chan_dung-ke_si

MỘT NĂM LÀM VỢ - Truyện ngắn Trần Văn Thước

03-04-2023

Lượt xem 2947

Đánh giá 2 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn chọn lọc trần văn thước

MỘT NĂM LÀM VỢ - Truyện ngắn Trần Văn Thước

 

Trần Văn Thước            

   Vào một đêm trăng sáng trên bờ đê bên bụi tre chắn sóng tôi trở thành đàn bà. Tôi vật vã trên lằn ranh cảm giác bị cưỡng bức và dâng hiến. Hôm ấy tính theo dương lịch tôi tròn mười chín tuổi. Bây giờ người ta gọi là ngày sinh nhật. Tôi khóc. Toản gạt lá tre bày bọc kẹo như làm lễ, dỗ dành.

   Trong việc tôi và Toản yêu nhau, gia đình tôi chia làm hai phe. Mẹ tôi, vợ chồng anh cả cho rằng tôi lấy Toản khác nào chuột sa chĩnh gạo. Nội cái tiếng dâu trưởng dòng họ Ðào Ðức đã là mơ ước của bao nhiêu gái làng. Nhà người ta như thế, về làm dâu chỉ việc ăn với đẻ! Chị dâu tôi chua thêm: "Bây giờ đẻ cũng phải theo luật, ít con càng sướng em ạ". Bố tôi đơn phương một phe. Ông vận dụng phép xem tướng và thiên về phê phán. Ðàn ông mỏng môi, dẻo lưỡi, con mắt chảo chớp là mưu xảo lắm! ở tuổi hai nhăm Toản thiếu chất sôi nổi thanh niên nhưng thừa cung cách kẻ phú gia lọc lõi. Xem ra phe nào cũng có cái đúng. Tôi thực sự hoang mang. Ðúng lúc ấy anh hai có thư riêng cho tôi. Anh phân tích, góp ý đúng chín cái gạch đầu dòng. Rồi anh kết luận: "Anh tin út không mù. Hơn người hay không ở chỗ cầm cương con tuấn mã bất kham". Ông anh sĩ quan hải quân thế mà hóm. Toản cầm tinh con ngựa mà.

   Ðám cưới ấn định ngày mùng sáu rước dâu lúc một giờ.

   Ðêm mùng năm bạn bè tôi đông đủ. Anh chàng Hưởng chỉ hai hào rượu là say cả chấy bị ép trăm phần trăm cốc tàu. "Hưởng ơi! Na! đi lấy chồng, người vui nhất là cậu. ". "ừ! Vui nhất.". "Này! Cạn cốc này vì hạnh phúc bạn bè.". "Nào! Vì hạnh phúc bạn bè.". "Na đi lấy chồng thì cậu say. Bao giờ cậu lấy vợ thì Na say". "ờ! Say đi! Bao giờ Na bỏ chồng thì tớ lấy vợ. Thề đấy". Không có hơi men trong những lời bạn bè. Tôi cạn cốc vì nỗi buồn khác. Ngày mai tôi đi lấy chồng. Biết bao giờ được đông đủ bạn bè, được vui buồn như đêm nay?!

   Mùng sáu là ngày hoàng đạo. Một giờ "con sáo sang sông".

   "Cười như anh khóa hỏng thi. Khóc như cô gái sắp đi..." Biết thế mà tôi không cầm nổi nước mắt. Phấn son nhòa vào nước mắt loang lổ khăn mùi soa. Ði qua người đón vía thợ ảnh bắt tôi phải trang điểm lại. "Ðêm tân hôn". Mười một giờ kém Toản vẫn ở dưới nhà. Tôi đoán có việc quan trọng tôi chưa được phép tham gia. Không lẽ ngủ biến như gái chưa chồng. Tôi chống được cơn buồn ngủ nhưng không tránh được những ý nghĩ vẩn vơ. Tôi nhớ đến ánh mắt cô út nhà chồng. Tối muộn tôi đang tắm thì Cúc xộc vào. Cúc ngang nhiên trút hết quần áo: "Nuy đi chị. Ðàn bà với nhau ngại cóc gì". Tôi chỉ dám cởi áo lót. Cúc nhìn như nuốt lấy tôi, thở dài: "Chị thế ông anh em chết mệt là phải". Tôi nhớ đến lời chị dâu: "Em phải nhớ đêm tân hôn là...là...". Thôi rồi chị ơi! Là đã qua rồi trên bờ đê đêm trăng sáng. Giả như lúc này Toản lên giường "chiều và đòi" tôi sẽ dành như một nghĩa vụ để được nhanh chóng ngủ thiếp.

   Cảm giác lành lạnh khiến tôi choàng tỉnh. Bàn tay Toản đang day ngực tôi và khuy áo cuối cùng đang bị gỡ. Tôi co người lại. Toản cười đập tay lên tập phong bì:

   - Anh phải "giở vở" ông bà già mới chia cho một phần phong bì. Mai chúng mình đếm, vào sổ.

   Tôi hoàn toàn tỉnh ngủ. Toản dúi tập phong bì xuống dưới gối, quay ra. Mùi bia mùi thuốc lá quyện mùi mồ hôi, nước hoa. Tôi buồn nôn. Toản hùng hục như gã lực điền cày xới mảnh vườn hoang.

   "Có lẽ tôi sướng thật". Nhà chồng tôi có tám sào ruộng nhưng cho cấy rẽ. Thành thử nhà nông mà không phải làm ruộng. Bố chồng tôi là sĩ quan cấp tá về hưu. Lương một tháng của ông đủ cho cô út đang học đại học hai tháng đóng góp, ăn tiêu thỏa thích. Mẹ chồng tôi là cán bộ  trưởng thành từ phong trào "phân xanh, lò thúc mầm". Bà đầu thai nhầm xứ nên tên tuổi chỉ gắn với chữ "phó". Ðội phó, trung đội phó, phó cửa hàng trưởng, phó chủ nhiệm... Bà về làm dân sau hai nhiệm kỳ phó chủ tịch xã. Người thân trong họ ghé tai tôi: "Bà dân ấy có trong tay bốn sổ tiết kiệm. Chỉ một sổ cũng thừa mua ba cơ ngơi cỡ nhà đẻ cô". Một lần Toản bảo: "Lãi tháng đủ cho cả nhà chẳng phải làm gì".

   Chủ nhật Cúc về trường. Sinh hoạt gia đình trở lại bình thường. Tôi không phải trở dậy sớm nấu cơm sáng, bèo cám. Bữa sáng nhà chồng tôi đổi món luôn. Bánh cuốn, bún chả, cháo lòng... Mẹ chồng tôi biết uống rượu, nhâm nhi như đàn ông. Bà có thói quen ngồi hàng ăn sáng. Vài lần buộc phải đi theo bà tôi được biết hàng ăn sáng là nơi gặp gỡ của những người khá  giả, đám chức sắc làng xã. Họ đến để khao đãi nhau, gặp gỡ bàn đủ thứ chuyện. Bố chồng tôi nhận xét đại ý đấy là trạm thu phát những thông tin rất giá trị: "Với những người như mẹ con đó là nhu  cầu thiết yếu đấy".

   Công bằng mà nói phép xem tướng của bố tôi không hoàn toàn sai. "Ðêm tân hôn" là một ví dụ. Tàn cuộc, Toản lật đi lật lại tấm vải lót, con mắt đầy nghi ngờ xói vào ngực tôi. Tôi hiểu. Tôi nói với Toản rằng dấu vết lần đầu ở trên bờ đê và giọt máu tình yêu đã năm mươi ngày tuổi. Toản nhếch mép: "Thế à". Gần sáng tôi bị phá giấc. Toản dụi đầu vào ngực tôi: "Anh xin lỗi. Phỉ phui những trò tối qua đi". Ðang xoay xở Toản ngồi lên với lấy tập phong bì. Nét mặt Toản vụt sa sầm: "Sao lại thiếu ba phong bì của bạn anh. Không thể thế này được". Toản lao xuống nhà dưới gõ cửa ầm ầm.

   ít lâu sau ngày cưới hầu như tối nào chồng tôi cũng đi đâu đó. Chưa có gì phải nghi ngờ nhưng tôi tưng tức thế nào ấy. Một hôm rất khuya Toản mới về. Tôi để mặc anh gõ cửa. Cũng là đùa chồng một chút. Không ngờ Toản nổi đóa lên.

   - Cô làm trò khỉ gì thế!

   Vừa lúc mẹ chồng tôi dưới nhà đi ra sân. Bà ngước lên, mát mẻ:

   - Trời nóng, lên sân thượng nằm cho mát con ạ.

   Vào buồng Toản đá ghế nhót lên giường kéo màn gió đánh soạt.

   - Tắt điện đi!

   Tôi tắt điện, lên giường. Toản làm lành ngay được. Bàn tay Toản làm tôi giật nhột buồn cười. Nằm ngửa rồi nằm nghiêng Toản nói:

   - Bố em bố anh cực đúng!

   - Ðúng gì em không hiểu.

   - Lại còn không hiểu! Anh được sướng mà không biết sướng chứ sao. Thời bố mẹ còn "tỏa bóng" thì anh chơi bời phá phách. Bây giờ hiểu ra thì thua xa chúng bạn. Xấu hổ cả với em.

   Toản nhìn lên trần màn vẻ mặt đau khổ như con chiên đang xưng tội. Anh đã thú nhận điều tôi nghe thấy bấy nay. "Bố thế, mẹ thế được mỗi người con trai thì...". Mà kể ra Toản cũng lận đận. Hai lần thi trượt đại học. Lần thứ ba có người hứa chắc như đinh đóng cột: "Yên trí! Cứ yên trí. Dăm bảy điểm đại học với tôi là chuyện vặt". Người ấy ôm bọc tiền rồi "yên trí" mất hút. Toản chán đời ăn chơi quậy phá. Ông bố đành ép con trai vào bộ đội. Ông hy vọng đứa con được rèn luyện lập chí vươn lên. Nước cờ đã tính sai. ở đơn vị thủ trưởng là lính của bố. Toản không bỏ được thói "con nhà". Ðược vài năm vui bạn ở công ty liên doanh Toản xin ra quân. Nhờ quen biết, Toản chuyển ngành. Ðầu năm "chín sáu" liên doanh phá sản. Toản lêu lổng ăn chơi. Dịp ấy anh hai tôi về phép. Anh bổ đi tìm bạn. Toản ăn ở nhà tôi cả tháng... Nhớ đến khúc nhôi ấy tôi bảo Toản:

   - Anh buồn thì em vui nỗi gì. Ðâu đã hết cơ hội để anh phấn đấu. Cốt nhất vợ chồng mình hạnh phúc.

   - Bố em cũng nói thế. Từ mai đừng cài cửa anh nữa nhé. Anh đi chơi vì sự nghiệp đấy.

   - Anh thì... - Tôi oằn người tránh cử chỉ thái quá của Toản.

   Hôm sau Toản ngồi với bố cả buổi sáng. Bố chồng tôi có vẻ không vui. Cớ sao người bố không vui trước những ân hận, quyết tâm "làm lại" của đứa con? Tôi nói điều ấy với mẹ chồng. Bà cười hàm ý:

   - ối dào! Bố con chỉ giỏi chuyện giặc giã thôi. Chuyện chính trường làng xã thì ông ấy mít tịt. Mọi việc mẹ khắc lo. Cốt ông ấy đừng phá ngang là được.

   Có lẽ mẹ chồng tôi đúng? ! Bà muốn con trai khởi nghiệp từ việc nhỏ. Giống như con đường bà đã đi từ "xuất sắc bèo - phân" lên các "ghế" tiếp theo. Bạn bè của bà còn nhiều người đương chức đương quyền. Từ ngày chồng về hưu, tiếng nói của bà có thêm trọng lượng. Tính quảng giao có thêm động lực. Những ngày này bà vắng nhà luôn. Lắm hôm bà đi từ sáng đến khuya. Mẹ chồng tôi buồn vui thất thường. Tôi lựa lời hỏi chồng. Toản có vẻ nản: "Công việc đang vào dây thì có tin tách xóm. Không phải tin vịt đâu. Mẹ phải làm lại từ đầu. Dây mới hoàn toàn..." Tình cờ một hôm tôi nghe được chuyện giữa bố mẹ chồng. Thoạt đầu hai người bàn luận về việc tách xóm. Như thế là trở lại như ngày xưa. Rồi mẹ chồng tôi nói:

   - Tách ra, xóm Thường Kiệt này chỉ có thằng Toản nhà mình là đảng viên trẻ nhất, văn hóa cao nhất. Lãnh đạo dự kiến con trai mình vào chi ủy kiêm trưởng xóm.

   - Thật ý lãnh đạo, hay ý mình?

   - Mình muốn con mãi làm dân thường thua bạn kém bè suốt đời ư!

   - Bố mẹ nào lại không mong con cái tiến bộ bằng anh bằng em. Mình thử nhìn lại, nghĩ lại xem nào. Con mình đã làm được những gì mà nảy sinh tham vọng, toan tính cơ hội? Mình đã không khuyên bảo lại ra tay sắp đặt, tiếp sức. Rồi sẽ đi đến đâu? Nhân đây tôi lưu ý mình: Con dâu chúng ta trẻ quá, vô tư quá chưa hiểu hết ngóc ngách cuộc đời. Mình đang vô tình gieo mầm xấu vào đứa con ngoan...

*

   ... Bữa sáng chỉ có hai bố con. Vài tuần nay thường như thế. Bố chồng tôi chỉ ăn lấy lệ. Sau  đó ông uống trà và đi ra vườn. Ban ngày ông làm vườn, đêm thức viết hồi ký. Tôi biết ông lấy công việc khỏa lấp những nỗi niềm. Bố chồng tôi ít nói, sống giản dị. Tiếp xúc với ông không ai tin được đó là người chiến binh dày dạn từng lập nhiều chiến công. Về hưu ông vẫn giữ tác phong quân nhân. Giường cá nhân kê bên cửa sổ. Ba lô, mũ cối treo trên tường. Ông nói đùa: "Chỉ nửa hồi còi là bố đã đứng đầu hàng quân". Ông làm việc, sinh hoạt rất duýt thời gian biểu. Người ngoài không ai biết ông là "thế giới riêng" trong ngôi nhà chung. Mọi việc trong nhà đều do mẹ chồng tôi tính toán, quyết định. Ông sẵn sàng, vui vẻ nghe những lời "thông qua, báo cáo". Có lần bạn lính căn vặn: "Cái gì buộc anh đứng trên cao nhìn xuống dòng đời thường bằng con mắt thờ ơ kẻ cả mãi vậy". Bố chồng tôi chỉ cười.

   Chiều muộn mẹ chồng về. Tôi đang quét dọn từ đường. Ngày mai rằm, như lệ, các cụ dâng hương tổ tiên. Bà cầm tay tôi kéo ra góc hiên, nói nhỏ:

   - Các con vô tâm đã đành. Mà mẹ cũng sơ ý quá. Hôm nay mẹ đi lễ cửa "cậu" với các bác. Chồng con là đảng viên đã đăng ký kế hoạch hóa gia đình. Con chưa đến tuổi mà đã thế kia. Các bác ấy bảo...

   - Các bác bảo sao ạ. - Tôi rùng mình, líu cả lưỡi. Tôi hiểu các bác này là những ai.

   - Chồng con sẽ là cán bộ. Sẽ tiến xa. Cán bộ không gương mẫu, lãnh đạo ai? Ðã trót thế thì phải tìm cách chữa cháy. Hai tuần nữa đại hội chi bộ. Con thít bụng lại, ít ra ngoài thôi. Không sao đâu.

   Tôi làm theo lời mẹ chồng. Ðúng là không sao thật. Vài hôm sau Toản mới phát hiện ra. Anh áp tai lên bụng tôi nghe ngóng.

   - Em thấy khó chịu không?

   Tôi buột miệng:

   - Em chịu được.

   Cuộc họp đúng tối thứ bảy ngày cuối tháng. Cũng là ngày tôi hết hạn "thít bụng". Toản đứng trước gương sửa mái tóc mới sang mốt ba phân. Anh vận "xơ vin", ca vát trông nghiêm chỉnh, khỏe khoắn. Bố chồng tôi trang nghiêm quân phục. Mẹ chồng mặc đồ lụa tơ tằm. Tôi đứng trên gác nhìn theo tổ đảng gia đình. Xóm mới tách chưa có trụ sở, họp hành nhờ nhà trẻ. Nơi ấy, vài tiếng đồng hồ nữa con đường sự nghiệp của chồng tôi sẽ được khai thông. Tôi hồi hộp đứng ngồi không yên. Mười một giờ đêm. Tiếng bước chân như nện vồ trên cầu thang. Tôi mở toang cánh cửa. Toản lao vào nằm vật xuống giường. Mùi rượu nồng nặc.

   - Có chuyện gì thế anh?

   - Hỏng hết. Ông ấy phá anh.

   - Ông ấy là ai?

   - Còn ai vào đấy nữa! Anh chỉ kém người trúng cử bốn phiếu. Bố ở trong số bốn người gạch tên anh.

   Tôi rùng mình vì cơn gai sốt đau đau bụng dưới từ mấy hôm nay. Hình như Toản uống quá chén, không làm chủ được hành động. Tôi đẩy Toản ra nép vào sát tường. Toản chồm lên vục đầu vào ngực tôi xiết mạnh cánh tay. Tôi oằn người lên. Có cái gì đó  chuồi ra nóng nhớp hai bên đùi, dưới mông. Tôi gào lên.

   Tôi không nhớ mình ngất đi từ lúc nào, trong bao lâu. Khi tỉnh dậy tôi thấy bụng dưới hết đau, nhẹ bẫng. Mùi cồn, mùi thuốc tây nồng nặc. Toản ngồi ủ rũ cuối giường. Tôi chồm về phía Toản.

   - Con đâu?

   - Kìa em... nằm xuống.

   Tôi xô Toản ngã ngửa, lao ra sân. Con tôi đâu? Vì sao? Vì sao? Tiếng kêu trồi ra đến cổ họng bị đẩy thuốt vào lồng ngực. Tôi ngã vật xuống hiên. Vũng nước nong nóng nhơm nhớp. Ai đó bế tôi lên. Ai đó gọi bác sĩ.

   Suốt ba tuần Toản không đi đâu quá hai tiếng. Tôi nhanh chóng bình phục nhưng Toản già đi trông thấy. Chồng tôi đau khổ kém gì tôi đâu. Tôi khóc.

   - Tha lỗi cho em... những ngày qua...

   Toản lau nước mắt cho tôi.

   - Em không có lỗi. Số chúng mình phải thế. Anh từng phút mong em mau khỏe. Em vui khỏe cho anh yên tâm làm lại từ đầu.

   - Không! Dứt khoát em không để anh đi con đường ấy. Em chỉ mong có con, vợ chồng hạnh phúc.

   - Anh còn mong hơn em ấy. Việc đã qua cho qua luôn? Anh đã chọn cho mình hướng đi khác.

   Tôi không thể tin nổi. Toản ngoắt một trăm tám mươi độ chuyển ngay sang thương trường. Anh quyết tâm trở thành thương gia nông thôn. Không! Dứt khoát tôi không để chồng  tôi tiếp tục phiêu lưu.

   - Em xin anh từ bỏ ngay quyết tâm ấy đi. Chuyện buôn bán phức tạp lắm. Nhà mình không nghèo nên muốn giầu hơn không khó. Sao anh không làm theo lời khuyên của bố! Vườn đất kia, ao kia. Vợ chồng mình quán xuyến, sẽ không vất vả mà thu không ít tiền đâu. Lại chẳng phải ganh ghé với ai.

   - Em đúng là phiên bản của bố! Xin em yêu hãy nghe cho rõ. Bố mẹ hai bên cùng nhất trí cao. Các bô lão trong họ gật đầu sái cổ nhé.

   Ðến lượt tôi bị thuyết phục. Mảnh đất chái từ đường liền đường liên huyện. Ðất cằn, cây cối oặt èo, hoa lợi cả năm không đủ mua hương nến tuần tiết. Mấy lần trâu bò húc đổ tường bao. Mấy lần "tự vệ" chộp trai gái xé dậu làm trò bậy bạ. Ðất hương hỏa cho thuê sẽ sinh lợi cho cả họ. Tiền thu được đập vào việc tu bổ giỗ chạp... Tránh được việc bổ bán nhiêu khê. Toản nói thêm:

   - Tránh tiếng trưởng họ lợi dụng, mẹ đã nhờ người ngoài phát giá. Chiều mai các cụ họp làm văn bản.

   Thì ra mẹ chồng tôi đã ngầm chuẩn bị "con đường mới" cho con trai. Chiều hôm trước xong thủ tục thuê đất. Sáng mai bà mời thầy làm lễ động thổ. Gần trưa xe đầu ngang chở vật liệu đổ đống. 

   Ðúng là "mạnh vì gạo bạo vì tiền". Mười ngày sau cửa hàng khai trương. Kiểu kiến trúc cửa hàng khá độc đáo, hài hòa với ngôi từ đường cổ kính, vườn cây lưu niên.

   Tôi rất bỡ ngỡ với công việc mới. Nhà đẻ tôi mấy đời không có ai làm nghề buôn bán. Trái lại Toản có duyên và am hiểu thị trường, anh như sinh ra để làm thương gia vậy. Làng rục rịch cải tạo đường điện. Toản chở về cả xe dây dẫn, phụ tùng điện. Chỉ bằng một mẹo nhỏ anh kéo được mấy vị sếp xã tham gia hợp đồng đường điện. Vào vụ, kho hợp tác còn trống không thì Toản đã có trong tay hàng tấn phân bón. Một lần Toản tung vốn mua phụ tùng giếng khoan. Cả tháng không ai hỏi đến mặt hàng này. Mẹ chồng tôi lo mất ăn mất ngủ. Chồng tôi vẫn bình chân như vại. ít hôm sau đài xã thông báo chương trình nước sạch. Toản có ngay hợp đồng cung cấp vật tư.

   Dần dà tôi cũng quen với công việc. Toản bàn mở quầy bia rượu. Quán nhậu bên cạnh cửa hàng vật liệu. Cái lợi rõ mười mươi nhưng có điều phải nghĩ. Tôi nói thẳng ý mình:

   - Theo em, việc này không nên. Quanh đây đã mấy người bán như thế rồi. Cụ Hảo với đứa cháu mồ côi thím Bao lòa, chú Rụ thương binh nặng... Toàn những người trong họ mình cả. Vợ chồng mình trẻ khỏe nỡ nào cạnh tranh với họ.

   Toản lắc đầu:

   - Em mới nghĩ một chiều thôi. Thử đi dọc làng xem! Mới có mấy tháng mà hàng loạt đại lý mọc lên. Họ giở đủ mánh hòng đè bẹp chúng mình đấy thôi.

   - Em biết. Nhưng đấy là chuyện người giầu với nhau. Ðằng này họ là những người nghèo, tội nghiệp họ.

   - Em ơi. Thị trường là chiến trường. Chiến thắng thuộc về kẻ mạnh. Anh muốn chứng tỏ năng lực của mình.

   Mẹ chồng tôi góp vốn chín triệu mua tủ lạnh, dàn video. Ðiều dự báo của chồng tôi rất đúng. Hàng vật liệu chững lại, hàng bia rượu "vào cầu". Ðồng vốn có sức mạnh kỳ diệu. Quán bia rượu của chồng tôi tấp nập đến khuya. Thiếu chỗ, khách tràn cả sang sân từ đường. Rồi thành quen. Khoảng sân lát gạch cổ rợp bóng cây cổ thụ trở thành sân sau của quán nhậu... Nơi thờ cúng tôn nghiêm nhuốm mầu trần tục bê tha. Họ mạc đã có lời ra tiếng vào. Bố chồng tôi rất không hài lòng. Tôi nói với chồng điều này. Toản thản nhiên: "Ðất đã cho thuê. Người trả tiền toàn quyền sử dụng".

   Tháng ba âm lịch. Liên doanh thăm dò khoáng sản đóng trụ sở ở làng tôi. Dịch vụ các kiểu mọc lên như nấm. Chồng tôi chấp nhận điều kiện xây tường bao để được thuê thêm đất hương hỏa. Anh có dự định nâng cấp "quầy" lên thành nhà hàng to nhất làng.

   Tôi đã có thai được hai tháng. Việc có thai vội, những cơn ốm nghén hành tôi khổ sở. Những việc nhẹ nhàng cũng trở nên nặng nề quá sức. Toản "ăn ké" được hợp đồng vật liệu công trình cống Lân, đi suốt ngày. Tôi luôn phải gắng. Mẹ chồng tôi khó chịu ra mặt, bâng quơ.

   - Ðến phải thuê người làm.

   Tôi thật thà:

   - Việc này phải chờ bố con về.

   - Dào ôi! Vẽ! Ông ấy biết gì mà bàn. Có bàn lại chỉ giỏi phá ngang.

   Có khách. Vẫn là ông chủ đại lý phố huyện và chiếc dim đỏ. Mẹ chồng tôi tươi ngay nét mặt.

   - Ơ... ô anh.

   - Chào bà bạn. Ði ba chục cây số để đỡ nhớ bia bà bạn đấy.

   Tôi giúp mẹ chồng bày bia, đồ ăn rồi rút vào sau quầy. Tiếng nắp bia nổ bôm bốp. Mẹ chồng tôi làm duyên giọng nói:

   - Hôm nay em khao.

   - Hôm nay đến lượt anh. Hiểu chưa.

   Tiếng cười. Tiếng cụng ly. Những lời mời ép nhau. Hai người có tuổi mới quen nhau mà cứ như đôi bạn thân, quá thân nữa là khác. Tôi nhìn trộm mẹ chồng. Men bia, những câu chuyện làm đẹp thêm gương mặt vốn xinh đẹp của bà. Không hiểu vì uống nhiều hay quá vui mà bà đem chuyện nhà ra đãi bạn. Ðang xây mới cửa hàng bố chồng tôi có giấy mời đi dự lễ truyền thống binh chủng. Xe hẹn ngày đón. Mẹ chồng tôi cười nhạt: "Công việc ùn ùn thế kia. Mình tính sao?". "Tôi phải đi mình ạ. Lâu lâu mới có dịp gặp anh em đồng đội". "Vâng! Lễ hội, chiến hữu ra tiền thì mình cứ đi". Trước ngày hẹn đón bố chồng tôi có thư về. Ông vào Quảng Bình thăm thủ trưởng cũ bị ốm. Sau đó ông đi Tây Nguyên tìm hài cốt người bạn. Ông không hẹn trước ngày về.

   Hình như việc thuê người mẹ chồng tôi trù tính từ lâu. Lý là con gái bạn mẹ chồng tôi. Nhà Lý trên phố huyện, có cửa hàng đồ điện. Vì sao cô rời phố về làng phụ việc? Tôi lấy làm khó hiểu nhưng không muốn hỏi. Toản rất hài lòng với việc "tuyển" người. Lý đẹp người, thành thạo công việc, có duyên ngồi hàng, khéo chiều khách.

   Từ hôm Lý đến hầu như tôi không phải trông hàng. Hết ốm nghén tôi lại mắc chứng khó ngủ. Hễ chợp mắt là chìm vào những giấc mơ kinh dị. Vỡ giấc là thức đến sáng. Một đêm tôi mơ thấy trần nhà nhỏ nước như mưa. Nước lênh láng khắp nhà. Tôi bị vùi trong màn nước mầu đỏ, mằn mặn. Sáng ra vui chuyện tôi kể với Lý. Lý gạt đi "Mơ mộng vớ vẩn lắm". Tôi cũng nghĩ thế.

   Buổi trưa, giấc mơ đêm tái hiện. Tôi sợ vã mồ hôi chạy xuống nhà hàng. Tôi đẩy cửa gian trong. Mẹ chồng tôi và ông chủ đại lý ngồi uống bia. Tôi ra gian ngoài. Lý hỏi đón:

   - Lại mơ hả!

   - ừ. Vẫn giấc mơ đêm rồi.

   Lý ngẫm nghĩ một lát.

   - Tớ vẫn cho rằng mơ mộng là chuyện vớ vẩn. Còn như đêm nay cậu vẫn mơ tương tự thì tớ sẽ đưa cậu đi xem bói lá trầu. Cậu Học làng Trình giỏi cực nhé.

   Tối muộn. Mẹ chồng tôi đứng giữa sân ới lên:

   - Cô Na xuống tôi có câu chuyện.

   Tiếng "cô" tiếng "tôi" phát ra từ cửa miệng mẹ chồng thường báo trước chuyện không êm. Tôi vội đi xuống. Mẹ chồng tôi chao chát phủ đầu:

   - Cô ăn chơi thế chưa đủ sướng hay sao mà còn lắm chuyện.

   - Chuyện gì ạ?

   - Cô còn không biết hả! Nhà này được như thế này là nhờ công lao người đánh giặc, người công tác cống hiến. Cô mơ mộng vớ vẩn rồi đem chuyện nhà đi kháo. Chẳng hóa ra nhà này bóc lột mồ hôi nước mắt thiên hạ.

   - Mẹ cứ nghe ai mách lẻo suy diễn lung tung.

   - A! Mất tiền cưới xin, nuôi cô ăn sung mặc sướng để được "ní nuận" thế đấy! Cô dỏng tai lên mà nghe đây. Người ta mách lẻo ra tiền ra bạc, giỏi giang bằng vạn nhà cô. Ngữ cô thì làm ăn cái gì.

   - Con đã thưa với bố mẹ rồi. Con không hợp với việc buôn bán. Vụ tới mẹ lấy ruộng về cho con làm.

   - Cô giỏi rồi. Nhưng nhà này chưa đến nỗi phải bám vào sào ruộng mới sống nổi.

   Tôi đi lên gác. Có tiếng xe máy vào sân. Lại ông bạn chủ đại lý của mẹ chồng tôi. Họ chào mời líu ríu. Tôi uống liền hai bát nước sắc lá vông, cao lạc tiên. Bài thuốc của đẻ tôi, cả trò đếm dỗ ngủ đều vô tác dụng. Chuông đồng hồ điểm mười giờ. Tôi đi ra sân thượng. Nhà dưới vẫn sáng đèn. Cửa hàng sáng đèn, mở cửa sổ phía vườn. Chắc chồng tôi đang nhập hàng hoặc tính sổ. Phải giúp anh một tay! Tôi đi xuống. Nhà dưới khóa cửa ngoài! Mẹ chồng tôi vẫn chưa về. Ngay bố chồng tôi cũng đã quen với việc bà vắng mặt đêm hôm. Từ nửa tháng nay vài ba hôm ông đại lý lại đến đón bà đi đâu đó. Trong nhà hàng vẳng ra tiếng cười. Tôi sang vườn vòng lại phía cửa sổ. Trời ơi! Trên nền nhà Toản đang cùng Lý nhồng nhỗng làm tình. Tôi ngoắt về. Lời đồn đại của dân làng đã có bằng chứng. Dấu hiệu Lý có thai không còn là "hình như" nữa. Tôi đi không vững. Ðến giữa cầu thang tôi vấp ngã sấp mặt. Bụng dưới quặn lên, hẫng nhẹ. Trời ơi! Con tôi chuồi ra, vỡ bục, lênh láng. Tôi khóc.

   Bố chồng tôi về. Tôi đã xuất viện được ba tuần, ba tuần qua tôi thay bố chồng giữ một vùng riêng trong ngôi nhà to đẹp nhất làng. Thời gian tạm đủ cho tôi nhìn lại chính mình, những ngày tháng qua và đi đến quyết định. Mẹ chồng tôi thản nhiên: "Cô cứ nghĩ cho kỹ..." Toản độc một câu: "Tùy cô."

   Ba ngày thôi mà bố chồng tôi già sọm đi, tóc bạc thêm, con mắt đờ đẫn mất hồn. Tôi nói với ông việc chỉ có tôi và bà bác sĩ biết. Hai lần sẩy thai đã để lại di chứng nặng nề. ít nhất dăm bảy năm nữa tôi mới được phép mang thai.

   - Lời bác sĩ con phải nhớ. Còn việc vợ chồng con không còn cách nào ư?

   - Không bố ạ. Chính con đặt vấn đề trước. Mẹ con, anh Toản nhất trí đó là lối thoát tốt nhất cho cả hai bên.

   - Bố có lỗi với con... với ông bà bên nhà... - Bố chồng tôi nấc lên, tắt lịm giữa lời. Ông khóc. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy nước mắt người lính già. Những giọt nước mắt đặc quánh lại, hằn vết trên gương mặt. Tôi khóc.

   Giấy tòa hẹn ngày đầu tuần. Tôi thu xếp về nhà đẻ. Tư trang gọn gàng túi xách nhỏ. Tôi không quên bóc lịch treo tường. Mảnh thời gian bay bay nặng trĩu cánh tay. Ngày mười hai tháng bảy. Tức ngày mùng tám tháng năm theo lịch can chi. Tôi cất tờ lịch vào túi xách.

   Ðường về vơ vẩn tôi nhẩm tính thời gian. Tính theo âm lịch tôi đã có mười ba tháng hai ngày làm vợ. Thời gian vừa đủ cho tôi qua tuổi hai mươi. Rồi sẽ có lúc tôi ngồi một mình "tính sổ" mười ba tháng hai ngày ấy có bao nhiêu ngày hạnh phúc bao nhiêu ngày đau khổ. Bạn cho là khó ư! Không đâu! Tôi tính được mà. Chờ nhé!.

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.