chan_dung-ke_si

ÔNG LÃO ĂN MÀY - Truyện ngắn Nguyễn Khắc Mẫn

10-08-2023

Lượt xem 2039

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hay Nguyễn Khắc Mẫn

ÔNG LÃO ĂN MÀY - Truyện ngắn Nguyễn Khắc Mẫn

Bìa sách Cô Thúy của nhà văn Nguyễn Khắc Mẫn - Sáng xuất bản 1943

Chân Dung Kẻ Sĩ: Nguyễn Khắc Mẫn là nhà văn quê Tiên Du, Bắc Ninh. So với các nhà văn trước 1945, ông ít được biết đến hơn. Trong ba lần Tự Lực văn đoàn trao giải thưởng, nhà văn Nguyễn Khắc Mẫn là người duy nhất được vinh danh tới hai lần. Lần thứ nhất, do Tự lực văn đoàn thấy không có cuốn sách nào xứng đáng trao giải nhất và nhì, nên đã trao cho cuốn Cô Thúy của ông cùng với ba tác giả khác, mỗi giải ba trị giá 25 đồng. Lần thứ hai, ông được trao một giải không chính thức của Tự Lực Văn Đoàn, đó là giải thưởng LD- 30 đồng, của một người phụ nữ vô danh trao tặng cho cuốn tiểu thuyết Nỗi Lòng của ông. Ông Lão Ăn Mày là truyện ngắn ông viết sau các giải thưởng nói trên, đăng trên Ngày Nay số 109, 8-5-1938.

 

Người ta gọi ông thế vì ông nghèo và không có nhà cửa. Thực ra, ông chưa hề chìa tay ra xin ai một đồng Bảo-Ðại. Có lẽ ông chưa ngoài bảy mươi tuổi. Nhưng mưa gió, công việc khó nhọc, sự đói rét đã làm ông già hơn ngày tháng. Lưng ông hơi còng, tóc ông mới bạc độ quá nửa, nhưng đôi má hóp làm sao, mà chân tay thì khô đét và đen sạm. Riêng mắt của ông còn tinh sáng. Người ta không rõ ông ở đâu lại và đến Phủ Lý từ bao giờ.
Ngày, ông nay đây mai đó. Ðêm, ông ngủ trong hiên trường con trai Phủ Lý, trước cửa lớp tư. Sáng nào dậy, ông cũng quét sạch chỗ ông nằm, rồi mới ra đi. Cũng trong hiên ấy, còn ba bốn người nghèo khổ khác đến ngủ nhờ. Nhưng họ không được cẩn thận như ông. Sau khi người ta mang bị gậy ra khỏi chỗ nằm, người ta thường thấy sót lại nào cơm khô, nào giẻ rách, nào rác bẩn từ nón mê, áo tơi thủng của họ rơi ra. Ðã nhiều lần, ông trách mắng họ:

- Trường học của người ta chứ nhà mình đâu mà bày ra như thế!
- Làm quái gì có nhà..., đôi khi họ đáp lại lời ông.

Ông làm thinh, thở dài, yên lặng. Nhưng lời ông bao giờ cũng có kết quả. Không phải bọn họ sợ ông - nào ông có quyền gì đâu! - họ chỉ lo người coi trường đuổi họ. Chỗ ngủ cao ráo, kín gió quá, họ còn tìm đâu được một nơi như thế để qua đêm, nhất là những đêm đông gió buốt thấm vào tận xương tủy. Họ rùng mình khi nghĩ đến những bờ hè ướt át của nhiều nhà trong phố; muốn xua đổi họ, người ta đã nghĩ được một cách rất giản dị và hiệu nghiệm: đổ nước lêng láng ra trước cửa nhà.

Tôi được biết ông lão trong một sáng đông đầm ấm. Ở trường về, từ đằng xa, tôi đã thấy ông ngồi ro ro trước cửa nhà tôi. Nghe tiếng gót giày tôi đi trên thềm gạch, ông ngẩng lên chào, giọng nhỏ và hơi run:
- Bẩm ông!...
- Tôi không dám.
- Chỗ này nắng, cháu ngồi nhờ ông một lúc cho ấm.
- Ðược, cụ cứ ngồi.
- Cháu sẽ quét cẩn thận, không dám để rác bẩn đâu.
- Thế thì hay lắm.

Rồi ông lại cắm cúi xuống chiếc rổ tre đương đan dở. Tôi vào nhà ăn cơm. Ông đi lúc nào, tôi không để ý đến, chắc lúc ấy mặt trời lên cao đã xế, ánh nắng ra khỏi cửa nhà tôi. Chỗ ông ngồi đan, đố ai tìm thấy một nút lạt, một tơ tre, một sợi mây nhỏ.
Buổi chiều, tôi không thấy ông đến. Ý hẳn ông đi tìm những nơi kín gió và nắng nhiều. Ông chỉ có một chiếc áo dài thâm và rách nhiều chỗ. Tội nhiệp!
Sau buổi ấy là chủ nhật. Trời hoe nắng từ sáng sớm. Tuy vậy, ngồi trong nhà, tôi mặc áo “len” còn thấy lạnh. Lúc ra tựa cửa, tôi đã thấy ông lão đương ngồi đan ở chỗ cũ. Tôi gợi chuyện:

- Cụ dậy sớm nhỉ!

Ông ngẩn nhìn :

- Bẩm ông! Cháu lại nhờ ông buổi nữa...
- Vâng, nào tôi có thiệt gì!
- Ông xem! Hôm qua cháu có dám để bẩn tí nào đâu.
- Có. Tôi biết.
- Cháu nghèo đói thật, nhưng không muốn để ai chê trách mình.
- Cụ nghĩ thế phải lắm. Quê cụ ở đâu?
- Cháu ở Bắc Ninh

Tôi cảm thấy lòng nao nao. Tôi đi làm xa đã lâu, gặp người cùng tỉnh đã nhiều, nhưng chưa bao giờ tôi thấy lòng tôi xúc động như lúc ấy. Tại ông lão ở trong tình cảnh đáng thương? hay ảnh hương của gió đông vi vút ? Nào tôi biết. Lòng tôi có bảo tôi đâu!
Ông vừa rút chặt sợi dây, vừa thủng thẳng:

- Cháu xa làng từ khi còn bé. Cháu đã đi ở, kéo xe, làm bếp, bán hàng rong, nhưng không bao giờ được mát mặt. Bây giờ có tuổi, không làm nổi việc nặng nhọc, cháu làm việc nhẹ.
- Ðan thế này, mỗi ngày cụ kiếm được bao nhiêu?
- Dăm bảy xu, có khi một hai xu.
- Ðủ ăn sao được?
- Cháu già rồi, ăn hết mấy. Vả lại, sức chỉ có thế, thì làm thế nào?
- Thế cụ có con không?
- Cháu được một đứa. Hiện nó đang làm phu mỏ ở Uông Bí.
- Hắn không gửi tiền về giúp cụ à?
- Lấy của nó làm gì. Ðẻ nó ra, phải nuôi nó. Nó có cơm ăn việc làm thì may cho mình rồi... Xin ông tha lỗi, cháu không nghĩ như người khác : đẻ con ra để nhờ con. Còn có thể kiếm đủ ăn nuôi miệng, cháu còn kiếm.
- Thế lỡ khi cụ đau yếu?
- Ðã có nhà thương. Chết là cùng. Chẳng nói dấu gì ông, trong họ cháu cũng có nhiều người làm nên, nhưng cháu không muốn nhờ. Cháu làm lấy cháu ăn. Khi nào không làm được nữa thì chết, chết đói hay chết rét cũng được..

Tôi đang lấy làm lạ về lời nói của ông thì đằng xa có tiếng rên rỉ não nuột. Tiếng ấy to dần. Ðó là lời kêu xin thê thảm của người mù, già , gầy, đen, không quần áo. Hắn lê qua trước mặt chúng tôi, tay trái chống xuống đất, tay phải cầm mảnh giá mất cạp. Ai thấy hắn mà không động lòng thương, tôi chịu là người can đảm.
Thấy tôi cho hắn tiền, ông lão cũng sờ vào vành quần, lấy ra một đồng Bảo Ðại, ném vào vành rá người ăn mày. Ông ngậm ngùi bảo tôi:

- Sao thiên hạ lắm người khổ thế, ông nhỉ!

Tôi còn biết trả lời ông ra sao?! Tôi gọi thằng nhỏ đem rổ rá cũ ra để ông cạo hộ. Ông làm cẩn thận và đẹp lắm. Những nút mây nhỏ gần sát sau ; đầu nút lẩn cả vào bên trong.

Tôi đưa ông một hào:

- Trả tiền công cụ.
- Cháu không có xu trả lại.
- Biếu cụ cả đấy.
- Ông cho, cháu xin vâng; chứ ông trả tiền công thì đắt quá, cháu không dám nhận.

*

Cách đó hai hôm. Trời đang ấm, bỗng nổi rét. Từ sông Châu, gió lạnh lùa qua phố Khách đến phố Châu Cầu. Lá vàng lác đác rụng. Tầng mây nặng trĩu và xám ngắt. Cảnh vật âm u. Lòng tôi buồn man mác. Cái lạnh như từ trong người đưa ra. Tôi kéo cổ áo tơi lên khỏi gáy, nhưng vẫn run hoài. Hai tay trong túi áo còn thấy buốt. Một người đi bên cạnh tôi, nói nhỏ một mình:

- Tiết tiểu hàn có khác! Hôm nay rét nhất cả.

Hai hàm răng người ấy chạm nhau cầm cập. Tôi bật cười, góp một câu:

- Rét thật ông nhỉ!
- Vâng. Rét thật!

Trước cửa trường, học trò đứng tụ lại khác mọi hôm. Họ bàn nhau to nhỏ:

- Chắc bệnh dịch.
- Thế nào cũng được nghỉ lâu.
- Không khéo họ đốt trường...
- Dễ thế!
- Anh không thấy những nhà có người bị chết về bệnh tả đều bị đốt cả ư ? Hôm nọ, người ta chẳng đốt một cái trước cửa trường là gì?
- Anh dốt lắm! Ðấy là nhà tranh, nhà tư; đây là trường học, bằng gạch, của nhà nước.

Tôi hỏi họ:

- Cái gì thế?
- Thưa thầy, trong hiên trường dưới có người chết...
- Tự tử ?
- Thưa thầy, không. Có lẽ bệnh dịch. Mời thầy xuống xem. Thầy Dụng, thầy Ðán cũng ở dưới ấy.

Tôi hồi hộp, tự nghĩ: “ Hay ông lão...!”. Ðến nơi, nhìn vào trong hiên, trước cửa lớp tư, tôi thấy một chiếc chiếu cuộn tròn, gồ lên. Một trẻ em bảo tôi:

- Thưa thầy, đấy. Thầy đừng lại gần, hôi lắm!

Ông Ðán nói:

- Ông cụ này vẫn ngủ ở đây. Ông cụ sạch sẽ và cẩn thận lắm, sáng nào dậy cũng quét dọn tinh tươm.

- Hay ông cụ vẫn đan rổ rá?
- Phải đấy. Khái đáo để! Tuy già yếu, nghèo đói, ông cụ vẫn kiếm lấy ăn, không thèm đi xin.
- Ông còn làm phúc cho kẻ nghèo hơn là khác!

Thế là ông lão ăn mày qua đời.

Một tiếng còi ô tô. Chúng tôi dãn sang hai bên đường. Chiếc xe đen bóng loáng, lịch sự, từ từ tiến đến, ông y sĩ bước xuống, vào khám tử thi. Xem xong, ông bảo chúng tôi :

- Người ăn mày chết rét. Các ông cho học trò nghỉ buổi sáng. Chiều có thể học được.

Ba tiếng trống vang. Học trò trường trên vào lớp. Ngoài đường, trước cửa lớp tôi, hai người phu khiêng ông lão xấu số vào nhà thương. Quả tim tôi như ngừng đập trong giây lát. Tôi thấy lớp học đượm vẻ buồn, vòm trời ảm đảm, cây cồi xờ xạc, ủ rũ. Một chiếc lá vàng khô rời cành, lặng lẽ rơi xuống đất. Hình ảnh của một đời người qua.

*
Buổi chiều hôm sau, khi tan học, tôi gặp một thằng bé độ sáu bảy tuổi, gầy gò, bẩn thỉu, không quần, áo cánh nâu dài chấm gối. Nó vừa lang thang vừa khóc, vừa giơ tay chùi nước mắt nhỏ giọt hai bên má. Rồi nó vào trong hiên trường, ngồi bưng mặt khóc ở chỗ ông lão vừa mất đêm qua. Tôi ngạc nhiên. Trông nó buồn quá. Chắc nó là còn cháu người đã khuất. Tôi vào hỏi:

- Sao mày ngồi khóc ở đây?
- Bố mẹ tôi chết cả. Tôi đi ăn mày, vẫn được ông cụ ở đây cho ăn cho ngủ. Tôi lạc mất mấy hôm, bây giờ về không thấy ông cụ đâu nữa...

Nó thổn thức mãi mới nói được một câu. Hai má đẫm lệ. Tôi muốn bảo nó : “ Ông cụ chết rồi!”, nhưng sự thương cảm làm tôi nghẹn lời.

Nguyễn Khắc Mẫn

(1938)

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.