chan_dung-ke_si

TRO TÀN RỰC RỠ - Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư

28-09-2023

Lượt xem 2216

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Nguyễn Ngọc Tư

TRO TÀN RỰC RỠ - Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Lúc đó nửa đêm rồi, lửa cao ngọn lắm. Cao hơn đọt dừa. Tàn đóm tán loạn mỗi khi gió thổi qua quăng quật đống lửa. Mấy cây trúc ven vách chịu nóng không nổi, vặn xoắn lại trước khi nổ như pháo chuột. Lần này nhà không lợp ngói nên không nghe ngói nổ, lửa cháy coi bộ êm đềm. Không giống như cây rơm trước sân cháy bạo phát bạo tàn, nhà của Tam và Nhàn cháy rất lâu, ánh sáng của nó rọi xa đến tận từng nóc nhà của xóm Thơm Rơm.

“Cô lại bỏ chị em con Tí để chạy lại đó? Đã nói rồi, hay ho gì mà nửa đêm lặn lội…”, chồng càu nhàu trong tiếng võng đưa kèn kẹt. Em ấn mạnh thớt gỗ trên vào trái chuối, hai bả vai ê ẩm. Hôm nay chắc lại mưa chiều, mớ chuối ép phơi không đặng nắng, thâm xịt lại dưới bóng mây cụm ba cụm bảy. Mùi mật chuối đặc sệt trong sân, đầu mũi em như ướt đẫm đường.

- Ông Tam đốt nhà phải đến năm lần rồi – Em nhẩm tính bằng mấy ngón tay đen kịt mủ chuối.

- Thì lần nào cũng như lần nấy, mắc gì phải coi.

Không phải, chồng chưa từng nhìn thấy một đám cháy nào nên chẳng biết mỗi đống lửa mang một mùi khác nhau. Mùi những con mối cánh bén lửa, mùi lá mục, hay mùi nhựa khét xộc ra từ tấm bạt xóc nóc nhà và những sợi dây câu. Em phân biệt được đám cháy nào có mùi những con chuột bị nướng trui trên mái ngói, hay những cái trứng kiến quá lửa, đám cháy nào lẫn khuất mùi cơm sôi do Nhàn đang bắc nồi cơm lên bếp thì đằng trước Tam rê quẹt gas vào mái lá… Em có thể nhớ mồn một những lần nhà Nhàn cháy, nhớ bao lâu thì đám cháy rụi đi. Và tàn tro của chúng cũng khác nhau, ít dần ít dần, có khi gom lại không đầy hai thúng. Đám cháy đầu, nhà Nhàn còn trơ được bộ cột cái cháy xém và những mảnh ngói vỡ ám khói. Ngôi nhà tương đối khang trang đó, là quà ra riêng hai bên sui gia góp lại. Sau này, lửa nhấm nháp đến trơ ra nền đất rám mặt, vì nhà của vợ chồng Nhàn ngày càng tạm bợ. Nhàn cười, nói với em, “trước sau gì anh Tam cũng đốt, làm tử tế chi uổng công. Tụi này cũng đâu có khá giả gì”. Và cái tối vừa rồi, thứ dào dạt tan đi trong lửa, chỉ là cái chòi cột cặm, không hơn.

- Nhưng nó cháy lâu lắm, lâu nhất từ trước tới giờ.

Em nói, khi hai bả vai đau nhừ nhẫm lại gồng lên lần nữa. Trái chuối bẹt ra như một bàn tay xòe. Nghe cái mùi tóc hơi tanh cá và khét nắng của chồng phảng phất ở lưng. Mai chồng đi, mùi ấy còn vướng vất lại trên võng đến cả tuần, hành hạ em tới ổ.

Em thường kể lại mấy vụ cháy Tam gây ra, vì chồng không bao giờ chạy đến đó, kể cả lúc ghe biển vào bờ và chồng về thăm nhà. Tỉnh rụi và dửng dưng, như vợ chồng Nhàn chưa bao giờ là xóm giềng, bè bạn. Dù vậy, em lại nghĩ là chồng muốn biết chuyện Nhàn làm gì sau mỗi bận nhà cửa hóa tro than.

- Chị Nhàn không khóc đâu, tỉnh bơ luôn…

Bới tàn tích ra chỉ mấy cái nồi cà ràng còn nguyên vẹn, chị đi dài xóm xin gạo, mót mớ củi ngoài sân nấu cơm. Ăn cái đã, rồi sống tiếp. Tam không bao giờ ăn cùng, anh không đói. No nê thỏa thuê, bụng căng đầy lửa, anh ngủ đến cả ngày sau. Nằm vạ vật bất cứ chỗ nào.

Nhàn không bao giờ xin gạo ở nhà em, nhưng có lần hỏi mua ít lá dừa nước. Em bảo tụi mình với nhau mà bán chác gì, em cho, có mấy cây so đũa bên hè, chị đốn luôn đi. Nhàn nhặt nhạnh, kết lại cái tổ đủ hai vợ chồng chị chui ra chui vào. Nhìn chị kéo mớ lá về, đuôi lá quét lên cỏ một vệt ướt đẫm, em không làm sao nhịn được việc nghĩ đến kết cuộc của chúng: một đống tro than. Ý nghĩ ấy nếu biến thành lời người ta sẽ cho em là đứa ăn nói xui xẻo, trù ếm. Nhưng ở cái xóm Thơm Rơm này, ai mà không biết Tam say xỉn suốt ngày, và những lúc ấy anh ta hay lên cơn tủi thân. Chỉ vì Nhàn mệt quá ngủ quên không ngồi chờ bên cửa, chỉ vì con chó hàng xóm sủa dữ quá, và Tam nghĩ “nó khinh ta”, hay vì cái rễ cây me tây gồ lên khỏi mặt đường làm anh ta vấp té.

- Phải khóc được thì tôi đâu có đốt nhà. Tam phân trần, mặt hiền queo xẻn lẻn.

Má Tam bảo Nhàn bỏ thằng trời đánh phứt cho rồi. Bây muốn ở vậy thì ở với má, bằng không lấy chồng khác má cũng cúng heo ăn mừng. Chị kêu trời đất, con mà bỏ ai cất nhà cho ảnh đốt, lỡ đốt nhà hàng xóm, kỳ lắm. Bà già đó thở hắt ra, điệu bộ của ông thầy lang đứng trước con bệnh không thuốc chữa, sau khi dỗ dành chúng tôi đã cố gắng hết sức. Từ phát hiện ra chồng có thể tủi thân chỉ vì cọng cỏ, ngọn gió chướng, tiếng chim kêu nước… Nhàn mang gởi những thứ chị nghĩ là cần thiết, để lúc lửa bén nóc nhà chị chỉ cần vơ lấy cái kẹp tóc, rồi lách mình khỏi đám cháy sắp bùng lên, chị kiếm một chỗ ngồi nhìn Tam.

Nhưng trong mắt Tam chỉ có đám cháy rực rỡ. Không có Nhàn. Như mọi đàn ông ở cái xó quê này, họ thường không còn nhìn thấy vợ mình chỉ sau đám cưới vài ba tháng, nhiều lắm là vài ba năm. Có khi đứng, khi quỳ, giữ một khoảng cách vừa phải với lửa, Tam say đắm, tê mê ngắm chúng cho đến khi những cái lưỡi đỏ khát thèm liếm láp đến mẫu gỗ cuối cùng. Vẻ mặt rạo rực đó là của một con người khác, không còn là thằng Tam nghèo, chịu nhiều mất mát. Xóm giềng hồi đầu còn xúm lại tát nước cứu nhà, rồi thấy thằng chồng say sưa đứng ngó mái lá bị lửa ăn rào rào, và con vợ thì đắm đuối nhìn chồng, cả hai không có vẻ gì xa xót. Bà con nản, “thôi kệ cha cái tụi mắc đằng dưới, nghèo mạt rệp không lo, đốt nhà coi chơi là sao là sao là sao?”

Em cũng đến đám cháy như một người coi hát. Vở tuồng của những con người đổ nát. Hồi con Tí còn nhỏ, em bồng nó theo, rồi kệ nó ngủ trên tay, em ở đó cho đến khi lửa rụi tàn. Thứ ánh sáng lộng lẫy đó xáo động em đến cả mấy tháng sau. Em thấy mình chính là Nhàn kia, một con đàn bà thèm khát được chồng nhìn thấy.

Em, chồng và Tam, Nhàn cưới nhau cùng năm. Tam và Nhàn cưới trước, hai bảy tháng hai. Em nhớ vì đêm hai sáu đi đám đãi bạn ở nhà Nhàn về, em và chồng (lúc ấy chưa gọi là chồng) cùng say, ngọn đuốc trên tay anh lắc lư trên con đường xóm. Rồi tự dưng anh dừng lại, nhìn em mê dại. Cái nhìn ngây ngất và bừng cháy ngay cả khi anh quăng con cúi xuống sông. Tàn đóm lịm trong làn nước tối thẫm. Một cách dứt khoát, anh vùi em vào trong một đống rơm, vùi vào giữa hai đùi em cơn cơn nóng hổi.

Năm đó em mười bảy tuổi, bốn tháng sau mới biết mình đang mang bầu. Suốt từ cái đêm nằm trên rơm đến khi bụng em phình ra không cứu vãn được, anh không gặp em. Anh ngoắc tàu đò ra cửa Gành Hào đi bạn cho ghe biển. Chán ruộng đồng rồi, ra chơi với biển, anh bảo vậy. Chắc nụi, như một lời thề. Như một cuộc trốn chạy. Một bữa má anh nhắn tàu đò kêu thằng con về gấp. Về cưới vợ. Bụng con nhỏ chang bang rồi. Chắc anh mất nhiều thời gian mới nhớ ra con nhỏ mà má nói là em, nhớ ra một đêm tối trời, say, đuốc chìm trên mặt nước, và mấy cọng rơm cứ cọ vào bẹn nhột ran.

Đám cưới rước dâu bằng cửa sau, em lủn tủn tròn quay với cái bụng đội áo. Cái khác biệt duy nhất mà đám cưới mang lại là em chuyển sang nhà chồng sống, phụ mẹ chồng ép chuối phơi khô, bán cho thương lái. Chồng lại đi biển. Em nối xứ Thơm Rơm vào chồng bằng những câu chuyện kể, lúc hết con nước, chồng về. Ờ, cái hôm em sanh con Tí, trăng sáng lắm, nằm trên xuồng ra trạm xá, em cứ nghĩ chắc là đẻ trên xuồng. Con nhỏ thiệt lì, láu ăn nữa, đem ra là mút tay chóc chóc. Em lo là mẹ lẫn, hôm rồi lấy dầu lửa nhỏ mắt, gần đui. Chị Nhàn sinh đứa thứ hai hơi khó, em bé chết lưu. Em đi thăm thấy chị cứ nằm co, kệ sữa ướt đầm đìa áo. Ông Tam dạo này hay nhậu.

Em kể và kể, vờ như bâng quơ, chuyện nọ xọ chuyện kia, như nhớ gì nói nấy. Như không phải em ấp ủ từng đêm trên cái giường trống hoác, những gì nên kể, những gì mà em nghĩ chồng muốn biết nhất. Chúng làm chồng muốn về nhà, để nghe. Cũng vài ba lần em hy vọng một vài câu chuyện nào đấy sẽ làm chồng nhìn em ngây say như tối ấy, cái nhìn mà vì nó em đã không kêu khi lưng trần chìm lút trong tấm thảm rơm. Cả khi anh nấc lên và đổ sụp xuống da thịt nhễ nhại của em mấy tiếng Nhàn, Nhàn ơi. Em không kêu, chỉ tự gỡ mấy cọng rơm trên tóc, tự cài cúc áo, và lẳng lặng về. Ngồi đòng đưa trên cây khế mỗi khi thấy thèm chua, em nhấm nháp cái ánh mắt nóng rực kia, dù biết vốn cũng không phải vì mình và cho mình. Nhưng có sao đâu, đêm đó bóng em in mắt anh, trọn vẹn. Ý nghĩ đó làm em không khóc cả khi ba em bắt nằm dài ra bộ ngựa đánh bằng bất cứ gì ông vớ được trong tay. Lúc ấy bụng đội lên làm người em không làm sao sát ván, đầu và chân như hai phía của bập bênh, nhừ nhẫm vì roi vọt.

Nhưng cái nhìn đó không bao giờ em còn thấy lại. Cả khi em nói anh ơi con Tí lại có em rồi, đạp mạnh lắm, chắc con trai. Mắt chồng vẫn tối, lạnh, sâu. Sau mỗi chuyến đi biển chồng về, tiếng võng lại nghiến mòn đêm. Cho nhà có tiếng người, cho nó giống một gia đình đúng nghĩa, tiếng đàn bà nói rốp rẻn, đàn ông khạc nhổ và trẻ con cười, em lại kể chuyện, mong lấp đầy khoảng lặng. Má sưng phổi vừa nằm ở nhà thương huyện cả tuần. Cô giáo chọn con Tí đi thi viết chữ đẹp cấp xã. Thằng Lanh thì mọc được sáu cái răng. Hôm chị Nhàn vớt con Hoa dưới mé kinh lên, ông Tam đang gặt. Nghe người ta kêu, ông chạy về đánh Nhàn lăn ra đất, đạp túi bụi vào bụng chị, xong cứ ôm xác con không chịu buông.

Có hồi em thấy tuyệt vọng, đó là lúc em không biết nói gì lúc chồng về nằm cuộn trên võng như chui vào kén. Tẻ nhạt hết sức nói cái xóm Thơm Rơm này, nơi những người đàn ông ngập trong rượu và mối lo thất mùa rớt giá, con cái ốm đau; nơi những người đàn bà suốt ngày cắm mặt vá víu những chỗ rách trong nhà. Chị Nhàn ít ra đường, em không thể tả cho chồng nghe giờ chị ốm hay đen, ăn mặc như xưa hay rách rưới, vẫn cười hay khóe miệng đìu hiu.

Rồi Tam gây ra đám cháy đầu tiên. Người ta vẫn nhắc về nó như một sự kiện lớn của xóm Thơm Rơm, ngay cả khi chiến tranh cũng không thấy cháy lớn như vậy. Cháy trụi. Không còn gì. Những đám cháy sau này không gây ấn tượng sâu sắc cho họ nữa, nhàm rồi. Ngọn lửa chỉ khuấy đảo cái đời sống bình lặng và tù đọng của họ được một lần đó thôi. Chỉ mỗi em quan tâm, mỗi em biết không đám cháy nào giống hệt đám cháy nào.

Chị Nhàn đi đâu thấy có cái cây nào cặm cột được đều vác về quăng xuống ao ngâm, biết thể nào cũng xài tới. Những chi tiết này, chắc em đã kể nhiều lần, cái khó nhất là giữ vẻ bình thản. Ông Tam vẫn thường lang thang ngoài đường lúc nửa đêm, lè nhè chửi rủa chiếc xuồng vuột dây trôi mất, chửi đom đóm, chửi rạ rơm vướng chân.

- Nhưng sau lần cháy này, ông Tam sẽ không đốt nhà nữa.

Em cố giấu nỗi tiếc nuối với cái ý nghĩ, từ giờ mình chẳng còn vụ nhà cháy để kể. Điều đó có nghĩa chồng không về nữa, biết đâu. Ngồi kỳ cọ bàn tay đầy sẹo, trong nỗi đau đớn và nhẹ nhõm, trong cái trưa Thơm Rơm thẳng căng vắng rợn, trong tiếng đập cánh của những con ong vàng sà xuống hút mật chuối đang tươm ra, với cảm giác cắt nhát kéo vào sợi dây diều, em nói với người đàn ông cuộn trong kén chi tiết cuối cùng,

- Nhàn đã không chạy ra khỏi đống lửa như mọi khi, anh à! Không biết chị thấy mệt rồi hay vì nghĩ chỉ ở giữa đám cháy Tam mới nhìn thấy chị.

Cùng tác giả:

CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.