chan_dung-ke_si

MẢNH VƯỜN XƯA HOANG VẮNG - Truyện ngắn Đỗ Chu (Phần Một)

31-07-2024

Lượt xem 1984

Đánh giá 2 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Đỗ Chu

MẢNH VƯỜN XƯA HOANG VẮNG - Truyện ngắn Đỗ Chu (Phần Một)

Chân Dung Kẻ Sĩ: Trước và sau đổi mới 10 năm, khi văn chương Việt Nam đang bùng lên những cơn sóng với các tác phẩm của các nhà văn như Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Huy Thiệp… thì nhà văn Đỗ Chu không nói năng gì. Ông âm thầm ngồi viết ở nhà riêng tại Bắc Ninh rồi bất thần cho in cuốn Mảnh vườn xưa hoang vắng vào năm 1989. Tập truyện chỉ gồm ba truyện ngắn nhưng đó là những truyện ngắn…dài hàng chục ngàn từ, và nó đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong văn học đổi mới của nước ta. Những hồn cốt nước Việt ẩn náu dưới ngòi bút Đỗ Chu, chỉ chờ mượn các tác phẩm của ông mà bước ra, sang trọng, duyên dáng, như ngàn năm đã từng.

Đã đành kèn đám ma là phải buồn, rất buồn, buồn muốn khóc được, nhưng đấy là nói những phường bát âm nhà nghề, chứ như tiếng kèn của ông Đống làng Đặng Xá, một ông thiếu tá vừa về hưu, thì thật khó mà thấy là chi có buồn. Chẳng qua là ông ta còn đang tập tọng vào nghề, thầy bà không có bên cạnh, thành thử đành gặp đâu thổi đấy, mò mẫm mà thôi, thế mới khổ người ta.

Đống ra đi từ lúc trai trẻ, trở về khi trên đầu đã hai thứ tóc, mẹ cha chẳng còn, anh em phiêu bạt kẻ Bắc người Nam đến mái nhà riêng cũng chưa có nốt, một mình một bóng đành phải chui rúc vào ở tạm trong ngôi nhà thờ họ Đặng Danh, thổi cơm chung với một ông chú họ tính nết gàn dở. Mà cuộc đời ngang dọc nào có vừa, đã có lúc cả họ cả làng đều nhắc đến tên tuổi Đặng Danh Đống, trân trọng như nhắc đến tên tuổi một vị thần. Tin tức trận mạc truyền về, râm ran hết chiến công này đến thắng lợi khác, hiển hách không thể tưởng, rõ ràng là họ Đặng đang có cơ phát mả anh hùng. Ông tổ họ Đặng vốn người từ trong Thanh Nghệ ra, cắm đất lập làng ở đây, cho nên mới gọi là Đặng Xá, xá cũng có nghĩa là làng. Tiên sinh Tả Ao ngày đó có qua vùng này, ngắm thế đất xong đã tấm tắc khen mãi, nó là thế rồng chầu hổ phục, con cháu hậu thế rồi sẽ có lúc vênh vang ngang mặt khi ra thiên hạ. Trước thời kỳ Đại chiến thế giới lần thứ Nhất, người Pháp làm đường sắt xẻ đôi quả núi ở đầu làng, nơi ấy chính là mắt rồng vậy, cho nên xẻ đến đâu máu trong đất chảy ra đến đó, máu rồng làm đỏ cả một dòng sông. Từ đó cơ cảnh làng Đặng cứ xuống mãi, tưởng chẳng bao giờ còn ngóc đầu lên được. Nào ngờ đất đã hồi, cái thế rồng chầu hổ phục xem ra vẫn chưa bị mấy ông cai lục lộ yểm mất hẳn, cái con rồng đã bị chém cho mù mắt kia nay nghe chừng đã hồi, đã cựa quậy được rồi cho nên con cháu vẫn ăn nên làm ra, vẫn có dịp để kiêu hãnh với đời.

Phải đợi đến cái ngày sóng yên biển lặng, Đặng Danh Đống bước thấp, bước cao từ ga Sỏi tìm đường về làng thì tất cả mới ngớ cả ra, tất cả mới tấm tức như vừa bị ăn một quả lừa. Ngay như ông chú họ của Đống người đã bao năm đặt niềm tin mãnh liệt vào đứa cháu nội tộc, giờ cũng thở hắt ra, đầy ngao ngán:

- Hay hớm nỗi gì, rốt cuộc hóa ra là một anh vô công rồi nghề. Bạn bè cùng lứa có người đã thành tướng, có người vào Trung ương, lên xe xuống ngựa, cửa rộng nhà cao không Hà Nội thì Sài Gòn, đằng này bất quá cũng chỉ là một viên thiếu tá, thời nay đến trẻ con hỉ mũi chưa sạch cũng đủ sức đóng lon thiếu tá.

Đống được cái đức không biết tự ái, nghe thấy thế chỉ cười khùng khục. Đàn ông họ Đặng Danh ai cũng có một cái cục gì trong họng, lúc buồn lúc vui đều thấy nó lồi ra, chạy lên chạy xuống như người đang ăn bị nghẹn. Đống lẳng lặng bỏ đi đâu mất tăm, làng xóm ít ai buồn hỏi đến, một vài người vui mồm thì bảo không khéo lão thiếu tá này đã bỏ vào rừng, suốt một kiếp người quen sống ở trong rừng rồi mà. Được một dạo, người ta lại thấy Đống hiện về, lần này thì trong tay có cầm sẵn một cái kèn đám ma. Sắp chết cả nút rồi, ông ấy sắp đứng ra lập một phường bát âm, phen này ông ấy sẽ đưa tuốt lượt ra đồng cho mà xem!

Ngôi nhà thờ họ Đặng nằm tít hút trong bãi dâu cuối làng giờ đây réo rắt tiếng kèn, kèn suốt ngày đêm, như thể Đặng Xá hôm nào cũng có tang vậy. Nghe tiếng kèn nỉ non, người nơi khác đến ai nấy nhìn nhau chột dạ, bấm nhau lảng xuống cầu ao rửa ráy chân tay, sửa sang xống áo rồi mới dám vào làng. Nhưng nghe một lúc lâu lại thấy nó ngờ ngợ thế nào, nó khác thường lắm giời ạ. Đang than vãn tỉ tê trong điệu lâm khốc, đang mùi lòng đau thương trong điệu lưu thủy trường, bỗng tiếng kèn bắt bừa sang sẩm xoan, cò lả, có lúc dìu dặt thiết tha như thể đến hẹn lại lên.

Có nhẽ Đống đã thổi đến vã mồ hôi, khản cả tiếng mà vẫn chẳng ra hồn một bài kèn, nghe chẳng ra thể thống gì. Ngồi tựa lưng vào cột hiên, vểnh hai tai lên thẩm định năng khiếu âm nhạc của đứa cháu, ông chú hấp lìm lúc này cảm thấy như mình bị chọc tức, lộn ruột, ông vỗ mạnh tay xuống chiếu:

- Hủi chết nó cũng không thèm mướn cái hạng anh đâu. Kèn nhà đám mà chốc chốc lại bập bùng như gọi như giục người ta vào hội Chen vậy là nghĩa làm sao?

Đôi lông mày chổi sể thẫm như hai vệt than dựng lên ngang trán, ông chú trợn tròn mắt nhìn xoáy vào đứa cháu như nhìn vào một tên phản động đã bộc lộ nguyên hình. Với cả một mối nghi ngờ bấy lâu âm ỉ trong lòng giờ mới có dịp bùng nổ, ông dồn hỏi:

- Tôi hỏi thật, trong bộ đội anh làm những gì, hử?

- Thiếu gì việc, chú, những năm qua cháu làm đủ thứ.

- Đã đánh nhau trực diện bao giờ chưa, cái hạng anh chắc là chỉ huy người ta chỉ dám cắt cử những việc tầm phơ thôi.

- Gọi là trực tiếp chiến đấu, kể cũng nhiều đấy.

- Nhiều cơ đấy, nhưng kèn đám ma thì chắc chắn là chưa thổi khi nào, phải không - Ông ngẩng lên cười nhạt, tỏ vẻ khinh mạn - Thằng nào nó dạy anh thổi nhăng nhố vậy, anh hãy lôi cổ nó về đây giùm tôi.

Đống lại cười khùng khục, anh hỏi lại một câu đến ngây ngô:

- Chú nghe cháu thổi chán lắm nhỉ?

- Dễ thường tôi phải say như điếu đổ chắc! Hừ, làng nước đang đồn anh là thằng động rồ kia kìa. Tôi chẳng hiểu rồi anh sẽ sống thế nào ở cái làng Đặng này. Đây lên Bố Hạ là ba chục cây, lên Lạng là ngót trăm cây, hay anh chịu khó vào rừng mà đốt than nhặt củi kiếm ăn vậy.

Đống nhã nhặn nhìn lại ông chú trong một thoáng, kéo vạt áo lên lau khô cái kén kèn. Ông chú ngáp ngáp cố nuốt cho trôi cục uất đang chẹn ngang họng, rồi đứng dậy phủi đũng quần bỏ đi.

Một cơn gió nhẹ quẩn trong sân cuốn tung những chiếc lá dâu khô vàng. Chiều vắng và buồn. Đống nhìn ngó đi đâu một chốc rồi lại điềm nhiên đưa cây kèn lên, nhè nhẹ lấy hơi, nhắm nghiền hai mắt lại như chẳng cần biết trời đất là đâu, dễ dàng phỏng đoán ông thầy kèn của anh phải là một người xấu mắt.

Nom cung cách của anh mà phỏng đoán vậy thôi, chứ người dạy anh thổi kèn thật ra là một trang nam nhi sáng sủa và thông minh ít ai bằng. Đây là một người lính cũ của anh, một người bạn chiến đấu, từng cặp kè bên nhau có đến năm bảy năm trong Trường Sơn.

Dạo đó anh đang là đại đội trưởng một đại đội bộ binh, sắp dẫn một mũi xông vào thành Quảng Trị thì có lệnh gọi về sư đoàn, về thật gấp. Tưởng sẽ có chuyện gì ghê gớm lắm, nào ngờ về nằm dài ở đó hơn nửa tháng, ngày ngày chuyện gẫu với cậu liên lạc của chính ủy, ngày ngày hai bữa nấu lấy ăn, cứ như một anh đang đợi kỷ luật giữa một cơ quan ai nấy đều tất bật.

Hào ơi, cậu có biết ông cụ gọi mình về làm gì không?

- Anh cứ thử đoán xem. Cậu liên lạc của chính ủy tủm tỉm cười rồi lên giọng triết lý - Mỗi cán bộ lúc này là một thoi vàng, làm gì có người được rong chơi. Theo tôi được biết thì anh sắp nhận một công việc lạ lùng, một công việc càng nghĩ càng đau lòng, càng đau lòng lại càng phải bảo nhau mà làm cho tốt.

- Việc mẹ gì mà oái oăm thế! Tao nhập ngũ từ năm mười tám, đi suốt Tây Bắc qua Thượng Lào rồi lộn về Điện Biên, cho đến nay là gần hai chục năm, có khi nào gặp một việc như thế.

- Vậy mà có một việc như thế đấy. Anh hãy đợi, ông cụ sắp họp ngoài quân khu về, chắc là ông cụ muốn trực tiếp dặn dò anh, nhiệm vụ đặc biệt mà.

Cái công việc ấy, rồi cùng rõ. Anh được giao trách nhiệm đi dọc mấy binh trạm, gom nhặt những tay lính sốt rét nằm lại các tuyến giao liên, lập một đại đội thợ xẻ, thợ mộc, kéo nhau vào rừng đóng quan tài, đóng thật nhiều quan tài. Gọi vu vơ là “Đơn vị hậu cứ”, nó trực thuộc sư đoàn, tình hình hoạt động của nó chỉ những cán bộ chủ chốt trong sư được biết, cũng dễ hiểu, trong chiến tranh có ai dại gì lại để lộ mức thương vong cho đối phương biết, mà cái công việc của “Đơn vị hậu cứ” thì nói quá rõ điều bí mật đó.

- Vì đồng đội, các cậu hãy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này.

Chính ủy sư với một giọng rầu rầu đã căn dặn như thế lúc chia tay anh. Đấy là một cán bộ chiến trường tuổi đã cao, có khuôn mặt chắc như được tạc bằng gỗ mun, buồn vui ít để lộ ra ngoài. Xem chừng ông muốn giấu xung quanh từ một cơn ho trở đi, mỗi lần cơn ho kéo lên, ông vội vàng chiêu một ngụm nước, mặt mũi đỏ văng, nước mắt ràn rụa, ông ôm ngực kìm nén mãi mới chịu để tiếng họ bật ra, sau đó liền cười xòa đổ cho là mình sặc nước.

Cánh quân khí làm cho anh một đống cưa và rìu, cánh quân y thì dành cho hẳn một bao tải kí ninh. Anh xin chính ủy cho được mang theo cậu liên lạc của ông nữa, vậy là hai anh em lên đường đi thành lập đơn vị mới.

Ở đời, có những người chỉ mới thoạt gặp một lần là đã phải hiểu ngay đấy là người rồi ra mình sẽ còn phải dính líu, phải quyến luyến suốt nhiều năm tháng, dính líu đến chết. Đối với Đống, tự nhìn lại anh thấy đời mình có hai người như thế, người đầu tiên là cô gái trong làng, anh đã nặng lòng yêu từ năm mười tám tuổi, một tình yêu dai dẳng, cay đắng và sau cô gái ấy giờ đây phải kể đến Hào.

Cậu ta mồ côi mẹ sớm, phải bỏ học theo bố đi thổi kèn đám ma. Hai bố con bìu díu nhau trên một chiếc xe đạp, lỉnh kỉnh nào xênh tiền, nào nhị, nào kèn trống. Một phường bát âm tuy không đủ người nhưng được cái gọn nhẹ, thích hợp với những đám hiếu đời sống mới, không phúng viếng linh đình. Khi thì nhà đám cho người đến gọi, cũng có khi chẳng cần đợi gọi, cứ đạp xe tìm đến, đã sao, nghĩa tử là nghĩa tận, nào ai dám nỡ từ chối một phường kèn khi có người thân nằm xuống. Làm cái nghề này không giàu được, nhưng có ăn, lại đi đây đi đó, lại được trọng vọng vì nó là việc phúc.

Rồi con trai người thổi kèn đám ma ra trận, đầu tiên được giữ lại làm liên lạc ở sư bộ, sau theo Đống xuống “Đơn vị hậu cứ", cũng được đề bạt dần dần như ai, làm tiểu đội trường, làm trung đội phó, làm trung đội trưởng, trở thành đảng viên, tham gia cấp ủy và rốt cuộc, nó thay anh chỉ huy cái đội quân cưa xẻ ấy. Anh trao lại cho nó cái cơ ngơi ngổn ngang những tấm ván thiên, những cỗ hậu sự và một cánh rừng trống trải với những gốc cây san sát bị phạt bằng địa, nhựa tứa ra dính nhớp nháp. Hai anh em chia tay nhau vào một đêm trăng sáng, có văn công Tổng cục Chính trị về phục vụ động viên, những khuôn mặt lính sốt rét vàng vọt với những nụ cười ngơ ngác mỗi khi các nam nữ diễn viên ló ra. Trong ánh trăng, cả những khuôn mặt người trên sân khấu cũng vàng vọt, mấy mảnh dù được quây vội làm cánh gà cũng vàng vọt nốt, quay sang bên cạnh nhìn vào Hào cũng thấy một màu da như thế, và chợt hiểu cái mặt mình thì cũng chẳng hơn gì. Những người lính so vai chia nhau ngồi trên các gốc cây, mỗi người một góc, tản mát chỗ đông chỗ thưa, họ đăm chiêu nhìn lên một gò đất cao trống trải, ở đó đang có dăm cô gái mang sắc phục Tây Nguyên, mang gùi, với những cánh tay để trần lúc vô nhịp, lúc huơ cao, những dải áo bay bay, những cái miệng tươi, những cái cổ gầy lắc lư duyên dáng và những bàn chân đất thấp thoáng chạy theo tiếng nhạc của cây đàn măng-đô-lin. Đấy cũng là hình ảnh thu nhỏ của cái buổi anh em tiễn Đống trở lại mặt trận. Thật ra theo một khái niệm rộng rãi, thì chính tại đây cũng đã là mặt trận rồi.

Về hưu được ít ngày, anh chợt nhớ đến Hào và bổ đi tìm. Anh nhớ nó người một làng nào đó dưới Hải Dương, thuộc huyện Nam Sách, như thế là quá đủ nếu cần phải đi tìm một người bạn cũ, miễn là trời cho nó sống. May mắn sao nó vẫn còn, cũng đã trở lại quê nhà, đã có vợ có con và tiếp tục là cái nghề mà ông bố truyền cho.

- Tớ đang không biết sống bằng cách nào đây, định xuống bảo cậu gà cho vài ngón kèn, may chăng cũng gọi là có kế sinh nhai.

- Anh thích thì học, chứ còn định sống thì thiếu gì cách. Người như anh em ta đã chết làm sao được. Thu xếp xong vài việc nhà, tôi sẽ lên anh, xem thực hư ra sao rồi mới bàn cụ thể, trên ấy tôi có quen biết một nhà, chỗ đi lại thân tình đấy nhé, cậu con trai họ là lính của tôi, nhà ấy chỉ có mỗi một nó, khi anh đi rồi thì nó được bổ sung về. Mở lý lịch ra xem biết nó người Đặng Xá, mừng quá. Hỏi có biết anh không, nó lắc đầu chưa nghe thấy tên anh bao giờ, anh ra đi từ lúc bố mẹ nó chưa lấy nhau nên nó không biết là phải.

- Nó tên là gì, con cái nhà ai?

- No là Bùi Thế Quyết. anh em gọi là Quyết bột, trắng trẻo béo tốt như một cục bột, ngồi đâu ngủ đấy, vừa xẻ gỗ vừa ngủ, tay cưa thúc vào ngực ngã bổ chửng ra đất, nhiều khi trốn ca vào quan tài mà ngủ, tìm đâu cũng không thấy. Được cái hiền lành, chịu khổ một thời gian thành quen, gặp dịp trên sư lấy người đi học y sĩ, tôi liền bàn với mấy tay trong ban chỉ huy nhất trí cho đi ngay, cũng mong cho thằng bé sớm được ra phía ngoài. Nói thật nhé, mình đã khốn nạn quá rồi, đến lượt con người ta đâm đầu vào, thấy mà thương.

- Vậy thằng ấy con nhà cô Xuân rồi.

- Phải, mẹ nó là bà Xuân, bố là ông Lãi. Ông ta làm bí thư Đảng ủy có đến năm sáu khóa liền, về sau bị khai trừ vì tội tham ô, đâu như có bày kế thâm hụt tiền cá con của hợp tác xã để xây nhà.

- Nhà ấy tôi biết, riêng thằng bé thì đúng là chịu không rõ mặt mũi ra sao. Giờ nó đang lao động: Xây dựng xã hội chủ nghĩa bên Tây Bá Lợi Á, tôi về nó đã đi từ lâu, nghe nói vừa gửi một hòm đồ về, không chở lọt cổng làng, phải dỡ bung cả ra.

- Vậy là anh nắm khá vững, để ít nữa tôi lên bàn với ông Lãi, bà Xuân xem họ có giúp được gì anh trong việc làm ăn không, họ xởi lởi, lại giỏi tính toán hơn anh em mình nhiều.

Đống cười lặng lẽ, anh quay nhìn ra con mương đang đào đắp dở dang ngoài cánh đồng, một cái nhìn xa xăm hệt như hôm nào anh ngồi trong mái lán mà nhìn ra những đồng gỗ ngổn ngang ngoài bìa rừng.

- Cậu cứ dạy cho tôi nắm lấy vài bài kèn, rồi cậu cho tôi mang một cái về, tôi sẽ mày mò thêm. Trước hết là để có cái giết thì giờ, để mình tự chở cái buồn chán cho mình đi.

- Biết chở đi đâu được?

- Chở đi chôn chứ còn đi đâu nữa.

Nghe Hào giảng giải hồi lâu. Đống nhớ nhập tâm rồi bắt đầu hăng hái đưa cây kèn lên miệng, bắt đầu ti toe như một thằng bé con nghịch ngợm. Hào có lời khen anh sáng dạ, nhưng liền sau đó lại chê anh là vụng nhả hơi phè phè như hổ mang phun, những ngón tay thì lóng nga lóng ngóng, tiếng kèn ậm è nghe chán bỏ xừ. Nghe cứ tức anh ách, khéo không khó mà thành, người thổi được hay không chỉ cần nghe qua vài tiếng là đủ biết. Thế nào gọi là nghệ thuật, là sáng tạo, nó phải rất chi công phu, hình như nó là công việc dành riêng cho một loại người có đầu óc thế nào đó, gien giống cấu tạo thế nào đó, chứ không phải ai cũng có thể mó vào. Nếu vậy thì tùy, Đống đã thích thì xin anh cứ việc thôi, còn như có thành tài hay không lại là một chuyện khác, chẳng quan hệ gì.

Cho nên cả làng Đặng Xá vẫn đang sống sờ sờ ra đấy chưa thấy một ai ra đi. Người ta vẫn cứ ra đồng, vẫn cứ chạy chợ, cưới xin giỗ chạp, họp hành rượu thịt, cờ bạc lu bù tít. Tiếng kèn anh Đống lâu ngày thành quen tai, thành nhớ nhung khó tả, hóa ra chưa hẳn hễ cứ kèn đám ma là phải buồn ngay, mà làm sao phải buồn cơ chứ.

Nhẩn nha ít lâu, rồi cũng như chán vạn người về hưu khác, thiếu tá Đặng Danh Đống cũng phải mò lên xã trình diện một buổi, gặp Đảng ủy xã một buổi. Nói là trình diện nhưng thực ra là để tay bắt mặt mừng, để nộp giấy sinh hoạt và trò chuyện làm quen với các cán bộ chủ chốt của địa phương. Hỏi ra mới biết họ toàn là ở vào hàng con cháu, ít nhiều đã trải qua chiến đấu, đều nhàng nhàng ở tuổi trên dưới bốn mươi. Một đội ngũ đang còn sung sức, tốt lắm. Anh kết luận như vậy sau hôm lên xã trở về.

Đến tháng sau thì Đống không còn được ngồi lì ở nhà nữa, anh được Đảng ủy trao trách nhiệm tạm thời làm trưởng ban tuyên huấn xã. Tay nào nghĩ ra cái kế này kể cũng thâm, đã thích tò te tí toét có phải không, vậy thì xung ngay nó vào chân cờ đèn kèn trống, làm tuyên truyền cổ động, ai lăn ra chết thì điếu văn phúng viếng, ngày lễ ngày tết thì lo văn nghệ văn gừng, cứ là phải lăn vào làm như trâu mới hết việc.

Đống nhận công việc ấy, buổi họp đầu tiên trong Đảng ủy anh đề nghị ghi vào nghị quyết, mùa đông tới sẽ mở lại hội Chen, Đặng Xá sẽ đi đầu toàn xã mở lại hội làng, rồi đến năm sau, năm sau nữa, các làng khác rút kinh nghiệm của Đặng Xá cũng phải đua nhau mở hội. Mọi người ngẩn ra một lúc lâu, rồi đều gật gù cho là phải. Cần phải chăm lo phục hồi truyền thống tốt đẹp của ngàn xưa để lại, cần phải xây dựng một cuộc sống văn hóa và tinh thần của quê hương, sao cho sống động và lành mạnh. Đại để những câu được ghi vào nghị quyết là như vậy. Đống thật sự bắt đầu có công việc của mình, anh mường tượng, anh mong mỏi mùa xuân chóng tới.

Trong ngôi nhà thờ họ, ông chú hấp lìm của anh sớm sớm ngồi xổm trước thềm mở xem lịch cổ, ông dán mắt vào những trang giấy bản nhàu nát, nhằng nhịt những chữ nho và đủ loại hình vẽ. Đặc một giọng thầy cúng, ông lầm bầm cho hay đã sắp hết con nước tiểu mãn. Con nước tiểu mãn chia làm ba thời kỳ, sơ kỳ, trung kỳ, và hạ kỳ.

Giờ đang là cuối hạ kỳ, như vậy năm nay không lo lụt nữa. Nhưng lịch là lịch, là chuyện của người xưa, thích thì các ông dám thay đổi cả lịch chứ sợ gì, xưa khác nay khác, xưa ổn định mà nay thì đảo lộn, đảo lộn vô chừng mực. Mọi năm rừng còn nhiều, mỗi lần chớp nguồn hàng tháng sau mới thấy con lũ dồn về đến làng, mấy năm lại đây đua nhau tàn phá, thành thử đêm qua thấy có chớp nguồn thì chỉ chiều mai nhìn ra sông trống ngực đã đập thình thình rồi.

Đôi mắt ông ngầu đỏ, gờm gờm nhìn đứa cháu ngồi kia, nó đang toan tính gì trong đầu mà chẳng nói chẳng rằng. Ông có ý nghĩ chính nó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những sự đảo lộn quái gở đang diễn ra ở cõi đời này. Nó chứ không còn phải là ai khác, nó là đứa đã gây ra không biết bao nhiêu chuyện rắc rối gớm ghê, nó có quyền gì mà tủm tỉm cười khi ngó mắt liếc vào cuốn lịch thiêng liêng của ông như vậy. Ông vẫn gờm gờm nhìn anh, màng mắt như có phủ khói và tiếp tục lầm bầm một mình.

Chớm thu, tiết trời chuyển lạnh, hơi sương dâng bảng lảng trên mảnh vườn xung quanh có đắp tường đất nay đang sụt lở nhiều chỗ. Một mùa thu xem ra sẽ rất ảm đạm. Ngôi nhà thờ họ thuở trước là cả một chốn thâm nghiêm, câu đối sơn son thiếp vàng treo la liệt khắp các hàng cột. Qua nhiều biến cố, có lúc nó đã được sung công làm trụ sở tạm thời của ủy ban, của đảng ủy, của mặt trận, rồi thì là nơi tụ họp của các bố trong ban quản trị hợp tác, ông chú hấp lìm cũng được trưng dụng luôn vào đó, ở luôn đó giữ chân điếu đóm, đế chuyện góp và ăn theo. Trên nhà đèn măng sông thắp suốt đêm, sổ sách ghi công báo điểm trải la liệt, người ngồi kẻ đứng, có anh lại khom quỳ suốt cả buổi chúi mũi vào cộng cộng trừ trừ, khói thuốc lào mù mịt tỏa ra khiến chuột đang chạy cũng phải lăn quay ra vì ngạt. Trong khi ấy ở dưới bếp rơm rạ cũng được dịp bốc hỏa, cùng khói xông cay mắt, tiếng dao tiếng thớt chí chát, thịt nhảy rào rào trong chảo, và ông chú mặt mũi tưng bừng xách cái siêu nước chạy lên chạy xuống. Ông xem đấy là những ngày hợp lý nhất, những ngày tươi đẹp đáng sống nhất. Hình như tất cả những gì đang diễn ra ngoài đời trong những ngày khó quên ấy đều có ghi trong cuốn lịch cổ để trên án thư của ông thì phải.

Ngôi nhà sau nhiều năm tháng đã trở nên đổ nát, xiêu vẹo, nó được thu lại thành ba gian trống trải chẳng khác nào một cái điếm tuần. Hàng cột hiên vẫn còn đấy nhưng đá bó thềm bị cậy hết, tản mát đâu mất cả, câu đối thì mang ra bắc cầu ao, đóng máng lợn, thế mới biết cái gì cũng chỉ có một thời của nó. Chẳng có gì bền vững mãi. Không nhìn vào cuốn lịch cổ nào hết, không một chút thèm muốn tầm thường nào hết, nhưng Đống cũng không thể không nghĩ ngợi.

Cái thời anh đang sống là thời gì nhỉ, là thời của một cuộc cách mạng vĩ đại, thì đã đành, nhưng nó cũng là thời của sự bần cùng chăng, có phải vậy thật chăng, nếu đúng vậy thì buồn biết mấy. Sao động mở mắt ra là đã phải tính đến đồng tiền bát gạo? Mà một khi đồng tiền bát gạo đã trở thành cái quan trọng đệ nhất thì đến người sống cũng bị khinh như mẻ chứ đừng nói gì đến tổ tiên nữa. Người ta đang đồn sư cụ trụ trì chùa Hạ Long mỗi lần dẫn khách quý đi vãn cảnh thường có thói quen cầm cây gậy trúc gõ côm cốp vào đầu mấy pho tượng La Hán mà bảo: “Xin các vị chú ý cho, toàn gỗ mít trăm năm cả đấy ạ, các cụ ta xưa đúc chuông tô tượng làm việc gì cũng thật cầu kỳ hết lòng". Là bậc chân tu hẳn hoi mà còn thế, trách gì được ai. Người với chả ngợm, hỏng quá mất rồi. Ngoài chợ có cô bé làm nghề bán thịt, chẳng nói chẳng rằng cầm luôn con dao trên mẹt rạch ngang một nhát vào lòng bàn tay ông lão ăn mày, rũ bàn tay đầy máu ông lão chỉ dám than thở “không cho thì thôi sao nỡ làm thế”. Có bà lão mủi lòng thương xé vạt áo của mình ra băng cho ông lão, liền bị cô bé mắng té tát. “Mụ già kia, con đĩ già kia, có kéo nhau đi chỗ khác không, mới bảnh mắt mà đã ám người ta thế thì có mà buôn bán với chó".

Báo chí không đọc thì thôi, đọc toàn gặp những tin muốn chảy nước mắt. Ngày cưới cha là ngày mẹ giết con. Một vụ giết vợ bằng thuốc sâu vừa được đưa ra toà. Một vụ giết bạn vùi xuống giếng vừa được điều tra. Một vụ cướp giữa ban ngày, thủ phạm là cô gái xinh đẹp đeo kính màu hay là chàng thanh niên biệt hiệu “cúp bay”. Một vụ công an đánh trẻ con cần được đưa ra ánh sáng. Một cán bộ dìm bố mình xuống ao vì tranh chấp mảnh vườn. Nhiều mốt quá! Các nhà văn thì tranh cãi với nhau cách đọc văn phải khác cách đọc sử, vận cả chủ nghĩa Mác Lê ra để đè bẹp trong nháy mắt một bạn đọc vốn là ông già đang sống lẩn khuất ở xó rừng nào, đè cho không kịp ngáp. Tưởng là giỏi giang, mà hóa ra trí lực vẫn không hơn gì một lũ học trò, đến là ngao ngán cho các bậc danh sĩ nước nhà.

Chao ôi, nghĩ mà thương thay, nghĩ mà lo thay. Nhiều đêm Đống không sao chợp mắt nổi, anh thấy có cái gì đau dội lên trong ngực, chưa hẳn chỉ vì sức ép của quả bom năm nào. Chim lợn eng éc kêu trên nóc từ đường, chúng kêu như người khóc, một loài chim gắn với những điềm chẳng lành. Là chim mà sao tiếng lại như tiếng thú, lông lá thì tanh tưởi, mép có vành vàng, miệng hoác ra đỏ lòm như miệng rắn. Nó có phải là giống nửa cầm nửa thú? Một giống chẳng ai mong và chẳng biết từ đâu hiện về. Ấy vậy mà lại là một giống thật hiền, thật yếu đuối và ngu dại. Đang xõa cánh bay không đâu rơi bịch xuống vườn, ngoi ngóp như những kẻ bại liệt giữa những bụi đỗ tương, những đám cỏ gai. Thi thoảng còn thấy có con đâm đầu rúc mãi vào đống tro nóng vùi ở góc bếp, cánh đập bụi mù cả lên.

Hàng ngày ông chú có hai việc chính, mở cuốn lịch cổ ra xem và rình bắt chim lợn. Ông thèm ăn chúng, thèm lắm lắm, có mỡ thì bắc chảo lên rán, không mỡ thì đem luộc chấm tương gừng, có khi kho với nước lã bỏ vào ít muối trắng. “Ngon đáo để, anh cứ thử liều bỏ vào mồm một miếng mà xem". Vừa nhai tóp tép ông vừa hào hứng chèo kéo người cháu đang như chàng ngố ngồi ở trước mặt. Tưởng thằng này đã dạn dày vào sinh ra tử nào ngờ vẫn còn nhát gan bỏ mẹ. Ông chú nhòm vào tận mặt anh, thân ái thổi hơi rượu nồng nặc vào cái mặt lầm lì của anh, theo thói quen thường có sau bữa ăn chiều, bắt đầu lên giọng dạy dỗ:

- Anh quăng mẹ cái kèn của anh đi, tiếng để đời đấy. Họ Đặng nhà ta xưa cũng có nhiều cụ làm thuốc, anh thử xoay ra nghề ấy xem sao. Ngoài năm mươi ngồi bốc thuốc coi được lắm. Lương anh huyện thường đưa chậm một tháng, về xã gặm thêm tháng nữa, thế là thành lĩnh lương theo quý. Thời giá thì bấp bênh như con đĩ đồng đanh, trẻ con ngoài chợ đang gọi một nghìn là một đồng rồi, liệu anh còn sống thêm được mấy ngáp. Bốc thuốc nào có cần gì nhiều vốn, ví như gặp bệnh đau mắt, anh cứ bảo người ta giã thài lài rau dệu đắp đại vào, không khỏi thì cũng chưa chết.

- Ông bố anh hồi trẻ ăn chơi là thế vậy mà rồi về sau chỉ cần tu chí vài năm là cả họ được nhờ. Anh có biết không, quần chúc bâu thục vào, áo the vắt vai, sang xuân cứ chờ cho hội Chen rằm tháng giêng xong là ông ấy tếch theo bạn bè.

- Hội Chen làng ta vào rằm tháng ba chứ ạ.

- Rằm tháng giêng, anh quên mất cả rồi. Thoạt đầu họ lên Thượng Xá vào hội lột yếm bóp vú, đúng nửa đêm nổi trống, thì tục lệ làng người ta nó thế. Từ Thượng Xá họ xuống Hạ Xá dự hội chổng mông chổng tĩ, con trai úp mặt xuống đất chổng mông lên trời, con gái nằm ngửa nhưng mông không được chạm đất, vải điều bịt kín mắt, làm thế nào tìm được nhau thì tìm. Sau đó là đi Rừng Mành Tam Tảo, Nội Duệ Cầu Lim, đúng là mênh mông bát ngát. Gặp năm ông nội anh mất tôi phải chạy các ngả tìm bố anh về để chịu tang, nhớ lại chặng đường ngày ấy giờ vẫn còn thấy sợ. Đâu đâu người ta cũng bảo bác ấy vừa ở đây hôm qua, vừa mới nghe cô đầu, nghe quan họ ở nhà này nhà nọ hôm qua. Lặn lội đúng mười ngày mới lôi được ông ấy về, cả họ phải đợi mất đúng mười ngày mới được phát tang chỉ vì còn thiếu một ông con trưởng.

Nào ngờ đến đận Pháp đánh lên, tản cư sang chợ Đá, thoắt cái bố anh trở thành ông lang chữa đau mắt tiếng tăm lừng lẫy. Thiên hạ gọi bố anh là ông lang Đá. Tôi tính dạo đó nếu bố anh còn sang ngồi bên chợ Cát, chợ Sôi nửa thì chác còn được gọi là ông lang Cát, ông lang Sôi chứ khó khăn nỗi gì. Không phải nói phét chứ ở nước ta muốn nên người nổi tiếng nhiều khi chỉ mất đúng một ngày. Đau mắt thế nào mặc kệ, không cần biết, ai đến cũng chỉ một gói bột vàng vàng và mấy cọng thài lài nhổ ngoài bụi tre, thế mà kiến hiệu phải biết, nhỏ vào đến đâu khô ráo quang quẻ ngay đến đó, thật là thần tình. Người mua xúm đen xúm đỏ, chen đẩy nhau, mắt không đau cũng cố xin cụ vài gói mang về cất sẵn đấy. Mãi sau này tôi mới vỡ nhẽ, có đếch gì đâu, thì ra ông ấy gửi mua dưới tỉnh những viên kháng sinh pênixilin mang về tán nhỏ ra, trộn lẫn vài thứ vô hại vào, bột nghệ chẳng hạn, vậy là có một môn thuốc gia truyền rồi. Ba lăng nhăng đến mấy thì cũng vẫn là một của hiếm, mà đã hiếm thì xưa nay đều quý cả.

Đống cười, ôm ngực mà cười, tưởng sắp khạc ra một cục gì. Ông chú đảo mắt nhìn quanh, thì thào như một gã làm bạc giả.

- Đừng tưởng đùa, nuôi sống cả họ mấy năm loạn lạc đấy. Thế nào gọi là người nam dùng thuốc nam, thằng cha nào nói thế hẳn phải là một tay biết kết hợp nhuần nhuyễn Đông Tây y.

- Cụ Tuệ Tĩnh nói đấy chứ.

- Thế hả, thì cụ Tuệ Tình cũng là người cả thôi. Tôi nghiệm thấy thánh nhân ít ỏi lắm - Ông chú cười khùng khục, bây giờ thì đến lượt ông cười khùng khục - Anh phải nhớ “thàng” sâu dâu cũng là một bí quyết chữa bệnh đậu mùa. Thuở bé nếu không có những con sâu dâu trong vườn này tôi làm sao còn sống đến hôm nay để mà chuyện trò với anh.

- Bệnh đậu mùa đã vĩnh viễn được xóa sổ rồi, chú là một trong những người cuối cùng trên thế gian bị rỗ đấy, mai sau trẻ con khó hình dung nổi thế nào là một người rỗ.

- Chỉ được cái nói xằng! Chính phủ tuyên bố khi nào?

- Đây là chuyện toàn nhân loại chứ không phải chỉ ở ta. Liên hiệp quốc vừa tuyên bố đấy.

- Liên hiệp quốc cải con củ khẹc! - Khuôn mặt rỗ nhằng rỗ nhịt của ông rung chuyển dữ dội - Tôi đếch thèm tin, trẻ con trên thế giới nhiều vô kể mà sâu dâu nước ta thì hiếm, lấy đâu được lắm sâu dâu như thế để mà chữa chạy cho chúng nó. Toàn một lũ láo toét vô công rồi nghề cả!

- Trên tỉnh có hội Đông y, cháu tính chú nên tham gia một chân chấp hành. Giữ được một chân chấp hành thì không ai còn dám bảo chú là một người thiển cận.

- Anh đừng mỉa tôi nhé, những năm anh vắng nhà tôi cũng không ngồi chơi đâu, tôi cũng là móng là vuốt của phong trào đấy. Nứt mắt tôi đã đứng vào hàng ngũ Việt Minh, bất quá tôi chỉ kém anh cái Đảng, vì anh ở trong bộ đội, muốn sao cũng nhiều thuận lợi hơn tôi. Nói chẳng ai tin chứ bản thân tôi cũng đã từng qua một lớp huấn luyện cấp tốc do anh Cốc đen tổ chức ngày sắp Tổng khởi nghĩa đấy, tôi nghe nói anh ấy vẫn đang còn sống, định có dịp là về thủ đô xin anh ấy một mảnh giấy chứng nhận, tôi còn lạ gì vấn đề dân cày, tôi thừa hiểu thế nào là hai phe bốn mâu thuẫn, anh có muốn tôi sẽ giảng lại cho mà nghe. Xưa kia người như tôi cũng được xem là một thổ quan hạng nhỏ rồi, anh biết thổ quan là gì không đã, phia tạo trên miền núi cũng là thổ quan, đó là những ông quan sở tại. Còn lưu quan thì có khác, khác căn bản, đó là những ông quan được trên bổ từ nơi khác về, muốn thành lưu quan phải học hành khó nhọc, phải thi cử nghiêm chỉnh, thổ quan thì chỉ việc chỉ định hoặc họp lại bầu bán qua loa là xong. Chừng nào nước nhà chưa áp dụng nổi chế độ lưu quan thì cứ còn là nát bét, quan chả ra quan, dân chả thành dân, tôi bảo thật.

Lại sắp hết đêm mất thôi. Từ hôm về làng, chọn ngôi nhà thờ họ làm chỗ trú thân Đống đã kịp thời rút ra bài học, lao vào tranh luận là đại ngu, ngồi im nghe lảm nhảm là chịu cực hình, vậy thì cách duy nhất thoát khỏi tình thế đáng sợ này không gì bằng vồ lấy cây kèn đang lăn lóc trên thềm, chính đó là cứu cánh.

Anh đưa cây kèn lên, những ngón tay lần mò trong bóng tối, tìm mấy cung sư hồ sàng xê lý, sừ hồ lý xê sàng. Khắp vườn lại vang lên những khúc thức quen thuộc, lẫn lộn vui buồn.

Tưởng là thứ âm nhạc dành cho người đã chết mà hỏi ra không phải. Mảnh vườn xưa đã thành hoang vắng, nay có thêm người về, mà sao vẫn cứ hắt hiu làm sao. Mênh mang một cõi đêm, chim lợn đập cánh rơi vào bụi dâu cỗi trước thềm nhà. Đống ngừng tiếng kèn nghe ngóng, còn ông chú thì choáng choàng nhảy tới chỗ con chim xấu số. Ông vừa chạy vừa cúi lom khom, hai bàn chân đặt xuống mặt sân nhẹ êm như chân mèo rừng. Đống bất giác ngưng thở, đặt vội tay lên ngực, lại có một cái gì vừa nhói trong tim, một cái gì nhỉ, sao anh không thể gọi rõ nó ra được. Một cái gì?

Tưởng sẽ còn lâu, nào ngờ Hào đã mò lên Đặng Xá rất nhanh. Anh vẫn tỏ ra mau mắn như xưa, leo qua quãng tường sụt lở, lội bừa qua những rặng dâu có dặm đỗ tương, cây lá đang vào thời khô xác, lúc bấy giờ Đống đang ngồi phập phù thổi kèn, không hề hay biết gì. Chỉ đến khi nghe thấy những bước chân đang đến gần anh mới ngừng tiếng kèn quay đầu lại, thấy nhau, cả hai đều cười toét.

- Tìm anh dễ ợt, cứ căn theo tiếng kèn mà định hướng.

- Tao đang mong chú, đến là thiêng. Chiều nay phải kiếm thức gì ngồi với nhau chứ nhỉ.

- Anh em mình ăn uống thế nào xong thôi. Mấy hôm ở lại đây anh cứ để tôi lo liệu. Riêng chiều nay ta hãy sang bên ông Lãi, chắc chắn mình sẽ là thượng khách của họ. Nhà ấy biết thủ trưởng Hào lên mà không tới là thế nào cũng giận. Thì mình là thủ trưởng của con trai họ thật chứ có phải đùa đâu.

- Hay là chủ sang bên ấy một mình, để hôm khác, tôi sang sau. Từ hôm về đến nay, nói thật với chú, tôi đã nhấn nha đi khắp lượt, nhưng chỗ ấy thì vẫn chưa muốn qua.

- Anh đắn đo nỗi gì nào, hay anh ngại họ giàu, họ trọng của. Cái hồi vào Sài Gòn mình chả đã giẫm cả lên vàng, lên hàng núi của mà đi như đi trên rơm rạ đấy ư. Ai thì chưa biết, chứ với anh thì tôi tin, định lấy sự giàu sang ra làm lóa mắt anh là hơi khó. Mà chắc họ cũng chẳng phải người thế đâu, họ trọng là trọng ở cái tình, anh em mình đến là đến trong một tư cách khác họ thừa biết chứ sao.

- Có ngại gì điều ấy. Cái chính là tôi còn đang ngại cho tôi. Tôi chưa đến được đàng ấy là có lý do, lý do ấy chú chưa biết, mà làng này ít người đã biết, có cái khó khăn nằm ở ngay trong lòng mình, chú ạ.

- Anh có điều gì giận họ, hay hai nhà ngày xưa có hiềm khích gì chăng?

- Chả phải. Ngược lại nữa ấy chứ. Ngày xưa có sự yêu thương nhau, mà giờ hình như vẫn vậy, chưa quên được, khó quên lắm.

- Thôi chết rồi, hay bà Xuân chính là cái người mà anh đã có dịp kể với tôi, có phải là cái người ấy không?

- Là người ấy đấy. Chú nhớ dai đấy chứ nhỉ - Mặt Hào bỗng biến sắc, anh ngồi thẫn ra một hồi lâu. Anh loay hoay cầm lấy cây kèn, liếc ngang Đống một cái ái ngại. Trong đầu anh đang phải phân tích, cân nhắc một điều gì đó, sau cùng anh thở dài kêu tướng lên:

- Biết ngay mà, tôi biết chuyến này lên đây mình nhất định thế nào cũng bị dây dưa vào chuyện gì đó không ổn, nào có phải chỉ là chuyện làm ăn, nếu là chuyện làm ăn thì đã đi một nhẽ. Thôi thì thế này vậy, để tôi chạy đến đàng ấy xem sao đã, cần phải làm một cuộc thăm dò mang tính ngoại giao, nếu thuận lợi sẽ quyết định mở tiệc rượu cũng chưa muộn. Tôi đề nghị ông ấy đích thân sang mời anh mới được. Nói thật, tôi cũng thấy quý ông ấy, tôi không muốn đứng hẳn về bên nào trong chuyện này đâu.

- Hay lắm, chú hãy đi làm sứ giả hòa bình, chú lĩnh vai ấy nghe được. Nhưng cũng xin nói trước, tôi lo chú nhìn vấn đề có phần đơn giản, chưa được đầy đủ đâu. Liệu chú có làm tròn sứ mệnh của mình trong chuyến đi vất vả này không?

- Thì cứ thử thu xếp xem sao.

Quả thật, Hào đã ra đi trong một nỗi thắc thỏm, không yên lòng một chút nào, anh cảm thấy thiếu tự tin. Nếu bà Xuân lại đúng là cái người ấy, là cái cô gái luôn luôn hiện ra trong câu chuyện của viên thiếu tá già kia, là cái cô gái sống rực rỡ bất chấp năm tháng trong lòng anh ta, thì vấn đề ở đây sẽ rất phức tạp bởi vì nó là cả một chuyện lịch sử nhức đầu.

Bây giờ thì Hào đã rõ vì sao Đống lại chọn quê hương làm nơi nghỉ hưu. Không nhất thiết phải về hưu ở đây, đối với Đống anh thừa sức chọn một thành phố nào đó, một miền đất nào đó, nhìn chung anh không còn gì ràng buộc, anh lại là một người nhiều bạn bè, được bạn bè yêu mến, vì nể trên nhiều phương diện. Trong nhiều năm chung sống, qua những thử thách cực kỳ hiểm nghèo, Hào hiểu kỹ con người này. Đó là một người từng trải đến thành giản dị, tính việc khôn ngoan, nhìn rất xa, rất kỹ càng và rất trang nghiêm. Một người tưởng chừng vui vẻ ấy thế mà hóa ra không biết đùa. Một con sói già không bao giờ biết mệt mỏi và cũng sẽ không bao giờ lung lay một khi đã hạ quyết tâm chọn lựa mục tiêu chiến lược. Một người đã từng có lần bị giáng liền một lúc hai cấp, sáu tháng lưu Đảng vì một trận đánh thất bại, nhưng mặt vẫn không hề biến sắc, tiếng vẫn âm vang và đôi chân vẫn đứng thẳng. Đi vào những trận đánh sau đó vẫn giương cái trán bướng bỉnh lên trước, hai vai chỉ hơi cúi xuống mỗi khi nghe có tiếng trái phá rít qua đầu. Đấy là niềm tin của những người lính ngoài chiến hào, những người lính gọi đây là những người không quen dùng hết cơ số đạn. Ngay trong những trận đánh dai dẳng quyết liệt và ồn ào. Họ bắn điểm xạ ngắn, bắn phát một, rất thong thả. rất nhàn nhã, nhưng lại gây cho đối phương nhiều nỗi kinh hoàng nhất.

Vả chăng, đối phương của anh ở đây lại cũng không phải tay vừa, làm sao dám bảo cái ông Lãi năm sáu khóa liền trúng bí thư Đảng ủy của xã đông dân lắm ruộng này lại là một người không lõi đời và ít vây cánh. Nói cho cùng kỳ lý thì hiển nhiên là ông ta đã thắng Đống trong hiệp đấu đầu tiên, hiệp đấu ấy đã xảy ra trên mảnh đất này, từ cách đây vài chục năm, dẫu rằng cái thắng ấy có thể cho là còn có chỗ phải bàn lại, nếu cần, là vì nó chưa đẹp, xem ra nó còn có phần vội vàng, cả khi bắt đầu lẫn khi kết thúc. Thì biết làm sao được, nếu trước lúc làm bí thư xã ông ấy đã xuất thân từ một gia đình làm nghề buôn bán cá con, rồi sau này khi đã ra Đảng ông lại lộn về với cái nghề ít nhiều có hàm chứa một chút gì đó gian ngoan láu lỉnh ấy, chính ông mấy năm qua đã nhờ vào đó mà phất lên trong sự nghiệp kinh tế gia đình, ông gọi nó là “VAC”, ông giải thích toàn thế giới đang chủ trương thực hiện mô hình này của ông, không vườn, không có ao và nhất là không thả cá con thì nông dân có mòn đời cũng không tiến lên no ấm được. Những người bán cá con thường có một cách đếm rất riêng, rất mau mắn, cách đếm ấy làm cho mọi người đứng bên cạnh dễ bị chóng mặt: “Một trăm lẻ một, con này tốt, một trăm chín mươi, con này còn tươi, hai trăm chín mốt"... Có lẽ đến một lúc nào đó, cách đếm cá con làng Đặng Xá sẽ trở nên một gợi ý hấp dẫn cho những ai đã được cử đi giật bằng tiến sĩ toán học mà vẫn đang còn lúng túng trong việc lựa chọn đề tài nghiên cứu. Và lúc bấy giờ, luận án của họ hẳn sẽ được khoác những thuật ngữ đầy rẫy màu sắc khoa học, chẳng hạn “phương pháp đếm cóc nhảy từ một đến vô cùng”, hoặc là “hằng số Konka hay luật biến cho phép trong số học". Dùng như cách thứ hai chắc ăn hơn, vì như thế tránh phái nhắc đến những chữ không lấy gì làm đẹp lắm, các vị giáo sư râu dài khó tính rất không ưa nghe thấy những từ: “cóc nhảy", họ cho rằng trong lĩnh vực thuần tuý khoa học, không nên mang chuyện cóc nhái ra mà bàn. Tuy nhiên, dẫu là bông phèng hay nghiêm túc, thì đây là việc của các nhà khoa học quan tâm, nó hoàn toàn xa lạ với ông Lãi, là một nhà thực tiễn học. Với ông Lãi, phải là Vác!

Không, với tư cách một người đã hiểu rõ cả đôi bên, và lường tính được quy mô phức tạp cũng như tính khốc liệt độc đáo của vấn đề này, Hào không bao giờ nghĩ rằng ở đây sẽ xảy ra những chuyện trả thù, làm gì có chuyện thù hận ở đây, anh dám đứng ra cam kết việc đó. Mà lại càng không có chuyện hai người đàn ông bỏ một đời ra để giành giật một người đàn bà, cho dù họ đều yêu quý người đàn bà đó. Nó có thể xảy ra ở đâu và với những ai khác chứ không thể xảy ra ở đây. Có chăng là ở trong những cuốn tiểu thuyết, phải rồi, trong những cuốn tiểu thuyết gần đây anh thường thấy người ta trình bày một cách hồi hộp và dài dòng về sự giành giật chẳng lấy gì làm hay hớm đó. Vậy thì sẽ ra sao, tình hình sẽ đi đến đâu, cuộc đối đầu thầm lặng của hai người đàn ông làng Đặng Xá sẽ phát triển như thế nào, bề ngoài tưởng chừng êm ả mà hóa ra lại rất kỳ cục, rất “tởm” và thật tình là rất khó hiểu. Cái sứ mệnh mà Hào lĩnh nhiệm ngày hôm nay sao mà nặng nề, nó là cái ách bỗng dưng từ đâu buộc vào cổ anh, không thoái thác cho ai được, thế mới rách việc, mới thật là trời đày. Anh bước vào dinh cơ nhà ông Lãi trong một tâm trạng ngổn ngang.

Nghe có tiếng chó sủa dữ dội, bà Xuân đon đả chạy ra mở cổng, nhìn thấy anh bà cười thân mật rồi vừa xua chó, vừa rồi rít gọi chồng:

- Bố nó đâu, chú Hào lên đây này…

- Bác trai có nhà, chị?

- Thì đi đâu mà chẳng có nhà. Từ hôm cháu Quyết gửi ít đồ đạc về, ông ấy đâm dở chứng dở nết, cứ ngồi ru rú suốt ngày trong nhà, hết ngắm nghía lại lau chùi, đến tức cười. Ông ấy đang ở trên gác, chú lên đi. Mấy tuần nay ông ấy vẫn nhắc, bảo hễ chú lên chơi là sẽ tặng chú cái bàn là hay cái nồi gì tôi chẳng rõ nữa.

- Quà cáp gạt sang một bên đã, hôm nay tôi lên là để bàn chuyên khác, một là vui, hai là sẽ chẳng ra làm sao. Chị là nguyên nhân chính của vấn đề, chị phải nhất nhất nghe tôi dặn đấy.

- Tôi thì dính líu gì vào những chuyện của anh em chú?

- Thế mà dính líu quá thể đấy, anh Đống anh ấy đã về, chị biết rồi chứ gì.

- Biết rồi, biết ngay từ hôm mới về kia. Chú cũng có quen biết anh ấy hả?

- Tôi đối với con trai anh chị thế nào thì anh ấy đối với tôi cũng như thế, anh ấy là thủ trưởng của tôi.

- Ra thế đấy. Tôi muốn chạy lại thăm anh ấy, nhưng cũng chẳng biết anh ấy nghĩ về mình thế nào, thêm nữa, ông ấy nhà tôi lại là người đáo để, khác tính khác nết lắm chú ạ.

- Ông bà nên làm một bữa cơm vui vẻ, để tôi đứng ra làm người giải hòa đôi bên, tôi sẽ kéo được anh ấy đến đây cho mà xem.

- Chú cứ thử lên bàn với nhà tôi xem sao, được như thế thì còn gì bằng. Nhưng tôi e mất công mất việc của chú, ông ấy không nghe đâu, tránh được là ông ấy còn tránh, chưa muốn giáp mặt.

- Liệu có tránh mãi được không, đàng nào trong đời cũng một lần phải gặp nhau chứ.

Khuôn mặt Xuân tái dần đi, nom ủ dột hẳn. Nụ cười xởi lởi ban đầu cũng biến mất, chị trở nên đắn đo, nói năng nhát gừng như một người mất hồn.

- Có người nói với tôi tính khí anh ấy giờ hơi khùng khùng, phải vậy không chú? -

- Còn lâu, chị đừng đợi thế nhé.

- Anh ấy phát khùng thì tôi khổ tâm lắm, chú hiểu cho.

Từ trên gác, ông Lãi ló đầu hiện ra sau lần chấn song cửa sổ, ông cười lớn, một giọng cười ồ ạt:

- Nghe bảo có chú Hào đến mà sao chưa lên. Chuyện trò gì thì lên trên này, thì thì thào thào dưới ấy tôi cũng biết cả, đừng giấu tôi nhé.

Chị Xuân vội đứng sang một bên nhường lối cho Hào. Anh vừa bước qua mảnh sân rộng vừa đưa tay lên chào chủ nhà. Cầu thang rộng rãi nằm ở bên trái thềm hiên, trên lưng là hai thúng lạc đầy đang bóc dở. Ông Lãi đã ra đầu cầu thang đón khách quý. Ông nắm chặt lấy tay Hào:

- Chú lên đây với anh, mong chú mỏi mắt từ mấy tuần nay rồi. Mẹ thằng Quyết rang ngay cho chúng tôi nắm lạc để uống rượu nhé.

Hai người ngồi trên hai tràng kỷ đối diện nhau qua một chiếc bàn dài, giáp tường là một chiếc tủ ly gương kính bóng lộn trong đó chứa đầy những cốc, chén, bát, đĩa và đủ thứ chai lọ. Trên mặt tủ, bên cạnh bát hương mọi khi thấy xuất hiện một con búp bê màu đỏ, một con lật đật đang nhoẻn miệng cười thì đúng hơn. Từ cổ con lật đật bằng nhựa đó tỏa ra năm sáu sợi dây mảnh vừa bằng sợi chỉ, sợi thì dính vào cánh cửa sổ, sợi thì dính vào chiếc xe đạp mới toanh treo trên tường, có sợi nổi vào một hòm giấy cát tông dưới gầm phản…

Để thay cho lời giải thích không cần thiết, ông Lãi mặt tỉnh bơ cầm chiếc xe điếu gõ nhẹ vào một trong những sợi chỉ đó, tức thì có báo động. Con lật đật khẽ rùng mình phát ra tiếng kêu binh boong binh boong như một khúc nhạc vui.

Chú thấy chưa đêm đêm tôi cứ việc ngủ say như chết, thằng nào cậy cửa vào giở trò, gặp mạng lưới cảnh giác của tôi, có ra thoát được cũng còn là khó.

- Bác vẫn khỏe đấy chứ?

- Nhờ trời, không ốm đau gì.

- Tôi vừa ở bên bác Đống chạy sang đây.

- Thế hả. Anh Đống đã về, tôi biết. Định hôm nào sang kéo anh ấy lại đây, anh em uống với nhau chén rượu, chuyện trò cho đã những năm biền biệt.

- Sao không làm luôn hôm nay, hôm nay được ngày.

- Hôm nay thì chưa làm được, chú chỉ hay mê tín dị đoan, có hôm nào là hôm được ngày, hôm nào là hôm không được ngày. Hôm nay tôi muốn dành để bàn riêng với chú một chuyện khác cơ, chú lười lắm, tôi đã bảo cố mà đào lấy một cái ao đi, rồi vợ chồng tôi cấp vốn để chú thả cá giống, kỹ thuật đã có tôi, lo gì. Nhưng chú nào có chịu nghe, những năm tôi còn làm bí thư xã này cũng vậy, nói đến rát họng mà bà con đâu có tin, đành phải mó tay vào mà làm trước, cái công thức “Vác” của tôi ấy mà…

Thì ta nói luôn cái công thức ấy cho anh Đống cùng nghe, vườn bên ấy rộng, anh ấy mà chịu khó nghe bác đào lấy một cái ao có mà đong không hết tiền.

- Chú đâu có hiểu anh ấy bằng tôi. Anh ấy không định về đây để nuôi cá giống đâu, anh ấy về là để làm nốt những việc phi thường, trước hết là mở hội Chen. Đã lâu lắm làng chúng tôi không mở hội, mùa xuân này chú nhớ lên nhé, tôi sẽ đợi đón chú, rồi anh em ta cùng ra đình. Lãi ngừng chuyện, nhìn ngắm Hào một lúc lâu, cái nhìn thật khó hiểu, rồi ông gật gù cười với mình. Một bên là sông Đuống, một bên là sông Cầu, mỗi mùa nước cá mú đua nhau đẻ nở, thật đúng là nhìn thấy của trôi ra biển mà không biết tiếc với nhau.

- Hội Chen là như thế nào, bác?

- Là rất vui, làm được thì nhất! Chập tối cả làng cả họ gọi nhau ra sân đình, kéo cả vào sân đình, chật như nêm. Rồi trống thúc bốn mặt, đèn đuốc tắt hết, người người trỗi lên như sóng, đàn ông ngửi hơi đàn bà, con gái lần nghe tiếng con trai, sờ sẫm đoán định chen cọ xô đẩy, như những đứa mù tìm nhau.

- Vợ chồng gọi nhau í ới có phải không?

- Chú khôn ở đâu, mà sao trong chuyện này ngu vậy. Đã đến hội Chen thì chồng cấm không được phép ghen vợ, vợ không được nổi máu hoạn thư với chồng. Theo lệ làng hôm ấy là một ngày hoàn toàn giải phóng, hoàn toàn tự do, vợ đi đàng vợ, chồng đi đàng chồng, lặn một lèo suốt đêm như cá gáy dưới ao bèo. Suốt đêm không một tiếng gọi, không một tiếng thưa, chỉ ra hiệu bằng tiếng cười khúc khích, bằng tiếng vỗ tay, hoặc bấm vai, bấm lưng nhau làm hiệu, cấm chỉ kêu la ầm ĩ. Có nhiều đôi tìm được nhau là bíu cho thật chặt, không có người khác xô bật ra mất, lạc nhau cả đêm là thường. Đến khuya, khi hội đã lên tới cao trào trống chuyển tàn, khoan thai hơn, bấy giờ từng cặp từng cặp chen đẩy nhau ra bờ ra bụi, ra tuốt tận ngoài đồng. Từ vụ gặt năm trước người ta có ý chuẩn bị sẵn những đống rạ trên cánh đồng làm chỗ hẹn gặp nhau sang xuân. Đó là ngày duy nhất trong suốt một năm dành cho những mối tình dang dở, những cặp vợ chồng ngang trái, những ước hẹn không thành và tất nhiên, chủ yếu là dành cho tuổi trẻ đang yêu, đang nồng nàn khao khát gặp nhau mà không sợ bị ai dòm ngó quở mắng.

- Người nơi khác đến có được vào Chen không hay chỉ đứng xem?

- Làm gì có ai chịu đứng xem, mà có thấy gì đâu đêm tối mịt mùng như vải thâm che kín mắt, phải cẩn thận không có đám con gái nghịch ngợm nó xúm nhau vào chen cho chú ngã nhào xuống ao xuống chuôm ấy chứ, biết người lạ chúng nó hò nhau bắt nạt, chen từ sân đình chen ra, chú có chạy đằng trời. Vấn đề mấu chốt là phải có tay trong, phải có mật hiệu ám hiệu từ trước, nếu không suốt cả đêm húc như trâu, như ngựa mà rồi chú vẫn một mình chơ vơ giữa sân đình, chả có ma nào chịu đến với chú. Chú có định lên dự hội Chen thì phải tìm người mà ước hẹn trước đi là vừa. Mấy bà lão răng sắp long hết, mấy ông già đầu gối củ lạc, đã nhấm nháy nhau từ cả tháng nay rồi. Họ chờ đợi cái ngày được quyền ngang nhiên hỗn độn ấy như thể bên đạo người ta đợi lễ phục sinh không bằng. Nhưng lễ phục sinh thì trang trọng, thiêng liêng, còn hội Chen làng này thì nghĩ cho cùng, hết sức là bậy bạ. Tôi cho rằng nó là sự nhắc lại tập quán của thời nguyên thủy, là cái lúc vợ chú không biết đẻ con với ai, chú cũng không biết con mình đang nằm trong võng nhà ai nữa. Tôi lấy làm kinh sợ, chưa hiểu vì sao mấy ông trên xã trên huyện lại cho phép phục hồi cái tục lệ khỉ gió ấy. Tôi tiếc là mình không còn có mặt trong cương vị cũ nữa, nếu tôi còn có quyền trong tay, chắc chắn làng này chỉ có làm ăn, làm ăn và làm ăn mà thôi. Tôi đã từng xúp hết và sẽ còn xúp hết, nếu như tôi lại có quyền hành, hội hè đình đám đối với tôi là cả một sự phung phí thời gian, sức lực của nhân dân, chú hiểu không, đấy là tôi chưa buồn nói đến chuyện đạo đức.

- Tôi thì lại nghĩ khác anh, chỉ mới nghe thế thôi tôi đã cảm thấy là rất vui rồi.

- Thì chú cũng có hơn gì ai, chú là một anh chàng lông bông bỏ mẹ, làm ăn chẳng chịu làm ăn, cứ cái kèn đi hết làng này đến làng nọ, tiền bạc không thấy giắt trong thắt lưng, mà sao vợ con chú nó vẫn để yên cho chú sống thế thì lạ thật. Làm gì ra lắm người chết thế, trừ phi là ở chiến trường không kể, mà chiến trường nay đã là một chốn xa xôi rồi, chốn này là hậu phương, là một hoàn cảnh mới, chú phải lo nghĩ tới một cách gì để kiếm ra tiền chứ, người mà chê tiền là người dơ, là người hãy lên trời mà ở, dưới trần thể làm gì có chỗ cho họ.

Hào thấy Lãi ngó nghiêng như đang muốn tìm một vật gì, rồi thoắt cái, nhanh như chớp, ông ta nhoài người với tay về phía tràng kỷ. Cánh tay thật dài, gày khẳng mà tuyệt vời chính xác. Một chiếc đóm mỏng tang đã được rút ra khỏi ống đóm. Chỉ cần chạm hờ vào ngọn lửa leo lét trong thông phong đèn, ngọn lửa lập tức đã bám theo ra ngay và bùng cháy lên trước mặt anh như một phép lạ. Cái gì với con người này cũng chớp nhoáng mà chính xác khôn lường.

Điếu thuốc đã được nhồi vào nó, ngọn lửa mỗi lúc một cháy to hơn, nhưng Lãi vẫn chưa chịu hút. Ông ta kéo bát điếu lại gần thêm chút nữa, kề xe điếu vào miệng, khuôn mặt tươi tỉnh nghiêng nghiêng, mái tóc bạc trắng nghiêng nghiêng, chỉ có đôi mắt là vẫn ngó thẳng vào anh, một đôi mắt tròn xoe, không cười, choi chói đến là khó chịu.

Hào ngồi thẳng người lên, khe khẽ thở dài và tự bảo mình, đã từ lâu, mỗi lần gặp nhau ra về ta vẫn thường tự hỏi, không biết ông ta giống cái gì, ông ta gợi cho ta nghĩ tới cái gì, giờ thì hiểu rồi, thấy đúng rồi, ông ta chính là một con nhện rừng cỡ bự. Một loại nhện đủ sức bắt cả chim chứ đừng nói gì đến ong bướm sâu bọ. Và tất nhiên là nó rất độc, rất dữ. Ngay nước đái của nó cũng đủ làm cho mặt anh sưng vù lên như bị phù thũng. Bây giờ Hào hiểu, không còn phải nghi ngờ nữa, anh đang là một con chim sa vào mạng bẫy của chú nhện khổng lồ, tha hồ mà vùng vẫy.

Năm ấy, sau cách mạng ít lâu có một gánh tuồng mảnh kéo về hát ở đình Đặng Xá. Một gánh tuồng mọc ở đâu ra không ai rõ, đã đi qua lắm nẻo đường thôn xóm sau cùng đến đây, gọi là đất lành chim đậu, họ ở lại hẳn, làm dân làng Đặng. Người trong làng còn nhớ đầu tiên họ xin ở tạm ngoài đình, buổi đầu tiên ra mắt chào bà con bằng cách diễn tích “Võ tòng đả hổ". Nói đúng ra là trích một vài cảnh vụn vặt của vở đó mà thôi. Là vì gánh tuồng vẻn vẹn chỉ có ba người, hai vợ chồng và một cô con gái chừng mười lăm mười sáu tuổi. Mà hai mẹ con thì chỉ mặc quần áo thùng thình đi ra đi vào chứ không biết hát. Người bố thì đúng là một kép nhà nghề, nhưng ông cũng bất lực vì thiếu bạn diễn. Nghe đâu đấy là một mảnh văng ra của một đoàn tuồng lớn trên tỉnh bị vỡ từ dạo quân Nhật kéo vào. Trong cái buổi gia nhập làng của gia đình văn nghệ đó, ông bố đội mũ cánh chuồn, áo thụng đỏ, mang gươm dài hiên ngang bước ra thềm, vòng tay lễ phép vái khắp lượt bà con rồi nói: “Sự thật là gặp buổi loạn ly, gia đình chúng tôi trôi dạt về đây xin được các cụ, các bác, các anh, chị em đùm bọc như người ruột thịt trong nhà”.

Ở ngoài đình mà không một ai dám xem là mõ, nghèo kiết xác mà không một ai dám khinh nhờn, là vì họ từ tỉnh chạy về, họ vốn là những người có tiếng tăm hẳn hoi, chẳng qua là đang gặp cảnh thất cơ lỡ vận, đời ai mà chẳng một lần như thế.

Sau buổi biểu diễn vô tiền khoáng hậu đó, ông chồng cởi áo, bỏ gươm theo người làng đi kéo thuyền thuê ngược sông Cầu, bà vợ mang cô con gái vào các nhà trong làng quẩn quanh làm mướn. Nhà nông nào có thiếu gì việc dành cho hai mẹ con. Cô con gái đến tuổi trưởng thành, xinh đẹp và đảm đang, không nề hà bất cứ việc gì, có thể làm được bất kể việc gì, từ đồng áng đến hái dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt cửi. Không thiếu người trong thiên hạ để ý đến cô. Các bà mẹ nhắc đến đứa này đứa khác trong lúc chuyện trò, nhưng sau cùng tất thảy đều ao ước giá mà chọn được cô ấy về làm dâu nhà mình, giá mà xin được cô ấy về đỡ đần cho mình…

 

MẢNH VƯỜN XƯA HOANG VẮNG - Truyện ngắn Đỗ Chu (Phần Hai)

Bài liên quan
  • KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ký sự Cao Lạng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được ghi nhận là một trong những tác phẩm dài hơi đầu tiên của nền văn học kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp, đại diện xuất sắc cho thể loại ký sự trong văn học sử Việt Nam thời hiện đại. Tác phẩm như một thiên sử thi, ghi lại những diễn biến lần đầu tiên Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tiến công quân xâm lược Pháp, do đích thân Hồ Chủ Tịch ra trận chỉ đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhận trọng trách chỉ huy trưởng chiến dịch. Ký Sự Cao Lạng cùng với một số tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (giải thưởng diễn ra 5 năm một lần) trong lần đầu tiên giải thưởng này được tổ chức năm 1996.
  • MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mùa Gụ là truyện ngắn trong tập Ngày mai sẽ nắng của nhà văn Trần Tâm, Nxb Kim Đồng in năm 2002.
  • ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuyện của nhà văn gốc Cà Mau, về miền sông nước...
  • CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    Chuyến xe lửa đêm ra Bắc hôm nay có vẻ hấp tấp vội vàng như người đi trốn nợ. Thỉnh thoảng đầu xe lại thét vội giữa quãng đồng không, xa xa. Nghe như hơi thở của đêm vắng.
  • LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Làn gió chảy qua là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.
  • THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tháng Bảy là truyện không ngắn như những truyện ngắn khác mà nhà văn Phan Thị Vàng Anh thường viết, nó dài hơn hẳn. Truyện được viết khi tác giả tham dự chương trình viết văn của Đại học Iowa, Mỹ, đăng trên TTCT năm 1996.
  • HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn quê gốc Chợ Gạo Trần Kim Trắc, còn được biết đến với tên gọi Ông Thiềm Thừ, theo tên một truyện ngắn xuất sắc của ông, là một trong những cây đại thụ của văn chương Nam Bộ. Truyện nào của ông, cũng như gieo những cơn mưa Nam Bộ, thấm đẫm từng trải và bạt ngàn vốn sống lên văn đàn.
  • ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư của nhà văn Đỗ Phước Tiến in trên báo Văn học và Dư luận năm 1992, ngay lập tức đã gây chú ý  tới đông đảo độc giả yêu mến văn chương. Năm 1994, Đảo của dân ngụ cư đã được dịch sang tiếng Pháp với tựa Terre des éphémères và được lấy làm tên cho một tập truyện xuất bản ở Paris. Truyện cũng được dịch sang tiếng Anh với tựa The Way Station trong tuyển tập Night, Again xuất bản tại New York năm 1996. Đến năm 2016, tại Việt Nam, nó được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên do Hồng Ánh đạo diễn.
  • THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH của Nhà văn Cà Mau Nguyễn Trọng Nghĩa in lần đầu trên báo Tuổi trẻ chủ nhật sau đó in trong tuyển tập Truyện ngắn hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật, nhà xuất bản Trẻ 2005.
  • ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đình Tú đến với văn chương từ cuộc thi Tác Phẩm Tuổi Xanh của Báo Tiền Phong năm 1995, với giải thưởng cho truyện ngắn Niềm vui của một dòng họ. Nhưng phải tới khi đạt giải nhì cuộc thi văn chương của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999, anh mới chính thức rẽ vào làng văn và trở thành một trong những nhà văn thế hệ 197x viết nhiều và đa dạng thể loại thành công nhất hiện nay.