19-05-2023
Lượt xem 1522
Đánh giá 1 lượt đánh giá
Lê Minh Khuê Bây giờ người ta thấy bà rờ rẫm đi trong vườn. Vườn vắng tay người chăm sóc nên cây cối cằn cỗi. Chỉ còn mấy cây chè cổ thụ im lìm đương đầu với sương gió. Lá chè càng già càng đậm nước. Bà cụ hái chè bằng những ngón tay thoăn thoắt như thời con gái. Lá chè từng nắm được bỏ vào cái túi vải đeo bên sườn. Tập đứng ở hiên nhà nhìn mẹ già. Thấy mẹ hái chè, anh yên tâm. Như vậy cụ đã hoàn toàn thư thái sau ngày đưa được hài cốt anh Thắng trở về. Mắt mẹ đã lòa, vì khóc nhiều. Vì mất ngủ. Vì bồn chồn đau xót. "Mấy đứa đi cùng thằng Thắng đã về cả. Xã xây mộ rồi!". "Mẹ cứ để thư thư cho chúng con có thời gian!". "Mẹ không biết lý do gì hết. Cứ đưa được nó về cho mẹ". Tập phát cáu: "Mẹ cứ làm như chúng con không cố gắng". Bà cụ òa khóc. Khóc nhiều, thức đêm nhiều, mắt mờ dần. Ðưa lên bệnh viện thành phố, các bác sĩ mổ hai lần. Về nhà bà cụ vẫn khóc đêm đêm. Có lúc bà ra vườn đứng nói chuyện với cây chè trước kia Thắng trồng: "Bao giờ thì về, hả con?". Mắt cụ mổ lần thứ ba thì tìm được hài cốt Thắng. Cụ không còn nhìn rõ. Cụ ngồi xuống ôm thân thể Thắng bọc trong lá cờ, nhẹ nhàng, cụ như lay gọi: "Thắng đây hả con? Thôi được rồi. Về với mẹ!". Cụ rạng rỡ cười nói. Ði hái chè cho ông lão mời bạn cựu binh quanh xóm. "Thằng Thắng nó về với tôi rồi!". Cụ lần mò ra chợ mua rau mua mắm, giúp đứa con dâu vợ thằng út. Con dâu đi làm trên phố, tối về leo lên giường mẹ chồng, cho hai chân vào lòng để mẹ ủ ấm. "Con đọc Kiều cho mẹ nghe nào". Ðọc được vài câu, nó buông sách ngủ liền. Cụ vuốt tóc đứa con dâu bé bỏng, mồ côi cha mẹ, về làm dâu xem bố mẹ chồng như cha mẹ ruột. Chồng nó đi học tận Sài Gòn, tết mới về. Nhà bên kia vợ chồng thằng Tập đang quát tháo thằng con nhỏ nghịch như giặc, hôm nào cũng thượng cả bùn vào chăn. Ông lão đi đánh cờ với mấy bạn già. Trời mưa nhè nhẹ. Căn nhà ấm như có lò sưởi, vì giấc ngủ đứa con dâu sâu thẳm. Thằng Thắng đã về đây. Nằm ngoài nghĩa trang của xã. Cụ thở một hơi dài như trút tất cả nhọc nhằn về phía sau. Mọi chuyện thế là ổn rồi Thắng ạ! * Ông Tú vốn quê gốc ở vùng La Khê. Cụ tổ ba đời của ông có công với triều đình, là quốc sư, thầy dạy ấu chúa. Khi cụ về già, triều đình phái cụ vào vùng núi Nưa xứ Thanh khai khẩn đất đai, lập ấp gom dân. Ông Tú sinh ra ở vùng núi Nưa, ra đất Thăng Long học rồi xin về làng bốc thuốc dạy học. Một lần ra Kinh Bắc thăm thầy học cũ, là ông Nghè Me nổi tiếng hay chữ một vùng, ông Tú được thầy cho về thăm nhà. Mến đức độ của người học trò cũ, ông Nghè Me gọi con gái đến chào ông Tú. Ông Tú thấy quyến luyến ngay cái áo tứ thân của con gái ông Nghè làng Me. Biết là theo ông Tú về Thanh để làm lẽ, con gái ông Nghè làng Me cũng chẳng quản gì. Chẳng quản cả đường xa, phong thổ khác lạ. Về Thanh, bà vẫn mặc cái váy dài chấm gót của xứ Kinh Bắc, chẳng lạ lùng nhiều giữa những người đàn bà xứ Thanh nóng cũng như lạnh, váy ngắn trên đầu gối. Khi sinh cô Tuy, con gái thứ hai, bà Tú Thanh mới thầy mình hoàn toàn là người của vùng núi Nưa. Bà lo quản cả gia đình lớn để ông Tú chuyên tâm dạy học, bốc thuốc. Cô Tuy xinh đẹp như mẹ, hiền lành như cục đất, chỉ được học dăm ba chữ trong bếp. Con gái không được đi học. Nếp nhà nho ở gia đình ông Tú nặng nề hơn ở đâu hết. Thay hết răng sữa, bà Tú bắt con gái nhuộm răng. Khi cô Tuy 13 tuổi, ông Tú Thanh nhớ lời hứa với người họ xa ở La Khê cách đây 10 năm, là sẽ cho con gái về làm bạn với con trai nhà ấy, khi cô đến tuổi cập kê. Cô Tuy òa lên khóc khi nghe tin mình phải đi lấy chồng. Mười ba tuổi ăn chưa no, lo chưa đến, bà Tú đã tập cho con gái đội khăn, kéo được đuôi khăn qua vành khăn ở mang tai. Ðoàn rước dâu đi xe lửa từ Hà Nội vào Thanh. Chú rể bé tí mặc áo the, khăn xếp ngượng ngùng bước lên thềm làm lễ gia tiên. Dạo ấy xứ Bắc rét cắt da. Cô Tuy run rẩy đưa bàn tay bé nhỏ cho người anh ruột nắm. Cô muốn nép vào anh, muốn anh đưa về với mẹ. Ðêm đầu tiên ở nhà chồng, cô ngủ chung giường với người chị chồng, tấm tức khóc suốt đêm. Chú rể mười lăm tuổi, xanh xao, siêu thuốc sôi trên hỏa lò suốt ngày đêm. Cô Tuy rụt rè bưng thuốc đến cho chồng "Thưa anh...!". Bà Tú Thanh đã dặn cô xưng hô lễ phép với chồng... Bà mẹ chồng có nghề buôn vải ở chợ Hà Ðông, khi ở chợ về thường mua cho cô con dâu tấm mía, gói bỏng. Bà thương cả hai đứa, con trai ốm yếu quanh năm, con dâu còn bé. Dù sao thì cũng là người trong họ, không phải là con dâu thì cũng hàng cháu chắt. Bà cho cô Tuy ra chợ giúp việc. Chữ nghĩa của cô chỉ đủ ghi chép biên nhận hàng mua vào, hàng bán ra. Năm đó hàng ấn Ðộ, hàng Ba Tư được người ta ưa chuộng, lãi hơn hàng nội. Bà sắm cho con dâu cái vòng cổ, đôi khuyên. Ðã quen với nếp nhà, cô Tuy bắt đầu phổng phao. Hai má đỏ hồng và cánh tay trắng trẻo ưa nhìn. Cô lớn lên bao nhiêu, chú bé chồng cô càng ốm yếu. Chú có bệnh lao phổi, lấy vợ, không được ngủ chung giường. Bà mẹ chồng giữ lời hứa với bà thông gia, đợi cô Tuy đến mười bảy tuổi mới cho động phòng. Bà cũng giữ cả cho đứa con trai bệnh tật của mình. Năm 16 tuổi, bà cho cô Tuy gánh hàng riêng để gây vốn, và để quen dần việc kinh doanh độc lập. Cô Tuy thật thà, bán hàng có duyên, lại xinh xắn ưa nhìn, gánh hàng của cô lãi mẹ đẻ lãi con. Cứ đà này chẳng mấy chốc cô sẽ có cửa hiệu. Nhưng cuối năm ấy, người chồng của cô trở bệnh. Bao nhiêu thuốc thang vào người như đổ xuống đất. Cậu ho ra máu, vật vã nhìn người con gái là vợ mình bấy lâu mà chưa một lần cầm tay. "Thôi, tôi xin mình tha tội. Tôi làm khổ mình! Số tôi không bền". Cô Tuy đau thắt tim khi nhìn hình hài người con trai đang teo tóp lại. Cô giàn dụa nước mắt "Thưa anh...". Chồng chết, cô Tuy tròn mười sáu tuổi, mặc áo xô nằm lăn lóc trước quan tài, theo phong tục thời ấy. Cô nằm lăn từng vòng, sợ hãi khi thấy bóng đen chiếc quan tài đè nặng lên mình... ít lâu sau bà mẹ chồng bảo: "Thôi, chợ búa thì phải đi, con!". Người ta thấy cô cặm cụi buôn bán. Cửa hàng cô tấp nập khách trên Hà Nội vào mua hàng. Chiến tranh làm mọi người thấp thỏm. Hai mẹ con cô Tuy dồn tiền mua vàng để dành. Ðầu năm ất Dậu, bà Tú Thanh ra Hà Ðông gặp bà thông gia: "Ông bà cho phép cháu về bên nhà ít lâu...". Cô Tuy đã đoạn tang chồng, đang ở tuổi rực rỡ thanh xuân, cô xinh đẹp như bông hoa mới nở. Bà mẹ chồng nhìn cô mà xót xa cho đứa con trai xấu số. Là con dâu nhưng cũng là cháu họ xa, cô Tuy được bà thương như con đẻ. Bà đồng ý cho cô về Thanh phụng dưỡng cha mẹ, lâu lâu lại ra, lâu lâu lại về. Thế cũng tiện. Như được sổ lồng, cô Tuy mặc áo tứ thân, thon thả và óng ả đi bên mẹ ra ga. Những bước chân cô líu ríu khi trông xa xa thấy vườn chè bát ngát của nhà cha mẹ. Hoa chè thơm kín đáo như níu lấy cô. Ông Tú Thanh ngồi trong nhà làm thuốc, trông thấy đứa con gái mà thương cho nó vất vả bấy lâu. Nhưng tính ông nghiêm. Ông không cho con gái đi học trường, không cho để răng trắng và ông cũng như là không xót thương khi bắt con đi làm dâu lúc mười ba tuổi. Vậy nên ngay ngày hôm sau ông đã bắt con lo chuyện làm ăn. Nhà có dăm mẫu ruộng phát canh, có nghề chăn tằm dệt cửi, đã có người làm. Cô Tuy thích chạy chợ. Cô gánh hàng lên chợ bán vải. Chợ họp sáng. Buổi chiều cô cùng người em hái chè để có lái từ tỉnh lên đưa chè xuống tỉnh. Hai chị em cùng những người thợ hái chè thì thầm nói chuyện, tiếng ngắt lá chè cùng tiếng trò chuyện rúc rích của họ tạo thành âm thanh dễ chịu khi chiều về. Cách mạng, rồi kháng chiến nổ ra, vườn chè của họ vẫn như là êm đềm. Nhưng người ta bắt đầu đào hào, đào hầm trú ẩn trong vườn. Chợ huyện họp đêm. Ban ngày cô Tuy mải miết giúp mẹ quản lý thợ cấy, thợ gặt, quản lý mấy khung cửi dệt vải dưới nhà ngang, và hái chè. Ðầu năm 1947, một đoàn các cháu, các dì, các cô từ Hà Nội tản cư về xứ Thanh, vùng tự do. Bà Giáo, người con gái em vợ trước của ông Tú Thanh, chị em cùng cha khác mẹ với cô Tuy, dắt một đàn con nhỏ bảy đứa, cùng ba người ăn ở trong nhà về nương nhờ ông bà Tú Thanh. Nhà của bà Giáo ở thị xã đã bị phá đi, hưởng ứng chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Dãy nhà ngang rộng bát ngát vẫn dùng để khung dệt vải và chăn tằm, phải dẹp hết để biến thành khu vực cho người ở. Bà Giáo và đàn con của bà ở hết dãy nhà này. Còn đám trẻ con từ Hà Nội gửi vào phải ở nhà trên. Cô Tuy phút chốc phải làm quản gia cho cả đại gia đình. Kháng chiến dài lâu. Người tản cư chắc còn lâu mới về chốn cũ nên mọi chuyện phải sắp xếp đâu vào đấy. Một năm đầu, đám trẻ con tản cư ở Hà Nội vào lần lượt được đón đi. Bảy đứa con của bà Giáo được cô Tuy sắp xếp cho đi học trường của kháng chiến. Bà Giáo lo phần săn sóc bầy con nhưng một đồng cũng không có. Ông Giáo đã đi tham gia kháng chiến, lương lậu thời ấy đâu có gì, nên trăm sự phải nhờ. Và cô Tuy, với đức hy sinh tự nhiên, như trời sinh cô ra để sống cho người khác, xắn tay áo lên để lo cho cha mẹ, cho em gái, cho bà Giáo và mười miệng ăn của nhà bà. Gần mười năm trời, hơn một trăm lạng vàng cô dành dụm được khi buôn bán ở Hà Ðông, đã phải đổi ra vải, ra gạo, ra thịt cá mắm muối... cho một đại gia đình lúc nào cũng gần hai mươi người ăn. Nhà bà Giáo chiếm nửa số nhân khẩu ấy, một mình tay cô Tuy lo buôn bán, lo bù trì để những cậu ấm cô chiêu của nhà bà Giáo lúc nào cũng phải có cá có thịt. Cô lo cho từ cái bút chì, từ cục tẩy, từng viên thuốc ho thuốc sốt cho đám trẻ con bà Giáo. Nhưng những năm đó lại rộn rã vui tươi. Vùng tự do, ngoài những trận đánh phá của máy bay Pháp ra, thì chiến sự ở xa lắm. Không như những vùng tề, ở đây trẻ con sinh ra được làm giấy khai sinh có dấu ủy ban kháng chiến. Ðêm đêm các nông hội đoàn thể họp. Tiếng trống ếch rầm rĩ, đuốc cháy như đình liệu. Ông bà Tú Thanh hiến hết vàng bạc cho kháng chiến, lại mở rộng cửa đón người kháng chiến. Nhà rộng, lại cao ráo sáng sủa, đoàn văn hóa khu Bốn tập kết số đông ở nhà ông Tú. Những anh lính tú tài mặc trấn thủ, gảy đàn măng-đô-lin hát "Suối mơ" rồi "Ðây gió đây trong rừng...". Họ vui tính, lễ phép. Họ gọi cô Tuy là chị, là cô. Hai má cô hồng rực lên, hàm răng đen như hạt na đều tăm tắp. Cô chạy chợ, hái chè và bắt đầu đi làm đồng... để có tiền lo cho đám cháu đông đúc con người chị cùng cha khác mẹ. Những thành viên ở đoàn văn hóa khu Bốn, sau này có người lên Ðiện Biên, có người vào thành rồi di cư vào Nam, có người ở lại tỉnh. Những người lên Việt Bắc sau này trở lại Hà Nội... Tất cả họ đều là những người có tiếng tăm, có tài năng. Cô Tuy biết hết và nhớ tính nết từng người. Họ hát những bài ẩm ướt nhưng mắt họ sáng rực, miệng họ tươi cười hạnh phúc. Khi những người lính văn nghệ tản đi các nơi, một đoàn cán bộ cấp tiểu đoàn, bị thương nên được chuyển sang dân chính, nhìn cô Tuy nói giọng Quảng Trị: "Tóc cô dài, đẹp chi lạ!". Cuối năm, ông bà Tú Thanh đánh tiếng ra La Khê, xin phép cho con gái tái giá. Nhà ở La Khê bây giờ là vùng tề, đi lại khó khăn nhưng mẹ chồng cũ của cô Tuy cũng đánh tiếng vào Thanh, cho phép con dâu tái giá. Ðám cưới của cô là đám cưới kháng chiến - Anh Thạch, anh cán bộ người Quảng Trị ấy, làm rể ông bà Tú Thanh như được trở về nhà. Quê anh lúc này khói lửa tràn lan, cha mẹ không biết còn hay mất. Anh người cao ráo, có dáng nam nhi được ông bà Tú chấm là người trung hậu. Ðám cưới kháng chiến chỉ có nước chè xanh, khoai lang luộc từng rổ, thuốc lá... và hò hát. Cô Tuy mặc chiếc áo dài từ thời buôn bán ở Hà Ðông, đứng bên anh cán bộ mặc binh phục. Hạnh phúc mở ra cho cuộc đời cô những hứa hẹn. Cưới xong ít lâu, anh Thạch theo đoàn cán bộ đi công tác. Cô Tuy sinh đứa con trai đầu tiên đặt tên là Tập và vẫn lần hồi buôn bán làm lụng nuôi cả bầy con của người chị gái, nuôi con nhỏ, nuôi cha mẹ già. Kháng chiến thành công. Bà Giáo đưa lũ con về thị xã. Cô Tuy giờ đây đã trắng tay nhưng xúc động nhận lời cảm ơn của người chị: "Chị đừng phân vân gì. Em lo cho các cháu cũng như người khác phải lo những việc lớn hơn. Kháng chiến thành công là mừng rồi!"... Cô Tuy không đón chờ những biến động lớn sau đó. Nhưng nó vẫn đến như nó phải đến. Ông bà Tú Thanh đều qua đời sau đó mấy năm, do không chịu được những cú xốc lớn. Ruộng vườn sung công và chia cho tá điền. Anh Thạch về đón vợ con đúng những năm sôi động đó. Miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Buôn bán tư nhân triệt tiêu. Anh Thạch xin cho vợ vào làm nhân viên của một cơ quan gần nơi anh làm việc. Anh Thạch đi công tác liên miên. Cô Tuy một mình nuôi hai đứa con nhỏ với 36 đồng lương. Cô nấu cơm, quét dọn, thường trực cho một cơ quan nhỏ, công việc như con mọn. Ðêm về, mấy mẹ con quây lấy nhau trong căn phòng cơ quan chia cho, lợp tranh, tường đất, nóng thì như nung, mong mưa nhưng mưa lại hứng dột, chiếu chăn ướt sũng. Anh Thạch công tác biệt phái ở khu Bốn hai năm. Hai năm ấy anh chỉ đáo qua nhà được một cái tết, mang cho mấy đứa con hũ mắm tôm, ít cân lạc... rồi đi. Cô Tuy nuôi lợn, nuôi gà, tăng gia thêm rau quả. Chắt bóp được ít tiền, xin cơ quan được miếng đất, cô dựng cho con được cái chỗ chui ra chui vào, hai gian, ngay bên bờ con kênh dẫn nước. ở bên con kênh này, mấy mẹ con còn đặt lờ, đặt vó nhặt con tôm, con tép. Bàn tay đảm đang của cô đã gây dựng được đời sống yên ấm cho mấy mẹ con. Khi anh Thạch trở về, anh ngạc nhiên hết ra sân lại vào nhà: "Mẹ nó khéo tay quá!". Những tưởng như vậy là yên ấm, có chồng, có con, đồng lương ít nhưng chịu khó tăng gia, cải thiện, cũng chả đến nỗi nào. Có lúc cô đã được thảnh thơi, đi xem chiếu bóng ở bãi với con, đi thăm chị em bạn. Một buổi chiều đi làm về, thằng Tập chạy ra đón mẹ ở bờ kênh "có khách, mẹ ơi!". Một người đàn bà còn trẻ, trông điệu bộ không được nền nếp lắm, ngồi trên bậu cửa. Bên cạnh chị là hai thằng bé, một lên ba, một lên hai. Người đàn bà nói giọng miền Trung, thản nhiên lắm, chứ chẳng e ấp gì: "Thưa chị, em đem trả anh Thạch hai cháu đây. Em còn trẻ, em xin phép anh Thạch đi lấy chồng". Lúc ấy anh Thạch ngồi như hóa gỗ, cúi gầm mặt. Hai đứa bé sợ hãi nép vào nhau. Người đàn bà trẻ đứng lên, vấn lại tóc, xách cái tay nải lên: "Thôi, các con ở lại với ba, với mẹ già... có gì anh Thạch sẽ nói rõ với chị. Em xin phép đi ngay chuyến tàu xuôi tối nay!". Hai đứa trẻ nhào ra, chạy theo mẹ. Nhưng mẹ nó đi như chạy, tay quệt mắt, tay xốc cái tay nải, không một lần ngoái lại. Ðó là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cô Tuy gặp người đàn bà ấy. Cô Tuy đứng sững lúc lâu, chờ cho anh Thạch ôm hai đứa con trở lại. Chẳng nói gì, cô òa khóc. Cô khóc vì thương cho phận đàn bà, một chốc phải bỏ lại hai đứa con. Cô khóc vì thương cho mấy đứa trẻ con chồng, ăn mặc rách rưới, chắc từ khi sinh ra đến giờ chẳng sung sướng gì. Cô lẳng lặng đi nấu nồi cơm to, bảo thằng Tập ra gỡ lưới xem có được con tôm con tép gì không, bảo cu Dũng ra vườn nhổ mấy cây cải. Nấu nướng xong, cô dắt hai đứa trẻ ra mương. Cả hai đứa, mắt sưng to vì khóc, tức tưởi, đứng im cho một người đàn bà xa lạ lau rửa, người đàn bà có hai bàn tay phồng rộp vì làm lụng nhưng mọi nét ở bà đều khiến lũ trẻ an lòng, bà hiền hậu như mặt đất, như những cây cỏ bên đường. Ðêm đó cô Tuy nằm giữa. Bên ngoài là hai thằng con cô: thằng Tập thằng Dũng. Bên trong là hai đứa con riêng của chồng: Thắng và Thế. Hai đứa trẻ tức tưởi trong giấc ngủ. Cô Tuy đưa tay vuốt tóc thằng Thắng. Mái tóc trẻ thơ mềm như nắm lông gà con làm cô thổn thức. Thực ra mình cũng chưa đến nỗi khổ. Ðứa trẻ này mới khổ... Một tình cảm tự nhiên lạ lùng xâm chiếm tâm hồn người mẹ. Từ hôm đó, cô Tuy thấy mình quyến luyến với Thắng. Ðứa trẻ ý tứ, rụt rè, hay khóc vụng một mình và hay nhìn cô Tuy bằng đôi mắt mở to, không một nét nào khác với anh Thạch. Anh Thạch thanh minh nhưng cô Tuy bảo: "Mình ạ, mọi sự đã thế rồi, mình an tâm đi". Con gái ông bà Tú Thanh, dù quanh năm không được một ngày an nhàn, vẫn là con người của gia phong nền nếp. Cô không bao giờ dám nói một lời không lễ độ với chồng. Anh Thạch đã giáng cho cô một vố đau. Những năm anh đi công tác biệt phái, anh đã kịp có một gia đình vụng trộm. Anh không chu cấp một đồng cho những đứa con chính của mình. Rồi bây giờ, anh mang kết quả về cho cô. Nhưng đối với cô, những đứa trẻ vô tội này có thể làm cho số phận cô bớt cay đắng. Chúng thông minh, hiếu thảo từ bé. Cả bốn đứa mau chóng kết thành anh em nhờ bàn tay chăm sóc chu đáo, tấm lòng nhân hậu vô bờ của người mẹ. Anh Thạch bị cơ quan kiểm điểm. Cô Tuy lên gặp thủ trưởng của anh, xin cho anh. Kỷ luật của anh nhờ thế nhẹ đi nhiều lắm. Những đứa trẻ dần lớn lên. Những năm hòa bình ngắn ngủi đi qua. Chiến tranh. Không quân Mỹ ném những loạt bom đầu tiên xuống nhà máy điện bên kia sông. Anh Thạch được gọi tái ngũ. Khi đi, lần đầu tiên trong suốt những năm chung sống bên nhau, anh nắm tay cô Tuy, nước mắt mờ mịt: "Tôi may mắn mà có mình". Cô Tuy cũng khóc: "Em ơn mình mới phải. Em lại có thêm được hai đứa con!". Lương cô Tuy đã tăng lên được 44 đồng, cộng thêm phụ cấp đi B của anh Thạch, mấy mẹ con bữa no bữa đói nuôi nhau. Suốt những năm chiến tranh, bom cày xới quanh nhà. Căn nhà của mấy mẹ con ở gần cầu tỉnh lộ, bị bom cháy hai lần. Hai lần, xen kẽ vào những quãng nghỉ của bom đạn, Tập và Thắng, hai đứa lớn nhất, lại giúp mẹ dựng nhà. Thắng lớn lên, trầm lặng như có nghĩ ngợi lớn lao, nhưng sức vóc dẻo dai, can đảm như đàn ông thực thụ. Cô Tuy nhặt nhạnh len vụn, đan cho một cái áo. May cho cái sơ mi vải màu cỏ úa, Thắng không dám mặc. Cái áo bằng len vụn mẹ đan trông đẹp đến nỗi mặc vào thấy tiếc. Cái áo sơ mi mẹ may tay cũng vậy, có lẽ chỉ nên mặc vào lúc hội hè... Hai cái áo cứ nằm trong chiếc rương cũ, chờ đợi một ngày vui... Thường ngày, mấy đứa mặc những thứ vá víu. Quần áo anh Thạch để lại, cô vá đụp cho hai đứa mặc. Mong cho có ngày chúng nó không phải mặc áo vá! Thắng đi học về, chăn dắt đàn vịt và nuôi hai con lợn. Nó nhặt nhạnh cái đun, vơ thức ăn cho lợn đã mệt rã người. Thời ấy, sờ đến cái gì là thiếu cái ấy. Người ta nhặt hết từ hạt thóc rơi cho đến ngọn rau dại. Cánh đồng trống không, cày cấy không nổi vì bom đạn. Thắng vẫn cặm cụi đi đến từng bờ ruộng, lúc về thế nào trong cái rổ mang bên người cũng có cua, có ốc, có những nắm rau dại. Tập đã vào quân đội. Thắng nghiễm nhiên trở thành người đàn ông quán xuyến mọi công việc trong nhà. Nó cứ thế, mò mẫm suốt đêm ngoài đồng. Khi về đến nhà, chỉ việc chong ngọn đèn, che kín lại ngồi trong hầm học bài. Nó học hành thông minh, mẹ không bao giờ phải nhắc. Hôm ấy, bọn Mỹ bay suốt ngày trên vùng trời gần thành phố. Một chuỗi bom ném quanh nhà. Thắng ngồi học trong lớp học sơ tán, nhìn về phía nhà thấy khói bốc lên, nó vùng chạy. Nó chạy qua cánh đồng, lao bừa qua cả khoảng ruộng có dấu bom nổ chậm công binh cắm biển nhắc. Nó vừa chạy vừa ngột thở vì lo sợ. Hai đứa em đi học rồi. Chỉ có mẹ ở nhà... Nó vấp ngã, không để ý gì đến xung quanh. Nó lội qua cả một chuỗi hố bom phía cổng dẫn vào nhà. Bờ con kênh bị phá. Nước đang chảy ồ ồ vào mấy hố bom mới. Hai con lợn hồng hộc trong chuồng và mái nhà nghi ngút cháy. Có lẽ nó không cháy to được vì bùn và đất đã hầu như đè sập ngôi nhà. Thắng đứng trên bờ hố bom đào giữa sân, gào to: "Mẹ ơi!". Tiếng kêu của nó chìm trong tiếng máy bay. Nó đi về phía nhà. Bàn tay nó đau nhói vì dọn dẹp các thứ trên đường đi. Nó ráng sức nhấc cái kèo nhà đã sập, lấy cái xô múc nước dội lên đám cháy. Ngọn lửa tắt. Nó chui vào trong nhà và nghe thấy tiếng rên. "Mẹ!". Nó nhào tới. Cô Tuy nằm trên bậu cửa, một cây cột đè ngang, không thể nào ra được. Thắng giúp mẹ nhấc cây cột, rồi ôm choàng lấy mẹ, nó khóc òa lên: "Mẹ ơi, mẹ của con, mẹ...". Cô Tuy gượng dậy. May quá, không bị thương nhưng cây cột làm cô bị đau như gẫy ở đùi. Ðến lúc này cô mới hốt hoảng: "Chân con làm sao thế?". Thắng nhìn xuống hai cẳng chân, quần rách bươm, máu ra đã dính bết những mảnh vải vào nhau. Nó đã chạy, đã lội qua gai, đã bị mảnh bom cứa vào chân tứa máu. Nhưng tai nạn qua rồi. Hai mẹ con ôm nhau, vừa cười vừa khóc. Sau lần dựng lại nhà đó, Thắng có giấy gọi nhập ngũ. Ðã là năm 73, chiến tranh đang đến hồi kết thúc. Hôm nó đi, cô Tuy dở cái áo len, cái áo sơ mi đưa cho nó. Nhưng Thắng bảo: "Con có quân phục rồi. Mẹ giữ cho con, khi nào về con mặc"... Cô Tuy đưa con ra chỗ tập trung quân. Thắng dúi vào mẹ cân đường mới được phát: "Mẹ mang về cho các em". Lần đó Thắng đi và không trở về nữa. Cũng không có một dòng thư. Ðiều lạ lùng nhất cô Tuy luôn không hiểu được mình, cô không lo lắng nhiều cho chồng, cho con đẻ. Tất cả đang ở chiến trường. Trong những lo lắng bồn chồn, cô hướng phần nhiều về Thắng. Cô thương Thắng chưa một lần được mặc cái áo lành lặn, chưa biết miếng cơm no. Tính nó hay nhường nhịn. Nó cũng sống để hy sinh, để dành miếng ngon cho người khác. Nó giống cô. * Chiến tranh kết thúc. Ông Thạch về trước. Ông bàn với vợ đưa cả gia đình về quê nội. Chiều chồng, bà Tuy bán nhà, bán vườn cây ăn trái mà trước khi đi bộ đội, Thắng đã rào dậu, đem phù sa về tôn vườn, mua cây giống về trồng. Cây sắp có trái thì phải trao cho người khác. Cả nhà dắt díu nhau, đồ đạc đóng vào thùng, vào hộp cho lên xe khách. Chiến tranh mới kết thúc, chặng đường có mấy trăm cây số phải đi hàng tuần. Bà Tuy lại đau xót thấy một lần nữa, mình phải di chuyển, phải bán rẻ những gì hai bàn tay mình làm ra, để đến một vùng đất xa lạ. Người anh ruột của ông Thạch ở thành phố, có bốn cửa hàng bán dụng cụ xe máy. Cách mạng về, ông sợ nhiều nhà bị tịch thu nên hứa hẹn với ông Thạch, một ông em cách mạng trăm phần trăm: "Chú đưa thím với các cháu vô. Tui cho hẳn cái chỗ ni mà làm ăn!". Bà Tuy lại xắn tay áo lên, quét dọn, sửa sang cơ sở vốn là chỗ sửa xe cộ, máy móc, thành chỗ ở. Ba năm sau, Tập trở về giúp mẹ. Nhà cửa vừa đi vào nếp thì ông anh ông Thạch trở mặt: "Tui cho cô chú mượn, có cho hẳn mô... Tôi đền cho cô chú ít tiền, tìm chỗ khác". Ông em cách mạng bị lợi dụng đã xong. Người anh trai đã nhẫn tâm quay lưng lại trước cảnh sống của người em, sau khi nhờ công sức của em để hợp lý hóa tài sản. Ông Thạch tức giận, tính đi kiện. Nhưng bà Tuy cản chồng: "Mình ạ, thôi. Tôi tính nên quay về miền Bắc. Ðó mới là nơi hợp với mình. Tôi cũng muốn về để chờ thằng Thắng!". Thời gian sau chiến tranh, đám con cái của bà Giáo, người chị cùng cha khác mẹ với bà, những người mà sau cách mạng, bà đã bán đi cả trăm cây vàng để chu cấp... giờ đây là những người giàu có không thể tả. Họ được học hành đến nơi đến chốn, tất cả đều trốn quân đội vì nhiều lý do, giờ đây họ đã vào tiếp quản các chân quản lý khoa học ở các thành phố lớn. Mỗi người năm, ba biệt thự. Vàng hàng két. Họ biết bà Tuy đang gặp khó khăn: bà phải đưa các con trở lại Bắc. Tiền không có - họ kháo nhau như vậy - nhưng một lời thăm hỏi của họ cũng không hề đến tai bà Tuy. Bà Giáo là người duy nhất quan tâm đến người em đã cưu mang gia đình mình. Nhưng tiền bạc là của các con bà. Bản thân bà cũng phải làm quả bóng, ở nhà thằng này một tháng, rồi cuối tháng phải đến nhà kia. Bà không thể làm gì được. Sau cùng, cơ quan cũ của bà Tuy, bạn bè chiến đấu của ông Thạch, của Tập đã xúm vào giúp đỡ. Bà Tuy mua lại được căn nhà và mảnh vườn cũ. Trở về nơi có những kỷ niệm về Thắng, bà Tuy mới thấy yên lòng. Một lần, cô Quý con gái thứ ba của bà Giáo dẫn mấy đứa con thơm tho đi du lịch qua nhà bà Tuy. Cô Quý là người con duy nhất của bà Giáo ở lại Hà Nội, vì chồng cô là cán bộ cao cấp, cô không chuyển vào Sài Gòn được. Bà Tuy kiếm cua về rang muối đãi mẹ con cô cháu. Cô Quý ra vườn, vào sân khen nhà đẹp, hứa rằng năm nào cô cũng cho các cháu đến thăm dì. Thằng con cô Quý kêu: "Cua bò lổm ngổm trong bụng con rồi đây này. Lần sau con không thích ăn cua!". Dạo ấy còn là thời tem phiếu. Buổi chiều, bà Tuy dành nửa tháng lương của ông Thạch để mua gà, mua giò. Những đứa trẻ con cô Quý sáng mắt lên: Thịt gà ở đây ngon lắm. Cô Quý quay về Hà Nội và không một lần quay lại nữa. Cả khi bà Tuy đau ốm, cả khi những đứa trẻ con của bà phải đi học xa, cũng không một ai trong đám con bà Giáo ngó ngàng đến người có thời đã tiêu tốn cả trăm cây vàng cưu mang mình... Mắt bà không còn nhìn rõ. Nhưng đêm nay bà thấy lòng mình nhàn hạ: Thắng đã được đưa về nằm trong nghĩa trang của xã. Ðứa con dâu, vợ thằng Thế cựa mình, ôm lấy mẹ. 12-1996 |
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com