Nhà văn Hoàng Văn Bổn (1930-2006)
Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Hoàng Văn Bổn có một gia tài văn chương rất đồ sộ và là một trong những nhà văn nổi bật nhất của Nam Bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng. Ngay từ tiểu thuyết đầu tay Vỡ Đất, viết năm 1951 khi ông mới 21 tuổi, ông đã thắng Giải thưởng Cửu Long năm 1952. Năm 2007, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tiểu thuyết: Trên mảnh đất này, Mùa mưa và tập ký Hàm rồng.
Những ngày ấy, thành phố Biên Hòa không lúc nào ngớt tiếng súng. Quân Pháp núp bóng quân Đồng minh Anh-Ấn tràn khắp hang cùng ngõ hẻm, lập đồn canh, tổ chức nhiều đội tuần tra. Chúng đã đặt một chính quyền cấp tỉnh tại dinh Tòa bố gần bờ sông, canh gác cẩn mật. Đêm xuống, thành phố vắng tanh, tiếng giày đinh nện rầm rập khắp nơi, tiếng súng truy đuổi bóng người lẩn khuất, tiếng súng hành hình Việt Minh ngoài bờ sông Đồng Nai, ở cầu Gành, cầu Rạch Cát, cù lao Phố, trước cổng nhà máy cưa BIF. Ngày nào, đêm nào cũng có lựu đạn nổ trên xe tuần tra, ngay trạm gác của chúng. Và ngày nào, đêm nào, chúng cũng bịt mắt, trói quặt cánh tay năm bảy thanh niên, phụ nữ, người già đem ra bờ sông... Tiếng nguyền rủa, tiếng kêu thét của người bị giết báo hiệu cho dân thành phố biết: cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp đã bắt đầu, thành phố tuy đã bị chiếm đóng nhưng không khuất phục. Thành phố vẫn kháng chiến. Những cái chết trong giây phút ấy đã biến thành lời hiệu triệu, lời tuyên bố rằng xứ sở này quyết không chịu trở lại kiếp sống nô lệ. Cái sức mạnh tuyên truyền bằng cái chết như thế rất lớn, lan nhanh như tia chớp. Kẻ giết người muốn mọi người đến chứng kiến những cuộc hành hình ấy để khiếp sợ, khuất phục. Nhưng chúng không ngờ: Bằng nước mắt và lòng căm hờn, những người bị buộc phải chứng kiến ấy đã đi khắp nơi, khóc thương người ngã xuống, biến cái chết ấy thành bất tử. Trong đám trẻ đầu đường xó chợ, lang thang thường phải chứng kiến nhiều cuộc hành hình người kháng chiến, có thằng nhỏ Kỳ Lô. Cái đêm làng nó ở ngoại ô đỏ trời trong biển lửa “tiêu thổ kháng chiến”, nó hay tin người bạn thân và cũng là người anh của nó bị thương. Thương bạn, nhớ các chú, các bác đã cùng nó chiến đấu nhiều ngày đêm ở mặt trận Cầu Bông - Thị Nghè, nó không thể không ra đi tìm bạn. Vả lại, nó đã hứa với chị Hường, chị Loan. “Nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy” - ông già chèo đò nó coi như ông nội đã dạy nó điều ấy.
- Ông nội ơi, đã kết nghĩa anh em mà bỏ nhau lúc hoạn nạn là tiểu nhơn phải không ông?
Ông già đang mài dao sau hè nhà ngạc nhiên nhìn nó từ đầu tới chân:
- Ai nói với cháu như vậy?
- Ông tướng cướp Bảy Lì. Ông già hiểu ra. Thằng nhỏ giận Bảy Lì đã rút chạy một mình khiến anh Bình nó bị thương, chị Hương, chị Loan nó đau khổ.
- Bỏ bạn, phản bạn là tiểu nhơn, thua con chó. Đã một lời thề, một lời hứa cùng nhau. “Nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy”. Lời hứa của kẻ trượng phu, bốn ngựa không thể đuổi kịp... Ông còn đang muốn giảng giải thấu đáo ngọn ngành, nó đã chui vô buồng lục cơm nguội, nhai nhồm nhoàm. No bụng, nó đến bên vách tre rút từng con dao đưa ngang mắt săm soi, bứt một cọng tóc đặt lên từng lưỡi dao thổi phù phù. Con dao nào đứt cọng tóc khi nó thổi, nó âu yếm khắc vào chuôi dao hai chữ “Bảy Lì”, gói giữa mớ giẻ rách, giấu dọc sống lưng. Ông già nhấc cái chân thọt vào bếp vét hết cơm nguội, gói gọn bằng lá chuối héo trao tay nó:
- Cháu đi lần này dữ nhiều lành ít. Nhưng ông không thể cấm cản cháu! Người xưa có dạy: “Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng”. Thấy người khác bị nạn mà khoanh tay làm ngơ thì đâu phải anh hùng. Gặp được bạn, nhớ bảo tụi nó: “Làng mình sẵn sàng nghênh chiến. Ở dưới đó, anh em tụi nó muốn đánh chác bao lâu, mặc sức. Phía sau tụi nó có cái làng của mình, có con sông Đồng Nai của tụi mình”.
Vậy là cái đêm cháy đỏ hôm đó, thằng nhỏ xách dao, đùm cơm nắm, gói thêm một cái quần xà lỏn rách bằng vải bao bột mì, cầm tay một cây tầm vông vạt nhọn rám lửa, ra đi mà lúc nào trong đầu cũng hừng hực câu: “Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng”. Càng xuống gần chợ Biên Hòa, người tản cư càng đông, những đám cháy “tiêu thổ kháng chiến” dọc đường càng nhiều, tiếng súng hướng Thủ Đức, chợ Đồn, cầu Gành càng nổ dữ dội hơn. Nhớ những ngày được ở trong đội quân chân đất của Bình, Bảy Lì đi cứu Sài Gòn, nó càng rảo bước. Ngang những trạm tiếp tế, cứu nạn dọc đường do dân quân, thanh niên, phụ nữ cứu quốc, nhi đồng cứu quốc tổ chức, nó được mời ăn xôi nếp với thịt gà kho, thịt chó kho, uống nước dừa xiêm. Thịt chó hàng chục chảo đầy. Đó là những ngày có lệnh “giết chó”, chuẩn bị hoạt động bí mật, những trận đánh du kích, đi lại hoàn toàn bí mật. Đến ngã ba Cây Chàm, lắng nghe tiếng súng, tiếng la thét từ hướng chợ Đồn, nó quẹo xuống xóm Lò Heo sát bờ sông Đồng Nai. Ngang đình Tân Lân, nó bị bốn năm thằng nhỏ cùng trang lứa từ đình Tân Lân xông ra cướp gói xôi, bọc quần áo và con dao phát mía bén ngọt của nó. Mấy ông nhỏ này còn rách rưới, khỏe mạnh, hung dữ hơn nó nhiều. Ngỡ bị Tây phục kích, nó vung gậy thét lớn:
- Đả đảo thực dân xâm lược Pháp! Tụi mày bắn tao đi... Thằng đầu trọc to nhất đám xông vào bịt miệng nó:
- Im miệng, thằng quỷ! Tụi tao không phải Tây. La lớn, tụi Việt gian nghe được, chết cả đám.
- Không phải Tây, vậy là Đàng mình? Thằng đầu trọc xô mấy đứa khác dang ra, đáp:
- Đàng mình.
- Đàng mình mà chơi cái kiểu này, chết mẹ người ta! Trong bọn bây, thằng nào chỉ huy? Mấy thằng nhỏ khoái trá.
- Tao! - Thằng đầu trọc vỗ ngực - Còn mày, thuộc phe nào hả? Kỳ Lô ngứa tay ngứa chân nhưng cố ghìm:
- Phe tướng cướp Bảy Lì. Mấy thằng nhỏ thụt lùi mấy bước, tưởng nghe nhầm. Và chúng đi vòng tròn, nhìn chằm chằm từ đầu đến chân thằng Kỳ Lô. Thằng đầu trọc lấy con dao của Kỳ Lô xem rất kỹ. Khi phát hiện hai chữ “Bảy Lì” ở chuôi dao, mấy thằng nhỏ trao trả gói xôi, bọc quần áo và con dao lại cho Kỳ Lô, giọng buồn buồn:
- Ông Bảy Lì, ông Bình đang sa lầy bên cù lao Phố, ở cầu Gành. Mấy thằng Tây xỏ lá ỷ quân đông, súng đạn nhiều. Có giỏi sao không một đánh một với ông Bảy Lì, ngon hơn không?
Kỳ Lô cho lũ trẻ gói xôi, dợm bước đi. Thằng đầu trọc liền hỏi:
- Mày định đi đâu? - Đi cứu Bảy Lì, cứu anh Bình. “Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng”. Thấy người bị nạn mà khoanh tay ngó lơ đâu phải người anh hùng?
- Một mình mày cứu cái khỉ khô. Lớ mớ, tụi nó nhai xương mày. Mày ở đây với tụi tao. Tụi tao sẽ tìm cách giúp mày. “Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng” mà...
- Nhưng, anh Bình của tao bị thương nặng lắm...
- Ông Bình chỉ huy trưởng à? Kỳ Lô gật đầu.
- Được rồi. Ông Bình, ông Bảy Lì thuộc phe tụi tao. Mấy ngày trước, tụi tao có tìm cách tiếp tế cơm nước, đạn dược cho mấy ổng. Vô đây bàn mưu kế. Dạo này, ở đây Việt gian lu bù, Tây, Ăng-lê, Chà Và chóp, Nhật lùn... phục kích lung tung. Lơ là, sa bẫy tức khắc, chết không kịp ngáp.
Kỳ Lô theo lũ trẻ xóm Lò Heo chui vô đình Tân Lân tối om, hôi hám. Quanh co, luồn lách giữa các điện thờ một lúc, chúng chui xuống cái hầm tối om, lạnh ngắt. Thằng đầu trọc châm ngọn đèn dầu mỡ heo bằng cái đĩa. Ngoài một khẩu súng trường Pháp, một khẩu súng trường Nhật, hai trái lựu đạn chày, lựu đạn OF có khía như trái mãng cầu, chúng còn treo nhiều mặt nạ đủ hạng người trung, nịnh, hiền, dữ... và một chiếc đầu lân râu bạc... Một con khỉ từ trong góc hầm khệnh khạng bước tới trước mặt Kỳ Lô. Kỳ Lô vùng đứng dậy thủ thế. Con khỉ nhảy lùi, đưa tay gỡ chiếc mặt nạ. Trước mặt Kỳ Lô hiện ra một khuôn mặt bánh đúc, mái tóc bánh bèo, hàm răng sún nhe ra cười. Con gái. Kỳ Lô cười toét miệng:
- Khỉ cái! Cô bé gái nguýt dài Kỳ Lô:
- Tôi là khỉ cái thì anh là khỉ đột!
Thằng đầu trọc đấm mạnh tay vào bụng pho tượng Quan Công mặt đỏ, la lớn:
- Dẹp. Khỉ cái có gì đem ra cho khỉ đột lai rai? Con bé sún răng kéo cái mặt khỉ che kín mặt, khoọc khẹc mấy tiếng mới chịu đi. Thấy Kỳ Lô nhìn chiếc đầu lân một cách thích thú, thằng đầu trọc khoe:
- Tụi tao là đội lân râu bạc xóm Lò Heo. Khi nào yên giặc, tụi tao sẽ cho mày một chiếc đầu lân số dzách. Hai đứa ngoéo tay nhau. “Nhất ngôn ký xuất”... Nói lời phải giữ lấy lời. Hai thằng nhỏ nhất ra đi. Lát sau, chúng mang về bánh mì nhân thịt heo quay, có vài cọng hành, một tép tỏi. Thằng đầu trọc đem chia đều cho mọi đứa, kể cả thằng Kỳ Lô. Từ ngày đánh nhau ở mặt trận Sài Gòn đến nay, Kỳ Lô mới được ăn lại bánh mì với thịt heo quay. Ăn uống xong xuôi, thằng đầu trọc nói:
- Tụi bây ở nhà kiếm cái ăn, canh gác sào huyệt. Tao với thằng Kỳ Lô đi cứu ông Bảy Lì, ông Bình. Xong là tụi tao về. Tụi bây không được đi tìm. Hứa đi! “Nhất ngôn ký xuất”...
Thế là hai đứa ra đi. Men theo bờ sông qua chợ cá vắng teo, đến dinh Tòa bố... Thằng đầu trọc đi trước. Thằng Kỳ Lô theo sau. Phố xá, chợ búa chỉ còn lại ăn mày, trẻ cầu bơ, du đãng. Lác đác một vài tiệm hủ tiếu, bún bò còn lén mở cửa. Trong các ngõ hẻm và dọc bờ sông, gái điếm môi son má phấn cười cợt, lượn lờ, õng ẹo cùng lính Tây, lính Chà Và. Xuống đến gần sở Nước, hai đứa bị một tốp Tây trắng rượt bắt lại. Chúng quẹo vô xóm, nhảy qua vườn chuối um tùm. Suốt ngày hôm đó, hai đứa bị Tây trắng, Tây mặt gạch rượt bắt hụt nhiều lần. Một lần, thằng Kỳ Lô nổi khùng toan rút chốt lựu đạn. Thằng đầu trọc cản lại:
- Tụi nó cho tao với mày là đồ con nít. Kệ cha nó! Con nít mới cứu được ông Bảy Lì, ông Bình. Mày chọi lựu đạn một cái, coi như tao với mày hết đường lang thang tìm kiếm.
Đến tối mịt, hai đứa mới mò về đình Tân Lân, chui tuột xuống hầm. Nhai chưa hết chiếc bánh mì cứng như củi khô, thằng Kỳ Lô đã ngoẹo đầu ngủ say. Con nhỏ sún răng lấy kim chỉ vá lại chiếc áo bành tô rách hàng chục lỗ, đắp lên người thằng Kỳ Lô. Mấy đứa nhỏ bó gối thở dài. Chúng bày cách: Ngày mai, chia thành nhiều tốp thành trẻ ăn mày, móc túi lần sang cầu Gành, cù lao Phố...
Đêm hôm đó súng nổ nhiều hơn. Lửa cháy khắp nơi. Chúng bò ra sân đình nhìn những đám cháy bên kia sông, lắng nghe tiếng súng, tiếng thét từ hướng núi Châu Thới, chợ Đồn, cù lao Phố... Thằng Kỳ Lô thở dài. Tìm không được anh Bình, Bảy Lì, nó biết ăn nói làm sao với chị Hường, chị Loan, ông già chèo đò? Có một con thuyền trôi ngang. Thằng Kỳ Lô thò tay lôi vô, nhảy xuống. Thằng đầu trọc vội nắm lái thuyền kéo lại:
- Trở lại. Mày qua bên đó, tụi nó bắn chết. Mày nhìn cái lái ghe kia thì biết?
Kỳ Lô nhìn tấm ván sau lái ghe: Tấm ván đỏ lòm máu, có nhiều vết đạn. Nó tái xanh, xòe hai bàn tay trước mặt. Hai bàn tay đỏ máu. Thủy triều đang lên. Chiếc ghe này từ hướng cầu Gành, cù lao Phố trôi tới đây. Lại nhìn hai bàn tay dính máu, nó rùng mình nghĩ đến anh Bình, ông Bảy Lì. Nhưng mọi người đều máu đỏ, làm sao phân biệt được máu này là máu của ai? Sáng hôm đó, hai đứa lại ra đi. Thằng Kỳ Lô mặc chiếc áo bành tô rách thùng thình. Nghe cộm ở túi bên phải, nó thò tay, móc ra một gói xôi. Con Sún. Bữa nay mình phải kiếm cho nó một chiếc áo lành, một khúc bánh mì. Con gái mà cái áo của nó rách te tua. Lang thang xuống đến gần sở Nước, thằng đầu trọc chụp tay Kỳ Lô giữ lại. Có tiếng vật lộn uỳnh uỵch, tiếng người gầm gừ. Trong vườn chuối sát mé sông, hai thằng Tây trắng tay đang cầm dao, đè gối lên ngực một thanh niên.
- Nó cắt cổ người ta.
- Kỳ Lô kêu nhỏ vào tai thằng đầu trọc.
- Mày chạy trước đi, tao chạy theo sau...
Chưa kịp hiểu gì, thằng đầu trọc nghe tiếng cục đá xanh bay đánh bốp vào đầu ai đó trong vườn chuối. Anh thanh niên vùng dậy đánh bổ vào đầu thằng Tây cao lớn đang cứa lưỡi dao găm vào cổ anh. Anh nhảy bay qua hàng rào gai xương rồng, lao xuống sông Đồng Nai... Chiều tối hôm đó, Kỳ Lô đã tung một trái lựu đạn lên chiếc xe deép gần sở Nước. Nó định tung một trái nữa lên chiếc xe đi đầu. Nhưng có ai đó đã nhanh tay hơn nó. Làm sao nó và thằng đầu trọc bạn nó hiểu được: chính anh Bình của nó và Sáu Diệp đã quăng lựu đạn đốt chiếc xe còn lại. Sau trận đánh ấy, Kỳ Lô càng được lũ trẻ trong đình phục lăn. Lũ trẻ ở các khu phố khác biết tin, gởi lời bái phục, tôn Kỳ Lô lên hàng thủ lĩnh, đại ca. Lực lượng tự vệ thành, cán bộ lãnh đạo bí mật của thị xã ủy Biên Hòa liên tiếp nhận được báo cáo về “một đội thiếu niên cứu quốc bí mật” nào đó hoạt động rất khá nhưng không sao tìm ra tung tích chúng. Thỉnh thoảng, trong lúc nguy hiểm họ được vài đứa trẻ giải vây bằng cái cách trẻ con của chúng. Chúng kêu làng kêu nước, lu loa lao vào bọn giặc để người của họ chạy thoát. Nhiều lần họ bị bọn giặc rình mò bao vây chỗ họ đang họp kín, bỗng có mấy đứa trẻ rượt đánh nhau, kêu la chí chóe. Thế là họ giải tán kịp thời. Một đêm khuya, thằng đầu trọc thao thức mãi, bảo nhỏ vào tai Kỳ Lô, vẻ bí mật và tự ái: “Tao nghe có một người trẻ tuổi, cỡ tụi mình, xuất quỷ nhập thần ở khu chợ Biên Hòa này, khiến bọn Tây khiếp sợ... Người trẻ tuổi này còn giỏi hơn các anh hùng thảo khấu Lương Sơn Bạc... Mày có biết anh hùng Lương Sơn Bạc không?"
Kỳ Lô lắc đầu:
- Không. Cỡ như ông Bảy Lì tướng cướp vùng rừng bên kia sông kia chớ gì? Nè, hay mình tìm cách móc với người trẻ tuổi này coi sao? Người trẻ tuổi này tên là gì?
- Nghe nói là Lữ Mành.
- Nếu Lữ Mành là đó thì tao có biết, nhà ở bên kia hông chợ, gần Tòa bố... Chẳng lẽ...
Thế rồi hai đứa nhìn các bạn trẻ tuổi đang ngủ say, quần áo rách rưới, bụng xẹp lép. Thằng đầu trọc không thích dùng súng, lựu đạn. Nó với thằng Kỳ Lô đã cãi nhau nhiều trận nảy lửa.
- Đi tay không, dùng mưu mẹo, la lối như vầy được việc hơn. Tụi Tây, Việt gian ít nghi ngờ. - Nó bảo Kỳ Lô thế - Phần mày, tìm được ông Bình, ông Bảy Lì Lương Sơn Bạc là mày rút theo mấy ổng lên rừng, xuống biển, dọc ngang trời đất. Còn tao? Tao đi đâu? Sống chết gì tụi tao cũng ở đây, hiểu chưa? Mày bảo tao theo mày chớ gì? Còn cái đám con Sún với một bầy em út mồ côi của tụi tao, ai nuôi?
Thằng Kỳ Lô gật đầu. Thương bạn, hiểu bạn nhưng nó không thể không bắn, không chọi lựu đạn khi gặp mặt cái bọn giết người, cướp nước ấy. Nó hứa cùng bạn là sẽ giảm bớt việc hạ sát bọn giặc bằng súng. Nó than thở cùng con Sún khi hai đứa ngồi bồi lại cái đầu lân bị chuột khoét.
- Hứa vậy thôi nhưng hễ gặp cái bộ mặt khỉ của lũ Tây là tao nổi khùng.
- Tại sao anh ghét Tây dữ vậy?
- Không biết. Nó không phải là mình. Trước cách mạng thành công, mấy thằng Tây chủ sở cao su, thằng Cố-nhan có trốn ở làng tao... Làm phách chó, ức hiếp thiên hạ. Cũng vì tụi nó mà... chị Hồng Loan phải nhảy xuống sông Đồng Nai tự tử. May mà có chú từ Khâm với ông nội chèo đò cứu được. Nhưng thôi, có nói, mày cũng không hiểu được đâu...
Một buổi chiều, Kỳ Lô và thằng đầu trọc nháy mắt làm hiệu. Hai đứa lặng lẽ ra đi. Thằng Kỳ Lô mặc chiếc áo bành tô thùng thình, mặt mũi lấm lem, tay chân đen thui. Hai đứa lang thang xuống cầu Rạch Cát. Cách đầu cầu chừng trăm thước, chúng bị lính gác chặn lại. Bị dồn tại đó, có hàng chục trẻ con lang thang như chúng, hai cỗ xe ngựa, bốn năm cô gái làm tiền.
- Sao họ không cho đi, chị? - Kỳ Lô hỏi một cô gái môi son má phấn, cử chỉ ngượng ngập thế nào ấy. Cô nhìn nó, thì thầm:
- Chúng giải Việt Minh qua đây. Nghe nói có một ông Việt Minh làm lớn lắm.
- Cô gái nhìn thẳng vào mặt nó dò tìm điều gì đó nó không sao biết được. Tiền? Nó chỉ có cái áo bành tô rách te tua và trái lựu đạn giấu trước bụng. Còn chuyện kia... Nó không biết. Nó rùng mình lo lắng. Anh Bình, ông Bảy Lì, chú Hai cũng là Việt Minh lớn, Việt Minh bự. Nó nhìn quanh quất tìm một cái gì đó, tay chân ngứa ngáy. Thằng đầu trọc nhìn nó nhiều lần. Nó gục gặc đầu. Nhưng cũng chỉ đứng im được vài phút. Nó nhìn chằm chằm vào ông già đánh xe ngựa và cô gái làm tiền đang run bần bật, thầm thì gì đó cùng các bạn của cô. Nó chợt để ý một người độ mười sáu tuổi, dong dỏng, lầm lì, ngồi sau ông già đánh xe ngựa. Nó chợt nghĩ: Lữ Mành? Hay Lữ Mành như thằng đầu trọc nói? Anh hùng Lương Sơn Bạc mà thế này sao? Khác gì mình và thằng đầu trọc? Sao bọn giặc Tây khiếp sợ? Ông già đánh xe ngựa mặt hiền khô, ánh mắt long lanh, hai tay rọ rạy khắp túi quần, dưới thùng xe. Hình như ông già có liếc nhìn nó nhiều lần. Cái anh chàng “Lương Sơn Bạc” ngồi phía sau cứ gà gật, như đang say khướt.
- Tránh ra! Đứng sát lề đường! - Mấy tên lính áp tải dùng báng súng đẩy mọi người dạt vào lề đường, sát mé sông. Nó với thằng đầu trọc, cô gái làm tiền cũng bị báng súng dồn sát mé sông cuồn cuộn. Dưới mặt sông, nhiều chiếc thuyền buồm, thuyền chài nghiêng nghiêng chui qua gầm cầu. Hình như có một chiếc thuyền buồm bị vướng vào chân cầu, loay hoay mãi không sao gỡ ra được. Mấy tên lính trên cầu quát tháo, chửi bới ầm ĩ. Từ giữa cầu, hơn chục chiến sĩ bị trói quặt, quần áo rách nát, mặt mũi tím bầm, tiến về phía Kỳ Lô. Bốn thằng lính đi kèm hai bên và phía sau. Chốc chốc, bọn lính thúc báng súng vào vai, vào lưng họ: “Lẹ lẹ lên! Tối rồi...” Nhiều chiến sĩ trừng trừng nhìn chúng. Khi đoàn người đã đến gần, Kỳ Lô suýt kêu to: “Anh Bình”. Nó kịp đưa cả năm ngón tay vào miệng, khắp người mọc gai, lạnh toát. Thằng đầu trọc đứng nép sát vào nó, nắm chặt tay nó, ra ý bảo “Động đậy là chết”. Người nó nóng hầm hập, mồ hôi vã ra như tắm. Nó hít thở mạnh mấy cái liền xem xem trái lựu đạn trước bụng có còn cộm ở đấy không? Nó nhìn thấy khuôn mặt bị đánh tím bầm của anh Bình. Chắc là đau lắm. Nó bỗng như thấy rõ ràng khuôn mặt trái xoan, trắng trẻo của chị Loan, chị Hường và cái chân cà thọt của ông nội chèo đò... Anh Bình vẫn bước thẳng lưng, ngực rướn về phía trước. Hai chiến sĩ đi gần anh Bình thường dùng vai, lưng của họ đỡ nhiều cú báng súng của hai thằng Tây trắng đánh vào anh Bình... Lương Sơn Bạc... Lương Sơn Bạc là thế đấy. Anh Bình và hai chiến sĩ nhìn người đi đường, nhìn Kỳ Lô và mỉm cười vẻ an ủi nó: “Đừng sợ, chú em. Ra đi chiến đấu cứu nước, chết sống là chuyện thường. Chú em nhớ bảo lại chị Loan, chị Hường thế đấy...” Kỳ Lô bỗng dưng ứa lệ vì hình như đôi mắt sưng vù của anh Bình chưa nhận ra nó. Chết như thế, oan ức lắm. Năm đầu ngón tay của thằng đầu trọc bấu lún vào vai nó khiến nó rùng mình, chợt tỉnh, năm ngón tay nó đang luồn vào trước bụng buông xuôi. Trái lựu đạn ở đấy vẫn còn nguyên tại chỗ. Nó liếc mắt ngó chừng chàng trai “Lương Sơn Bạc” nó nghi là Lữ Mành đang ngồi trên cỗ xe ngựa, đầu gật tới gật lui như sắp lìa khỏi cổ - một con người còn sống đó nhưng coi như đã chết rồi. Hai thằng Tây trắng phun hai bãi nước bọt khinh bỉ về phía anh chàng “Lương Sơn Bạc” ấy... Anh Bình và những người bị bắt đã bước qua chỗ thằng Kỳ Lô. Nó nghẹn thở, cho tay vào bụng, nắm chặt trái lựu đạn. Bỗng cô gái có vẻ gái làm tiền đứng cạnh nó nhào ra túm chặt lấy Bình và mấy người bị bắt, la khóc thảm thiết:
- Trời ơi, chồng tôi, bớ bà con ơi! Chồng tôi đang thả câu đêm ngoài sông Đồng Nai, họ bắt trói, đánh đập tàn nhẫn thế này...
Người chiến sĩ trẻ bị cô gái trì kéo ngã xuống mặt đường, lôi anh Bình ngã theo. Con ngựa hí lồng lên, cất hai vó trước lên nền trời, bổ xuống đầu thằng Tây trắng đang giương súng về phía anh Bình. Bỗng nó kêu rú, một dòng máu từ cánh tay cầm súng của nó chảy xuống mặt đường nhựa: một con dao găm. Kỳ Lô ngoái nhìn lại chàng trai “Lương Sơn Bạc”. Chàng trai hiện lồng lộng giữa hai càng xe ngựa, vung roi đen đét trong không khí. Con ngựa lồng lên. Chiếc xe lao qua đầu hai thằng Tây trắng. Hấp một cái như làm xiếc, anh chàng “Lữ Mành Lương Sơn Bạc” chồm xuống hai tay xách anh Bình và hai chiến sĩ quẳng lên giữa lòng cỗ xe. Ông già và cô gái làm tiền vung mạnh cánh tay: hai quả lựu đạn chày lao về phía hai thằng Tây trắng...
- Lữ Mành...
- Thằng đầu trọc bò xuống mép sông Đồng Nai, kéo thằng Kỳ Lô lao theo, reo thích thú - Lữ Mành, chiến sĩ biệt động Lữ Mành đã xuất hiện...
Thằng đầu trọc, thằng Kỳ Lô lăn nhiều vòng xuống tận mép nước con sông Đồng Nai quen thuộc, lặn một hơi dài về hướng cầu Rạch Cát, chỗ chiếc thuyền buồm bị dây quấn vào chân cầu. Thằng đầu trọc bám vào sợi dây dừa to tướng, ra hiệu cho thằng Kỳ Lô làm như nó. Người chủ chiếc thuyền buồm la lớn như báo động, như reo mừng:
- Oánh nhau rồi bớ bà con Đồng Nai mình ơi! Dân Đồng Nai gan lì trời thần quỷ địa, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Ông ta lại chồm người ra mép sông, nói như nói to cùng dòng sông nước triều đang lên, gió từ miệt Nhà Bè lộng về hướng Trị An, nhiều giề lục bình trổ bông đang đứng im bỗng cựa quậy, xoay xoay trôi ngược về hướng miệt rừng già Trị An, Mã Đà:
- Lục bình, bám cho chắc tay nghe, có gió, được nước, tao trương buồm, dọt về miệt rừng già Trị An, Mã Đà đây. Mã Đà sơn cước anh hùng tận. Thân dậu niên canh kiến thái bình...
Lập tức, năm sáu chiếc thuyền khác cũng kéo dây lèo, cánh buồm giũ gió ầm ầm lao chéo qua chân cầu Gành, nhắm hướng rừng già Trị An. Không hiểu những con thuyền ấy chở những gì mà khẳm lừ? Nép sát vào thân thuyền, thằng đầu trọc bảo nhỏ vào tai thằng Kỳ Lô:
- Hình như mấy chiếc ghe chài này chở toàn súng đạn, nặng lắm... Khi nó chạy ngang chợ Biên Hòa, tao buông tay ở lại nghe. Mày thượng lộ bình an...
- Tao cũng ở lại vài ngày nắm tình hình, còn gặp anh Bình tao bàn việc. Mới lại, tao thấy nhớ nhỏ Sún, tao hứa tìm cho nó một cái áo, một cái quần lành lặn một chút...
- Cũng được! Vậy khi ngang qua khu chợ, hai thằng mình buông tay nghe. Khỏi phải chào từ biệt ông chủ ghe. Cùng cánh biệt động của Lữ Mành Lương Sơn Bạc cả... Ê, hai bên bờ sông vẫn cháy đỏ trời kìa. Hướng Bửu Long, cù lao Thạnh Hội, hướng Tân Vạn, Nhà Bè, hướng nào cũng cháy đỏ lửa “tiêu thổ kháng chiến”.
11-1996
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com