Nhà văn Đỗ Chu
Chân Dung Kẻ Sĩ: Vào buổi Đống rời Đặng Xá nhập ngũ, có một người con gái cũng đã đuổi theo anh, từ một mái đình vùng đuổi theo anh cũng không kịp, anh đã vượt qua đường sắt, khuất vào sau núi. Buổi ấy cô đã ngồi thụp xuống ven đường khóc thổn thức.
Một vẻ đẹp nhanh chóng được nâng lên thành những khái niệm chung nhất, lưng ong má phấn, đôi mắt bồ câu, nụ cười khóe miệng, một dáng vóc của loại đàn bà vượng phu ích tử, khôn khéo đủ bề, là rường cột chèo chống trong những tao phen chìm nổi cho họ nhà chồng.
Những lời âu yếm mang lại cho cô bé niềm an ủi cảm động, đó là niềm vui, là ân huệ giành cho cái gia đình đang vất vưởng kia. Một lời ngợi khen đúng lúc cũng là một hạnh phúc vậy, cô bé lớn như thổi, phấp phỏng chờ đợi, chờ đợi một cái gì không rõ, chưa rõ, nhưng mỗi ngày sống là một ngày bồng bột đợi chờ, mỗi ngày sống là một ngày hội giữa chị em cùng lứa.
Thế gian có nhiều thể thức thi sắc đẹp lắm, phần nhiều người ta thường hay đặt các cô lên những bục cao, choàng vào tấm thân kiều diễm của họ những bộ sắc phục vừa quý phái vừa khêu gợi, cho họ đi đi lại lại, ngẩng lên cúi xuống vòng bên nọ xoay bên kia, trước những con mắt lõi đời, biết cho điểm từ màu tóc đến khuôn mặt, từ độ dài của cổ tới bề rộng của vai, rồi eo lưng, mông, vú, đến đôi chân, bộ đùi thì sự đòi hỏi đã được đẩy lên một mức độ khủng khiếp.
Cuộc thi hoa hậu làng Đặng Xá diễn ra bền bỉ và tinh tế hơn nhiều, đó là một cuộc thi không đăng báo, không tuyên bố, kéo dài suốt tuổi dậy thì của các cô. Tuy nhiên, ban giám khảo ở đây cũng không phải ít nghiêm khắc nó cũng là một nỗi sợ hãi có thật, trước hết đó là sự đòi hỏi của các bà mẹ. Lọt được vào mắt các bà, thuận mắt các bà là cả một thử thách ghê gớm, khối cô nửa chừng bỏ cuộc, đôi khi vì một lý do nào đó đã trở thành một nỗi thất vọng ê chề. Một cuộc thi diễn ra ở đủ mọi nơi, đủ mọi cảnh huống, lúc giữa bầu bạn đông vui, lúc một mình một bóng.
Bàn tay con gái xé dảnh mạ cắm xuống bùn cũng là thi, cuốn mấy sợi rơm nhét lên né tằm cũng là thi, chiều chiều rửa ráy kỳ cọ chân tay ngoài bến ao, ngoài giếng đình cũng là thi, sớm sớm gánh phân gio ra đồng cũng là thi, nấu nướng bày cỗ là thi, chào hỏi đi đứng là thi, nết ăn nết ở là thi, một cuộc thi triền miên ngày này sang ngày khác, cả trong từng giấc ngủ, trong từng hơi thở nhẹ. Chớ có vội vàng bỏ cuộc nhưng cũng chớ có đành hanh, hãy tin là vẫn đang có những đôi mắt lặng lẽ bám theo mình, không bỏ sót, không để oan, một khuôn mẫu của cái đẹp lâu lại ướm nhẹ vào mỗi cô nàng.
Hình như mãi sau này người ta mới biết mang lý luận vào soi sáng và bỗng thấy thì ra cái đẹp đều có mang tính giai cấp chứ thoạt kỳ thủy mọi việc đâu đã thế. Thoạt kỳ thủy xem chừng vẫn còn dễ dàng hơn nhiều, nếu một khi đã là đẹp, thật quả là đẹp thì sang hèn đều nhanh chóng đi đến nhất trí với nhau, cho nên mới hay thấy có những giai thoại chẳng hạn như anh chàng đánh giậm nghèo rớt mồng tơi lại mang lòng yêu có con gái ông phú hộ, anh con trai ông phú hộ và anh con trai nhà thuyền chài lại cùng nặng lòng với một nàng công chúa con vua thủy tề, thường bao giờ các cô nàng cũng đều rất xinh đẹp và ngoan ngoãn, có chung có thủy.
Vẻ đẹp của cô bé làng Đặng vào dạo ấy có lẽ có phảng phất phong vị cổ tích, đến bây giờ bảo phải kể cho rõ cô ta đẹp là đẹp như thế nào thì thật tình là một công việc cực kỳ khó khăn, thêm nữa, nghĩ cũng chẳng cần thiết cho lắm. Cứ biết rằng đây là một người đẹp của trên ba chục năm về trước, của cái buổi viên thiếu tá nay đã về hưu lúc bấy giờ mới mười tám tuổi, còn ông Lãi nếu có hơn thì cũng chỉ hơn chừng dăm tuổi mà thôi. Không phải chỉ có hai người mà tất cả con trai làng Đặng ngày đó đều bảo cô bé ấy là đẹp nhất và đều nằm mơ thấy cô ta, đêm nào họ cũng chỉ gặp có mỗi mình cô ta trong giấc mơ, thật quả là rất phiền.
Ai ngờ rằng qua nhiều năm tháng, rút cục cô bé ấy lại hóa ra là một nguyên nhân của bao nhiêu sự rắc rối. Ô hay, có lẽ nào người như thế lại là một mầm loạn, là mầm loạn hay chính đó là chuẩn mực để phán định nhân phẩm, phán định những cách sống, giữa một thời hỗn độn các giá trị này. Cái kết luận sau cùng cho mọi giá trị, rất có thể, rất nhiều khi lại nằm yên lặng trong lòng những người như cô bé ấy.
Đống đã từng nói với Hào rằng nếu một mai anh còn trở về, nếu một mai số phận cho anh qua nổi cuộc chiến tranh đã nuốt trôi của anh cả tuổi trẻ, thì phần thưởng vô giá với anh lúc đó chắc chắn không phải những tấm huân chương, không phải sao gạch trên vai, nếu cuộc đời còn chỗ công bằng thì xin hãy cho anh được gặp lại Xuân, được đứng trước cô bé trong một ngày hội có đông đủ người thân kẻ sơ trong làng, mái đầu của Xuân sẽ gục vào khuôn ngực lép kẹp lỗ chỗ những vết sẹo của anh, mãi mãi mái tóc của cô, đôi vai của cô với anh vẫn là bé bỏng. Cô là một niềm tin luôn luôn thắp sáng trong anh, là chỗ để anh tì vịn, bấu víu vào trong những lúc nguy nan nhất, là cái vì nó mà anh chiến đấu hy sinh.
Cái đêm sau cùng hai anh em nằm với nhau ở “Đơn vị hậu cứ” chuyện trò suốt sáng, chuyện trò cho đến lúc Đống khoác ba lô lên vai bước ra con đường mòn trở lại mặt trận vẫn chưa muốn ngừng, là cái đêm nụ cười tiếng hát, bóng dáng của mấy cô văn công xung kích đã gợi cho anh có cái cớ để nhớ thương một cô bé, một cô bé cứ trẻ trung mãi, trong lòng một anh lính già, nhiều năm trời đằng đẵng bị tung lên tụt xuống, văng vật khắp nơi, giằng xé đủ kiểu.
Con đường mòn chạy vòng vèo qua cánh rừng đã bị các anh phạt trụi, sương sớm bồng bềnh mờ tỏ, dáng anh lúc ẩn lúc hiện, bên những gốc cây trăng trắng như những nấm mộ chí nằm san sát trong một nghĩa địa nào đó.
Sau một đêm liên hoan, mọi người còn đang ngủ li bì, cả cánh rừng vắng lặng như chìm trong nước. Hào chợt vùng dậy cứ quần đùi áo may ô băng qua bãi vắng. Anh muốn đuổi theo Đống nhưng Đống đã ra tới con đường lớn rồi. Một con đường độc đạo dẫn vào chỗ đội quân thợ xẻ đang ngày đêm hạ cây bửa gỗ, đêm đêm xe “gát” lầm lũi mò vào dưới quầng sáng đèn gầm, xe “gát” chở đến cho các anh cưa rìu, gạo mắm và kí ninh, mang đi những cỗ quan tài bào đóng vội vã, đôi khi vì khẩn kíp quá, có lệnh không cần đóng thành quan tài, cứ xếp ván lên cho thật đầy, về dưới kia sẽ tính sau.
Vào buổi Đống rời Đặng Xá nhập ngũ, có một người con gái cũng đã đuổi theo anh, từ một mái đình vùng đuổi theo anh cũng không kịp, anh đã vượt qua đường sắt, khuất vào sau núi. Buổi ấy cô đã ngồi thụp xuống ven đường khóc thổn thức. May có anh Lãi cán bộ đoàn thể lên huyện họp đi ngang qua dừng lại dỗ dành rồi đưa cô về.
Đêm trước ngày anh đi cũng là đêm làng mở hội Chen. Đống đã hẹn hò với cô là anh sẽ đứng bên cạnh người chủ trống, anh cứ đứng nguyên đó đợi cô. Ám hiệu khi tìm thấy nhau là bấm vào mạng sườn và nói thầm "Ra đống rơm ngoài ruộng nhà anh”, cô nói dứt khoát cô sẽ đến với anh, sẽ tìm được anh, còn như có ra ruộng nhà anh hay không thì chưa biết, cứ tìm nhau trong sân đình đã. Đèn đuốc tắt đã lâu, tiếng trống thúc như sắp vỡ đẻ, sóng người nổi lên dập dồn tưởng sắp đổ đình đổ quán, vậy mà vẫn chưa thấy cô đâu. Cô đang lẫn ở đâu mà chưa lại với anh. Thột nhiên có tiếng khóc bật lên giữa đám đông náo nức sao bỗng có ai đang hờn tủi, lập tức anh hiểu hết: Đám trai trẻ trong làng đã tìm thấy cô, họ đang xúm vào vây hãm, làm sao mà cô thoát ra nổi nữa. Chắc là cô giận anh lắm, làm sao còn đứng đấy, định đứng đấy đến bao giờ, sao ngu ngốc làm vậy, chỉ nghĩ đến ám hiệu khi gặp nhau mà không chịu lường tính xa hơn, liệu thiên hạ người ta có chịu khoanh tay đứng nhìn anh và cô tìm đến nhau hay không?
Anh lao về hướng có tiếng cô khóc, anh chen anh húc, như trâu phá mả, nhưng vòng vây đã khép cứng lấy anh. Anh cảm thấy có ai đó bám riết anh, chắn ngang anh, chân tay dài rộng cố đẩy anh bật ra xa, càng xa tiếng khóc kia càng tốt. Hình như đám họ có ám hiệu riêng, mấy người nữa quay lại tiếp sức nhau, dùng vai chen anh ngã dúi ngã dụi. Suốt đêm có một đám người âm mưu chia rẽ anh với cô.
Khi hồi trống tan hội của người chủ trống đã điểm anh thấy mình run rẩy như sắp rã ra, mồ hôi đầm đìa và anh khóc, đó là lần thứ nhất và cũng là lần cuối cùng trong đời anh đã khóc. Uất ức quá, uất ức xung quanh và uất ức với chính bản thân mình. Mười tám tuổi đầu, biết yêu, được yêu nhưng còn khờ dại quá, làm sao đã biết giữ lấy tình yêu, làm sao đã biết lường hết lẽ đời.
Sáng hôm sau đã đến lúc phải lên đường, đã đến cái thời điểm không thể dừng lại chuyện trò được nữa, đấy là một bước ngoặt trong đời anh, là cái phút giây mà hồi ấy các anh thường lấy làm kiêu hãnh, phút giây rũ áo ra đi, ra đi không hẹn ngày về, bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa. Trong trái tim chiến sĩ có mang hình một người con gái suốt đời.
Loáng một cái thế là đã hết năm. Đã tết. Đống cùng với mấy cậu trẻ trung trong hàng cán bộ xã. lại có cả phòng văn hóa huyện giúp sức, năng nổ chuẩn bị hội Chen rằm tháng giêng. Sau mấy chục năm mới tổ chức lại hội, phải cố mà làm cho thật thắng lợi, để có tiếng vang, để có uy tín còn làm tiếp những hội khác. Đống thấy hồi hộp mỗi khi bóc một tờ lịch hay ngồi nghe ông chú cám hấp nói chuyện thời tiết của mùa xuân. Sắp tới giờ nổ súng! Anh thầm quy ước với mình cái giờ khắc vui nhất trong ngày hội sẽ là giờ X. Có phải đó chỉ là do thói quen thường tình của một sĩ quan vừa trở về hay còn vì một ẩn ý nào khác mà anh đã gọi giờ đó là giờ X mặc dù chính anh thừa biết việc đó không một chút cần thiết. Rất dễ thông cảm với anh, càng đến gần ngày hội anh càng nghĩ nhiều đến Xuân, anh mong chóng được gặp lại cô, gặp đúng vào ngày hôm ấy, trước dân làng. Anh cầm chắc thế nào cô cũng lại với anh, không lại sao được vì đây là cuộc hò hẹn một đời, chờ đợi một đời.
Vậy cho nên cái giờ phút lịch sử ấy phải được gọi là giờ X, một chữ cái viết hoa, ít nhất là với riêng anh nó cần phải được gọi như thế.
Tình cờ, gần đây anh đã gặp lại Xuân trong buổi chiều lang thang ra ngoài đình. Cô đang tắm, trông thấy anh lại gần liền bíu vào chiếc cọc cầu ao, ngồi thụp xuống.
- Lạnh thế, cô tắm làm gì?
- Em ham kiếm mấy con trai, vừa đưa chân xuống là đã thấy va lủng củng, chúng lạng rất nhanh chóng trong bùn khi thấy động anh ạ.
Ra giêng lại mở hội Chen, lần này anh đứng giữ chủ trống đấy.
- Anh gàn lắm, mà đến là viển vông, anh định cứ viển vông mãi hay sao. Em bảo thật nhé, anh phải lấy vợ đi thôi, thiếu gì con gái mới lớn lên trong làng, lấy vợ rồi, mọi việc đã qua đều xem nhẹ như không.
- Con gái bao giờ chả nhiều, nhưng biết lấy ai cho phải.
- Cứ thương đi, thương rồi sẽ gặp. Em đã biết có người trạc tuổi anh, lên lão rồi vẫn còn lắc đầu chưa chọn xong vợ. Được một dạo, bập vào đám trên Thượng Xá, mê đến lú lẫn, thấy bố mẹ người ta tối mang guốc đi rửa chân cũng cho là nhà ấy sao mà sang trọng.
- Việc đó để bàn sau, phải mở lại hội Chen tháng tới cái đã. Hôm ấy tôi sẽ đợi ở chỗ đã hẹn ngày xưa, chắc là Xuân nhớ, còn cô có lại với tôi hay không là tùy.
- Sao anh cứ tự làm khổ mình mãi thế, em biết nói với anh như thế nào.
Cô òa lên khóc tức tưởi như để bù cho một nỗi buồn tủi, chôn chặt trong lòng từ bao lâu nay. Chưa biết anh đã làm mình khổ đến đâu, nhưng rõ ràng là anh đang làm cô khố.
Kéo quần lên tận bả vai, cô chập chững bước lên chiếc cầu tre, nước nhỏ long tong. Anh trông theo Xuân đang đi như chạy trên con đường vào xóm, mảnh quần lụa đen dán chặt như bó lấy tấm lưng ướt át. Nó mỏng tang như được dệt bằng giấy và anh giận mình, không khéo cô dễ bị cảm.
Trên mặt ao những tàu lá sen khô quắt, phần nhiều chỉ còn trơ những cuống. Men theo bờ cỏ anh đang bước lên, lác đác vài ba bông hoa súng cuối mùa màu tím nhạt cố ngoi lên khỏi mặt nước, chúng đang đợi nắng để nở bung mấy cánh muộn mằn. Gió lắt lay nom chúng mềm mại như mấy bàn tay con trẻ. Cỏ hoa vẫn là cỏ hoa ngày nào, gió vẫn là gió ngày nào, chỉ có thời thế là đang thay đổi nhiều, dòng đời cuộn chảy.
Rằm tháng giêng âm lịch. Sẩm tối, già trẻ trong làng đã kéo ra đông nghịt sân đình.
Sau mấy lời khai mạc trịnh trọng. Đống ra lệnh tắt hết đèn đuốc rồi anh vớ lấy đôi dùi tự tay nổi trống vào hội. Anh hăm hở thúc trống, nhịp trống nổi lên giòn giã như đạn đại bác bắn cấp tập. Sóng người lại cuộn lên rạo rực, lại chen lấn xô đẩy, hổn hển tìm nhau. Được mươi phút anh trao lại trống cho chủ tịch xã đang đứng ủ rũ như cò đêm ở bên cạnh, giục anh ta phải thúc cho thật sôi nổi vào. Anh có ý đứng né sang hàn một bên, căng mắt nhìn đăm đăm vào bóng đêm đang chuyển động. Anh nóng lòng đợi Xuân.
Cô ấy ở đâu lúc này, chắc là cô ấy còn e thẹn, hản là cô ấy sắp đến.
Có một bàn tay con gái rụt rè đặt nhẹ lên vai anh khiến anh rùng mình quay lại. Anh nắm chặt lấy bàn tay mềm mại ấy, ôm chặt lấy tấm lưng thon thả ấy. Rồi anh áp riết mái đầu cô vào mảng ngực mỏng tang của mình. Ai biết trong lần áo này có bao nhiều vết đạn đã băm ngang băm dọc. Cô gái thổi hơi ấm nồng nàn lên khắp ngực anh. Bỗng nhiên anh muốn trào nước mắt.
Có gái thầm thì vào tai anh như một ám hiệu:
- Bà Xuân bảo em đến với anh, bà ấy không ra hội.
Vòng tay Đống trở nên run rẩy, lỏng dần rồi buông thõng. Anh kinh hoàng hỏi lại:
- Em là ai vậy?
- Nhà em ở gần bên vườn dâu, mỗi lần anh thổi kèn em đều ngó qua tường mà anh không biết.
- Hội còn lâu, hay em chạy về gọi chị Xuân ra đi.
- Anh đứng đây mà đợi chị Xuân nhé.
Cô gái vùng vằng trả lời, tiếng cô buông lạnh như đá, rồi lướt nhẹ qua mặt anh, cô lập tức lẫn vào bóng đêm đang mỗi lúc một huyên náo thêm.
Kim đồng hồ sắp chỉ đến con số mười hai, vậy mà cái giờ X của Đống vẫn chưa đến. Có lẽ sẽ không có, không bao giờ có cái giờ X cảm động kia đâu. Anh buồn bã như người thất trận trong đầu anh lặp đi lặp lại mãi câu hỏi khẩn thiết như những anh lính vẫn gọi qua chiếc máy bộ đàm: “Đến, Không đến, Đến. Không đến".
Hồi trống giã bạn đã dứt, đuốc lại cháy lên giữa sân đình, tàn lửa bay chấp chới. Một chiếc đèn măng sông được thắp lên xanh lét. Mọi người tản mát kéo nhau ra về, ai nấy đều hỉ hả. Mười phút sau sân đình đã vắng tanh vắng ngắt, còn lại chỉ là mấy người của ban tổ chức đêm hội. Đống vẫn đứng nguyên tại chỗ, anh thấy lòng trống trải, lửng dửng như người ốm dậy. Chắc hẳn những người sắp bị đem ra bắn cũng chỉ có thể đứng trân trân như anh đang đứng mà thôi.
- Về chứ anh.
- Hào cũng đã tìm đến bên anh, giọng cậu ta đầy uể oải. Hình như cậu ta cũng đang ngao ngán. Anh hỏi mà không buồn nhìn lại:
- Chú thấy đêm hội thế nào, vui ra trò, hả?
-Chị ấy tệ thật...
Một khuôn mặt quen thuộc hiện ra đột ngột trước quầng ánh sáng. Mái tóc bạc phơ, đôi mắt tròn nom dữ dữ và giọng cười ồ ạt vỡ ra, đầy hứng khởi.
- Ai như chú Hào, lên khi nào mà không qua nhà làm vợ chồng tôi cứ đợi mãi. Hội năm nay vui đấy chứ, phải không chú.
- Vui lắm. Bác về đi, mai em qua sớm.
- Mai chú mời giúp tôi anh Đống cùng sang nhé, thì theo đúng kế hoạch của chú đã vạch từ lâu rồi, mai ta sẽ làm bữa rượu, mấy anh em cùng ngồi với nhau, chuyện trò cho đã.
Lãi nhanh nhẹn biến vào đêm, bóng ông đi nom quềnh quàng. Hào chép miệng:
- Lão nhện già vẫn thắng, khỉ thật.
Họ ngồi với nhau ngoài đình cho đến gần sáng mới về nhà. Sương mù dâng lên mờ mịt trong vườn dâu.
Loáng thoáng hiện ra những búp dâu non ướt đẫm. Đất trong vườn âm lạnh. Một chú chim lợn nằm im từ bao giờ dưới lõng, ngửi thấy hơi người đập cánh kêu van vỉ. Đống nâng con chim đặt trong lòng bàn tay, vuốt vuốt cho khô đôi cánh yếu ớt của nó, rồi anh tung bổng nó lên. Anh tưởng rằng nó sẽ bay được nhưng buồn thay, nó lại rơi rạt xuống một bụi dâu khác, miệng vẫn không ngừng chin chít, chin chít.
- Khốn khổ thay.
Anh lẩm bẩm một mình. Hào lại chép miệng:
- Tôi muốn thổi một bài kèn đưa đám, đưa đám tất!
Ông chú từ chỗ nào đã lù lù hiện ra:
- Hội hè gì mà lê thê vậy. Bây giờ tôi lên chùa, giao lại nhà cửa đấy.
- Cái kèn của cháu để đây đâu rồi, chú?
- Tôi quăng mẹ nó xuống ao rồi! Dễ thường tôi không còn là chú anh nữa hay sao. Cái gì người ta làm thì anh hãy làm, cái gì người ta không làm thì anh chớ có làm, anh là anh hâm lắm. Lẽ ra tôi có thể lên chùa sớm hơn, sư cụ ngài chắc là mong tôi phải biết.
- Ông lên chùa đánh chắn chăng? - Hào hỏi vui.
- Anh này ăn nói lạ, cờ bạc là bác thằng bần, tôi đâu có màng. Chả là dạo này không phai chỉ mình tôi biết ăn chim lợn nữa, sư cụ ngài cũng tâm đắc món ấy lắm. Ngài có một cái đèn pin, chỉ cần quét loáng qua là những con chim ngã quay ra ngay. Đầu tiên chúng tôi soi dưới nhà trai, sau kéo lên tam bảo. Đóng chặt các cửa lại, đi từ ông Thiện ông Ác đi vào, giống chim lợn chẳng hiểu sao rất ưa rúc sau các tượng phật. Sư cụ ngài bảo nó chính là sâm cầm, ngày xưa nó là giống hàng năm phải mang tiến vua, dân chúng đâu có đến lượt. Tôi nghiệm thấy lời ngài chí phải.
Ông chú thu hai bàn tay vào trong vạt áo cho đỡ lạnh rồi xăm xăm bước ra. Gió xào xạc trên nóc từ đường. Mệt rũ nhưng họ vẫn ngồi trước thềm, chẳng ai thấy buồn ngủ, có lẽ cả hai đều đang nghĩ đến chiếc kèn gỗ nằm dưới ao.
Chợt có tiếng cười khúc khích của cô gái nào sau tường đất. Hào nghển sang hỏi:
- Ai thế anh?
- Biết là ai.
Họ lại dửng dưng ngồi tựa lưng vào cột hiên nhìn ra ngoài trời sương. Buổi sớm đang hiện ra trước mặt họ sao mà giản dị, mảnh sân gạch chỗ lồi, chỗ lõm, bãi dâu đang nhú mầm, bức tường vây quanh sườn sụt lở nhấp nhô, những mái ngói thấp thoáng, cuối tầm mắt là ngôi nhà hai tầng quét vôi trắng, nom lạ lẫm và xa vời.
Đông nói như muốn giễu cợt chính mình.
- Cô ấy bảo tôi là viển vông, tự làm khổ thân mình. Ông chú bảo tôi là thằng hâm, làng xóm thì xem như người cuồng, như một kẻ động rồ. Còn chú thì nghĩ sao, chú bảo tôi là người thế nào?
- Anh cho phép nói thẳng theo tinh thần đổi mới chứ?
- Thì có gì mà không nói thẳng được nhỉ.
- Vâng, thưa ông anh, vậy thì ông anh phải lấy vợ.
Đã đến lúc anh phải khẩn trương lấy vợ. Ngoài năm mươi không gia đình, trăm người thì chín mươi chín người đều hóa lẩm cẩm. Tôi đồng ý đàn bà là cả một sự rầy rà, dính vào là rất mệt, mệt khi đã dính vào thì đàn bà sẽ trở thành đền bà, nhưng nói chung, không có họ còn khốn khổ hơn nhiều. Thiếu họ là thiếu đi cái phần lấm láp mộc mạc, cái phần thiết thực trong một kiếp người. Đàn bà chiếm một nửa lịch sử nhân loại, một phần nữa ít nhâng nháo ầm ĩ, nghĩa là rất lặng lẽ khiêm nhường nhưng lại là vô cùng chính yếu. Bắt đầu từ có họ mà ra đầy đàn con cháu rồi cũng từ đó mà ta lo nghĩ khác đi, yêu ghét khác đi, ta trở nên tự nhiên nhiều. Thật tình, sau những năm sống bên anh, tôi học tập được rất nhiều, tất nhiên là rất quý trọng anh, vì anh nghiêm túc và trong sạch lắm. Nhưng mặt khác, mỗi lần nghĩ đến anh tôi vẫn thấy phân vân thế nào ấy, hình như ở anh có cái gì cứng cỏi đến mức thành cố chấp, hình như cái lý tưởng sống trong anh không chỉ làm phiền riêng anh mà nó còn làm mệt mỏi mọi người xung quanh. Anh nên “đời” hơn mới được, anh mà “đời” hơn một chút thì mọi người đều gần gũi, dễ nói chuyện, mà bản thân anh cũng thanh thản nhiều. Tôi tưởng đã sống thì tức là đều phải thế. Con người ta không gì vất vả bằng việc lúc nào cũng phải giương giương đóng trò một hiệp sĩ. Một khi anh sống được như mọi người, anh sẽ thấy việc lớn hóa nhỏ, thấy cái sai cái đúng đang diễn ra hàng ngày đều là thường tình, anh nhìn vào người khác dù xấu dù tốt đều thấy có một chút bản thân trong đó. Anh sẽ thôi khăng khăng chỉ biết yêu có một người, cũng thôi không còn bắt người ta chỉ được phép yêu có một mình anh. Chị Xuân không hề sống theo cách anh định ra được vì chị ấy còn có cuộc đời của chị ấy, đời chị ấy lại có biết bao nhiêu mối quan hệ mật thiết không một ai có thể thay thế nổi. Cứ tưởng là vợ chồng nhà ấy xử tệ với anh nhưng nghĩ kỹ thì thấy là họ hoàn toàn có lý, họ không thể sống tếu táo một lúc được. Họ đang khu xử với anh, với làng xóm như những người đã vững vàng trong từng ngày sống, còn anh tuy tóc đã bạc mà nếp nghĩ, nếp cảm vẫn chẳng biến chuyển với thời gian. Anh vốn là một người từng trải trong chiến đấu, nhưng trong cuộc sống ngày thường, nhất là trong cuộc sống hôm nay, ở cái làng này, anh cần phải biết giật mình là vừa. Tôi thành thật lấy làm lo thay cho anh. Tóm lại một câu, trước khi lui về đất Nam Sách, tôi chỉ đề nghị anh là phải nhanh chóng kiếm lấy cho mình một cô vợ. Chị Xuân chị ấy nói đúng, hãy cứ thương đi đã, thương đi rồi sẽ gặp. Vợ là gì, theo tôi đó là sự chính thức bước vào một kiếp sống bình thường, mà ở đây càng bình thường thì lại càng nghiêm chỉnh.
Hào nói liền một mạch, anh chỉ lo bị ngắt lời đột ngột vì một sự nổi nóng rất có thể xẩy ra, nhưng anh thấy rất lạ và Đống vẫn cứ ngồi đực ra đấy, chẳng nói chẳng rằng. Anh ngồi nhìn Đống mà thở hổn hển. Có lẽ sẽ không có phản công vì Đống chỉ gật gù như cố nuốt cho trôi một cục cay đắng nổi lên trong cổ họng. Lát sau Đống nói chậm rãi, một giọng đầy biết điều:
- Chú khôn lớn nhanh hơn tao tưởng. Hôm nay thì không phải chỉ có Xuân mà cả chú cũng đã tẩn cho tao một mẻ nên thân rồi.
Ha ha, cảm động lắm chứ, thầy tu xuống núi thật rồi chăng. Thì hãy cứ biết thế. Bắt một người sắp xuống hố phải xem lại cách sống của mình là một việc nhiều khi ngớ ngẩn vô cùng cũng nên. Đừng có trông mong gì nhiều. Nhưng sự đời bao giờ chả có một chút gì đó để mà hy vọng, cho nên Hào rất có quyền sẵn sàng chờ đợi, sẵn sàng để mắt theo dõi những diễn biến trong những ngày tới đây ở Đặng Xá, một cái làng cho đến lúc này chẳng còn là chốn xa lạ đối với anh.
Thì sự đời vẫn vậy, nó đang diễn ra như chính nó phải thế. Nó không có gì để gọi là lạ lùng, tất cả đều có thể hiểu là thường tình. Người làng Đặng Xá hẳn sẽ ngạc nhiên nếu Đống cứ tiếp tục sống lủi thủi với một chiếc kèn trong mảnh vườn hoang vắng, còn nếu như giờ đây anh đã định lấy vợ ngay trong mùa xuân này thì tất cả đều lấy làm yên lòng và mừng cho anh. Mừng nhất có lẽ là Xuân, rồi đến ông chú mang tiếng hấp lìm, và sau đó phải kể đến Hào. Trong lòng đầy hồi hộp và ngờ vực, Hào lập tức lộn trở lại Đặng Xá sau khi anh tới phục vụ một đám ma ở một nơi nọ và có người quen cho anh hay cái tin xiết bao thú vị này.
Không còn tiếng kèn phất phơ như lần trước để mà định hướng. Hào đành phải theo lối xóm để tìm đến mảnh vườn xưa. Anh đứng sững lại trong giây lát vì chợt trông thấy hai chậu hoa hồng đặt trước thềm. Hai chậu hồng nhung đặt trên lưng hai chú voi sành. Không sai vào đâu được, đúng là hai chú voi của nhà kia, mỗi chú đều bị sứt một miếng nhỏ ở tai. Thế này thì cũng lạ thật, họ làm lành với nhau từ lúc nào, trở nên thân thiết từ lúc nào, cứ như có một phép thần. Ông chú lững thững từ trong nhà bước ra:
- Anh đã lên. Thiên hạ vẫn đang sống nhân răng ra đấy, cần gì kèn sáo mà anh thoắt biến thoắt hiện vậy.
- Anh Đống cháu đi đâu ông?
Đi từ chiều qua chưa về. Dạo này thì tất nhiên là bận rồi, dáng chừng chạy sang bên ông Lãi bàn chuyện cưới xin, rồi chuyện lật vườn dâu lên làm ao thả cá giống, có thiếu gì chuyện để bàn với nhau anh bảo.
Hào không còn kịp chào ông già lấy một câu, anh cắm đầu chạy qua vườn như thể vừa nghe phải cái tin vỡ mặt trận. Anh xăm xăm bước vào sân nhà ông Lãi, chẳng nói chẳng rằng đá ngay con chó ngớ ngẩn vừa xồ ra một cú trúng mõm, anh còn toan bồi thêm cho nó một cú đích đáng nữa để nó chừa cái thói chó dữ nhà giầu, nhưng nó đã tỏ ra biết thân, lấm lét lảng ra xa, cái đuôi miễn cưỡng ve vẩy làm lành.
- Có ai ở nhà không? - Anh sẵng giọng.
- Lên đây, lên đây, ngày nào tôi chả mong chú.
Đúng một trăm phần trăm là đôi voi sành xổng sang nhà đằng kia rồi. Gia cảnh xem chừng có vẻ tuềnh toàng, bớt vẻ nghiêm cẩn mọi khi. Ông Lãi vẫn vui như tết, cười xởi lởi nhưng ngồi im trên tràng kỷ chứ không đon đả chạy ra cầu thang mời chào. Lại thêm con lật đật và mạng lưới cảnh giác giăng mắc quanh ông như mạng nhện cũng đã biến mất. Ông cầm xe điếu thân mật chỉ vào chiếc tràng kỷ trước mặt:
- Chú ngồi đi, chú lên thật đúng lúc. Ta phải bàn việc lớn, không có chú không được.
- Mời anh Đống chiều nay sang uống rượu để anh em hàn huyên với nhau chăng?
Chú chỉ vẽ chuyện, rượu chè gì lúc này, thằng ấy đang vắt chân lên cổ mà chạy cũng không hết việc nữa là. Ngày mai chú phải đóng vai đại diện cho họ nhà trai, dẫn nó sang bên nhà gái lo việc xin cưới. Thì vẫn biết đấy chỉ là hình thức, là thủ tục ngàn đời nay nhưng nghĩ mãi rồi không thể bỏ được, tuỳ tiện quá tưởng hay mà rồi đâu có còn là người. Cẩn thận đàng hoàng trong chuyện này, chú thấy có phải không?
- Nhất định rồi. Chuyện trăm năm không thể qua quýt vớ vẩn được, phải bắt anh ấy đâu ra đấy ngay từ bước đầu, để họ hàng nhà người ta kính nể.
- Tôi biết chú thế nào cũng nhất trí với chúng tôi. Bà Xuân nhà tôi dẫn ông Đống lên tỉnh sắm sửa đồ cưới từ hôm qua đến giờ vẫn chưa thấy về. Tôi và chú vui một thì bà ấy vui mười. Mà như thế là phải, mới biết giống đàn bà họ yêu âm ỉ hơn cánh ta nhiều.
- Bà Xuân nhà anh dính gì vào việc này mà xăm xoắn thế không biết.
- Dính chứ, dính như nhựa là đằng khác. Thoạt đầu bà ấy là người làm mối xe duyên, khi duyên bén thì bà ấy lại thay mặt họ nhà gái nhận lời gả bán và định ngày ăn hỏi. Tóm lại bà ấy đóng vai trò chủ chốt trong vấn đề này.
- Tôi không hiểu, thật tình là tôi cảm thấy có điều gì không bình thường ở đây.
- Tất cả đều bình thường. Ngay đến quan hệ hai quốc gia cũng có lúc bình lúc biến, biến mãi rồi cũng sẽ phải bình, có gì ở đời này lại không thể bình thường được. Đó là quy luật mang tính tất yếu, nếu không, thử hỏi làm sao anh em chú vừa mới ngày nào còn vùi trong bom đạn mà nay đã trở về đây bàn chuyện dạm hỏi con cái nhà người ta. Làm gì mà chú tái cả mặt đi như người cảm lạnh vậy, chú uống nước rồi nghe tôi thông báo đây. Anh Đống chú sắp là cháu rể tôi, con cháu gọi tôi là chú ruột sắp thành vợ nó, chú nghe đã thấy bất ngờ chưa nào. Con bé mồ côi cha mẹ sớm, vợ chồng tôi một tay nuôi nấng nó từ tấm bé, xem nó như con đẻ, vậy không phải bà ấy đứng ra lo liệu cho nó thì thử hỏi còn ai vào đây nửa. Có nhẽ nếu không phải là bà ấy thì còn là tôi mà thôi. Tôi thì kể cũng có nhúng tay vào chuyện này, nhưng vẫn làm như thể vô tình chứ không dám ra mặt. Ban đầu tôi nghĩ cách cho con cháu ra ở riêng vì nó đã đến tuổi trưởng thành. Có một miếng đất của nhà vẫn trồng rau sát tường nhà thờ họ Đặng, tôi cho người mang tre lá tới cất tạm lên một căn nhà nhỏ để con bé ra đó trông nom. Thề có ông trời, tôi chỉ góp vào có mỗi một động tác như thế.
- Bác mưu lược gớm quá, không ai qua được bác.
- Không phải là mưu lược mà chính là biết lo liệu. Ngay từ buổi ông Đống trở về với một cây kèn tò te tí toe là tôi đã biết ngay mình phải có trách nhiệm vào đấy. Mình không thể làm ngơ trong chuyện này được, nếu như quả thật mình là người lớn trong cái làng này.
Hào lại được một dịp ngồi ngây người ra mà ngắm ông Lãi. Anh không thể tìm thấy một dấu vết gì của con nhện già như anh đã từng thấy ở ông lần lên Đặng Xá trước đây.
Khỉ thật, giờ đây trông ông lẫm liệt và oai hùng như một ông tướng, quả thật là ở ông có dáng vẻ của một vị tướng. Anh chợt liên tưởng tới phong cách nói năng của đồng chí chính ủy sư ngày nào trong chiến trường, rõ ràng ông Lãi đang ngồi trước anh cũng có cái vẻ uy nghiêm như thế, trang trọng như thế. Con người ta đâu có phải luôn luôn định hình khi tâm biến thì tình tình diện mạo ất cũng biến đổi theo. Ông Lãi của những lúc này là một ông Lãi hoàn toàn khác, là một ông Lãi khiến anh kinh ngạc và rất đỗi yêu mến, bởi vì lòng dạ ông đang tràn ngập tình cảm của một con người lương thiện. Ông đang chỉ rặt nghĩ đến sự sung sướng cho người khác và do đó ông cũng rất sung sướng. Ông châm lửa rít một hơi thuốc thật dài, đôi mắt hóm hỉnh nhìn Hào trong một thoáng rồi ông ngẩng mặt thở khói lên trần nhà. Ông cười bằng một giọng cười trẻ trung:
- Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén là thế. Con bé cứ nhòm qua bức tường đổ mãi, cu cậu không thể ngồi yên được, tiếng cười ánh mắt của lũ đàn bà là có sức mạnh nghiêng nước nghiêng thành, chú có hiểu không. Rồi một hôm cu cậu bắt đầu lởn vởn đi thị sát quanh mảnh vườn, quanh bức tường rêu mốc nhà mình, cảm thấy sao mà hoang tàn làm vậy. Trong lúc ấy, bên kia bức tường, chỉ mấy bước chân đã là sự sống, là niềm vui bồng bột, là sự chăm sóc yêu thương và thế là tặc lưỡi, nhảy đại qua tường. Sự đời là như vậy đấy chú ạ, theo chú thằng con trai sống trên cõi đời này được xem là trưởng thành từ lúc nào, tôi cho rằng nó trưởng thành từ lúc ôm một con bé vào lòng và đếch cần nghĩ đến chuyện khác trên thế gian nữa. Lúc bấy giờ máu trong người nó sôi bỏng lên căng thẳng và nó là chúa tể, là sư tử. Tôi bảo đảm với chú rằng điều tôi đang nói với chú hôm nay cũng lại là một chân lý muôn đời.
- Muôn năm ông anh! Và xin cảm ơn ông anh đã có công trong việc biến anh Đống lù rù thành một con sư tử.
- Không phải chỉ là sư tử mà nó, nó còn là một con hùm. Tôi nói với chú thằng này thoắt cái hóa thành hùm, đêm đêm nó vồ lấy con bé cõng qua tường như một con hùm. Tôi không thèm rình, tôi cứ ngồi trong căn gác này nhìn vào mắt nhà tôi mà tôi biết được điều gì đang xảy ra ngoài kia và xảy ra như thế nào.
- Tai nhỉ, sao lại có thể như thế được.
- Là vì đàn bà họ tinh tường lắm. Họ cảm thấy tất cả, họ biết được tất cả theo cách riêng của họ, như người ta vẫn gọi là giác quan thứ sáu. Bà thím theo sát từng bước sự phát triển trong hạnh phúc riêng của cháu gái mình, và lúc nào hai con mắt cũng rừng rực những phỏng đoán, đồ chừng, hình dung lường tính ra đủ mọi chuyện. Chỉ việc nhìn vào đấy mà hiểu rõ sự thể ngoài mảnh vườn kia. Bà ấy khiến cho tôi cũng bị cuốn hút vào đó mà quên hết mẹ nó mọi chuyện làm ăn, ngày ngày tôi nóng lòng đón đợi. Mở đầu cho mối tình rực lửa của hai đứa có thể tính từ hội Chen rằm tháng giêng vừa rồi, đến nay đã là hai tháng, vẫn chưa qua một mùa xuân.
Như để chúc mừng cho một chiến công, Ông Lãi ung dung đứng dậy, mở cánh tủ lấy ra vò rượu tắc kè và hai chiếc ly sáng loáng. Ông ôm bổng vò rượu lên, thận trọng rót, một dòng rượu vàng sánh lách tách dâng dần lên miệng ly. Đặt ly rượu tới trước Hào, nháy nháy con mắt láu lỉnh, ông nói bằng một giọng lâm ly ít thấy:
- Cầm lên chú, ta uống để chúc mừng cho đám cưới nay mai của họ. Chú thay mặt cho nhà trai còn tôi là đại diện của nhà gái. Cái hôm cu cậu theo con bé sang bên này gặp vợ chồng tôi để chính thức có lời, hai đứa cứ thập thò mãi ngoài cầu thang kia, tôi phải chạy ra kéo tay dắt vào, hai bên nào còn phải nói năng gì nhiều nữa. Bà Xuân thật đến là vô duyên, đang vui vẻ bỗng dưng bà ấy ôm mặt khóc rưng rức như một đứa trẻ.
- Chúc mừng... chúc mừng cho mỗi người trong chúng ta nữa chứ anh.
- Một hơi luôn... khà. Chúc cho mỗi người chúng ta thì tôi và chú phải thêm ly nữa. Rượu trong vò đâu đã hết, hết lại bắt thím cháu bà ấy đi mua, hôm nay mấy anh em mình phải say cho đổ ra mới bò, chú có đồng ý với tôi không?
Ly rượu thứ nhất đã cạn. Ông Lãi càng nói càng bốc, khuôn mặt đỏ dần lên như một trái gấc đang chín. Hào đăm chiêu tư lự, khe khẽ gật gù hưởng ứng. Những giọt rượu thơm lừng tan nhẹ trên đầu lưỡi rồi chảy dần xuống họng. Chỉ một lát, lửa men đã lan ra khắp lồng ngực anh, nóng ran ran.
Trong tâm trạng đầy khích động giữa một chiều cuối xuân Hào quay lại khu nhà thờ họ Đặng. Anh lóng ngóng tìm chỗ để leo qua bức tường đất. Chợt hỏi mình, cái “con hùm” ấy đêm đêm đã cõng cô nàng nhảy qua chỗ này như thế nào nhỉ. Có thật là đã cõng hay cắp nách, hay phải đun đây kéo nhau lên. Sao họ không hú hí với nhau ngay ở gian nhà lá kia mà cứ phải kéo nhau sang bên này. Cô bé kia chừng bao nhiêu tuổi, sao dễ dàng đam mê ông lão năm mươi làm vậy, hay vì mới lớn mà dễ bị xúi bẩy, hay ở anh ta có gì đó hấp dẫn cô bé mà Hào vẫn chưa hiểu được.
Nếu thế thì lại thêm một điều khó hiểu nữa. Rầy rà lắm thay, có biết bao nhiêu sự khó hiểu đang lần lượt hiện ra cho anh thấy, thấy nhỡn tiền, chỉ trong vòng vài ba tháng nay. Nó mở ra không ngừng như những tầng sâu của đất dưới chân vậy. Nó thăm thẳm khôn lường, bí ẩn hết sức, cái bể sâu của một kiếp người. Ngày nay trái đất đâu có còn là rộng lớn trong tầm mắt con người. Không phải ngẫu nhiên mà tự xưa người ta gọi nơi cư trú của mình là trái đất, là quả đất, và khoảng thời gian dành cho một đời người cũng được xem là rất chóng vánh, mong manh, như bóng câu qua cửa. Loài người đông đảo lúc nhúc, đang trở nên một mối đe dọa thực sự cho chính nó. Bằng rất nhiều bằng chứng mà nó đã tự hiểu lịch sử phát triển của mình, bắt đầu từ đơn bào, đa bào, từ rong, tảo, thằn lằn và sau cùng là từ khỉ tử vượn. Nhưng với một kiếp người đơn chiếc thì vẫn chưa bao giờ là dễ hiểu, mỗi một kiếp người là một trường hợp, một vấn đề, một câu hỏi chưa bao giờ nhỏ bé. Nó là cả một thế giới vời vợi nhìn theo xu hướng vĩ mô.
Ngà ngà hơi rượu Hào bước lên thềm từ đường, anh dỏng tai nghe ngóng nhưng tịnh không một tiếng động. Mảnh sân vắng. Ba gian nhà vắng. Đầu óc anh lởn vởn những ý tưởng bất chợt, chẳng ra đầu ra cuối. Anh nhòm vào tấm phản kê trong nhà và liền nảy ra quyết định phải đánh một giấc cái đã. Anh lăn xuống phản, duỗi dài chân tay và lại nghĩ, người ta đã lăn lộn, ôm ấp nhau cùng ở một chỗ này và đến một lúc nào đó, cũng ở chỗ này hoặc gần hoặc xa, lại sẽ vuốt mắt cho nhau trong giây phút vĩnh biệt. Anh thiu thiu đi vào giấc ngủ. Có lẽ cả giấc ngủ này cũng đã có sự an bài của nhà ông Lãi đáo để kia chăng. Làm sao mà ông ấy lại có thể sắp xếp được tất cả một cách tài tình đến vậy.
Có tiếng chân bước nhẹ lên thềm. Hào nhóm dậy rất nhanh:
- Anh Đống đã về hả?
- Anh Đống chưa về đâu, chú cứ ngủ đi, tôi chạy sang xem chú có cần nước nôi gì để tôi lấy.
Một người con gái hiện ra, mau mắn và chân thật. Và đẹp nữa, thế mới chết chứ. Không hề rụt rè, cô ta vòng cánh tay choàng lấy cây cột, khuôn mặt xinh xắn cũng nép vào cây cột. Nó sáng hồng lên trong khoảng tranh tối tranh sáng của căn nhà, cánh tay cô thật dài, trăng trắng như nến.
- Thế là ta đã thành chỗ người nhà rồi, phải không chị?
- Chú chưa biết tôi, nhưng tôi thì tôi biết, anh Đống đã kể cho tôi nghe cả rồi. Tôi ít tuổi hơn chú, gắn bó với anh Đống mà thành bề trên, lắm lúc thấy khó quá, chú hiểu cho.
- Chuyện ấy là thường tình, điều tôi thấy phân vân là ở chỗ khác, hỏi thật nhé, chị có thấy gì khó khi gắn bo với anh Đống không?
- Với anh Đống thì lại khác, chúng tôi hợp tính nhau. Anh ấy đâu có già như người ta tưởng, vừa già vừa trẻ, trẻ còn hơn cả thanh niên nữa ấy chứ!
Nói vậy nghĩa là làm sao?
- Tôi không biết...
Cô giấu mặt sau cây cột, khẽ cười rồi cô chạy vụt ra ngoài sân, không thấy trở lại.
Hào lại nằm xuống phản, thở dài đánh thượt một cái. Hờ, không khéo chính mình già chứ không phải là ông Đống. Mà không khéo cả ông Lãi, cả bà Xuân cũng đã tưởng tượng hơi quá đáng vai trò của mình trong chuyện này.
Sẩm tối Đống về đến nhà, chưa kịp ngồi thở đã thấy Hào chồm lên chất vấn:
- Này, lần gặp đầu tiên, ông anh đã nói những gì để cho cô bé mê đứng mê ngồi vậy?
- Sao lại phải nói. Tôi không nói gì cả. Tôi bước qua vườn, sang ngồi ủ rũ trước mái lều của cô ấy.
Làm sao mà ủ rũ...
- Có thể là vì lúc đó tôi cũng chưa lấy gì làm hào hứng. Tôi thấy lời chú khuyên là đúng, muốn lấy vợ, nhưng lại chưa yêu lắm đâu. Chỉ đến khi cô ấy đến ngồi thụp xuống bên cạnh, đặt cánh tay mềm mại lên hai vai tôi, lúc ấy tôi mới hiểu là quả tim mình vẫn đang còn rất khoẻ, nó quẫy đạp hỗn loạn. Bất thình lình, không hiểu sao lúc ấy tôi lại quàng tay ra kéo ghì cô ấy dìm vào lòng mình. Cô ấy tha hồ giãy giụa, còn tôi thì thấy môi mình như chạm phải tàn lửa, tôi cúi xuống lấy môi mình đóng dấu chín lên cổ, lên bờ vai cô ây. Chú bảo nào tôi thì có hôn hít ai bao giờ. Sau này cô ấy bảo rằng lúc đó tôi đã làm cho cô ấy sợ phát khiếp, chả thấy ai lại cuồng dại như vậy bao giờ.
Đống chìa bao thuốc ra trước Hào, hất hàm ra hiệu giục rút một điếu. Hai người đàn ông ngồi chuyện trò bình thản, về những điều chả lấy gì làm mới mẻ thì phải.
Tháng 10 năm 1989
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com