chan_dung-ke_si

ANH ĐỎ PHỤ - Truyện ngắn Hồ Dzếnh

12-12-2023

Lượt xem 1050

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Hồ Dzếnh

ANH ĐỎ PHỤ - Truyện ngắn Hồ Dzếnh

Nhà văn Hồ Dzếnh (1916-1991) và cháu nội năm 1985 

Chân Dung Kẻ Sĩ:  Nhà văn Hồ Dzếnh sinh tại Quảng Trường, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Cha ông người gốc Quảng Đông sang sinh sống tại Việt Nam từ khoảng 1890, sau đó lấy bà Đặng Thị Văn người Việt, quê ở bến Ghép cùng huyện.

Ông học trung học, dạy tư, làm thơ, viết báo từ năm 1931 tại Hà Nội, sau đó vào Sài Gòn làm báo, sau lại ra Hà Nội tiếp tục viết lách. Nhà văn Hồ Dzếnh được biết nhiều nhất qua tập thơ Quê ngoại với giọng thơ nhẹ nhàng mang dư vị thơ cổ Trung Hoa. Ông cũng viết văn và có nhiều sáng tác hay, tiêu biểu là tập truyện ngắn Chân trời cũ viết năm 1942, Thạch Lam đề tựa. 

Nhà văn Hồ Dzếnh là hội viên Hội nhà văn Việt Nam từ ngày đầu Hội thành lập năm 1957. Năm 2007, ông được Nhà nước trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật với các tác phẩm: tập truyện ngắn Chân trời cũ và các tập thơ: Quê ngoạiHoa xuân đất ViệtHồ Dzếnh tác phẩm chọn lọc.

 

Đã lâu, lâu lắm rồi, người dân xã Hòa Trường không ai còn nghe nói đến tăm hơi anh đỏ Phụ Ở đâu nữa. Nhiều người đồn rằng anh đã chết bên Tân thế giới. Riêng tôi, tôi không sao quên được anh, mà không quên được anh, có nghĩa là anh vẫn sống, ít nhất là trong ký ức tôi.

Mãi đến năm hơn ba mươi tuổi, anh đỏ Phụ mới đến làm rể mẹ tôi để chờ ngày cưới chị Yên về làm vợ. Đó là một anh chàng rụt rè, nhút nhát, đối với nhà vợ rất nể sợ, nhưng lại tỏ ra hết sức tháo vát trong mọi công việc. Lui tới nhà tôi trong hơn hai năm, anh giữ gìn từng cử chỉ, lời nói, ngay cả việc giáp mặt chị Yên, anh cũng cố tránh để khỏi mang tiếng là suồng sã. Mẹ tôi thương anh vì anh nết na, cần cù, giao cho việc gì cũng làm đến nơi, đến chốn. Mẹ tôi thường nói:

- Thằng Phụ nó nghèo nhưng là cái nghèo thanh bạch. Ông Biếm lại là ông đồ nho hay chữ nhất xã.

ông Biếm là bố anh đỏ Phụ. Vác lều chõng đi thi hỏng tú tài, thất thế, ông quay về làng mở lớp dạy học. Cái thuở "chi, hồ, giả, dã" nhanh chóng qua đi, học trò ông Biếm sớm đổi ngọn bút lông sang ngòi bút sắt. Trong đám môn sinh thưa vắng dần, chỉ còn một người theo học, ngoan ngoãn nằm rạp trên chiếc chiếu, mài mực, chép bài. Người đó là anh đỏ Phụ, vừa là con, vừa là môn đệ của thầy.

Rồi anh Phụ cũng thôi học nốt. Vốn liếng chữ nghĩa bố ban cho, anh Phụ chỉ còn giữ lại được mươi trang luận ngữ và anh chuyển sang đọc chữ Nôm, dựa vào cuốn Kim Vân Kiều truyện khắc gỗ, in chân phương trên nền giấy bản:

Trăm năm trong cõi người ta,

Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau.

Tiếng anh đỏ Phụ ngâm Kiều nghe buồn như tiếng xẻ gỗ vào những chiều nắng tà hiu hắt. Và cái nghèo, cái đói cũng len lỏi vào ba gian nhà lá thừa tự, làm hốc hác thêm nét mặt người bố và làm rạn dần hai bộ quần áo may bằng vải trúc bâu, lâu ngày sợi đã bở, của hai bố con ông Biếm.

Hồi gia đình tôi mới đến "ngụ cư" ở xã Hòa Trường này, ba tôi tìm tới kết thân với ông Biếm. Ông là người được xóm làng vị nể, họ bên ngoại ông lại trùng với họ chúng tôi. Theo một tập tục đã có từ nhiều đời, ba tôi, mỗi khi đến ngụ cư ở đâu, thường vẫn tìm những người "đồng tính", hoặc "đồng tuế", "đồng hương" để kết nghĩa. Hơn nữa, ông Biếm lại am hiểu Hán học, nên qua những câu chuyện trao đổi, ông trở thành người bạn tâm đắc với ba tôi. Mỗi lần sang nhà ông chơi, ba tôi đều dắt tôi đi theo. Đó cũng chính là đầu mối thân quen đưa đẩy anh đỏ Phụ trở thành người con rể trong gia đình chúng tôi

Còn chị Yên, chị gái nuôi, thì mẹ tôi đặt đâu chị ngồi đó, tuổi chị cũng xấp xỉ tuổi anh Phụ, và cũng ước mong kín đáo một tấm chồng chân chỉ như anh.

Thấy anh đỏ Phụ lần nào đến với chúng tôi cũng chỉ với cái áo cánh nâu, chiếc quần nâu, tôi hiểu ngay rằng anh chỉ có độc một bộ như thế mà khi về nhà anh cởi ngay ra, để mặc vào chiếc quần vá, hoặc đóng một cái khố nâu. Ở quê tôi ngày xưa, đàn ông nghèo đóng khố ra đường là chuyện thường thấy. Một lần, tôi bảo nhỏ anh Phụ:

- Anh em còn mấy bộ quần áo đấy. Hay là em lấy đưa anh mặc tạm nhé?

Tức thì anh Phụ rối rít xua tay, mặt ửng đỏ:

- Chết! Ai lại làm thế. Mẹ biết, mẹ cười cho!

ý anh Phụ muốn nói:

-... Chị Yên biết, chị Yên cười cho.

Nhưng anh không dám nhắc đến hai tiếng "chị Yên".

Đã là người thân của anh Phụ, tôi hay sang nhà anh chơi. Nhà anh ngăn nắp nhưng có vẻ trống trải, mái lá, vách đất, sân bằng đất nện, nửa sào vườn trồng mấy hàng cây cam, cây bưởi, vài thân cau. Từ ngõ chạy vào là hai hàng rào râm bụt cắt tỉa gọn gàng. Những ngày hè oi ả, sang nhà anh chơi, tôi có cái cảm giác như được hưởng những làn gió mát rợi, làn gió thường ngày vẫn lay động nhẹ nhàng chiếc quần vải trúc bâu phơi trên dây thừng, cái quần độc nhất ông Biếm đợi khô để nương nhẹ mặc vào, mỗi khi có việc ra đường hay đi ăn cỗ. Ông Biếm sống bằng nghề viết câu đối và tính hộ ngày giờ hung cát cho những đôi lứa thành thân.

Vốn liếng hàng năm của gia đình ông là hai mùa trẩy quả vườn đem ra chợ bán, chắt chiu để dành trong cái tráp gỗ sơn đen. Từ ngày được nhận làm thông gia với nhà tôi, ông Biếm mỗi năm ba bốn lần biện một món lễ sang sêu tết, có khi là mâm xôi, con gà, có khi là mấy gói chè hương, khay ngũ quả. Tôi còn nhỏ, nhưng cũng hiểu ra rằng, để sắm được một món lễ cho ra lễ như thế, ông Biếm và anh Phụ đã phải bóp bụng, bớt ăn trong nhiều ngày.

Hơn hai năm qua đi. Sắp đến ngày mãn tang ba tôi. Sắp đến ngày anh Phụ bỏ miếng trầu ăn hỏi, và thế là niềm mong ước bao lâu nay của ông Biếm đã có cơ thành sự thật. Lấy anh đỏ Phụ, chị Yên không phải sống xa nhà, chị có nhiều dịp tạt về thăm chúng tôi, cũng như tôi, bất cứ lúc nào, cũng có thể dễ dàng đến với chị. Cái hạnh phúc nhỏ bé của lòng tôi sao mà náo nức, thiết tha và gần gũi đến thế!

Chị Yên! Nếu đời chị đừng gặp một tai họa éo le, nếu chị cứ là chị Yên ước mong thầm kín một người chồng hiền lành như anh Phụ, thì đâu đến nỗi chị phải xa lìa tôi, lẩn tránh mọi người, và tôi đâu có phải viết ra câu chuyện tình đau xót hôm nay!

Cả anh Phụ nữa, sao cái bóng dáng hiền lành của anh lúc này không còn thấp thoáng hiện ra qua hàng rào cây ruối nữa, cái bóng dáng cố làm ra thản nhiên, nhưng kỳ thực là bối rối, xao xuyến, mỗi lần anh đến nhà tôi?

Chỉ còn một tháng nữa, ba mươi ngày nữa, một tuần trăng nữa, là anh đỏ Phụ sẽ đem lễ sang nhà tôi xin cưới chị Yên! Đột nhiên, như một cơn gió độc, người cậu họ tôi, không rõ từ đâu, sà xuống mái nhà chúng tôi, ở lì làm một vị khách báo hại. Những cái gì xấu xa, bỉ ổi xảy đến với người con gái đang khấp khởi tin vui, người con gái đau khổ, tôi đã có dịp viết hết ra trong truyện "Chị Yên".

Anh Phụ không biết gì hết.

Mọi người trong nhà tôi không ai biết gì hết.

Chỉ có hai người biết: cậu tôi - tên tội phạm - và tôi. Nhưng cậu tôi đã bỏ nhà tôi, trốn biệt. Tôi ở lại, nhưng tôi lại phải ngậm miệng, giấu tận đáy lòng một sự thật tàn nhẫn mà nếu hở ra, tôi chắc sẽ làm cho đời anh đỏ Phụ tan nát. Thà cứ để anh ấy không biết gì cả, cứ để anh ngờ vực, phỏng đoán, kín đáo dò hỏi xung quanh. Rồi không dằn lòng được mãi, một hôm anh kéo tôi lại sát gần, hỏi rất nhỏ:

- Nói thật cho anh biết đi em. Tại sao chị Yên lại bỏ nhà ra đi? Ai đánh chị hay đuổi chị?

Tôi trả lời mà đôi mắt cay xè, nóng bỏng:

- Em không biết. Em không biết thật mà. Chắc là... chắc là chị ấy bị mẹ mìn dỗ đi không chừng. Giá như mọi lần, nghe tôi nói như thế, anh Phụ đã cười. Nhưng lần này anh không còn có thể cười được nữa. Mặt anh đanh lại. Tiếng anh nói, tôi nghe thều thào, không thật, tiếng nói như rơi vào một khoảng trống rỗng mơ hồ:

- Lạ thật em nhỉ? Sao chị Yên lại bỏ nhà ra đi?

Rồi anh nằm vật xuống giường, một tay vắt lên trán, thở dài. Đó là một dáng nằm chán chường, tuyệt vọng. Tại sao tôi không nói thẳng cho anh biết rằng chị Yên của tôi, người vợ sắp cưới của anh, đã bị một tên khốn nạn làm nhục? Tại sao? Tôi chỉ còn biết trả lời cho chính tôi nghe mà thôi.

Từ hôm chị Yên bỏ nhà ra đi, việc làm đầu tiên của mẹ tôi là sang xin lỗi ông Biếm và xin trả của lại cho ông. Mẹ tôi tính nhẩm lại những món lễ ông mang sang biếu nhà tôi, hết bao nhiêu, để mẹ tôi đáp lại bằng số tiền rộng rãi gấp bội.

Nhưng ông Biếm một mực từ chối. Đôi mắt ông vốn đã buồn, lúc này càng buồn hơn. Ông vẫn mặc bộ quần áo vải trúc bâu đã sờn để tiếp chuyện mẹ tôi, bộ cánh ngày nào ông mặc vào những lần sang sêu tết. Tôi nhận thấy ông già đi nhiều, đôi gò má nhô lên và nước da khô héo. Giọng ông run run, chậm rãi:

- Bà cũng như tôi, có ai muốn chuyện xảy ra như thế này đâu. Chỉ thương thằng Phụ nhà tôi, hơn ba chục tuổi đầu rồi mà vẫn còn chịu cảnh hẩm hiu. Chỗ đi lại thân tình từ ngày còn ông cụ, xin bà chước cho món tiền trả của.

Nói xong, ông lim dim mắt nhìn ra ngoài vườn đầy nắng gió. Vẫn là thứ gió hiền hòa, nhẹ nhàng phe phẩy ngọn cau, giậu hoa râm bụt, thứ gió đã đón tôi ngày nào tôi sang chơi với anh đỏ Phụ.

Không trả được của cho ông Biếm, mẹ tôi tính sang một chuyện khác, hy vọng có thể làm nguôi ngoai được nỗi lòng anh Phụ. Dạo đó, mẹ tôi quen biết một nhà thuyền chuyên đến khắp nẻo bến chợ, buôn bán, đổi chác các mặt hàng. Chủ thuyền là một bà trước đây ở thị xã, có một cô gái lớn chưa chồng. Họ cần một tay chèo lái. Dịp may hiếm có, mẹ tôi giới thiệu anh đỏ Phụ. Thoạt đầu, anh không bằng lòng. Mẹ tôi cố nói vào để anh xiêu lòng dần:

- Anh chịu khó xuống thuyền với họ. Họ là những người làm ăn thật thà, may ra anh cũng có phận nhờ. Con Yên nó không lấy được anh là một thiệt thòi cho nó lắm. Anh phải thương lấy ông cụ, thương lấy anh.

Mẹ tôi đã tính toán và xếp đặt rất khéo. Anh đỏ Phụ đến sống trong khoang thuyền chật hẹp, làm sao khỏi có những "ra đụng vào chạm" với cô gái con bà chủ? Trước lạ, sau quen, huống hồ anh Phụ lại là người cần cù, chịu thương, chịu khó, thì sớm hay muộn, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén.

Cuộc đời sông nước của người con trai xã Hòa Trường bắt đầu từ đó. Đã nhiều canh gà lạ eo óc trên những bến sông xa. Đã nhiều lần sao hôm, sao mai thay nhau hiện ra rồi lịm tắt. Nhưng hình bóng anh đỏ Phụ vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức tôi, thấp thoáng bên kia hàng rào cây ruối, mỗi lần anh đến nhà tôi. Cũng như còn nguyên vẹn cái vẻ hớt hải của chị Yên, khi chị nắm chặt cánh tay tôi lần chót, rồi vội vã bỏ ra đi vào một buổi sáng còn chưa rõ mặt người.

Chị Yên! Chị đi đâu đấy? Tại sao tôi không đủ can đảm nói thật tất cả cho anh đỏ Phụ biết? Tôi không dám nói ra vì đó là sự thật! "Có những sự thật không nên nói ra", ai đã viết nên câu chân lý đó?

Tôi mong cho con thuyền đưa anh Phụ trên các triền sông được thuận buồm, xuôi gió, cuộc đời anh được bình an ghé lại một bờ bến yêu thương. Mẹ tôi có lần vui vẻ nói với chúng tôi:

- Thằng cha đỏ Phụ tưởng không gặp may, thế mà lại hóa ra tốt số. Thôi thì cũng mừng cho nó. Nhưng mẹ tôi mừng hơi vội, vì một hôm, bất ngờ, anh đỏ Phụ đã trở lại. Anh không còn là anh đỏ Phụ ngày nào nữa. Nước da anh đã sạm nắng gió. Anh gầy đi trông thấy, đôi mắt đăm chiêu mỏi mệt. Chỉ khác trước đây là anh đã có thêm bộ quần áo bằng vải thô nhuộm mầu chàm xanh lơ như mầu sông nước.

Anh trở về, nhưng không còn ghé lại nhà chúng tôi như bao nhiêu lần trước nữa. Trong ba gian nhà lá thừa tự, bên cạnh người bố già, anh sống lùi lũi như một chiếc bóng cô đơn. Đã tắt hẳn cái giọng kể chuyện Kiều kéo dài và buồn man mác. Ngay cả tôi là người anh vẫn từng tỏ ra trìu mến, anh cũng tìm cách lánh mặt, hôm tôi đến gặp anh, trước khi lên đường ra thị xã học tiếp. Tuy anh không hé môi nói vì sao anh bỏ mẹ con bà chủ thuyền để trở về với cái xã Hòa Trường heo hút này, nhưng chúng tôi đều biết rằng, một lần nữa, đời anh lại "đứt gánh". Con thuyền buôn ghé lại ăn hàng trên các bến sông, đã thay chủ, và người chủ thuê mướn anh cũng đã thay lòng. Không còn chuyện "lửa gần rơm" như hôm nào mẹ tôi từng mong ước cho anh đỏ Phụ, cho chú rể hờ.

° ° °

Tôi ra tỉnh vừa học, vừa làm "gia sư" cho một nhà hàng cơm sát ngay ga xe lửa thị xã. Tại đây, có nhiều toán người thay nhau đến ăn cơm và ngủ trọ. Hầu như ngày nào cũng diễn ra những quang cảnh lạ lùng: những đợt mộ phu đi đất đỏ cao su và sang Tân thế giới. Những tên cai mộ phu lỳ lợm, mặt cắt không ra một giọt máu, mở túi bạc trả tiền mua người theo một giá ấn định, sau khi đã cầm từng ngón tay bắt lăn và điểm chỉ lên tờ giấy cam đoan đóng sẵn con dấu nhà thầu: mười đồng một đầu phu sang Tân thế giới và năm đồng đến đất đỏ Nam Kỳ. Chỉ sau một cử chỉ khô, gọn là nhận số tiền định mạng, con người chợt thấy hoang mang, nghe như có nhát dao nào cắt đứt lìa mình khỏi cuộc đời quen thuộc, khỏi thân thích, quê hương.

Một hôm, đang đứng chứng kiến cảnh đau lòng kia, tôi bỗng giật mình nghe có tiếng ai gọi:

- Cậu! Cậu út!

Tôi đưa mắt tìm: anh đỏ Phụ! Bên cạnh anh là người chị gái nghe tin em đi phu, nên vội ra thị xã tiễn chân. Tôi chạy lại với anh. Anh vẫn mặc bộ quần áo xanh lơ màu sông nước, chỉ khác là phía trên ngực, vừa đính thêm một mảnh vải trắng mang hàng chữ số phu phen! Tôi nghẹn ngào hỏi anh:

- Anh đi đâu đấy anh Phụ? Sao anh lại ở đây?

Anh đưa ống tay áo lên gạt nước mắt, trả lời tôi:

- Tôi đi phu Tân Thế Giới cậu ạ. Ra đây tìm mãi không được việc làm. Thôi thì cũng liều một chuyến, có người, có ta, lo gì!

Từ phút gặp lại nhau, anh đỏ Phụ và tôi không lúc nào còn muốn rời nhau ra nữa. Cả hai chúng tôi cùng nằm chờ tàu ngoài sân ga, suốt một đêm dài. Chúng tôi yên lặng nhiều hơn là nói chuyện, những câu chuyện ngày xưa vô cùng, vô tận, nhưng lại đứt đoạn, rời rạc, vì tâm trạng chúng tôi đang ở vào một cực độ hoang mang. Cũng như tôi, anh Phụ tránh không nhắc đến tên chị Yên, tuy anh có hỏi thăm mẹ tôi.

Đêm đó, tôi mong cho con tàu đừng đến, mong anh Phụ đổi ý, trở về. Nhưng tất cả chỉ là ước mơ hờ hão. Anh đỏ Phụ đã lăn tay, đã điểm chỉ rồi. Anh đã dúi vào bàn tay người chị gái tờ giấy bạc con công năm đồng, nửa số tiền bán đời mình để gửi về phụng dưỡng bố.

Và con tàu đang lù lù tiến đến, sau một hồi còi thét lên, xé ruột. Anh đỏ Phụ đứng bật dậy. Tôi ôm ghì lấy anh, khóc nức nở. Một bàn tay chắc nịch kéo tôi ra, ấn anh Phụ và toán phu vào trong cái toa sắt đen ngòm, cái toa thường ngày vẫn dùng chở súc vật, khóa lại.

Khi đoàn tàu lừ lừ chuyển bánh, từ giữa đám người còn hoang mang, ngơ ngác, chị gái anh đỏ Phụ vụt lao ra, đâm bổ chạy theo tàu, chạy theo em, chạy thật nhanh, gào khóc, vẫy gọi, như muốn giằng lại khối thép, cho đến khi đứt hơi, chị nằm ngã vật xuống bên đường.

Con tàu mở hết tốc lực, phun khói mịt mù.

Từ phút đó, không bao giờ tôi còn gặp lại anh đỏ Phụ nữa.

 

Cùng tác giả:

CHỊ YÊN - Truyện ngắn Hồ Dzếnh

 

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.