12-08-2023
Lượt xem 3221
Đánh giá 0 lượt đánh giá
Nhà văn Như Phong (1917-1985) tên thật là Nguyễn Đình Thạc, sáng tác văn học từ trước năm 1945. Ông nội của Như Phong là cụ Nguyễn Văn Viễn, quê ở Đông Lao, tỉnh Hà Đông cũ thuộc dòng tộc Nho gia yêu nước. Cụ đã tham gia nghĩa quân đánh thực dân Pháp xâm lược, sau lại ủng hộ gạo cho quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc đánh trận Cầu Giấy thắng lợi. Được giáo dưỡng trong gia tộc có truyền thống tốt đẹp, Nguyễn Đình Thạc (tên thật của ông Nguyễn Như Phong) dù được học ở trường Bưởi, nhưng đã sớm dấn thân đi tìm con đường mới để góp phần cứu nước. Ông đã viết một loạt truyện ngắn đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy mang tính hiện thực phê phán như: Kỳ, Người ở tù về, Gái nhỡ thì, Truyện một người trẻ tuổi, Cái chết, Hai bà cháu, Chuồng nuôi ngựa… Năm 1939, Như Phong bị thực dân Pháp bắt và bỏ tù ở Hỏa Lò. Vào năm 1943, ông là một trong những nhà văn sáng lập Hội văn hóa cứu quốc.
Vườn Bách thảo, những ngày thường trong tuần, rất vắng vẻ, yên tĩnh. Mùa hè năm ấy, buổi sáng, tôi thường ưa mang sách lên đó kiếm một chỗ ngồi đọc. Tôi thích cái thú ngồi đọc sách giữa trời như vậy.
Xung quanh tôi, ngày hè bắt đầu, tưng bừng và náo nhiệt. ánh nắng xốn xang trên những cành cây gió động. Bóng vài chùm lá lung lay trên những trang sách mở và trên vạt áo trắng của tôi. Một vài mùi tươi và chát của mùi nhựa cây nhẹ bốc trong không khí, mạnh như một thứ men rượu. Khoảng vườn um tùm thở một hương thơm hoang dại, bát ngát; thỉnh thoảng gió đưa lại mùi ấm ấm và khai khai của những con vật giam trong chuồng và, từ xa, tiếng chổi nứa lẹt vẹt quét trên mặt đường đá vụn. Những sách tôi đọc phần nhiều không phải suy nghĩ mấy, nên tôi vừa đọc lại vừa lẳng lặng để ý đến mọi sự động tĩnh ở quanh mình. Người qua lại ít. Những người làm phu vườn, cánh tay đeo miếng đồng mỏng khắc dấu hiệu thành phố Hà Nội, lăng xăng bận những việc quét chuồng hay tưới nước, trồng cỏ. Tiếng hát nhẹ nhàng của một người phu đàn bà lẫn trong rặng cây. Tiếng những thùng sắt chạm nhau loảng xoảng. Tiếng lạch cạch của một chiếc xe chở nước, kéo bởi một con bò mộng, mắt lừ đừ, nặng nề như chân bước...
Những người phu ấy vì bận với công việc, luôn luôn thúc giục bởi những người cai vườn nên không để ý đến tôi như lần đầu. Họ đã quen thấy tôi, sáng nào cũng ngồi nguyên một chỗ, trên một tấm ghế dài. Tôi không phải cái khó chịu bị nhìn bởi những con mắt tò mò và ngạc nhiên.
Trong những buổi sáng ở vườn Bách thảo ấy, tôi thường hay gặp một người Pháp đã có tuổi. Chỗ ngồi ông ta ở tấm ghế dài cách chỗ tôi có dăm bước. Ông ta chỉ ngồi nguyên chỗ ấy, cũng như tôi vậy. Điều đó tỏ ra rằng ông ngồi ở đấy đã lâu rồi. Một thói quen...
Tôi thường đến sớm hơn ông ta. Và từ chỗ ngồi của tôi, tôi nhìn sang phía ghế dài ông vẫn ngồi, lúc ấy bỏ vắng. Tôi tò mò đợi lúc ông đến. Khi thấy bóng ông từ đầu đằng kia đi lại, tôi vờ chăm chú vào trang sách đương mở, nhưng sự chú ý vẫn kín đáo đổ vào từng cử chỉ của ông.
Hai tay chắp sau lưng, ông từ từ đi lại bên ghế, lấy ở túi ra một chiếc mùi soa rộng bằng cả một vuông vải, phủi qua mặt ghế, rồi mới ngồi xuống. Từng cử chỉ nhỏ nhặt của ông đều cẩn thận như vậy. Đặt chiếc tẩu thuốc lá lên miệng, ngồi nhìn vẩn vơ một lúc, ông lấy ra một tờ báo đọc một cách chăm chú như người muốn đánh lừa thời giờ. Có bận tôi liếc thấy ông kiên nhẫn đọc cả những trang cuối cùng tờ báo, chỗ dành cho những quảng cáo và những tin tức vụn vặt, không giá trị. Thỉnh thoảng, ông lại móc ở túi áo trên một chiếc đồng hồ quả quít, xem giờ. Một sự chờ đợi in rõ ràng trên mặt ông. Cho đến khi ánh nắng ăn lan gần hết mặt bồn cỏ và bóng những cây thu nhỏ dần lại quanh chân cây, ông mới đứng dậy, gấp tờ báo bỏ túi và hấp tấp đi ra mé cửa vườn.
Sáng nào cũng vậy. Trừ có buổi chiều, tôi ở nhà làm việc, và những ngày mưa không đi được, tôi luôn luôn gặp người Pháp ấy ở vườn Bách thảo. Sự tò mò của tôi càng ngày càng lớn. Dần dần những ý nghĩ về ông ta làm bận óc tôi hơn là những trang sách tôi mang đi đọc. Ông ta ở đâu? Ngày ngày lên đây làm gì? Đợi ai? ồ! Nếu tôi có thể đọc được những trang sách thầm kín của đời ông ta một cách dễ dàng như cuốn tiểu thuyết tôi mở trước mắt!...
Một buổi sáng, khi ông ta đến, chiếc ghế dài của ông ta đã có mấy người ngồi rồi. Những người này là mấy ông nhà quê lên chơi Hà Nội, là phải đi xem Bách thú như tất cả các ông nhà quê biết tự trọng khác. Không có lẽ gì để cho họ biết trước rằng tấm ghế dài ấy là chỗ ngồi quen của ông người quí quốc. Bởi thế, khi ông này đến, họ cứ ngồi yên và, hơn nữa, bộ ung dung của họ bảo cho ta biết rằng họ còn ngồi yên đấy mãi, nếu ý muốn của họ là thế.
Người Pháp ấy ngần ngại một chút, rồi đành bước đến ghế dài tôi ngồi. Ông ta nhìn tôi, khẽ gật đầu chào rồi ngồi xuống. Cử chỉ ấy để cho tôi nhận thấy tính ông ta dễ dãi, lịch sự khác hẳn với thứ người khác kiêu ngạo một cách khả ố mà ta quen gọi là "Tây thuộc địa".
Tôi nghĩ, không dịp nào bằng dịp này có thể cho tôi làm quen với ông ấy. Tôi chọn lúc ông ta châm xong chiếc tẩu thuốc lá:
- Hôm nay, trời đẹp nhỉ, thưa ngài.
Ông ta đáp lại tôi một cách vui vẻ. Rồi câu chuyện bắt đầu từ cái sáo nhạt nhẽo về thời tiết ấy đi qua những sự biết thông thường của cả mọi người, đôi khi lấn qua vào câu chuyện thời sự bên Âu châu (nhân vì tờ báo ông ta cầm trên tay)... Qua câu chuyện, tôi nhận thấy rằng ông ta thuộc về hạng người Pháp vui vẻ, bình dị, thẳng thắn, có lòng tốt, ưa sự thân mật, cởi mở, hạng người Pháp còn giữ được những đức tính hồn nhiên của dân tộc mà từ trước đến giờ tôi tiếc mới được biết qua cuốn tiểu thuyết Pháp văn. Như những người Pháp trong những sách ấy, ông ta đã lấy được ngay chút cảm tình của tôi một cách dễ dàng.
Hôm sau, gặp tôi, ông ta chào trước bằng một câu vui vẻ thành thật. Nếu tôi đến với ông ta, còn một phần dè dặt nho nhỏ nào thì câu chào ấy đã làm tan hộ mất. Câu chào với cái nhìn của một cặp mắt có lẽ không bao giờ biết nói dối!... Cặp mắt làm người ta ngạc nhiên vì vẻ đặng đột của nó ở một người đã nhiều tuổi: màu xanh lợt, lúc nào cũng tươi cười như vui một chuyện gì, nhưng không ranh mãnh.
Người ông ta cao lớn. Nước da trắng hồng nhưng vì ở thuộc địa, nên rám lại thành màu nâu đỏ. Ngồi gần ông ta, tôi nhận rõ cái chân tóc ở trên trán với ngấn da trắng chưa bị nắng ăn, tương phản hẳn với chỗ da khác trên mặt. Trong khi nói chuyện, ông ta hay làm bộ điệu bằng hai bàn tay to, dầy. Ông ta nói to, cười to, xỉ mũi cũng to. Chỉ có hai hôm ông đã bắt đầu gọi tôi bằng "con" một cách thân mật. Dần dần tôi biết khá nhiều về ông ấy. Ông ở thuộc địa đã lâu, làm kỹ sư cho một sở nhà nước, về hưu trí được hơn hai năm. Ông góa vợ nhưng không lấy vợ kế, có một người con gái mười lăm tuổi đang học ở lớp nhì trường trung học Pháp văn mà ông yêu hơn tất cả mọi sự trên đời. Ông chỉ sống vì con gái. Bao nhiêu sự làm việc, cố gắng, dành dụm của ông từ trước đến nay là chỉ để cho con gái, sau này được sung sướng (giọng ông lúc này trở nên cảm động, ông ngừng nói một lát để nhìn ra xa...).
Tôi lại được biết thêm rằng con gái ông tên là Joannina. "Joannina của tôi" như ông vẫn gọi một cách âu yếm mỗi khi nhắc đến. Sự có mặt của Joannina đối với ông cần như khí trời. Ngày nghỉ đã đành, còn những ngày Joannina đến trường, ông cố làm thu hẹp cái thì giờ phải vắng mặt con gái. Hôm nào ông cũng đưa Joannina đến tận cổng trường, để cho con vào học, rồi quay ra ngồi ở Bách thảo, đợi giờ tan học. Trong khi ấy ông ngồi suy nghĩ đến con gái như một anh chàng si tình ngồi mơ mộng đến tình nương, hoặc đánh lừa sự chờ đợi bằng cách đọc báo. Giờ tan học đến đã thấy ông đợi ở cửa trường từ lâu rồi.
Câu chuyện người cha này làm cho tôi cảm động. Tôi nghĩ đến những Henri IV, những Fère Goriot... trong sử hay trong truyện Pháp, những tấm lòng cha yêu con sâu rộng, tha thiết không tính toán, không cần trả lại, đã bọc vầng trán những người cha ấy trong một quầng ánh sáng rực rỡ, thiêng liêng!... Có lẽ, đối với những tâm hồn á đông ít sôi nổi, ít tràn đầy, quen với sự dè dặt, sự chừng mực của chúng ta, những mối tình mãnh liệt đến thành ra đau đớn ấy sẽ bị nhìn như một cái lố lăng nếu không là quái gở!... Trí tôi không ngăn được một sự mỉa mai nhẹ nhàng và kín đáo, nhưng đối với ông ta, lòng tôi vẫn có một cái gì như là sự kính phục.
Tôi không cần giữ kín lòng ngưỡng mộ ấy. Tôi đã làm cho ông cảm động thành thực và, vì thế, vào thêm được chút nữa trong sự thân mật của ông ta. Từ đó, câu chuyện của ông với tôi chỉ rặt về Joannina. Tuy tôi chưa được biết thiếu nữ ấy bao giờ, tôi vẫn cứ phải nghe ông kể chuyện về nàng. Người cha ấy có một sự vui sướng lạ lùng khi được nói đến con gái. Sắc đẹp, thông minh, duyên nói chuyện... cái gì Joannina của ông cũng có cả.
Một hôm được ông ta cho phép và nhân cũng muốn biết mặt người thiếu nữ hoàn toàn ấy tôi cùng ông ta đến đón ở cửa trường. Vì sợ làm bận cái phút âu yếm của hai cha con khi lại được thấy trong tay nhau, tôi đứng đợi ở xa xa một chút. Còn mấy phút mới đến giờ tan học. Chỉ cần nhìn mặt người cha, cũng đoán được sự băn khoăn trong lòng. Khi tôi nghĩ rằng ngày nào trái tim ông ta cũng bị cái hình phạt của sự chờ đợi ấy!...
Bên vệ đường, một chuỗi xe nhà kéo dài dưới bóng rặng cây mát mẻ. Từng vùng ánh nắng nằm xen với những dải bóng rợp. Dẫy cống dưới hè gần cạn hết, làm thành một đường sáng đứt nối. Sân trường vắng tanh, lóe ánh mặt trời. Bỗng một hồi chuông. Một thứ tiếng ồn ào bay từ trong các lớp ra, nở dần lên và tiến dần lại gần bên cửa. Nổi rõ lên thành những tiếng nói, tiếng cười, tiếng gót giầy... Trong giây lát, mặt hè ngập những người. Giây phút lộn xộn. Những học trò bé xô đẩy nhau. Những chiếc xe đạp vướng víu tìm lối đi. Tiếng gọi nhau. Tiếng còi xe hơi. Tiếng chuông. Mấy cô đầm trẻ mải nói chuyện với nhau, còn dừng lại bên trong cửa.
- Joannina!
Tiếng ông già người Pháp khẽ kêu lên trong lúc học trò ra lộn xộn. Lúc ấy ông ôm trong tay một cô đầm trẻ. Thiếu nữ đang nói chuyện vui với bạn, nên vội gỡ ra khỏi cái hôn của bố. Tóc vàng, mắt xanh, thân thể nở nang như một cái cây đầy nhựa. Miệng nói nũng nịu với bố một cách trẻ con rất dễ yêu, nhưng mắt còn cười với mấy chàng trai trẻ tuổi. Ông bố vui sướng, không trông thấy gì cả, giơ tay vẫy chào tôi, rồi khoác tay con gái đi. Tự nhiên tôi nghĩ đến một ngày kia tình yêu của ông bố không ngăn được bóng một người trai trẻ nào đó sẽ đến trong đời thiếu nữ...
*
Bẵng đi bốn, năm năm trời, tôi không gặp ông ta. Một buổi sáng chủ nhật mùa thu, sự tình cờ cho tôi được gặp ông đứng ở chỗ chợ hoa Bờ hồ. Trông ông già hơn trước, mặt buồn một cách lặng lẽ. Tuy vậy, mới trông thấy tôi, mặt ông đã sáng hẳn lên. Ông chìa tay cho tôi bắt một cách vui vẻ. Ông vừa mua hoa vừa nói chuyện với tôi. Mua có bó hoa hồng mà ông chọn đi chọn lại mãi, không vừa ý. Tôi nhắc lại những buổi sáng mùa hè ở vườn Bách thảo. Ông nói bằng giọng nhớ tiếc:
- Đã lâu rồi tôi không đến ngồi ở đấy nữa!
Rồi, không đợi cho tôi hỏi, ông kể ngay chuyện rằng Joannina của ông đã đi lấy chồng được hơn một năm rồi. Joannina ở nhà riêng với chồng. Mỗi tuần, ngày chủ nhật, ông mới lại đến ăn cơm với con gái và con rể một lần.
Ông đã chọn được một bó hoa và đưa cho người bán hàng bó lại. Vì có nhiều người qua lại mua hoa, nên chúng tôi không tiện nói chuyện nhiều nữa. Trả tiền bó hoa xong, ông ta xin lỗi tôi, nói đã đến giờ phải đến nhà con gái, rồi vội vã cáo biệt. Tôi đứng nhìn ông khom cái lưng nặng nề, già mỏi, đi trong buổi sáng đầu thu trong sáng. Và lòng tôi se lại vì một cảm giác buồn buồn.
Tôi tưởng tượng đến cái đời hiu quạnh vô nghĩa lý của ông từ nay cho đến lúc chết, cả tuần lễ chỉ sống có ngày chủ nhật, còn sáu ngày kia dùng để mong đợi cái ngày ấy tới để nhìn mặt trong chốc lát con gái mình ở một gia đình xa lạ...
Tấm lòng người cha của ông sẽ chua xót biết bao, mỗi khi ông nhận thấy con gái yêu dấu mỗi ngày một thêm xa cách mình và thuộc hẳn về một cuộc đời trong đó mình là người không đáng kể đến nữa!
Như Phong
(Tiểu thuyết thứ bảy, Số 335 -11-1938)
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com