chan_dung-ke_si

NGƯỜI KHÔNG ĐI CÙNG CHUYẾN TÀU – Truyện ngắn Nguyễn Quang Thân

02-11-2023

Lượt xem 2384

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Nguyễn Quang Thân

NGƯỜI KHÔNG ĐI CÙNG CHUYẾN TÀU – Truyện ngắn Nguyễn Quang Thân

Nhà văn Nguyễn Quang Thân và nhà văn Dạ Ngân

Chân Dung Kẻ Sĩ: Người không đi cùng chuyến tàu là truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Quang Thân, in trên Báo Văn Nghệ năm 1980. Với tính tiên phong trong việc nhìn nhận lại xã hội mà nó đặt ra, truyện và tác giả của nó - vào thời điểm năm 1980, quá sớm cho một cuộc đổi mới - đương nhiên được các nhà quản lý để ý, đặc biệt là chi tiết gây sốc, ám chỉ về ca lái tàu: đòi người lái tàu phải xin lỗi vì đã đày đọa các hành khách.

Anh không đi cùng tôi chuyến tàu hôm nay. Nhưng tôi đang nghĩ đến anh. Bởi vì, chồng tôi, bạn của chồng tôi, bạn của anh, đang nhắc đến anh. Bánh xe nặng nhọc bắt theo đường ray, khung cửa sắt, kính cửa sổ long đinh vít kêu lạch cạch. Tiếng còi tàu thỉnh thoảng hú lên như roi quất làm cho mọi người giật mình.

Chồng tôi ngồi bên cạnh tôi. Bên anh là anh Bình, một người bạn cũ. Chúng tôi nài mãi, anh thanh niên kia vẫn không muốn đổi chỗ để anh Bình được ngồi cùng ghế vì chỗ này gần cửa sổ. Chồng tôi phải mời anh ta một điếu thuốc lá Tây, việc đổi chỗ kia mới xuôi. “Cái gì cũng phải có giá!”, chồng tôi nói. Tôi hơi buồn, nghĩ rằng người ta mất dần những thói quen giúp đỡ nhau. Anh Bình mỉm cười có vẻ chua chát. Rồi như chuyện này làm anh nhớ ra điều gì, anh hỏi: “Anh có biết bây giờ Đính ở đâu không?”. Chồng tôi nói: “Không biết, nhưng vợ chồng chúng mình nhắc đến cậu ta luôn. Cứ mỗi lần nói đến Đính là chúng mình ái ngại”. Tôi đọc thấy Bình có vẻ ngạc nhiên về câu nói của chồng tôi. Tôi cũng vậy. Ít nhất thì tôi biết anh ấy nói không đúng ý nghĩ mình. Anh ấy vẫn thường nói không đúng điều mình nghĩ trong một số chuyện. Các chi tiết thường được thay đổi ra sao cho có lợi hay phù hợp với anh. Trong vụ này là chuyện ái ngại cho Đính. Quả là chồng tôi thường bất chợt nhắc tới anh Đính với cái chép miệng buồn buồn, thương hại. Nhưng tôi cho rằng chưa bao giờ anh ấy nhớ về anh Đính như người ta vẫn nhớ tới một người bạn thân đã đi qua đời mình. Khác với tôi. Tôi chìm vào kỷ niệm mỗi lần ai nhắc tới anh Đính.

Đây không chỉ là một câu chuyện tình.

Bạn bè và những người xung quanh không hề biết là tôi đã từng yêu anh Đính, đã có lúc sâu sắc đến mức nào. Nhưng chồng tôi, anh Thảo, thì biết rất rõ. Nhiều lần, khó chịu về những cái chép miệng của anh ấy lúc nhắc đến anh Đính, tôi muốn nói ra một điều gì đấy cho nhẹ mình nhưng rồi lại thôi, vì tôi chắc chắn anh không thích như vậy. Anh là người nhìn thấy sự thật nhưng không thích nói ra, càng không muốn tự mình nói ra, nhất là những sự thật ít dễ chịu với mình. Tôi hiểu rõ điều đó.

Dạo ấy là ở tỉnh H. Chúng tôi từ ga Hà Nội về đó. Anh Thảo, anh Bình, anh Đính và tôi cùng làm việc trong một cơ quan kỹ thuật. Chúng tôi trẻ hơn bây giờ rất nhiều và khác hơn rất nhiều, tất nhiên. Bảy tám năm rồi còn gì. Bốn chúng tôi thiết kế một công trình thủy lợi trên hạn ngạch của tỉnh. Công trình này làm trong ba năm, ba năm quan trọng nhất của đời chúng tôi, bây giờ tôi vẫn nghĩ như thế về những năm tháng mà chồng tôi thường gọi là thuở “hàn vi” ấy.

Tuổi tác chúng tôi như bầu một giàn, nhưng bao giờ tôi cũng cảm thấy mình là đứa em út. Có lẽ vì các anh ấy đều là đảng viên, còn tôi thì không. Tôi thôi sinh hoạt Đoàn ngay sau khi chuyển về H. Không phải đến tuổi quy định mà vì giữa đám thanh niên chanh cốm trong cơ quan, tôi thấy mình thật sự là bà cô già. Mẹ tôi lo đến gầy người vì tôi quá muộn chồng, còn bố tôi thì mỗi lần gặp là hỏi: “Các anh trong chi bộ có nhắc đến chuyện con không?”. Câu trả lời của tôi làm cả ba đều buồn. Tôi lãnh mối buồn gấp đôi bố mẹ tôi.

Chúng tôi làm việc mờ người đi để sớm kết thúc được bước một của công trình là hoàn chỉnh bộ hồ sơ trình Bộ duyệt (Bộ trưởng đã ấn định ngày về làm việc với ủy ban và tỉnh ủy). Anh Thảo, chồng tôi hiện nay, là người phụ trách chính công việc của giai đoạn này. Nếu thông đồng bén giọt, Đính sẽ làm nốt bước còn lại để bàn giao các loại hồ sơ chi tiết cho bên nhận thầu. Đến đây thì một trong hai người, anh Thảo hoặc anh Đính, sẽ có một bước ngoặt mới. Một trong hai người chắc chắn sẽ nhận chức trưởng ban kiến thiết, lương tương đương với một vụ phó ở Bộ. Còn tôi với anh Bình thì vui vẻ và yên tâm làm người giúp việc cho cả hai. Chúng tôi biết rõ sức mình.

Chồng tôi và anh Bình lại nhắc tới anh Đính. Ý nghĩ và ký ức tôi bám rất sát câu chuyện của họ. Đúng là chồng tôi đang cố kéo anh Bình về những ngày “hàn vi” ở tỉnh kia. Tôi không muốn các anh ấy nói tới chuyện đó nữa. Nhưng không có cách gì hơn là đưa mắt cho anh ấy. Vậy mà anh chẳng để ý đến tôi. Thỉnh thoảng anh lại đưa tay lên mái tóc mượt hoặc xoa xoa đôi má bầu bầu và cái cằm múp như cằm trẻ con. Ngay lúc mới gặp, anh Bình cũng ngạc nhiên hỏi sao chồng tôi trẻ lâu thế. Anh Thảo tôi rất thích người ta khen trẻ. Nếu ai khen anh trẻ, lại còn biết khéo léo nhắc đến chức vụ hiện nay của anh ấy đang giữ rồi nói thêm rằng cái chức ấy thường không phải dành cho những mái tóc xanh như anh, thì anh lại càng hài lòng. Nhưng anh Bình không chú ý tới chuyện đó. Bình vốn ruột ngựa và có một nhược điểm là ít khi biết làm vui lòng bạn bè bằng những lời khen có thể làm ấm lòng nhau. Khi ba người còn cùng làm việc, bên cạnh anh Thảo năng động, tháo vát, anh Đính thâm trầm và gay gắt, thì anh Bình như tấm đệm vỏ dừa cứng và thô tôi thường thấy giữa hai mũi tàu thủy. Dù cứng và thô nhưng tấm đệm cũng có tác dụng của nó. Còn tôi, lặng lẽ như một bông hoa.

– Này – Chồng tôi nói – Giá hồi ấy cậu Đính không giở trò với chúng mình thì bây giờ có lẽ cũng khá rồi. Tôi đã bảo rằng là...

Mặt anh Thảo tôi đỏ dần lên. Anh lại đưa những ngón tay bụ bẫm đè lên tóc để nói câu anh thường nói với cán bộ cấp dưới của anh: “Tôi đã bảo rằng là...”.

– Rằng là... – Anh Thảo tiếp – Mình ăn ở phải thấu lý nhưng cũng phải đạt tình. Không phải cái gì cũng... Ờ, ờ...

Anh Bình chỉ ậm ừ trước câu nói dở dang “Không phải cái gì cũng... Ờ, ờ...” của anh Thảo. Còn tôi cúi xuống nhìn đôi bàn chân trong guốc “xì bô”. Nhớ lại hôm mua đôi guốc về, anh cũng đỏ mặt lên và nói: “Ồ, mốt mới, em phải biết rằng, không phải cái gì cũng...”. Từ hôm ấy tôi mới bắt đầu chú ý đến cách nói của anh, biết rằng câu nói ấy đã giúp anh giải quyết những vấn đề rất tế nhị. Trước ngày lấy nhau, khi nghe mấy cậu kỹ sư trẻ nghịch ngợm đặt cho anh cái biệt hiệu “Thảo ờ ờ”, tôi tự biện minh là mình sắp có một ông chồng hiền lành, dễ tính. Tôi đâu có ngờ được cái đức tính ấy đã là bảo bối làm cho sự nghiệp đời anh suôn sẻ. Tôi đưa chân phải giẫm nhẹ lên chân anh, nhắc anh đừng nói đến anh Đính nữa, nhắc anh rằng anh Bình chỉ là một người bạn cũ tình cờ gặp trên một chuyến tàu.

Nhưng chồng tôi chỉ rụt chân lại như vừa bị muỗi đốt. Anh vẫn nói về anh Đính, thanh minh cho mình. Chắc là từ ngày đó đến nay anh mới gặp lại một người trong cuộc để phân trần và nhắc lại những điều vẫn làm lương tâm anh áy náy.

Anh vẫn tiếp tục nói, còn tôi thì ngồi nghe và nhớ lại.

Công việc giai đoạn đầu đang tiến triển và chấm dứt tốt đẹp. Anh Thảo sắp sửa thay mặt nhóm thiết kế trình bày phương án trước thường vụ tỉnh ủy thì hôm ấy anh Đính hẹn gặp tôi. Anh mua hai cái vé xem phim. Phim khá hay, nhưng anh không để tôi xem, anh đặt tay lên tay dựa và nói chuyện.

Anh nêu một ý kiến làm tôi sửng sốt. Theo sự nghiên cứu của anh, công việc trong giai đoạn đầu của nhóm thiết kế chúng tôi đã phạm sai lầm nghiêm trọng. Chúng tôi đã chọn nhầm phương án tối ưu. Địa điểm công trình không chính xác, quy mô không phù hợp. Đáng lẽ chia trạm bơm điện thành hai hoặc ba, chúng tôi gộp nó làm một và thế là nó đẻ ra nhiều vấn đề kỹ thuật không giải quyết nổi. Anh đưa tôi một tập ghi chép. Tôi ngạc nhiên, không hiểu sao anh vừa có thể làm tròn công việc của anh Thảo giao cho theo phương án cũ, lại vừa có thể đưa ra một khối lượng tính toán đồ sộ như thế dựa trên một phương án hoàn toàn khác hẳn. Anh bảo tôi:

– Em chịu khó đọc, hai hôm nữa cho biết ý kiến của em. Thật khách quan và tỉnh táo nhé! – Anh nói thêm, hôn phớt lên tóc tôi – Tình yêu không liên quan đến chuyện này đâu.

Thật ra, nếu không yêu anh, tôi không thể ngốn xong mớ tài liệu ấy chỉ trong ba hôm. Mà phải vừa đọc vừa uống lạc tiên cho đỡ nhức đầu. Suốt ba đêm tôi không ngủ. Anh đã làm tôi bàng hoàng như anh vừa đấm vào đầu tôi vậy. Tính toán chính xác, lập luận của anh vững vàng, tuy lạnh lùng, không khoan nhượng, không né tránh những sai lầm mà chúng tôi và chính anh nữa đã phạm phải. Tôi cũng cảm thấy từng trang viết của anh đang chế giễu mình. Mà đâu phải chỉ mình tôi. Không ít những mục quan trọng trong phương án hiện nay chính là của anh, lúc đó anh đã bảo vệ chúng hết mình, còn bây giờ anh đang phủ nhận chúng. Tôi đang đi trên một con đường bằng phẳng. Bỗng chốc, anh đào lên dưới chân tôi một cái hố. Cái hố lớn dần lên thành vực thẳm. Con đường cũ biến mất. Vực thẳm, chông gai... mồ hôi vã trán, tôi lạc đường.

Trái hồng chỉ chín vào mùa thu. Tôi không thể trách anh vì chậm phát hiện ra vấn đề. Tôi gặp anh đúng hẹn và không chờ hỏi, tôi nói với anh: “Em đồng ý”. Rồi tôi hôn anh. Chưa bao giờ tôi chủ động như hôm đó. Tôi đặt vào trong cái hôn đó tất cả tình yêu của tôi, lòng kính trọng một tài năng và chưa bao giờ tôi yêu anh đến thế. Nhưng tôi lo ngại vô cùng. Bây giờ phải giải quyết vấn đề này như thế nào đây? Tôi nói: “Anh đã cho nổ một quả bom”. Theo tôi biết thì thường vụ tỉnh ủy đã duyệt thiết kế nhiệm vụ, đã ấn định ngày khởi công để công trình kịp mở đầu kế hoạch năm năm của tỉnh, một công trình trọng điểm. Anh Thảo đã được phép mở cuộc họp báo nhằm chuẩn bị dư luận cho giai đoạn thi công sắp tới vì công trình đòi hỏi một khối nhân lực khổng lồ. Cuối cùng tôi lo ngại sẽ bị khá nhiều người hiểu lầm...

– Tôi tính những cái đó rồi – Anh bỗng dưng đổi cách xưng hô với tôi – Nhưng tôi không cần. Khi đã nhìn ra chân lý thì có cách gì tốt hơn là nói nó lên?

– Còn thường vụ tỉnh ủy thì sao? Anh có thể mang tiếng là người chống lại tập thể thường vụ.

– Tôi không chống ai cả, tôi chỉ chống lại những sai lầm và góp phần sửa chữa lại cho nó đúng. Thường vụ duyệt là căn cứ vào những tính toán của chúng ta. Bây giờ liệu ta có đủ gan nói là nhầm? Tại sao lại không thể can đảm được như thế? Nếu không người ta cần lũ kỹ sư chúng mình làm gì?

Tôi hỏi anh:

– Vậy thì anh muốn em làm gì trong việc này?

– Nếu em thấy anh đúng thì em sẽ nói: Đồng ý.

– Em đã nói rồi.

– Nói với mọi người, với tất cả. Chứ không chỉ riêng anh. Để cho mọi người cũng hiểu như anh và em.

Tôi im lặng. Rồi tôi khất anh đến ngày hôm sau. Anh mở to mắt nhìn tôi như là anh muốn phát hiện chuyện gì bên trong vẻ bối rối của tôi. Khi quay đi, đôi vai anh oằn xuống. Lúc đó tôi hốt hoảng vì biết anh đã đọc được những ý nghĩ của tôi. Hôm sau, tôi nói với anh những điều tôi chưa dám nói ngày hôm trước: Tôi đang là đối tượng của chi bộ, việc kết nạp của tôi chỉ còn chờ kết quả giai đoạn công tác vừa qua của tôi nữa thôi. Anh Thảo là bí thư. Đồng chí tỉnh ủy viên phụ trách nhóm thiết kế chúng tôi là tiếng nói có trọng lượng trong chuyện này. Bố tôi mong chờ việc tôi vào Đảng từng ngày để yên tâm nhắm mắt. Vậy mà bỗng dưng tôi lại có thể một lúc đứng lên phủ nhận thành tích của tôi, chống lại tôi và tất cả mọi người... Tôi bàn với anh:

– Hay là anh để em tạm đứng ngoài chuyện này một thời gian? Xong chuyện vào Đảng, em sẽ đi với anh cùng trời cuối đất.

Anh im lặng. Tôi thì hoảng hốt, cảm thấy câu nói chân thành từ trái tim của tôi không làm anh xúc động mảy may.

Tám năm rồi tôi vẫn nhớ đôi mắt anh nhìn tôi hôm ấy. Anh đưa tay ra, tôi nắm bàn tay anh một lúc, tim đập như gõ trống. Tôi biết rõ sẽ không bao giờ có thể nắm bàn tay ấy được nữa. Anh rút tay về và nói:

– Em đồng ý với anh nhưng em không dám đứng cạnh anh. Tiếc thay là chúng mình không kịp đi cùng chuyến tàu.

Anh đi. Tôi biết tính nết anh. Khi anh khinh, anh giận thì anh thâm trầm như câm điếc. Anh vốn có một nhược điểm là cố chấp. Một lần có cậu bạn bị kích động, giả vờ điên để vu khống anh một chuyện gì đó. Anh không nói gì, nhưng không nhìn mặt cậu ta. Tôi bàn anh bỏ qua. Anh nói: “Tôi kể như nó đã chết rồi. Không nên bàn chuyện người chết”. Bây giờ thì cơn bão lặng câm của tình yêu đang đổ xuống đầu tôi.

Không thể nào tìm cách gặp riêng anh được nữa. Những cái nhìn âu yếm, những câu nói đầy ẩn ý anh dành riêng cho tôi trước đây biến đâu mất, thay vào đó là nụ cười xa lạ, dửng dưng, những cái chớp mắt không đâu. Chúng tôi ở trong khu tập thể cơ quan. Ba anh chung một phòng, còn tôi ở với cô Đào cấp dưỡng. Chỉ có tôi mới cảm thấy sự nặng nề trong các bữa cơm. Mỗi lần tôi nâng hai tay bát cơm xới hộ anh, anh không nhìn tôi như trước đây vẫn nhìn. Tôi cũng mất cả hào hứng rình những quả đu đủ của ai đó trồng sau nhà làm việc, mới rộm trứng cuốc tôi đã bẻ xuống giấm rồi đưa cho anh vì anh rất thích ăn đu đủ. Đã nhiều lần tôi ăn trộm đu đủ cho anh. Nhưng bây giờ tôi không buồn ngó lên cây đu đủ trong khi đi dọc hàng hiên từ nhà ăn về phòng ngủ. Tôi cất luôn vào vali cái áo phin nõn có những vết đu đủ mà tôi vẫn mặc với vẻ tự hào ngấm ngầm chỉ tôi với anh biết. Anh ghét tôi thực sự rồi. Tôi vẫn biết từ lâu, đối với anh, tình yêu không có chỗ độc tôn. Cái gì khác thuộc lĩnh vực lý trí chế ngự anh. Với anh, tình yêu là tốt đẹp nhưng tình yêu phải đặt trong một mối quan hệ tốt đẹp bao trùm. Nếu chỉ biết yêu nhau mà bỏ qua những điều ác, điều xấu xa thì chẳng khác nào ngồi ăn tiệc giữa đám ăn mày, nuốt sao nổi! Anh nói với tôi thế. Trước đây tôi yêu anh vì chính điều ấy, tự hào vì sự cứng rắn ấy thì bây giờ chính tôi đang là nạn nhân. Những mơn trớn dịu ngọt của tôi không phải là chất axít có thể ăn mòn anh. Anh cũng không sung sướng gì. Nhưng chắc chắn sự đau khổ của anh khác tôi. Anh buồn vì tôi đã “không cùng anh đi một chuyến tàu” vì anh phải đấu tranh cho chân lý trong cô đơn. Anh có thể làm việc đó một mình, nhưng dù can đảm đi mấy, anh vẫn có nỗi sợ cô đơn của những người thám hiểm. Còn tôi thì đau khổ vì tôi chắc là sẽ mất anh, mối tình đầu của tôi.

Không, tôi không chịu, tôi phải chiếm lại anh. Tôi phải liều. Hôm ấy, anh Thảo và anh Bình về quê thăm gia đình một anh bạn người địa phương. Đêm, chờ Đào ngủ say, tôi lăn dần ra khỏi màn, rón rén sang buồng anh. Anh đang viết. Tôi tắt đèn, gục đầu vào gối anh. Tôi khóc, lầm bầm những lời thanh minh vô nghĩa, lộn xộn. Tôi yêu anh, tôi không muốn mất anh, những chuyện phương án này, phương án nọ thì có liên quan gì đến tình yêu của chúng ta? Anh không nói gì, chỉ lặng lẽ vuốt tóc tôi. Rồi anh bế tôi lên như bế một đứa bé đặt xuống chiếc giường một của anh. Tôi bồi hồi và run rẩy trên tấm chiếu. Nhưng rồi, cũng lầm lì, cứng rắn như thế, anh bước lại cửa, đưa tay bật đèn lên.

Tôi cảm thấy cả con người tôi bị bóc trần ra dưới ánh sáng, trước mắt anh.

Anh nói chậm rãi:

– Minh ạ, em chưa hiểu anh.

Lúc đó tai tôi ù lên. Tôi chỉ thấy mình đang bị làm nhục, tôi đang tự làm nhục mình và tôi bỏ chạy ra ngoài, nhục nhã, căm thù.

Về giường mình, tôi dần tỉnh lại. Anh nói tôi chưa hiểu anh. Chắc là anh muốn nói đến tôi mà chưa hiểu anh. Tôi biết rõ, đối với anh, điều này quan trọng đến nhường nào. Anh thường phàn nàn với tôi rằng, người ta chậm hoặc không hiểu anh. Anh học giỏi, nhưng hồi bé cả nhà đều gọi anh là thằng ngố vì chuyện gì anh cũng cật vấn đến đầu đến đũa. Anh muốn ăn nói trước mặt cấp trên cho xứng đáng một con người thì bị chê bai là xấc xược. Khi anh đề nghị xét lại một phương án nào đó đang tiến hành không có kết quả, thậm chí sắp hỏng bét, lập tức có tiếng xì xào là anh thiếu kiên định và trung thành. Rồi đáng lẽ tập trung vào trao đổi ý kiến mới mẻ của anh, họ chĩa vào anh những lời chỉ trích gay gắt. Anh xông xáo, làm quên chết để thực hiện phương án nào đó của anh vừa được chấp nhận thì anh được nhắc nhở hãy đề phòng động cơ cá nhân. Anh lấy sách ra đọc trong những cuộc họp vô bổ thì có người vặn liền: “Nếu ai cũng kiêu ngạo như đồng chí thì còn gì là cuộc họp?”. Lúc đó anh nghĩ: Nếu ai cũng như tôi thì làm gì còn những cuộc họp giết thì giờ và tốn tiền vô ích! Vợ các đồng chí giám đốc bảo anh khinh người vì anh không hề đến nhà riêng của các đồng chí ấy để bình thơ hay bàn chuyện công tác (có khi với cả các bà) như một vài người khác. Anh không ờ, ờ... vầy vầy như ai thì được đánh giá là thiếu chín chắn... Một nhà thơ nghiệp dư mình gầy xác ve và thượt cằm ra vì phải chạy in thơ ở thủ đô chê anh, một nhà khoa học, là mơ mộng hão. Còn bao nhiêu những điều hiểu lầm. Phải hàng tháng, hàng năm, ăn mòn đũa bát với nhau mới hiểu được anh, chấp nhận ý kiến nào đó của anh. Nhưng ngay lúc mọi việc tưởng đang thuận lợi thì lại đẻ ra những hiểu lầm khác. Và cứ thế, cuộc sống ít khi mỉm cười với anh. Anh hiểu điều đó với thái độ bình thản, tự tin vì anh làm như đã tính trước những cái gai trên đường đời. Anh thường bảo tôi: “Em xem, cuối cùng cuộc đời vẫn nhân ái với anh, bởi vì nếu anh sống với mục đích tốt đẹp của đời thì anh có quyền được đối xử tốt trở lại. Anh chưa lần nào bị lọt qua mắt sàng như những hạt tấm. Cuối cùng anh chẳng mất gì ngoài những cảm giác dễ chịu nhất thời xoa bóp kẻ lười biếng và ngại đấu tranh. Cuối cùng anh đã gặp được em, quà tặng của trần thế, người con gái đầu tiên anh tin rằng sẽ rất hiểu anh”. Nhưng bây giờ thì tôi biết anh không còn nghĩ như thế về tôi nữa. Đó là nỗi đau lớn nhất của anh, nỗi thất vọng làm anh điếng người trong một thời gian dài.

Khi anh cho quả bom nổ, tôi đã lặng im. Tôi vừa sợ, vừa hờn. Tôi đứng ngoài cuộc, vẻ dửng dưng, nhưng trong thâm tâm vẫn thầm mong anh giành thắng lợi vì tôi biết rằng anh đúng. Giữa lúc đó, chi bộ xét đến chuyện kết nạp tôi. Anh Thảo cho tôi biết, chỉ có một phiếu không tán thành, đó là anh, người tôi yêu. Anh nói ở cuộc họp rằng tôi chưa hiểu gì về Đảng. Những dẫn chứng của anh hơi mơ hồ (anh Thảo bảo thế), thái độ hơi cố chấp, dù thế, chuyện của tôi vẫn được thông qua.

Tôi dấm dứt khóc mấy đêm ròng, biết rằng với chuyện này thì giữa tôi với anh chỉ còn là một đại dương băng giá. Tuy vậy tôi vẫn lặng lẽ theo dõi cuộc đấu tranh giữa anh với anh Thảo, với đồng chí ủy viên phụ trách và một số người có uy tín khác. Chỉ có anh Bình là kỹ sư duy nhất đứng về phía anh. Nhưng anh Bình không ăn nói được nên chẳng giúp đỡ anh được gì nhiều ngoài sự khích lệ của một tình bạn. Anh đưa vấn đề lên Bộ xem xét. Lúc đó tôi cảm thấy mọi người đã căm ghét anh thực sự. Họ cho rằng anh có những suy nghĩ cá nhân. Anh muốn làm mất mặt đồng chí tỉnh ủy viên phụ trách và anh Thảo, vì đố kỵ, ganh ghét, anh phản bội bạn bè. “Cá muốn nhảy qua rào”. Anh sống những ngày khó khăn.

Anh thường kéo dài giờ làm việc ra để lấy cớ ngồi ăn cơm một mình vì anh biết ít người muốn ngồi chung mâm với anh. Chỉ có cô Đào cấp dưỡng tuyệt vời của chúng tôi là như hiểu được tình thế của anh, hơn một lần tôi thấy Đào bỏ tiền túi ra làm cho anh một bát canh dấm anh vốn thích. Có khi chỉ là mấy hào dưa chua vàng rộm với mùi thơm hấp dẫn. Anh ăn, vừa ăn vừa chuyện trò với Đào, tôi đi qua, chỉ biết nhìn Đào với đôi mắt biết ơn. Sau này tôi sẽ không tha thứ cho tôi vì sao lúc đó tôi không có thể mua cho anh mấy hào dưa chua và đợi anh cùng ăn cơm như Đào. Có lẽ không khí trong đám kỹ thuật đã hù dọa được tôi. Người ta bàn tán rằng nhất định tỉnh sẽ có ý kiến, rằng người ta đang cho người về quê điều tra xem ông thân sinh anh (là một hương sư) chạy ra vùng tự do năm bốn chín là tự nguyện như anh khai trong lý lịch hay có ý gì khác, vân vân… Tôi không biết người ta đây là ai, chuyện ấy có thật hay không, tôi chỉ nghe anh Thảo nói lại với một sự ái ngại khá dè dặt. Anh Thảo còn cho biết: Người ta đang đặt vấn đề có một âm mưu trì hoãn xây dựng công trình làm ảnh hưởng đến hàng chục héc ta của tỉnh trong vụ đông xuân rất quyết định trước mắt...

Chắc chắn những chuyện ấy đều đến tai anh. Nhưng anh vẫn lừ lừ như cái tàu điện trên đường ray của mình. Thỉnh thoảng tôi thấy mắt anh lóe lên một tia nhìn giễu cợt, thách thức, y như cái tàu điện lúc bật đèn, nó tin rằng đường là của nó, và dù thế nào đi nữa, nó vẫn về đến đích.

Từng đoàn nghiên cứu của Bộ về, lại đi, những tiếng thì thầm đuổi theo như đuôi sao chổi. Trong giới kỹ thuật, buồn thay, người ta chỉ nhìn nhau và bắt nhau đoán ra ý nghĩ tối mò của cái nhìn ấy. Ít người phát biểu chính kiến của mình trong các cuộc họp vì phát hiện của anh Đính quá mới mẻ đối với họ (tôi thì khác, lúc tôi đang yêu anh và hiểu anh) mà cũng còn vì họ ngại chấp nhận một cuộc đấu tranh gay go.

Và thế rồi, một hôm, có một chiếc xe con chạy đến, đỗ xịch trước cổng cơ quan. Một người đàn ông mặc quần áo cảnh vệ nhảy xuống, đến thẳng phòng thiết kế tìm anh. Tim tôi đứng lại. Nhưng người kia cho biết đồng chí bí thư tỉnh ủy cần gặp anh gấp. Anh đi. Lúc về, mặt anh đỏ vì bia, vì một hứng khởi khó che giấu. Anh thì thầm với anh Bình rằng Hội đồng kỹ thuật và cấp cao nhất là Bộ trưởng đã đồng ý về cơ bản phát hiện của anh. Chẳng mấy chốc cả cơ quan đều biết chuyện đó. Không khí xôn xao. Bởi lẽ, chân lý đã được làm sáng tỏ, bởi lẽ đồng chí bí thư tỉnh ủy đã cho người mời đích danh anh để báo tin kia mà không phải là anh Thảo và như vậy thì chắc chắn sẽ có sự xáo trộn trong bộ máy làm việc. Tôi thấy anh Thảo vồn vã với anh hơn. Đồng chí trưởng phòng hành chính đưa tận tay anh những lá thư trước đây vẫn mốc meo trong ngăn kéo văn phòng. Người ta nấn ná đợi anh cùng ăn cơm để hỏi dò xem trong cuộc gặp hôm nọ, đồng chí bí thư đã hỏi gì, đã nhắc đến ai... Tôi nhìn thấy, cảm thấy rất rõ sự thay đổi thời tiết ấy quanh anh.

Nhưng tôi muốn làm một cơn gió lạnh giữa mùa hè ấm áp. Tôi không phải như những người kia, quan hệ giữa tôi với anh không liên quan gì đến những cốc bia anh uống ở nhà đồng chí bí thư tỉnh ủy. Tôi cũng chẳng mảy may xúc động khi các cô kỹ sư thì thầm với một anh chàng vốn sành tin vỉa hè để moi anh ta về cơ cấu mới, theo anh ta thì nghe đâu Đính sẽ lên nắm vai trò của anh Thảo và y nói rằng, đứng trên mặt địa vị mà xét, anh Đính sẽ còn nhiều thành công. Tôi bỏ ngoài tai những chuyện đó không chỉ vì tôi thấy họ chẳng hiểu gì anh mà còn vì tôi đang giận anh, thù anh. Nhiều lúc tôi muốn anh hãy chuyển đi đâu thật xa, mang theo câu chuyện của buổi tối buồn thảm đó, nhục nhã với tôi đó, hiện nay chỉ có anh và tôi biết rằng anh đã bật đèn lên, còn tôi thì ôm mặt bỏ chạy ra ngoài... Tôi đã yêu anh và vẫn còn yêu anh, nhưng tôi muốn thế. Khi anh còn phải vật lộn, khi anh sống trong sự lạnh lẽo của tình người, tôi muốn làm một tia nắng ấm, tôi đã lén giặt hộ những bộ quần áo ngâm trong chậu đến mủn ra của anh, tôi vẫn nán lại sau bữa cơm, chờ mọi người về nhà hết, tôi lấy một cái áo bông cũ bọc quanh chiếc cặp lồng Đào để cơm cho anh. Tôi nằm không ngủ nghe tiếng ho khúc khắc bên phòng anh. Những buổi thấy anh thức khuya, tôi liều lĩnh ra cầu dao cắt điện của cả một dãy nhà... Nhưng bây giờ vinh quang đến với anh rồi, tâm hồn tôi lại thấy tổn thương, tôi lại sống day dứt với kỷ niệm của đêm hôm đó, tôi không thể quên, tôi thù anh và muốn làm anh khổ...

Giữa lúc đó, nghe tin anh chuyển về Bộ. Anh bảo rằng nếu anh ở lại sẽ gây ra những vướng mắc cho anh Thảo. Mà anh Thảo chính là người có khả năng nhất để thiết kế lại công trình theo phương án mới và giám sát thi công về sau. Anh nói: Anh Thảo là con người của hành động. Khi đã có một chữ ký kèm thêm cái dấu đỏ vào rồi, thì anh Thảo là người thích hợp nhất để biến tất cả các thứ ý nghĩ, đề án, giấy tờ ấy thành hiện thực, tất nhiên các thứ ấy đều phải có chữ ký và đóng dấu. Còn anh, anh không có khả năng ấy hoặc làm rất kém, rất bấp bênh. Biết đâu có lúc nào đó, anh phủ nhận cả bản thân mình.

Dù có một vài lời dị nghị ấy của anh và việc anh xin đi là chân thành, anh muốn công việc chung được hoàn thiện hơn, mục đích của đời anh không phải của cải hay địa vị. Và có lẽ tổ chức cũng hiểu như tôi nên anh được đi thật. Hoặc là người ta đang cần một người như anh ở một chỗ khác, hoặc người ta không muốn gây ra chuyện lấn cấn giữa anh với anh Thảo. Chính giờ phút nghe tin đó, tôi thấy hình dáng anh cao lớn hẳn lên, anh hiện lên trước mắt tôi với cái nhìn cao thượng, rành mạch, nụ cười vừa cố chấp vừa khoan dung. Tôi những muốn chạy ra bến tàu thủy để tiễn anh, nhưng không tài nào đứng lên nổi. Tôi đã mất anh thực sự rồi và mất mát ấy làm tôi gục ngã. Tôi không biết mình có ngất đi không nhưng khi tỉnh dậy, tôi đã nghe các cô kỹ thuật viên đang bàn tán về anh. Họ nói rằng, anh đã bỏ lỡ một dịp ngàn năm, rằng nhiều chức vụ béo bở sắp vào tay anh, vậy mà anh đã bỏ đi. Anh ngố quá!

Quả thực, anh dự đoán tinh tường. Tôi không thể ngờ anh Thảo làm việc một cách năng nổ như thế, tuyệt vời như thế. Anh say mê lao vào thực hiện những ý nghĩ, phương án của người vừa đánh bại mình với sự hào hứng tột bực. Quả anh là người của hành động, là người thực hiện hoàn hảo các ý nghĩ đã được công nhận, là người chạy đua tuyệt vời trên con đường đã có sẵn. Còn anh Đính, anh thích mò mẫm trong những khoảng rừng gai để tìm đường, con đường ngắn nhất chưa ai biết. Mớ ý nghĩ kia là của anh Đính thật đấy, nhưng bây giờ nó đã được công nhận rồi, đã đăng ký và đóng dấu rồi. Không ai có thể chê trách gì anh. Thảo gặp hết thành công này đến thành công khác. Anh đã có dịp phô bày tất cả mặt đẹp, mặt mạnh của mình ra. Và càng ngày tôi càng thấy anh dễ mến, dễ thông cảm hơn trước. Cho đến ngày hoàn thành toàn bộ công trình ba năm sau đó, anh đã kịp vẽ xong cho mình một bức chân dung hoàn chỉnh về một kỹ sư có tài và uy tín. Và mọi người hầu như quên mất anh Đính với những phát hiện kia và sự ra đi cao thượng đầy sáng suốt. Họ quên rằng sở dĩ công trình đạt được vẻ hoàn hảo như hôm nay là do đã bắt đầu từ những ý nghĩ đúng đắn. Họ nghĩ một cách vô tư rằng tất cả là do anh Thảo, cái anh chàng Thảo đẹp trai, khiêm tốn, cần cù, vừa hoạt bát vừa chín chắn, con người đang đặt chân lên những bực thang danh vọng.

Tôi là một trong nhiều người đã từng nghĩ, từng quên như thế.

Kỷ niệm về anh đã quá xa mờ, chỉ còn ý nghĩ trả thù trẻ con. Tôi lấy chồng, lấy anh Thảo, điều ai cũng cho là hợp lẽ. Ba năm đủ cho tôi lựa chọn được một tấm chồng mà lúc đó tôi tin là sẽ đưa lại cho đời tôi hạnh phúc và yên ổn. Ai cũng mừng cho tôi và chính tôi cũng yên tâm. Phút cuối cùng tôi có nghĩ tới anh Đính và lúc đó tôi còn lấy làm may mắn rằng tôi đã không thành vợ anh.

Trong nhiều năm qua, vợ chồng chúng tôi chuyển về Bộ, rồi về các Bộ (do Bộ chúng tôi chia thành hai), sau đó lại có thêm những tổng công ty, những liên hiệp công ty, xí nghiệp trực thuộc và không trực thuộc... Mỗi lần thay đổi là một lần anh Thảo tôi thăng tiến thêm một bực và chúng tôi rất ít có dịp gặp lại những người quen cũ trước đây. Anh Thảo bận bịu suốt ngày với công việc, với những người bạn mới trong giới của anh.

Anh Bình hỏi:

– Vậy là anh không gặp lại anh Đính lần nào?

– Có chứ, có chứ – Chồng tôi nói – Nhưng Đính như muốn lánh mặt mình. Thật tội, mình đâu phải hạng người lơ là với bạn thuở hàn vi. Anh em cán bộ của mình có cậu đã từng làm việc với Đính sau ngày cậu ấy rời H. Họ bảo Đính là người không đến nỗi mà cứ chìm đâu mất.

Chồng tôi nhìn qua cửa sổ toa tàu. Những cánh đồng vừa gặt vun vút chạy qua. Nét mặt anh chìm xuống, cái cằm tròn tròn khẽ động đậy làm khuôn mặt thêm vẻ phúc hậu. Nhiều lúc tôi cảm thấy anh có thể điều khiển cái cằm của anh như sai khiến đôi mắt, cánh tay. Phía bên kia, anh Bình cũng nhìn ra cửa sổ chừng như muốn tìm xem người bạn “bị chìm đâu mất” trước kia đang ở chỗ nào trong những cánh đồng mênh mông như cuộc đời kia.

– Tất cả là do cậu ta thôi mà – Chồng tôi phá vỡ im lặng – Bao giờ cũng muốn xới xáo cả lên, cũng muốn hoàn thiện, sửa chữa. Cuộc đời có buổi có thì, mình loay hoay thì nước vẫn cứ chảy qua cầu mà lại. Hình như có dạo cậu ta được cử làm chủ nhiệm một công ty. Công ty này được thành lập để tham gia thủy điện Thác Bà, sau đó có thêm sông Đà nữa thì triển vọng sẽ lớn lắm. Được hai năm, do yêu cầu của công việc, tổ chức này giải thể. Quân gia của Đính kêu như ó! Bộ lại rút Đính về. Cậu ta ở Bộ một thời gian. Rồi một dạo tên tuổi Đính lại nổi lên như cồn nhờ có một sáng kiến gì đó, được một đồng chí trung ương đánh giá khá cao. Phải rồi, một phương án kết hợp xây dựng kinh tế với phục vụ chiến trường, liên quan đến hai ba ngành lớn. Nghe nói Đính được phụ trách bộ phận tổng hợp và xây dựng cơ bản. Dịp may quá đi chứ? Cậu nên nhớ rằng, đời con người thường có những bước ngoặt mà chính anh ta cũng không nhận ra. Anh khéo xử lý thì ăn to, nếu không lại như sên bò cột mỡ, lại lăn xuống chỗ ban đầu. Vài lần như thế là hết đời! Có phải thế không? Như bản thân mình, cái ngày sóng gió ở H. là bước ngoặt, may mà đã không rơi xuống chân cột.

Anh Bình nói:

– Kể ra hồi ấy anh Đính xin đi là sáng suốt.

– Một sự cao thượng miễn cưỡng – Chồng tôi nói – Số phận đã an bài rồi.

– Nhưng anh nghĩ sao nếu không có sự phát hiện của anh Đính? – Tôi nói có vẻ gay gắt – Nếu công trình vẫn tiến hành như cũ thì sao?

– Thì chúng ta có lẽ đã đi xa hơn – Chồng tôi trả lời ngay. Chúng ta, có lẽ anh muốn ám chỉ tôi và anh ấy. Vậy ra, đối với chồng tôi thì chỉ cần anh ấy và vợ tiến xa hơn là đủ, những lợi ích khác của sự nghiệp chung có ăn nhằm gì.

– Nhưng sẽ ân hận suốt đời – Tôi nói – nếu anh Đính không kịp thời phát hiện ra. Em chỉ mong suốt đời có được một đóng góp như thế.

– Tôi cũng vậy – Anh Bình dè dặt.

Thấy tôi trở giọng gay gắt, chồng tôi ngạc nhiên, nhưng anh tìm cách dàn hòa:

– Phải rồi, phải rồi – Anh nói – Tôi cũng mong thế. Nhưng tôi không hư vô. Tôi là một thành viên, tôi cũng phải gặt được cái gì, đó là chính đáng.

Tôi đã nhiều lần nghe những lập luận như vậy trên giường ngủ, trong phòng khách, trong rạp xi-nê, trong một lúc chờ phà... Đúng thế, chồng tôi không hư vô, anh ấy biết gieo hạt và gặt không sót một bông cho phần mình.

– Mỗi người một cách – Tôi nói, quay sang anh Bình, tôi muốn làm cho giọng mình có vẻ gay gắt và lạnh – Anh Đính cũng không hư vô. Anh ấy chỉ ít quan tâm đến mình mà thôi. Như cái hồi ở H. anh ấy gieo và để lại mùa màng cho người khác. Anh Bình này, anh Thảo nhà tôi bây giờ có cái nhìn rất lạ. Theo anh ấy thì anh, chính anh Bình, hay chính tôi đây này, nếu chưa được đề bạt làm chức gì đó tức là... chẳng có giá trị gì.

Bình cười thoải mái:

– Vậy thì thưa chị, tôi đang là người vô giá.

– Cậu chơi chữ được đấy – Chồng tôi chắc là khá ngạc nhiên vì cái giọng kê kích của tôi, chuyển sang chuyện khác – Nhưng thôi, để mình nói tiếp về Đính cho mà nghe. Đáng lẽ ra, ở cương vị phụ trách bộ phận tổng hợp nọ, cậu ta có thể làm lớn, bước ngoặt mà. Nhưng rồi cũng lỡ mất. Có một vụ thất bại nào đó, do thằng cha phó của cậu ta gây nên. Cấp trên la rầy dữ quá. Như người ta, biết tìm cách xuê xoa cho qua chuyện thì thôi. Đằng này, cậu ta xin nhận một kỷ luật khá nặng là cách chức...

– Đúng là kiểu anh Đính thật – Anh Bình nói.

– Rồi cũng không ai cách chức Đính. Nhưng cậu còn lạ gì, quyền hành cũng như chim trời nắm trong tay, anh lỏng lẻo là nó bay qua tay người khác. Đính chìm đâu mất một thời gian. Một lần, tình cờ đọc hồ sơ kỹ thuật của Bộ nọ, mình thấy có một kiểu cầu mang tên Đính, bằng gỗ, tháo lắp được, trọng tải cho phép một T.54. Nghe nói công binh Trường Sơn khoái kiểu cầu này lắm. Nhưng để lại một cái tên thì có nghĩa gì? Sau đại thắng mùa Xuân, mình không nghe tin gì về Đính nữa. Trước đó, một cậu bạn mình có gặp Đính đang đi vào, cậu ta đi nhờ xe vào Huế rồi xuống. Có thể Đính đã hy sinh trong chiến dịch cuối cùng rồi chăng? Hay lại gặp một hẩm hiu nào khác?

Tôi trầm ngâm:

– Trong đời này chắc có nhiều người như anh Đính mà chúng mình mới chỉ biết có mỗi anh ấy thôi.

– Người ngố thì có nhiều, nhưng ngố dạng Nguyễn Văn Đính thì không có mấy – Chồng tôi nói.

Bỗng anh Bình đột ngột hỏi:

– Không biết anh Đính giờ này ở đâu. Nhớ anh ấy quá. Đính chưa hôn tôi, chưa lần nào. Con người nghiêm khắc và đầy ứ tình cảm bị dồn nén ấy chưa hôn tôi. Nhưng đã bao lần anh nhìn thấu suốt tôi và, buồn thay và cũng sung sướng thay, tôi đã học được cách nhìn thấu suốt ấy. Đến lượt tôi, tôi đã nhiều lần đột ngột bật đèn lên trong buồng ngủ để chấm dứt một cuộc cãi vã với chồng và tôi nhìn thấy anh nằm đó, lố bịch và thảm hại dưới cái nhìn thấu suốt của tôi. Cuộc sống vợ chồng chúng tôi thật nặng nề, cuộc hôn nhân làm tôi thất vọng, nhưng tôi không oán trách ai vì chính tôi là người có lỗi.

Tôi đã gắn bó với người không phải của mình. Tuy vậy, tôi vẫn còn hy vọng vào sự hoàn thiện của anh ấy. May ra...

Câu nói của anh Bình chớp sáng trong đầu tôi, linh tính làm tôi run rẩy. Tôi đột ngột đứng lên. Cùng lúc, tôi nghĩ đến anh, đến những dấu vết của những người như anh để lại trong cuộc đời này như là bằng chứng không mờ về vẻ đẹp của con người. Tôi nói:

– Tôi sẽ tìm ra địa chỉ của anh Đính ngay bây giờ cho các anh xem.

Con tàu qua những quãng đường đang sửa, đi chậm lại. Chồng tôi và anh Bình nghe tôi nói, lộ vẻ ngạc nhiên. Nhưng tôi đã đứng lên, quả quyết bước về cửa sổ đối diện, từ lâu tôi vẫn chú ý tới một cuốn sổ bìa xanh treo lủng lẳng ở đó. Hai tay run run, tôi giật đứt sợi chỉ, cầm lấy quyển sổ của những người đi tàu thích hoàn thiện cuộc sống. Tôi ngồi xuống cạnh chồng tôi, mở từng trang cuốn sổ ra. Tôi mở rất nhanh, có thể nhiều người viết, mồ hôi vã trên trán tôi, vậy mà tôi đã tìm thấy trang giấy linh tính báo cho tôi.

“Tàu hôm nay khởi hành chậm, chậm quá. Điều ấy có thể thông cảm được, nhưng vì sao hành khách phải ngồi trên tàu hai tiếng đồng hồ giữa mùa hè nóng bức mà không được một lời giải đáp, một lời xin lỗi của nhà ga? Ở Trường Sơn, lúc chúng nó thả bom giàn, đường tắc, chúng tôi vẫn trườn qua bãi bom viết những lời giải thích lên vách núi, lời xin lỗi, lời hẹn bao giờ thì đường có thể thông và nhiều anh em lái xe đã vui vẻ giúp đỡ chúng tôi gỡ bom, san lại đường. Tôi phản đối những người đi ca chuyến tàu hôm nay. Cần phải hoàn thiện, sửa chữa...”

Chồng tôi, anh Bình cùng đọc bằng mắt với tôi và lần tìm địa chỉ của người góp ý. Không có gì ngoài nét chữ và chữ ký quen thuộc đối với cả ba chúng tôi. Tất cả vẫn mang vẻ lơ đễnh như xưa. Tôi không nói gì, lặng lẽ nhìn ra ngoài.

Anh dễ giận nhưng không bao giờ hờ hững với chung quanh và bản thân mình. Nuốt vội giọt nước mắt đắng cay như chắt ra từ một mối tình đã chết, tôi thấy dậy lên trong lòng một cảm giác tin yêu. Vậy là anh vẫn cùng có mặt với chúng tôi, vẫn như trước đây, anh không muốn bỏ qua một cơ hội nhỏ nào để góp phần mình hoàn thiện cuộc sống. Cuộc sống cần những người như anh đến bao nhiêu, những người không bao giờ hờ hững với vẻ đẹp cũng như cái xấu của nó. Anh làm tôi tin rằng mọi điều sẽ trở nên tốt đẹp.

Chỉ có riêng trái tim rạn nứt của tôi thì tôi biết sẽ không bao giờ còn lành lặn được như xưa...

Hải Phòng, tháng 12/1979

Bài liên quan
  • KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ký sự Cao Lạng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được ghi nhận là một trong những tác phẩm dài hơi đầu tiên của nền văn học kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp, đại diện xuất sắc cho thể loại ký sự trong văn học sử Việt Nam thời hiện đại. Tác phẩm như một thiên sử thi, ghi lại những diễn biến lần đầu tiên Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tiến công quân xâm lược Pháp, do đích thân Hồ Chủ Tịch ra trận chỉ đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhận trọng trách chỉ huy trưởng chiến dịch. Ký Sự Cao Lạng cùng với một số tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (giải thưởng diễn ra 5 năm một lần) trong lần đầu tiên giải thưởng này được tổ chức năm 1996.
  • MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mùa Gụ là truyện ngắn trong tập Ngày mai sẽ nắng của nhà văn Trần Tâm, Nxb Kim Đồng in năm 2002.
  • ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuyện của nhà văn gốc Cà Mau, về miền sông nước...
  • CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    Chuyến xe lửa đêm ra Bắc hôm nay có vẻ hấp tấp vội vàng như người đi trốn nợ. Thỉnh thoảng đầu xe lại thét vội giữa quãng đồng không, xa xa. Nghe như hơi thở của đêm vắng.
  • LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Làn gió chảy qua là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.
  • THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tháng Bảy là truyện không ngắn như những truyện ngắn khác mà nhà văn Phan Thị Vàng Anh thường viết, nó dài hơn hẳn. Truyện được viết khi tác giả tham dự chương trình viết văn của Đại học Iowa, Mỹ, đăng trên TTCT năm 1996.
  • HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn quê gốc Chợ Gạo Trần Kim Trắc, còn được biết đến với tên gọi Ông Thiềm Thừ, theo tên một truyện ngắn xuất sắc của ông, là một trong những cây đại thụ của văn chương Nam Bộ. Truyện nào của ông, cũng như gieo những cơn mưa Nam Bộ, thấm đẫm từng trải và bạt ngàn vốn sống lên văn đàn.
  • ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư của nhà văn Đỗ Phước Tiến in trên báo Văn học và Dư luận năm 1992, ngay lập tức đã gây chú ý  tới đông đảo độc giả yêu mến văn chương. Năm 1994, Đảo của dân ngụ cư đã được dịch sang tiếng Pháp với tựa Terre des éphémères và được lấy làm tên cho một tập truyện xuất bản ở Paris. Truyện cũng được dịch sang tiếng Anh với tựa The Way Station trong tuyển tập Night, Again xuất bản tại New York năm 1996. Đến năm 2016, tại Việt Nam, nó được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên do Hồng Ánh đạo diễn.
  • THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH của Nhà văn Cà Mau Nguyễn Trọng Nghĩa in lần đầu trên báo Tuổi trẻ chủ nhật sau đó in trong tuyển tập Truyện ngắn hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật, nhà xuất bản Trẻ 2005.
  • ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đình Tú đến với văn chương từ cuộc thi Tác Phẩm Tuổi Xanh của Báo Tiền Phong năm 1995, với giải thưởng cho truyện ngắn Niềm vui của một dòng họ. Nhưng phải tới khi đạt giải nhì cuộc thi văn chương của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999, anh mới chính thức rẽ vào làng văn và trở thành một trong những nhà văn thế hệ 197x viết nhiều và đa dạng thể loại thành công nhất hiện nay.