cái ba lô. Thằng Hùng con mụ Phàn người Nghệ mà buôn bán ranh ma hơn bất cứ một dân thổ cư nào. Thằng Hùng hai mươi nhăm tuổi, đã ba lần ở tù. Mỗi lần một năm lại ra. Mỗi lần ra lại anh hùng hơn. Loại thằng Thán còn phải kiềng. Kỳ này thằng Hùng lĩnh án 5 năm tù về tội hiếp dâm. Chưa được một năm, hắn đã trốn trại.

- Có bị nã không?

- Chắc có. Bây giờ hắn nằm tít trên gác xép. Cả nhà này không đứa nào dám hé răng. Hắn xin tiết liền… Mày cứ nói thật. Cái gì ở trong đó. Rồi hai bố con cùng lo, mình mày tao e không xong.

- Bố phải kín mồm nhá.

Lão Thiến nhổ nước bọt vào tay, huơ lên trước mặt hai lần như một cử chỉ hành lễ. Hai bố con thề thốt coi bộ rất nghiêm trang. Thằng Thán xích lại gần bố…

- Trong này là xương.

- Mày đùa.

- Đùa với bố đấy. Xương này quý hơn vàng. Xương Mỹ.

Lão Thiến khịt mũi. Lão nhướng cái cổ lên thật cao. Đó là kiểu lão xúc động. Lát sau lão thì thào:

- Thật không? Khéo nhầm bỏ bố.

- Tôi với thằng Đảo đào được. Có cả dây vàng đeo ở cổ. Chỗ dây vàng móc cái lọ nhựa, bên trong đựng thỏi nhựa in tên. Bị tróc mất cái đuôi tên. Còn rõ mỗi chữ Tony D. Phiên hiệu đơn vị cũng mờ mờ. Lọ đó thằng Đảo cầm đi chào hàng. Xương Mỹ trăm phần trăm. Thằng Đảo có kinh nghiệm. Nó còn đo kích thước nữa kia.

- Nếu bán được thì giá bao nhiêu?

- Thằng Đảo bảo còn phải chi cho cả dây, cũng nhiều ra phết. Còn bọn đào được khoảng năm triệu. Tôi với thằng Đảo chia đôi.

- Mẹ kiếp khối tiền.

- Thằng Đảo đi bắt mối ngoài cảng. Thằng Đảo chờ ở đó. Bán cho bọn thủy thủ. Bọn nó đưa qua Mỹ, khối tiền. Nếu vụ này xong tôi sẽ cho bố năm trăm ngàn. Được chưa?

- Tùy mày. Nhưng ăn thì cũng ăn mỏng thôi. Nó mới bền.

- Bố không phải dạy. Tôi cho bố năm trăm là bố lãi. Chả mất giọt mồ hôi chó nào mà vớ năm trăm…

- Được rồi mày ngủ lấy sức mai lại đi. Tao canh cho.

Lão Thiến ngồi cạnh cái cửa làm bằng cót ép. Lão có kiểu ngồi của chó trong ổ, khoanh tay chân cho vừa ổ. Lão bố sau cơn xúc động, bắt đầu đến trạng thái tinh thần kỳ lạ mà lão vẫn có khi nghe tin con có tiền. Thằng Thán không bao giờ giấu bố số tiền kiếm được. Đôi khi hắn còn khuếch thêm lên nhưng đố nhả cho xu nào. Tiền có khi hàng triệu nhưng quanh quẩn dăm hôm là nướng vào đề hết. Của thiên trả địa, làm sao giữ được nếu nó không đưa cho bố nó giữ hộ? Lão bố vừa ghen tức, vừa thèm khát. Hàng loạt những âm mưu xuất hiện trong đầu lão nhưng nghĩ đến cái máu hung dữ của thằng con, chưa bao giờ lão ra tay. Lão cứ loanh quanh trong cái mớ bùng nhùng ý nghĩ mờ ám và nỗi sợ hãi triền miên, bất kể lúc nào thằng con có tiền, mỗi lần như thế miệng lão nhạt như ngậm phải bèo, mắt lão đục lờ đờ, nhìn không rõ… Lúc này lão đang trải qua trạng thái nửa thèm nửa sợ ấy, tai lắng nghe tiếng động bên ngoài. Lão lơ mơ ngủ cho đến khi có bàn tay ai đập nhẹ vào vai. Lão ngẩng lên, rõ ràng như ban ngày, lão nhìn thấy mặt thằng Mỹ đen như hắc ín, răng trắng như vôi, hắn đưa bàn tay chỉ còn xương ra vuốt tóc lão. Lão cố cựa mình mà không cựa nổi. Người lão như được quết một lượt sơn, dính cứng vào nhau. Lão ú a ú ớ gọi thằng Thán. Thấy lão lúng túng, thằng da đen cười nghiêng ngả nhưng không ra tiếng. Hắn cứ đứng bên lão, chỉ cái đầu còn nguyên, toàn thân là xương trắng hếu, hắn cười mà coi bộ cực kỳ thê thảm.

Lão Thiến khiếp sợ, đạp mạnh chân vào cánh cửa bằng cót ép và tiếng động ấy làm lão tỉnh ngủ, thằng da đen biến mất. Thán bàng hoàng hỏi bố vì hắn cũng vừa tỉnh dậy.

- Thằng Hùng hả bố?

- Hùng nào. Thằng da đen…

- Thằng da đen gì?

- Có lẽ tao mơ. Tao thấy thằng da đen cười tao.

- Bố mơ thấy thằng da đen hả? Mẹ khỉ, tôi cũng vừa mơ thấy. Hãi quá, muốn gọi bố mà không được…

Thán bật đèn. Cả hai cha con đầu trộm đuôi cướp lần đầu tiên khám phá ra rằng có một cái gì bí ẩn vẫn khống chế những giấc mơ con người. Nó khống chế cả tham vọng tiền bạc, cả sự độc ác và ngu muội của con người.

- Thằng đó nói gì với mày không?

- Không, hắn chỉ cười thôi, mà tôi ngửi thấy cả mùi tanh.

- Mày mang nó đi đi. Để ở nhà hãi bỏ mẹ… Đưa tao mấy que hương.

Lão Thiến thắp ba nén nhang, múc một tách nước để lên cái ba lô, lấy ống bơ gạo cắm nén nhang vào, cũng để lên cái ba lô. Cả đời lão không biết khấn ai, nhưng lúc này như có cái gì mạnh khủng khiếp nhập vào người, lão xì xụp trước cái ba lô.

- Ông có khôn có thiêng thì ông ngủ đi, ngày mai thằng con tôi tìm đường cho ông về quê quán. Như vậy thằng con tôi đã làm phúc chứ không phải nó gây tội. Ông về với cha mẹ vợ con, còn hơn là ông nằm lại rừng núi mà không ai tìm thấy ông.

Thằng Thán im lặng nghe cha khấn. Hắn ít tin rằng linh hồn anh lính da đen Tony nào đó lại oán hắn. Hắn cũng có học lên đến lớp bảy. Hắn biết Tony D vì sao bị giết. Ác giả ác báo chứ. Anh ta giết người thì anh ta bị người giết. Anh ta cô đơn lủi thủi ở chốn rừng xanh núi đỏ, hắn có công tìm thấy anh ta và anh ta phải trả tiền cho hắn. Vậy thôi. Nghe nói bên Mỹ người ta sòng phẳng trong mấy vụ tiền bạc lắm.

Lão Thiến khấn xong lại giục con trai đi ngủ. Lão không dám tắt đèn. Lão ngồi chong chong ở cửa chờ sáng. Tuy vậy gần sáng lão lại thiếp đi. Lão nhìn thấy rõ ràng hai bàn chân bằng xương đang dạo quanh người lão và một mùi hôi thối nồng nặc bốc lên, làm lão phát nôn. Sợ hãi quá, lão nhắm nghiền mắt và vẫn nghe tiếng chân khô khốc, như tiếng động của kim khí dạo quanh chỗ lão ngồi. Lão thiếp đi mê mệt cho đến sáng.

Ba ngày thằng Thán đi vắng, lão Thiến không ngủ được vào ban đêm. Lão mơ liên tục. Vẫn là anh lính da đen, lúc thì có da có thịt y như ông Tây đen hàng binh Pháp ngày hòa bình vẫn lái xe ở quê lão. Lúc đó lão còn trẻ. Người lính Pháp có lần dừng xe mời lão hút thuốc lá. Anh lính da đen ngày đó hiền lành là thế mà sao cái ông Tony này lại im lìm bí hiểm. Ông ta giống hệt anh hàng binh Pháp khi xưa, nhưng chả nói năng gì sất. Cứ đứng trong góc phòng nhìn ra. Mỗi lần lão mơ, lão lại ngửi thấy mùi hôi của xương của thịt được đào lên từ mồ mả. Có lúc lão lại thấy trần xì bộ xương trắng hếu đi lách cách trong nhà, bộ xương leo lên giường, lên thành cửa sổ rồi cái mồm xương với hai hốc mắt nhìn lão chằm chằm ghê gớm. Xưa nay lão chưa hề yếu bóng vía, thế mà mấy ngày này lão cứ bủn rủn cả chân tay mỗi khi nghĩ tới giấc ngủ. Ban ngày lão khóa cửa, ra vườn hoa chỗ ngã tư phố, leo lên cái ghế đá còn có cả dấu vết của các cuộc trăng hoa ban đêm, lão ngủ. Ở đấy lão ngủ yên, mặc kệ nắng gió vì xưa nay nắng gió không là quái gì đối với lão. Đến tối lão phải về. Cả đêm lão chong đen dò đài. Lão bắt chước mụ Phàn rắc muối ra cửa sổ, thắp hương cắm ở lối đi. Lão nghe rõ tiếng động của bầy thú ngủ đêm trên sân thượng. Cạnh cái hõm nhà lão là vợ chồng thằng Xét bán thịt chó ngoài chợ. Thằng Xét bỏ con vợ nhà quê, ra đây mở hiệu thịt chó và chiếm được một hõm trên sân thượng này. Hắn kiếm đâu ra được con bò lạc về làm vợ. Nàng người miền trong, da trắng giọng nói ỏn ẻn. Nàng sướng phát điên vì được tắm xà phòng Camay, được mặc xilíp Thái Lan, được xức nước hoa Tàu. Thằng Xét chiều cô vợ mới, chịu khó mua sắm cho nàng để ban đêm nàng ban phát cho hắn cái thứ hạnh phúc của một con cái hùng hổ bên cạnh một con đực cũng dư thừa sức lực vì rượu, vì thịt chó…

Xét sắm cả áo kiểu “ký giả”, quần bò mốc, giày “bít” cho nàng. Và hắn sung sướng khi thấy bất cứ một mốt mới nào xuất hiện trong đám con gái bán thịt ở chợ là vợ hắn cũng có… Mấy đêm nay, tiếng chân đi lại của lão Thiến bên kia cản trở vợ chồng Xét khá nhiều. Nàng nằm im nghe ngóng tiếng động của lão Thiến và ngay đến con hổ cái khi nằm cạnh con đực ban đêm cũng trở nên mềm oặt, nàng nép đầu vào cái nách hôi hám của thằng Xét, thứ mồ hôi của kẻ ăn nhiều thịt chó. Nàng nũng nịu bằng cái giọng miền sơn cước quanh năm gió Lào:

- Em sợ lão Thiến quá!

Thằng Xét xoa đầu vợ y như cái cảnh phòng ngủ hắn vẫn được xem trên tivi. Hắn cũng muốn bắt chước phim ảnh nói một vài lời nịnh vợ, âu yếm vợ nhưng hắn không quen. Hắn ậm à rồi văng ra trong lúc nàng vẫn chờ đợi một lời nói khác.

- Đ. mẹ, “não” điên, chấp “nàm” đ… gì? Quay sang bên “lày”, khiếp, dạo “lày” béo thế, y như con “nợn” cạo “nông”.

Tiếng cười nghèn nghẹt như tiếng chuột cống ăn đêm của vợ chồng Xét lại khiến lão Thiến yên tâm. Lão mở đài, dò đài, thắp đèn sáng trưng và mong cho hết đêm… Một tuần sau thằng Thán hí hửng mang về bọc tiền to. Hắn cười toét cái miệng đầy những răng:

- Trúng đậm!

Hắn mang về một bọc lá chuối tướng đựng đầy lòng lợn, có cả mắm tôm và ba cân bún. Hai bố con lão Thiến làm một lèo hết sạch mớ lòng lợn và ba cân bún. Quanh đi quẩn lại, lão Thiến không nhìn thấy bọc tiền của thằng con đâu:

- Mày nhét nó đâu rồi?

- Ở trong nhà này thôi. Tôi đi vắng một ngày, khi về tôi sẽ chi cho bố năm trăm. Quân tử nhất ngôn.

Thằng Thán đi, ở nhà lão bố không thể ngồi yên. Ba ngày mà lão không ngủ được. Lão lò mò khắp nhà để tìm bọc tiền. Xó xỉnh nhà này có chỗ nào mà lão không mò ra. Lão tìm, lão móc ở tất cả chỗ nào kín nhất mà không thấy. Buổi trưa mệt quá, lão nằm ngay trên sàn nhà, bụng nghĩ xem còn chỗ nào? Lão chỉ cần rút vài con “ngan nằm” trong đống kia, đến mẹ nó cũng không biết được. Nghĩ ngợi, lão thiếp đi và phải bật dậy ngay khi trông thấy bộ xương ngồi chồm hỗm trên kèo nhà. Lão văng tục:

- Đ. mẹ mày, mày đang về quê cha mày, mày còn muốn cái chó gì nữa mà dọa tao?

Bộ xương cứ ngồi như thế, lúc lắc đầu, những khớp xương lỏng lẻo, chuyển động rung leng keng như tiếng nhạc ngựa. Lão Thiến sợ hết hồn.

Lão xua tay xua chân cho nó đừng làm thế nữa nhưng nó càng làm già. Mùi hôi thối khiến lão tắc thở… Lão chống cự với bóng ma trong giấc ngủ chập chờn, đến khi tỉnh dậy, lão cảm thấy mình gầy tọp, chán ăn, người ngợm bải hoải như phải gió.

Ngày hôm sau, lão Thiến lại phải mò ra vườn hoa ngủ. Buổi chiều, thằng Thán về nhà, nó xộc ra vườn hoa kéo cổ bố:

- Về ngay!

Thấy mắt thằng con ngầu đỏ, cái môi nó đen sạm lại một cách dữ tợn, lão Thiến đi theo con. Thằng Thán về nhà trước, và khi bố nó vừa bước qua cái cửa cót ép, nó túm cổ lão Thiến:

- Tiền đâu?

Lão Thiến sửng sốt:

- Sao lại hỏi tao tiền?

- Tiền tôi để dưới cục gạch này, bố đem đâu rồi?

Lão Thiến chỉ biết lắc đầu, lùi xa bàn tay cứng như gọng sắt của thằng con. Lão không nói nên lời. Thằng Thán thấy bố như vậy càng nghi ngờ một cách điên dại.

- Ông nôn ra. Tiền mồ hôi nước mắt của thằng này, ông nuốt không trôi đâu. Ba triệu đồng của tôi, không phải của thiu thối.

- Tao không lấy!

Lão Thiến bắt đầu lắp bắp được.

- Không ông lấy thì chó vào đây à? Nôn ra!

- Tao thề với mày, tao có tìm thật, định rút vài con nhưng không thấy. Tao thề với mày, tao mà nói điêu thì tàu xe chẹt tao nát ra như bụi.

- Ông có mà chết. Ông thề mà chết được thì tôi ăn cứt chó. Nghe thủng chưa? Nôn ra, oẹ ra. Tôi bóp cổ ông lè lưỡi bây giờ!

Và nó xông vào, túm lấy cái cổ có cục hầu to như cục gạch của lão bố. Lão Thiến kêu ặc ặc như một con chó già bị trấn nước.

- Nôn ra. Một mình ông ăn không xuôi đâu. Nôn ra cho tôi đi nộp đề.

- Tao không lấy. Tao thề!

- Thề cái con chó. Nếu ông không lấy thì tự cầm con dao kia rạch mặt ra cho tôi xem, không là tôi bóp cổ ông chết. Dao đây!

Lão Thiến run lập cập. Cầm con dao sắc như nước, lão Thiến nhìn con van nài:

- Tha cho tao, tao không lấy của mày đâu. Con ơi, đời nào bố làm thế? Bố già rồi, bố làm thế phải tội.

- Rạch mặt đi!

- Thôi, đau lắm tao chịu sao được?

- Không rạch thì chặt đi một ngón tay. Làm ngay. Ông có làm thế tôi mới tin, không là tôi bóp cổ chết tươi. Chặt đi!

Thằng Thán xông tới. Cái mặt nó xù ra vì độc ác. Một cách vô thức, tội nghiệp, lão Thiến kê ngón tay lên thành giường, nhìn con. Thằng Thán hét:

- Thề đi, chặt đi, đồ sâu bọ! Chặt ngay không là thụt lưỡi với thằng này.

Con dao giơ lên, phập một tiếng khủng khiếp, một dòng máu trào ra theo ngón tay trỏ bên bàn tay trái của lão rơi xuống sàn. Thằng Thán nhìn cảnh đó, không một chút xúc động. Hắn thấy bố hắn mặt tái mét, miệng lệch sang một bên vì đau đớn. Tất cả điều đó chỉ làm hắn tĩnh trí lại. Hắn bước ra ngoài, còn biết né chân cho khỏi giây vào máu. Hắn bừng bừng ý muốn trả thù đứa nào cướp không của hắn ba triệu. Ngón tay của lão Thiến có lẽ làm nó tin là lão không lấy thật. Nhưng thằng nào, thằng nào vào đây? Biết lấy gì trả nợ? Đối với lão chủ đề này, không trả hắn cho rửa mặt bằng a xít ngay. Mẹ kiếp, thời này đứa nào cùn đứa ấy thắng. Tao trốn! Và trong những bước đi như say, hắn mơ thấy đất thánh Hồng Kông!

Trông thấy thằng Thán xăm xăm bước xuống cầu thang, mụ Phàn muốn cười với hắn mà không dám cười. Cái mặt hắn hãi quá, y như vừa uống máu người. Mụ đi lên sân thượng, định vào nhà thì nghe tiếng rên đau đớn của lão Thiến. Chưa hiểu chuyện gì mụ đã hô hoán.

- Giết người, có người bị giết.

Người ta thấy lão Thiến đang gục đầu xuống miệng ngậm chỗ tay bị thương, máu từ đó nhuộm đỏ cả cằm lão, chảy xuống ngực áo. Cái thân thể to tướng của kẻ tạp ăn và lười nghĩ ngợi, cái thân thể hung dữ của kẻ chỉ chuyên dùng cơ bắp vào mọi chuyện giờ đây rúm ró lại, đến đứa trẻ có con tim độc ác cũng phải mủi lòng. Ngay giây phút ấy lão Thiến hơi mê đi. Lão nhìn thấy trong làn sương mờ mịt ở đâu đó, bộ xương người trắng hếu đang nhìn lão, bộ xương mờ mờ, hơi cử động và giơ bàn tay lên đỉnh đầu. Lão nghĩ là nó gọi, định đi tới nhưng hóa ra không phải, bộ xương đang chào lão. Thậm chí lần này bộ xương còn ré lên cười y như đàn bà. Lão muốn giơ tay chào lại nó nhưng không được, tay lão bị trói chặt…

Lão loáng thoáng nghe tiếng cười.

- Lão tỉnh rồi gọi tắc lô cho lão đi. Đi “tắc lô” cho nó êm.

Một tiếng nói rất tục. Tiếng cười đàn bà lại ré lên. Lão Thiến hiểu ra đó là tiếng cười của mụ Phàn. Và cái đám thú mà lão vẫn chung sống bấy lâu nay trong cùng một cái sân thượng này giờ đây đang là những con người bên cạnh lão. Lão được băng bó, được rửa mặt, được mặc thêm cái áo, được khiêng xuống cầu thang cấp cứu…

Từ đó lão không bao giờ mơ thấy bộ xương và anh lính da đen nữa. Lão đã được yên, ngoại trừ thằng Thán đi biệt tích… Một đêm thằng Xét giục vợ đi ngủ sớm. Hắn ôm cái của mũm mĩm trời cho vào hai cánh tay đồ tể chó, phả hơi rượu vào mặt nàng:

- “Của lỡm” ơi, ngày mai anh sẽ mua cho “làng” một cái áo “nông” cực xịn.

- Của đâu mà xộp thế? -Nàng bắt đầu dùng ngôn ngữ đô thị.

- Bắt được… Mà đừng có bép xép ông xẻo “nưỡi” nghe chưa? Mà sắp tới ông có mua cúp thì cũng phải “lói” tiền riêng của mình, nghe chưa? Không nghe ông “nà” ông xẻo tất… Món chôm được cực to, “ló” mà biết thì tù. Hiểu chưa?

Nàng cười thét lên như bị cắt tiết. Đêm nào nàng cũng có những trận cười như thế. Khắp cái sân thượng đang mờ mịt trong giấc ngủ nặng nề, sau một ngày vật lộn với miếng ăn, chỉ có vợ chồng thằng Xét là ồn ào nhất, thức khuya nhất. Chúng vẫn là con thú ngay cả khi màn đêm khiến cho thú trở thành người. Đêm nay lại oi nồng, trời đang chuyển cơn giông. Lão Thiến lên cơn đau ở ngón tay cụt. Lão ngồi ở cửa sổ nhìn ra, chờ cơn mưa cho vết thương dịu lại. Ngoài kia là đô thị. Nhà nhà xếp chồng lên nhau. Anh lính Tôny D không còn quấy nhiễu lão nữa. Lão lại hài lòng, mãn nguyện, như quan đại thần chính hiệu, chỉ tức những lúc này. Cơn đau khắc khoải, đỏ màu máu, khiến lão chán ngán sự đời… Lão bỗng nghĩ ra, và ngớ cả người ra trước một điều mà lâu nay lão không nghĩ tới: Chính thằng lính da đen kia đã chôm bọc tiền. Mẹ nó, chả thế mà từ hôm chõm được đến nay, không thấy nó xuất hiện nữa! Thằng xỏ lá đến thế là cùng!

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.