17-09-2023
Lượt xem 984
Đánh giá 0 lượt đánh giá
Nhà văn Vũ Đức Nghĩa
Chiều hôm ấy, có một cháu gái chừng mười bốn tuổi đến gõ cửa phòng tôi. Cháu đưa cho tôi chiếc phong thư, dán kỹ, hồ còn ướt, ngoài không đề tên người gửi và người nhận. Nhưng cháu gái cũng bảo: "Cô Hằng nhờ cháu đưa đến chú". Nói rồi cháu chào tôi, vội vã ra về.
Tôi mở phong bì. Lá thư Hằng gửi cho tôi vỏn vẹn có một dòng:
"Em hơi khó ở; rất cần đến anh".
Lúc ấy, tôi không kịp nghĩ rằng, tôi là ai, và đang ở trong một hoàn cảnh thế nào, nếu tôi lui tới với Hằng sao tránh khỏi tiếng đời dị nghị; tôi chỉ biết một đIều: chắc là Hằng có việc gì hệ trọng, đang cần sự giúp đỡ của bạn bè. Chỗ quen biết, Hằng lại đang đơn độc, có chuyện gì... sau này biết thanh minh ra sao. Thế là tôi dẫn xe ra cổng...
Khi tôi đến, cô bé đưa thư lúc nãy tế nhị xin phép ra về. Hằng cám ơn, mắt cô sáng lên một niềm vui nho nhỏ.
Nhìn Hằng, tôi hiểu ngay là cô vừa trải qua một cơn bệnh nặng: chiếc khăn ướt đẫm đắp trên trán; đầu giường, một ly nước chanh, một lọ thuốc đIều hoà nhịp tim, và bát cháo vẫn còn nguyên, nguội ngắt.
Tôi mạo muội cầm tay Hằng xem mạch. Nhịp đập nhanh nhưng da thịt cô mát rượi, chắc là cơn sốt đã đi qua. Và khi ngước nhìn lên, tôi đã bắt gặp một đôi mắt thật khác thường.
- Em bị cảm sốt. Còn thêm cái bệnh suy tim - Hằng khẽ mỉm cười - nụ cười làm cho nước mắt ứa ra.
Từ lúc tôi đến, Hằng vẫn nằm, rõ ràng là cô không muốn ngồi dậy và cũng chẳng làm bộ cần ngồi dậy; cô đang bệnh - đấy là lý do chính đáng. Tôi còn hiểu rằng: Hằng tin tôi, phó thác số phận cho tôi, ít nhất là trong lúc này. Thú thật, dù nhân danh ai, trước một sinh linh vừa mỏng manh, yếu đuối lại vừa tròn trịa... sinh linh ấy đã phát ra tín hiệu "màu xanh" - một tín hiệu không thể không gieo vào lòng gã đàn ông đơn độc như tôi một chút khát khao. Tôi muốn nâng đầu Hằng dậy, ấp vào ngực mình, vỗ về an ủi như một người cha, như một người anh và hình như, có cả tình cảm của một người chồng.
Nhưng, khoảng cách giữa tôi và Hằng đã bị ngăn cách, bởi một bức màn rất mỏng manh mà đầy gai sắc - sắc đến nỗi, nếu đưa tay ra, cả tay và tim tôi đều ứa máu. Tôi hỏi thật lòng:
- Chị có cần điện cho anh ấy về..
Bỗng nhiên cả thân Hằng co rúm lại. Cô đưa cả hai tay để lên ngực, hàm răng cắn chặt lấy vành môi tím ngắt, và lịm đi trong một cơn đau đớn khôn cùng. Khi cơn đau dịu xuống, Hằng nói khẽ:
- Anh hứa với em là đừng bao giờ nhắc đến anh ấy nữa!
Tôi gật đầu và xin lỗi Hằng. Vậy mà lâu nay tôi vẫn cứ tưởng cô vẫn còn tiếc nuối. Tôi hỏi thăm tình trạng sức khỏe hiện tại của Hằng, triệu chứng mấy ngày gần đây... tại sao cô không đi bệnh viện... Hằng trả lời cho có lệ, cô cứ nhìn tôi bằng cái nhìn rất lạ - cái nhìn ấy làm tôi vừa lo lắng lại vừa bối rối. Tôi mơ hồ cảm thấy rằng, lúc này mọi sự an ủi, hỏi han đều trở nên nhạt nhẽo và lố bịch. Nhưng, nếu cứ ngồi yên, còn đáng sợ hơn. Mỗi phút trôi qua, tôi lại thấy có điều gì không ổn. Trong căn phòng chỉ có hai người, im lặng, người ta nghe rõ cả hơi thở của nhau.
Tôi xem mạch cho Hằng một lần nữa và cảm thấy yên tâm.
- Tốt rồi, chị nằm nghỉ, tôi về...
- Tối nay anh đến nhé?
Bất ngờ, đến nỗi trong mấy giây tôi cứ đứng ngây như ngỗng. Trong trường hợp này, dù có liều lĩnh tới đâu, tôi cũng không thể trả lời ngay là sẽ đến hay tìm lời thoái thác. Nhưng khi nhìn gương mặt Hằng, tôi chợt nhớ đến một cô gái sắp chết đuối ở dưới cầu Hoàng Diệu, được người ta vớt lên hồi tháng trước: sợ hãi làm cho da mặt cô tái mét, đôi mắt trẻ thơ của cô cứ mở to, gần như không dám khép, còn đôi tay thì bấu chặt lấy người vừa cứu nạn - cô sợ người ấy bỏ đi. "Không, tôi không có quyền bỏ mặt Hằng lúc này". Ý nghĩ ấy cho tôi sự thanh thản và lòng can đảm.
- Chị nằm nghỉ, tôi sẽ quay trở lại.
Gương mặt xanh xao của Hằng bừng sáng lên một niềm hạnh phúc. Tôi thấy trong đôi mắt cô có cả lòng biết ơn và hy vọng.
Trong đời, tôi đã từng làm được một vài công việc có thể gọi là có ích, nhưng chưa bao giờ tôi có được giây phút sung sướng như lúc ấy: tôi là một nhân vật quan trọng, thực sự cần thiết cho một người, và người ấy là một phụ nữ, đang đợi chờ sự có mặt của tôi.
Ra tới cổng, tôi đã định "thôi, về làm gì cho mệt, sà vào quán, uống một cốc cà phê rồi quay lại với Hằng". Nhưng đi được một quãng tôi lại nghĩ "việc gì mà phải vội, mình cứ về nhà, ăn một chút, uống một chút, tắm rửa sạch sẽ, nghỉ ngơi cho tỉnh táo, rồi hãy đến..."
Tôi đã làm đúng như sắp lịch. Chỉ đến khi nằm lên đi-văng, vắt tay lên trán tôi mới thấy hơi lưỡng lự: sự thăm viếng của tôi - đúng hơn là một cuộc hẹn hò - có cái gì đấy thầm lén và vụng trộm. Tại sao phải thế và việc gì phải thế? Dù tôi có tự trấn an, rằng: tôi chỉ đến thăm Hằng với tư cách bạn bè, thì tại sao tôi lại phải đến vào ban đêm, nhà chỉ có một người, người ấy là đàn bà con gái, và điều kiêng kị: người ấy - hai năm trước đây còn là vợ của bạn tôi.
Hằng nhỏ hơn tôi sáu tuổi, nhưng chồng Hằng lại lớn hơn tôi bốn tuổi, mỗi lần đến chơi, tôi thường gọi họ bằng anh, bằng chị - chị Hằng. Họ đã li dị hơn hai năm nay. Khi ra toà, Hằng được ở lại căn nhà cũ - tài sản phân chia theo luật định.
Còn tôi?
Tôi là một gã đàn ông vừa bước qua cái tuổi bốn mươi, tôi đã từng có vợ nhưng chúng tôi đã lặng lẽ chia tay vài tháng sau ngày cưới - chúng tôi không tìm thấy ở nhau, cái mà mình hy vọng. Tôi sự một cuộc hôn nhân tương tự, và đến nay tôi vẫn sống độc thân. Điều làm tôi lưỡng lự lúc này, khi chuẩn bị đến thăm Hằng, chính là vì: tôi và chồng Hằng trước đây cùng ở một công ty, chúng tôi khá thân nhau. Hiện nay anh được đề bạt lên làm tổng giám đốc công ty, nhưng chúng tôi vẫn thường liên hệ với nhau mỗi tuần vài lần bằng điện thoại. Mới cách đây ba hôm, chúng tôi còn ngồi chung một bàn, trong một bữa tiệc thân mật tại nhà hàng An Lạc. Anh ấy không một lần nhắc đến Hằng, nhưng có lúc anh lại nhìn tôi như dò hỏi điều gì?...
Một lần, một người bạn đã vui vẻ nửa đùa nửa thật:
- Cổng nhà chàng đã thấp thoáng bóng hồng?
Tôi hiểu ý anh bạn, chỉ biết cười trừ.
Anh lại bảo:
- Hãy coi chừng.
Tôi cam đoan với anh là sẽ không có chuyện ảnh hưởng tới "hoà bình thế giới". Anh cười, nhếch một bên mép, rồi đưa hẳn một ngón tay, chỏ vào ngực tôi nói nhỏ: "Đừng quá tự tin, cái thứ dây tơ hồng nhỏ như sợi chỉ, rất mềm, rất giòn, dễ đứt, dễ gãy... Nhưng một khi nó đã buộc vào ai thì đừng mong cựa quậy. Nhiều đôi trai gái tưởng không thể sống với nhau thêm một ngày nào nữa, họ cãi nhau như cơm bữa, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, ghét nhau, thậm chí còn thù nhau... vậy mà gỡ ra không được!"
Lần khác anh lại thân tình nói thẳng: "Có lẽ cậu nên dứt khoát đi là vừa. Thứ nhất - người như cậu ngắm đâu chẳng được vợ. Thứ nhì - cậu với thầy hai lại là chỗ bạn bè. Lỡ có chuyện gì, mang tiếng. Mà thói đời, cậu nên biết..."
Chính lúc ấy.. thằng bé con anh khóc thét lên. Anh quay sang, đã không dỗ mà còn lắc đầu, cười: "Cậu thấy không - con búp bê, tôi mua cho nó hồi năm ngoái, chơi đã chán chê, bẹp dúm bẹp dó vứt vào xó nhà! Vậy mà ai đụng tới hét toáng lên ngay..."
Anh lại lắc đầu: "Người lớn mình nhiều khi cũng thế, cắt rồi, "phăng" rồi, ra toà rồi, nhưng vẫn không muốn cho ai cưu mang, ôm ấp người mà mình đã chia tay...! Cặp ấy không hy vọng là sẽ hàn gắn lại. Nghe nói ông Hai nhà ta cặp với một cô rất trẻ, nhưng hắn vẫn tích cực thu lượm tin tức về cô vợ cũ. Vậy đấy. Thói đời..."
Tôi cứ loanh quanh, lẩn quẩn mãi với những lời khuyên, những thói đời, bạn bè, quen biết, như một mớ bòng bong không có đường ra. Đồng hồ, lúc ấy - hoá ra - là một sinh linh có nghĩa. Nó kêu lên một hồi chuông, và tôi giật mình đứng dậy. Nhưng rồi.. tôi lại băn khoăn "tôi có đủ lý do để đến nhà một người đàn bà đơn chiếc vào mười một giờ khuya? Người ấy hai năm trước đây còn là vợ của bạn tôi!"
Tôi chém tay vào không khí, dứt khoát "tốt nhất là không đến. Sáng mai nói cho Hằng thông cảm".
Nhưng... tôi vẫn không sao yên lòng; tôi bồn chồn, nôn nóng... thấy rõ một người bạn gái đang nằm trơ trọi một mình trong cơn bệnh hoạn, đôi mắt đăm đăm nhìn qua cánh cửa, rồi cũng chính người ấy, mắt ngời lên niềm hạnh phúc, biết ơn và hy vọng khi tôi hứa và khi tôi đến. Giờ này, Hằng đã ngủ hay là vẫn thức?
Tôi mở cửa bước ra sân... trăng rất sáng, nhưng đồng hồ đã chỉ một giờ khuya. Tôi thì thầm hỏi trăng - trăng hững hờ; tôi lồng lộn như một con hổ bị nhốt trong sở thú, đi tới đi lui, căm giận bóng đêm, căm giận thời gian trôi lâu đến thế; sao không sáng nhanh lên để tôi đến với Hằng giữa thanh thiên bạch nhật. Nhưng.. cái chính là tôi hận thói đời - cái thói khắt khe, ích kỷ của người đời - bức tường vô hình và mỏng manh đây gai sắc, có thể làm cho da thịt và trái tim ứa máu, có thể dập tắt cả niềm hy vọng.
Mãi cho đến 5 giờ... vừng đông hửng sáng. Con chim hoạ mi bị nhốt trong lồng ở nhà bên cạnh đã hót lên lảnh lót, tôi mới tự hỏi lòng: suốt đêm qua mi không ngủ được - đơn giản chỉ là vì trách nhiệm đối với bạn bè, tình thương đối với một người trong cơ bệnh hoạn hay là vì (...)?
Tôi bàng hoàng và thú nhận với lòng mình: chính tôi cũng đang có một nhu cầu - nhu cầu có Hằng bên cạnh. Hình như tôi đã yêu Hằng, không phải mới chiều hôm qua, hôm kia mà đã từ lâu lắm! Nếu điều ấy đã được sắp đặt và thuộc về số phận thì tại sao tôi lại cứ phải lẩn tránh, liệu tôi có thể lẩn tránh được không? Thật đáng tiếc. Lẽ ra, tôi phải đến với Hằng từ hôm qua, 8 giờ, 9 giờ, hay 12 giờ khuya - bất cứ giờ nào. Dù sao, lúc này cũng chưa phải là đã muộn. Chắc Hằng sẽ tha thứ cho tôi...!
Quả là chưa muộn, Hằng vẫn đợi tôi.
Cửa nhà khép hờ, tôi đẩy nhẹ bước vào. Hình như cô đang ngủ. Hằng mặc chiếc áo dài màu hoàng yến, quần xoa trắng. Bóng đèn 75 wát soi rõ trên gương mặt vừa được trang điểm một làn phấn mỏng, phớt hồng. Tôi thật là một người hạnh phúc. Rõ ràng, Hằng làm đẹp là để dành cho tôi và để đón tôi. Tôi rón rén đi lại nơi Hằng nằm, cúi xuống khẽ đặt lên môi cô một nụ hôn. hai hàng mi khép hờ rồi động đậy, rồi từ từ mở ra một chút. Tôi giật mình, hoảng sợ: đôi mắt vô hồn, không còn sự sống. Khi định thần, tôi ôm choàng lấy em. Toàn thân Hằng lạnh ngắt. Suýt nữa thì tôi la lên, kêu trời... nguyền rủa sự bất công của đấng cao xanh. Nhưng cô bé nhà bên đã chạy sang, cô vừa đưa tay dụi mắt vừa vui vẻ nói:
- Tối hôm qua cô Hằng thức đến 12 giờ đợi chú. Cô ấy đau nhiều, nhưng hễ có tiếng chó sủa ngoài cổng là cô ấy hết ngay. Cô bảo: "Chắc là chú Hưng đang đến". Gần 1 giờ cô ấy nhờ cháu tìm giùm hộp kem trang điểm và mảnh giấy - chắc là cô ấy làm thơ; Thơ cô Hằng hay lắm, cô ấy đã làm được cả một tập thơ..."
Bấy giờ tôi mới để ý, dưới chiếc gối nơi Hằng nằm có một phong thư dán kỹ - thư đề gửi tên tôi, cây bút bi rơi ra bên cạnh.
Đau buồn, ân hận, làm cho lòng tôi tê dại. Tôi chỉ còn biết ôm chặt lấy em, truyền cho em hơi ấm và cầu xin em tha thứ cho tôi. Lúc ấy, cháu gái đã hiểu chuyện gì đã xảy ra, nó vật vã, giãy giụa như chính mẹ cháu vừa đột ngột qua đời.
° ° °
Tiết thanh minh năm nay cũng là lần thứ ba tôi đi tảo mộ cho Hằng. Cỏ đã lên xanh và tôi cũng bước vào tuổi bốn lăm - cái tuổi thường có những lo lắng bâng quơ, dễ buồn, dễ tủi. Tôi cũng chợt nhận ra: cô độc thật là khủng khiếp. Đôi lúc tôi đã nghĩ đến chuyện phải tìm một người bạn gái để nương tựa nhau lúc tuổi già. Nhưng, cứ vào những lúc ấy, tôi lại lấy lá thư của Hằng ra đọc. Tôi đọc thư này không biết là lần thứ mấy mươi, đến thuộc lòng từng câu từng chữ. Và, mỗi lần như vậy, tôi lại nhủ lòng "Thôi, hãy khoan", và tôi nấn ná một thời gian nữa.
"Anh quý yêu!
Em đã thức suốt đêm để đợi anh - đợi anh trong nỗi khắc khoải và đau đớn. Hồi hộp giày vò em, còn đau đớn hành hạ em. 8 giờ, 9 giờ, 10 giờ rồi 12 giờ! Em vẫn còn hy vọng. Em cho anh bao nhiêu là giải thiết: chắc nhà có khách nên anh chưa đi được; có thể anh lỡ uống rượu say; xe hư hỏng... Nhưng đoạn đường từ đấy sang đây đi bộ cũng chỉ 20 phút. Lẽ nào?!
Cuối cùng thì em tìm ra lời giải đáp: "Chắc là anh sợ người đời dị nghị". Đến lúc này em mới chịu thừa nhận rằng: anh không đến! Buồn quá. Nhưng, cũng chính lúc này em vô cùng tỉnh táo. Tạo hóa thật nhân từ. Người ban cho ta những phút tỉnh táo hiếm hoi khi cận kề cái chết để ta được sống thật với mình, để ăn năn, sám hối và để yêu thương cho trọn vẹn. Chỉ tiếc là trước đó người đã bắt em phải chấp nhận một thử thách quá đớn đau, khắc nghiệt: Người đã gán ghép em với một con người mà em không yêu rồi lại đưa một con người đến cho em yêu thương kính trọng (em yêu một người mà cứ phải ăn, ở với một người). Cũng lạ: hai người đàn ông khác hẳn nhau mà lại là bạn của nhau. Nhiều lúc em nghĩ, có thể đấy là luật bù trừ. Nhưng em vẫn ước ao - ước ao sự giàu có của anh mà chồng em không có. Trong khi vật chất, tiền của, anh ta thừa mứa. Anh ấy chỉ biết hưởng thụ mà chẳng biết nâng niu và yêu thương bất cứ thứ gì; tẻ nhạt và tàn nhẫn; anh ấy kiếm tiền dễ quá (?). Những đồng tiền mà mỗi khi em cầm lại cảm thấy lo âu. Có lẽ bệnh tim của em phát sinh từ đấy. Em đã trút bỏ được những lo âu triền miên và em được tự do. Nhưng tự do cũng chưa cho em hạnh phúc. Bởi vì, em còn một nỗi khát khao, và nỗi khát khao cũng thật éo le: chỉ vì một lý do đơn giản, đó là: Người em yêu, đã từng là bạn của người vừa bước chân ra khỏi trái tim em. Bức rào cản ấy rất mong manh, nhưng trong một chừng mực nào đó về quan niệm, anh khó mà vượt qua - dù là anh - sau cuộc bể dâu em đã chọn: con người vị tha, nhân ái. Em cảm nhận, ở bên anh sẽ hạnh phúc nhường nào.
Em còn biết, trong truyền thuyết và trong lịch sử, đã từng có những người đàn ông vì tự ái, vì danh dự (?), họ thà để tuột khỏi tay người mình yêu dấu để bảo toàn tình bạn. Trong những trường hợp ấy, đàn bà chúng em thường được đặt lên bàn để làm vật hy sinh!
Anh quý yêu, anh có tin rằng có một thứ bệnh nan y mà chỉ cần chữa bằng tình yêu của con người; và cũng chính tình yêu đã từng là độc dược giết chết con người nhanh hơn cả bệnh nan y.
Hàng mấy tiếng đồng hồ em phải đấu tranh quyết liệt, để giằng co không cho tim ngừng đập, và cũng mấy lần nó đã co thắt lại, từ chối không nhận máu từ tĩnh mạch chảy về. Nhưng cứ nghĩ là anh đang đến (vì thi thoảng lại có tiếng chó sủa dậy lên ngoài ngõ, rồi lại một cơn gió làm cho đám lá khô xào xạc). Thế là đau đớn dịu đi.
Mãi đến khi đồng hồ chỉ 12 giờ thì em hiểu rằng: "Anh không đến!". Bỗng nhiên em hoàn toàn tỉnh táo như chưa bao giờ đau ốm - linh cảm báo cho em biết: đây là ân huệ cuối cùng của tạo hoá, và em đã cầm bút viết những dòng tâm sự cùng anh.
Vừa có một con dơi hoặc một cái gì đại loại là như vậy, lướt qua cửa sổ! Có lẽ sắp đến giờ em phải "đi" rồi!
Cho em xin một lời nhắn nhủ: nếu có những người phụ nữ chờ đợi anh - như em đã từng chờ đợi - thì anh đừng lỡ hẹn nhé... anh yêu!
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com