chan_dung-ke_si

TIẾNG ĐÀN - Truyện ngắn Hoàng Đạo

30-08-2023

Lượt xem 1316

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Truyện ngắn hay Hoàng Đạo

TIẾNG ĐÀN - Truyện ngắn Hoàng Đạo

Nhà văn Hoàng Đạo

Chân Dung Kẻ Sĩ: Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long) cùng với Thạch Lam là hai người em của nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam). Với chủ trương chống Pháp và lật đổ triều đình Huế. Ông tham gia viết cho tờ Phong Hóa của anh trai Nhất Linh. Năm 1936, tờ Phong Hóa bị thực dân Pháp đóng cửa do Hoàng Đạo viết bài đả kích Tổng đốc Hà Đông Hà Trọng Phu. Đến năm 1940, Hoàng Đạo, Khái Hưng và Nguyễn Gia Trí bị thực dân Pháp bắt đày lên Sơn La.

Truyện ngắn Tiếng Đàn sau đây rút từ tập truyện cùng tên của nhà văn Hoàng Đạo xuất bản năm 1941.

 

Xuân không nhớ vì lẽ gì rằm tháng giêng năm ấy Xuân lại vào Huế. Song những cảm giác mênh mông lạnh lẽo đã kích thích tâm hồn Xuân hôm đó. Xuân không bao giờ có thể quên được. Cứ mỗi buổi chiều, lúc sương lam lặng lẽ trùm lên ngọn tre, lòng Xuân lại rung động, da thịt Xuân lại cảm xúc tất cả nỗi buồn trụy lạc tiết phát ở tòa Thành Cổ ủ rũ bên bờ sông Hương.

Chiều hôm ấy Xuân yên lặng ngồi trong khoang thuyền, một chiếc thuyền dài, đi êm như lướt trên mặt sông lặng. Mặt trời đã lặn; đằng xa, về phương Tây, sau rặng thông in hình mờ mờ trên đỉnh núi Ngự Bình như mấy nét chấm phá trong bức tranh thủy mặc Tầu, da trời nhuộm màu xanh non. Gần hơn, những đám cây đã bắt đầu đen sẫm in bóng xuống mặt nước xám, nặng nề chảy. Cảnh vật im lìm như đợi rơi vào đêm tối. Riêng Lương, bạn Xuân, đương ngả nghiêng trên mạn thuyền, hai tay nhét túi quần, cười cười nói nói hỏi chuyện cô lái đò. Câu chuyện có lẽ đằm thắm lý thú lắm, vì chốc chốc hai người lại nhìn nhau rồi cùng bật lên một chuỗi cười giòn rơi vào sự yên tĩnh, vang ra trên mặt sông rồi lẩn vào bóng tối.

Lương bỗng quay lại phía Xuân:

- Nhà thi sĩ ngồi nghĩ gì đấy mà trông bí mật như cặp mắt cô gái Huế vậy? Ra đây mà nghe chuyện mặn mà của cô lái, rồi cô sẽ ca cho một vài bài.

Xuân ngạc nhiên:

- Ồ! Thế ra cô lái cũng biết ca, quý hóa nhỉ!

Cô lái lấy tay che miệng, khúc khích:

- Chúng em có biết ca gì mộ Mấy thầy có muốn nghe, em cho đi kêu chị Huyền của em, thì mấy thầy dầu khó tính thế mô cũng phải vừa lòng.

- Thế thì còn gì hay bằng nữa.

Cô lái bèn đẩy thuyền vào bờ. Xuân nhìn cái thân hình mềm mại lộ sau bộ quần áo mỏng, gió thổi bạt cả về một phía, trong lòng bỗng rạo rực một ý nghĩ thèm muốn. Ngay lúc ấy, cô gái quay lại nhìn Xuân, lẳng lơ mỉm cười. Xuân rùng mình, cảm thấy hết cả sự trụy lạc của một gái giang hồ dử khách, và không ngăn nổi một tính tình khinh miệt nó khiến chàng lạnh lùng quay nhìn nơi khác.

Lúc đó, thuyền đã ghé sát vào bờ. Cô lái cắm mạnh chiếc sào xuống nước, và một đứa bé ở trong khoang chui ra vịn thềm gạch leo lên đường, nhanh nhẹn lách qua một cái giậu thưa rồi đi khuất sau đám cây. Trong lúc nhá nhem, Xuân thấy thoáng qua trong trí cái ý nghĩ lạ lùng là đương sống một đời mơ màng, không rõ là thực hay chỉ là hư mộng. Những thân cây lớn đứng lặng yên bên bờ sông, Xuân trông như phủ một lượt nhung đen in trên một nền màu xám thẫm. Con sông Hương loáng đen, từng chỗ lấp lánh những làn sóng rung động ánh những ngọn đèn xa mới thắp.

Cô lái đò tình tứ rời chiếc sào chui vào khoang thắp đèn. Dưới ánh lửa, khuôn mặt mũm mĩm của cô ửng hồng. Xuân nhận thấy đôi mắt dài và ướt, cặp môi thắm như vết máu và cái cổ tròn và xinh. Như đoán biết Xuân đương tò mò nhìn, cô lái quay lại mỉm cười, lên tiếng nhẹ nhàng:

- Mời ông vào xơi tạm vài điếu thuốc.

- Vâng.

Lương nhanh nhảu vừa cười vừa trả lời thay bạn. Chàng cúi mình chui vào trong khoang, ngả đầu xuống chiếc gối rua trắng, nhìn chung quanh mình một lượt, rồi nức nở khen:

- Ở đây êm ấm nhỉ. Y như một cái ổ uyên ương. Mà sạch sẽ làm sao, tôi có lời mừng cô lái.

- Dạ, thầy dạy quá.

- Không, không quá một tí nào. Với một cô lái xinh đẹp thế kia, thì có gì là quá đáng được!

Cô lái sung sướng, nói lảng:

- Ông tiêm lấy nhé.

- ấy chết, ai lại thế. Cô làm ơn cho.

- Em vụng lắm ạ.

- Ở tay cô thì vụng thế nào cũng là ngon.

Câu chuyện quanh quẩn ở một nơi. Câu nói bông đùa của bạn, dáng điệu kiểu cách của cô gái giang hồ, Xuân thấy nhỏ nhen, nhơ nhớp cả nền nên thơ của đêm tối. Xuân không hiểu vì đâu hôm nay chàng có những tư tưởng hắc ám, Xuân đổ lỗi cho cái tính ương gàn của mình, cái tính phân tách từng cử chỉ, hay đặt một ý tưởng sau giọng nói, dáng ngồi của người, và cố nhìn cảnh vật bằng con mắt lạc quan, cố tìm vẻ có duyên của cô lái và tính tình vui vẻ của bạn, chàng bỗng rời bỏ mui thuyền để vào trong khoang. Nhưng lúc chàng dịch lại gần bàn đèn, chàng thấy chập chờn trong trí cái tư tưởng so sánh thân mình với một con thiêu thân bay đến ngọn lửa sáng...

- Mời ông ngồi sát vào đây.

Cô gái vừa nói vừa dịch lại gần Xuân, ngồi sát vào người chàng.

Một mùi thơm rẻ tiền ở người cô thoát ra chẹn lấy cổ họng Xuân.

Lương ranh mãnh nhìn hai người, cợt nhả:

- Mới quen hơi mà đã thân mật nhỉ.

Cô lái chữa thẹn:

- Ai thân mật?

Cô vừa nói vừa mỉm cười liếc Xuân. Nhưng Xuân đương mơ màng nhìn ra ngoài. Một thứ ánh sáng huyền ảo làm mờ mấy ngôi sao lấp lánh trên ngọn cây. Ngọn gió mát nhẹ nhàng lại. Trăng lên.

Xuân nghe rõ ở bên thuyền có tiếng rì rầm. Chàng nhô đầu ra thì vừa một người con gái bước xuống thuyền, im như cái bóng.

- Chị Huyền đấy à?

- Phải.

- Mời chị vào trong này.

Lương ngồi nhỏm dậy giương mắt nhìn. Huyền dỏng dỏng cao, người hơi gầy một chút, vẻ kín đáo tệ, trái ngược hẳn với cô lái.

Đôi con mắt sắc mơ màng đắm đuối như đương theo đuổi những hình ảnh trong mộng, không đoái nhìn đến cảnh vật chung quanh.

Huyền khép nép ngồi xuống mái thuyền thu áo lại, rồi lạnh lùng nhìn vào quãng không, trong khi người kép nắn lại cung đàn. Ai nấy đều im bặt. Nụ cười ở trên môi cô lái không nở ra được to.

Ai nấy như bị đè nén bởi một bầu không khí huyền bí, sắp gợi ra một việc gì lạ lùng.

Thế rồi trong sự yên lặng, tiếng đàn độc huyền bắt đầu réo rắt. Tiếng trong như ngọc, âm lên trong đêm thanh, lan ra ngoài hòa với ánh trăng. Rồi như hoàng oanh đua hót, Huyền bỗng cất tiếng hát hòa theo một tiếng đàn khác, trầm hơn, réo rắt hơn, giàu tình cảm hơn. Xuân cảm thấy trong lòng một cảm tưởng ngạc nhiên như đứng trước bức tranh tuyệt tác hay đọc một câu thơ bất hủ... Cái cảm tưởng ngạc nhiên ấy hết, nhường chỗ cho sự êm ái của tâm hồn. Những tiếng bổng, trầm quấn lấy tâm hồn Xuân, đem đi một nơi nhẹ nhàng, thinh không. Toàn thân Xuân khi ấy chỉ còn là thính giác, rung động theo tiếng đàn giọng ngân. Muốn cho thoải mái, chàng ngả lưng xuống ván thuyền, nhìn ánh trăng trôi theo dòng nước. Chiếc thuyền lặng lẽ trôi, chốc chốc mái chèo nhẹ nhấc lên, đem theo những giọt trăng ấy là sự đọng lại của tiếng hát trong vắt lẩn trong cung đàn. Tiếng hát vang ra khắp không trung, cảnh vật, tan ra trong khoảng sông rộng, sáng như tấm gương, ngừng lại trong những đám cây tối hai bên bờ: có khi bay cao lên trên ngọn đồi xa, rồi như theo gió đưa mãi lên, quyến luyến lấy đám mây tơ dệt đen trên nền trời xanh sáng, chập chờn trước mảnh trăng trong. Xuân khinh khoái để tiếng đàn đưa đến những cảm giác mê man, những cảm giác trong suốt và lạnh lẽo như bóng trăng dưới nước, và đè trên tất cả những cảm giác ấy, một thứ buồn mênh mang, không bờ bến.

Hết điệu Nam bằng đến Nam ai. Tiếng độc huyền càng réo rắt. Nỗi buồn Xuân cảm thấy mỗi lúc mỗi lớn, tràn ngập hết cả tâm hồn.

Chàng cảm như nghe thấy cung đàn đã từ đời thuở nào, ở một tiền kiếp xa xăm. Chàng vẫn không biết có cảm giác nào in sâu vào trí nhớ hơn là thính giác. Một giọng hát, một điệu đàn đã làm rung động lòng ta trong một giây, một khắc, có thể làm sống lại cả một quãng đời tình cảm và phủ lên trên một màn sương buồn nhẹ nhàng như nhớ tiếc những sự mong manh đã mất. Nhưng Xuân không ngờ tiếng đàn đêm nay lại gợi trong trí chàng những thời đã tiêu diệt.

Xuân rùng mình nhắm mắt lại. Trong hai dãy cây đen im lặng soi bóng xuống gương sông, chàng thoáng nhìn thấy nhấp nhô những hình kỳ dị trên một tòa Thành Cổ, kiến trúc của người Chàm. Tiếng đàn độc huyền vẫn vang lên theo điệu hát, một điệu hát đều đều như tiếng than của một thiếu phụ nhớ người yêu, thỉnh thoảng một tiếng vuốt cao lên nghe như một tiếng nấc trong. Huyền nét mặt vẫn lạnh lùng, nhưng Xuân ngạc nhiên nhìn y phục nàng, một thứ y phục sặc sỡ. Hai cánh tay nàng để trần, Xuân trông thấy tròn và trắng, đặt khoan thai lên trên cái xiêm thêu. Chàng thấy hiện ra trước mắt cảnh nước Chiêm Thành mới bị diệt vong và chàng tự nhiên yên chí rằng Huyền là một cô công chúa Chàm bị người Nam đắc thắng ép ra ngồi hầu rượu và ca những bài hát họ chưa hề nghe. Công chúa lạnh lùng như Huyền bây giờ, nhưng trong lòng tê tái những nỗi tủi nhục chua cay, oán hờn, nhớ thương, cất lên những tiếng ai oán não nùng như tiếng khóc. Quân sĩ người Nam ngông nghênh tự đắc, nghe giọng than buồn thảm đều ngơ ngác, vừa đê mê vừa kính cẩn trước điệu ca cuối cùng. Tâm hồn họ lỗ mãng và chất phác, họ càng cảm một cách sâu xa thấm thía, trong cái cảnh trí hư thực của một đêm trăng, nỗi buồn man mác ẩn trong tiếng ngọc trong và êm. Xuân thầm nghĩ trong đám lỗ mãng chất phác ấy, có một người tâm hồn thi sĩ và người ấy, có lẽ là ông cha mấy mươi đời Xuân, nên Xuân đêm nay, trong cảnh này, rung động tâm linh đến cực điểm, đến sự đau đớn.

Nhưng, dẫu đê mê kính cẩn, dẫu linh hồn thi sĩ, người chất phác kia sau khi khóc với tiếng đàn than dài cả công chúa, đã đem cái thân yếu ớt mềm mại kia làm cuộc vui chốc lát. Xuân thấy máu bồng bột trong huyết quản, như tiếng vang xa xôi của máu người thiên cổ đương ao ước được thỏa mãn cái mộng tưởng xưa.

Xuân bỗng giật mình, Lương rón rén đến bên chàng thì thầm:

- Xuân trông mà xem.

Xuân còn ngơ ngác, Lương đã đưa mắt bảo khẽ:

- Huyền ấy mà. Trông như pho tượng vậy. Không có chút tinh thần nào, không mảy may cảm động, lạ thật. Ca những tiếng réo rắt như thế mà mặt vẫn điềm nhiên lạnh lùng như không, thì thật là một sự quái gở.

Xuân mỉm cười mơ màng:

- Thì vẫn. Huyền có là người nữa đâu, Huyền là một nữ thần, nữ thần của thi ca và âm nhạc. Mà nữ thần, thì còn cảm động làm sao được.

Lương cả cười như được nghe một câu khôi hài. Tiếng cười giòn giã vang lên, lấn át tiếng hát và phá tan cái không khí du dương, mơ mộng, như câu trả lời của sự thực hiện có cho quá khứ hư ảo. Huyền dừng hát, rồi xin nghỉ.

Ngọn đèn thuốc phiện khêu cao, Lương ung dung tiêm thuốc mời Huyền hút, Xuân hết đỗi ngạc nhiên lúc thấy Huyền nhận lời, ngả người sát vào người chàng, gối đầu lên vai chàng, tóc xõa cả lên mặt chàng. Nhưng lúc ấy chàng không thấy trong mạch máu bồng bột khí phách của kẻ thắng trận nữa; chàng chỉ thấy trong lòng tê tái như kẻ bị thua vì chàng chợt nhận ra Huyền là người cùng nước, và tiếng ca ban nãy là tiếng than của thời đại chàng đương sống. Một nỗi buồn nản mênh mông tràn ngập vào tâm hồn Xuân như nước triều trên bãi biển xa vắng. Xuân lắng tai nghe tiếng sóng vỗ róc rách bên mạn thuyền, chàng tưởng là dư âm của điêu tàn đã hết, thì thầm than thở những nỗi nhớ nhung vẩn vơ, Xuân cảm thấy bao nhiêu nghị lực rớt lại trong người chàng đều tiêu tan trong tiếng sóng vỗ. ảnh hưởng của điệu ca vong quốc hun đúc lên bởi cái hoàn cảnh ủy mị, hay là trong người chàng đã mang sẵn dây đàn buồn sẽ gẩy đã rung thành tiếng? Xuân không chìm đắm trong sự phân giải đau đớn, chỉ cố xuất tàn lực để thoát khỏi cái khối nặng đương đè nén linh hồn. Xuân phải dùng hết can đảm mới nâng được đầu Huyền đặt lên gối, vùng trở dậy chui ra mũi thuyền. Lương ngạc nhiên nhìn theo, thấy Xuân đứng thở mạnh, và cất tiếng hát nghêu ngao...

Sáng hôm sau, tinh sương, Xuân đã từ biệt bạn lên đường, Lương giữ thế nào cũng không được. Xuân đứng trên xe lửa, lặng nhìn hoàng thành lui dần về phương xa, như chìm đắm vào một nơi hoang mang đầy những sự sa ngã, đầy nỗi buồn thảm của sự diệt vong. Xuân sung sướng đón lấy ngọn gió mát mà chàng coi như hơi thở của một sự sống bình dị.

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.