chan_dung-ke_si

Lụy -Truyện ngắn nhà văn họa sĩ Trần Duy    

11-03-2023

Lượt xem 1569

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

Lụy -Truyện ngắn nhà văn họa sĩ Trần Duy    

TRUYỆN NGẮN HAY THÁNG 12 : LỤY CỦA TRầN DUY (Báo Văn Nghệ)

Lụy của Trần Duy rất có cảm tình với người đọc, tiếng khen dội về tòa soạn ngay khi báo mới ra. Đây là một truyện ngắn viết chắc tay, văn chương mẫu mực, để lại ám ảnh trong lòng người đọc, toàn truyện là nỗi day dứt, sám hối về sự hờ hững, lạnh lùng giữa “tôi” và “cô sen”. Sự hờ hững giữa con người và con người được thức tỉnh trong không gian đặc biệt (ở rừng Việt Bắc, trên đường kháng chiến cùng dân tộc) đưa lại cho truyện một ý nghĩa lớn vượt ra ngoài truyện kể. 

Ý kiến của ban xét chọn hết sức sôi nổi về Lụy.

Nhà văn Đỗ Chu: “Tôi đọc Lụy và tôi cũng thích. Ông Đốc tờ yêu cô sen, sợ không dám nói, mua quà không dám tặng, vì cái hèn của mình, người ta chết rồi sám hối. Có sám hối thì cũng làm ác rồi. Tôi thích Lụy của Trần Duy, nhưng cũng thích Đổi hồn Đát Kỷ của Đỗ Tiến Phước”.

          Nhà văn Ma Văn Kháng: “Trong cái dàn này Lụy trội hơn, nó nằm trong típ cổ tích hóa cuộc đời. Những kỷ niệm chìm sâu bỗng lấp lánh trở lại, và mang nhiệm vụ thức tỉnh , cái sâu sắc là ở đó. Tuy nhiên đoạn cuối tôi thấy có những chi tiết chưa ổn: “Lụy về sao biết không lên”.

          Nhà văn Nguyễn Khắc Trường: “Trần Duy năm nay đã 81 tuổi mà vẫn viết rất hay, chuyện có sức nặng về nhận thức. Lụy rất xứng đáng”.

          Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Diễn biến truyện thì bình thường nhưng sự sám hối là bất thường. Sự ăn năn ở đây chính là động lực của một ông đốc tờ đi đến với kháng chiến, đi với dân tộc, sống với nhân dân và ở giữa rừng Việt Bắc, nghĩa là phải ở trên một tầm tư tưởng cao thì người bác sĩ kia mới có khả năng nhận thức lại để tự soi xét mình. Sự vươn lên này là do kháng chiến đưa lại. Ý nghĩa khách quan của Lụy là nội lực văn hóa của kháng chiến, là sự thức tỉnh của kháng chiến đối với con người của tầng lớp trí thức cũ”.

          Nói như thế có lẽ là đầy đủ đối với Lụy của Trần Duy. Xin gửi đến tác giả của Lụy một lời chúc.

                                                                                  Ngày 27 tháng 12 Năm 1997

                                                                                          Trần Huy Quang

 

Hiền là bác sĩ. Tôi bạn với Hiền từ lúc còn học trung học. Ngày toàn quốc kháng chiến, Hiền đã hết hạn nội trú và tham gia mặt trận. Mỗi người một phương tản lạc theo từng chiến dịch.

 

   Việc gặp lại nhau trên đường kháng chiến thật hiếm có. Và tôi đã gặp được Hiền trên đường cùng đi chợ Rã.

 

   Năm ấy rét. Hai đứa rủ nhau vào một cái quán ven đường. Ðêm có trăng, càng về khuya, trăng càng sáng, rét càng dữ. Tôi và Hiền không ngủ được, phần vì rét, phần vì lâu ngày không gặp lại, chúng tôi rủ nhau ra rìa rừng ngồi nói chuyện. Ðủ mọi chuyện để nói, để nhắc. Từ chuyện lúc trẻ học ở Huế đến những ngày cùng là sinh viên ở Hà Nội. Bỗng Hiền hỏi tôi:

 

   - Ông có nhớ hồi tôi về thực tập ở Viện Giải phẫu không nhỉ?

 

   - Có, hình như trước năm 1942?

 

   Hiền im lặng, rồi anh nói như thì thầm:

 

   - Và cũng từ ngày ấy tôi có một suy nghĩ về con người, về cái giá trị hữu hạn và vô hạn của nó.

 

   Hiền lấy tay xoa vào nhau và  áp vào tai cho đỡ rét rồi nói tiếp:

 

   - Chính ở Viện Giải phẫu tôi đã hiểu mọi bất ngờ, mọi bất hạnh đều có thể đến với con người.

 

   Ngày ấy, đại chiến Thế giới lần thứ hai, Nhật đánh Pháp bắt đầu ở biên giới. Tình hình Hà Nội không yên, anh chị tôi lúc bấy giờ ở góc đường Wiellé (1) và Chanceaulme (2), vừa dọn vào Sài Gòn rồi sang Pháp. Tôi đến ở thay anh chị tôi, vừa trông nhà vừa có nơi trú học. Lúc bấy giờ tôi học xong năm thứ ba vào thực tập ở nhà thương Phủ Doãn. Anh chị tôi có một người giúp việc tên là Lụy. Tôi nhận nhà cùng cả người giúp việc. Tôi không mấy khi để ý đến cô ta, cô ta cũng chỉ như cái bóng trong nhà. Không mấy khi tôi hỏi chuyện và hỏi han điều gì trừ việc đưa tiền đi chợ hoặc mua bán những thứ cần thiết. Thật ra lúc bấy giờ chúng ta còn bận tâm nhiều thứ khác hơn là một người ở quê lên giúp việc.

 

   Tôi bận học, lại còn nhận làm gia sư cho một gia đình ở Bưởi, chuyến tàu điện cuối cùng đưa tôi về đến Bờ Hồ đã quá chín giờ đêm. Dù khuya đến mấy, về đến nhà tôi vẫn thấy cô ngồi ở cửa chờ tôi. Cô lặng lẽ đứng dậy sắp xếp bữa cơm, thường lệ cô chờ tôi ăn xong, rồi mới ăn. Sự cách biệt ấy làm tôi áy náy nhưng vẫn không nghĩ ra cách sắp xếp khác. Cái gì đã làm tôi có cái nhìn xa cách ấy? Và tôi cũng không thể không xem cô Lụy là một con người hiện hữu trong nhà tôi.

 

   Có hôm nghỉ học sớm về đến nhà bất chợt tôi thấy cô đứng ngắm mình trước gương to và cũng lần đầu tiên tôi nhận thấy cô đẹp, rất đẹp. Qua gương cô nhìn thấy tôi nên sợ hãi úp mặt vào tay. Qua kẽ tay tôi thấy đôi mắt đen thoáng lo, thoáng cười, thoáng vui. Chỉ tiếc tôi không là họa sĩ như cậu để có thể vẽ cô hôm ấy. Cái hay của nghề cậu là cậu thấy được cái đẹp của con người, tôn cái đẹp ấy lên cho cuộc sống. Còn tôi, cái nghề chỉ thấy những bệnh tật, những thân hình tiều tụy, những gì không đẹp đẽ của con người với mục đích giành giật con người ra khỏi cái chết, trả họ về cuộc sống.

 

   Lần đầu tiên tôi thấy chiếc khăn mỏ quạ ôm khuôn mặt trái xoan của cô rất duyên dáng so với đầu tóc xoăn tít, bù xù hoặc chải trần của các cô gái Hà Nội. Người cô cân đối, cao chừng một thước sáu, ngực nở nang che bằng một chiếc yếm xanh đã ngả mầu. Tôi cảm thấy bất nhã khi nhìn cô như một vật trưng bày, tôi nói như vừa để giãi bày vừa xin lỗi:

 

   - Hôm nay tôi mới nhìn cô được kỹ, không thế nhỡ ra đường chẳng nhận được ra thì khốn!

 

   Và cũng lần đầu tiên có nụ cười giữa cô và tôi, và cũng lần đầu tiên tôi nhận được một nụ cười rất xinh tươi trên một khuôn mặt đôn hậu và đẹp của cô Lụy.

 

   Năm ấy đã đến những ngày cuối tháng chạp tôi không thấy cô như mọi người đi làm ngỏ ý về quê ăn Tết. Thấy cô đứng cạnh bàn, tôi hỏi:

 

   - Cô đã cần về quê hôm nay chưa hay chờ đến hai tám?

 

   Cô không trả lời và hỏi tôi:

 

   - Thưa cậu, cậu không về trong ấy ăn Tết ạ?

 

   - Còn cô?

 

   - Cháu không có Tết ạ!

 

   Tôi nghe cô nói một cách tự nhiên và đơn giản.

 

   - Tại sao thế cô Lụy?

 

   Cô ấp úng và lúc nào cô cũng ấp úng như vậy để trả lời những câu tôi hỏi.

 

   - Thưa cậu cháu không có Tết ạ. - Và cô nói tiếp:

 

   - Cậu đốc cần sắm Tết như thế nào cậu bảo cháu. Hôm nay đã hai bảy rồi ạ.

 

   Và trải qua hai cái Tết cô lo cho tôi mà không về quê.

 

   Tôi thấy cô mặc toàn quần áo cũ nhưng tôi không bao giờ có ý định mua sắm hoặc gợi ý cho cô mua sắm. Có hôm tôi đưa tiền công cho cô và nói:

 

   - Cô xem có cần mua sắm gì không?

 

   Cô không tỏ thái độ vui mừng, nhưng tay vẫn cầm tiền.

 

   - Thưa cậu, cậu giữ hộ cháu, lúc nào cậu cho cháu một thể, cháu giữ sợ mất lắm!

 

   Hình như cô Lụy trước kia xem anh chị tôi là nơi nương tựa chính và nay cô chỉ còn biết nhìn vào tôi. Nhưng qua cái rụt rè ngần ngại, tôi có cảm giác cô không thể đặt nơi nương tựa ấy vào tôi. Cái gì đã gây cái nhìn ngắt quãng ấy ở  cô?

 

   Tôi trả lời:

 

   - Cậu đừng quên rằng ngày ấy cô Lụy xem mình là người ở và cậu là cậu chủ. Hơn nữa cậu chủ lại là cậu đốc.

 

    Cái danh hiệu "cậu đốc" mà xã hội lúc bấy giờ đã phong quá sớm cho các sinh viên trường Y đã tạo ra khoảng cách chết người ấy.

 

   Hiền tiếp theo tôi:

 

   - Và điều ấy thật ra cũng đã có ở tôi, nó ẩn trong suy nghĩ  của tôi và tôi cũng không hề muốn xua nó ra khỏi cách suy nghĩ của mình.

 

   Tôi bảo Hiền: tuy nó không hay nhưng cần thiết cũng chẳng nên xua nó vì chính nhờ nó mà cậu không giống Nghị Hách trong Tắt đèn, cũng chính nhờ con đường  mòn nghiệt ngã ấy đã định hình cuộc sống của cậu để cậu không rơi vào những lỗi lầm đáng tiếc.

 

   Hiền nói:

 

   - Nhưng vì nó mà điều đáng tiếc ấy vẫn cứ đến, không cách này thì cách khác.

 

   - Vậy cậu chọn cách nào?

 

   - Thật ra tôi không phải là người muốn chọn!

 

   Ðêm rừng và trăng rừng lạnh buốt. Tiếng hoẵng kêu, tiếng nước lần róc rách rơi trên bản xa. Hiền nói tiếp:

 

   - Tôi phải nói với cậu rằng sự có mặt của cô Lụy đã làm cuộc sống học hành của tôi ổn định từ ăn mặc, giường chiếu. Có lúc tôi nghĩ đến những câu chuyện về một người đẹp trong quả thị hoặc trong tranh bước ra ngoài đời để giúp đỡ lo toan mọi việc cho tôi; cô Lụy ở trong  nhà như một cái bóng nhưng một cái bóng có hồn. Có hôm tôi đang học bất chợt ngẩng đầu  thấy cô im lặng nhìn tôi, một cái nhìn huyền bí của một ngôi sao lạ, của một kẻ ước nguyện một điều gì. Trong trường hợp như thế tôi lại im lặng cúi đầu xuống sách.

 

    ở những người nghệ sĩ, nhìn một thực thể đẹp là cái đẹp ấy được chuyển vào tranh: từ một mỹ nhân đến con gà, con bướm, từ một cái hoa đến đôi giầy rách, từ một lá cỏ đến một ngọn sóng, tảng đá...Cái đẹp ở các cậu không thông qua một lăng kính méo mó của xã hội nhưng những người như chúng tôi thì không có được cái giáo dục thẩm mỹ toàn diện ấy. Hiền thở dài:

 

   - Cô ấy đẹp, nhưng chính tôi cũng không hiểu vì lẽ gì mà mình không dám nhích lên một bước dù là một bước rụt rè.

 

   Có một hôm tôi vào nhà Bách hóa Gô-đa (3). Tôi đi xem các hàng xa xỉ, nước hoa, cà-vạt, đồng hồ... bỗng tôi nhìn đến một chiếc áo con nịt ngực, chiếc áo đặt trên ngực một hình mẫu đẹp, tôi nghĩ đến bộ ngực cô Lụy. Tôi rụt rè hỏi giá, cô bán hàng nhìn tôi cười:

 

   - Anh dùng à?

 

   Tôi lần đếm số tiền dạy học vừa nhận được đắn đo chưa dám trả lời thì cô bán hàng đã lấy chiếc áo đặt vào tay tôi và nói:

 

   - Nếu tặng thì đẹp, nếu dùng cho anh thì hơi rộng.

 

   Tôi cũng nhạt nhẽo cười theo vì số tiền phải trả tương đương với mười ngày ăn! Tôi đem chiếc áo về nhà đặt lên bàn. Một hôm đi học về trước giờ, tôi thấy cô Lụy mân mê cầm chiếc áo lên xem, lúc quay lại thấy tôi, tôi cảm thấy cô vừa xấu hổ lại vừa sợ hãi đặt vội chiếc áo xuống bàn và định chạy xuống bếp. Tôi cầm chiếc áo đưa cô:

 

   - Cô cất cái này vào  tủ hộ tôi, tôi quên để ở bàn.

 

   Cô đáp:

 

   - Cháu cũng định cất, nhưng không thấy cậu bảo nên không dám.

 

   Cô đem chiếc áo cất vào tủ và nói khẽ:

 

   - Ðẹp thế!

 

   Thế là chiếc áo được cất vào tủ. Cậu sẽ hỏi tôi tại sao lại mua? Mua để làm gì? Và tại sao lại không tặng cô ta?

 

   Tôi cũng họa theo:

 

   - ừ, tại sao cậu không tặng cô ta?

 

   Hiền đáp:

 

   - Tôi không thể tặng một cách tùy tiện như vậy, thứ nhất tại vì gái quê người ta vẫn dùng yếm, lẽ thứ hai có thể là cái lẽ làm tôi không tặng cô ta được vì có một nhà văn Pháp nào đó mà tôi quên tên có nói: Nếu một kỷ vật anh tặng mà không gửi gắm vào đấy một phần của tâm hồn mình thì món quà tặng ấy sẽ thành một món cho vô lễ và trịch thượng. Tôi không dám đưa mặc dù tôi nghĩ rằng cô Lụy mặc sẽ vừa. Nhưng nếu cô mặc thì chuyện gì sẽ xảy ra?

 

   Tôi nói với Hiền:

 

   - Trong quan hệ, cậu dở sách ra đọc từng dòng để chiếu theo đó mà đối xử giữa con người với nhau thì quả cậu là một ông đồ Tây thật sự rồi.

 

  Hiền đáp lại có vẻ trách móc:

 

   - Cậu sẽ nghĩ thế nào về tôi nếu tôi gửi gắm vào món quà "thân tình" ấy một phần của  tâm hồn   mình? Thì điều ấy sẽ là một trò đùa giả dối hay một trách nhiệm? Tôi sợ một trách nhiệm, cũng sợ một trò đùa giả dối ngang thế. Ðó là phần suy nghĩ của tôi, còn cô Lụy nghĩ thế nào về tôi?

 

   Hằng ngày tôi vẫn bắt gặp cô khóc một cách thầm lặng. Nếu nói rằng vì tôi mà cô Lụy buồn thì quả là một suy đoán quá chủ quan nhưng nếu vì gia cảnh thì sự việc xảy ra cũng quá lâu rồi bởi theo lời anh chị tôi  thì bố mẹ cô có một bè vó, năm lụt to bè vỡ, hai ông bà mất tích, cô Lụy trôi dạt vào bến nhà thờ xứ. Ðược cứu vớt và năm 1938 cô lên Hà Nội, anh chị tôi gặp cô ở chợ người Ô Cầu Dền và đưa cô về nuôi.

 

    Có một hôm tôi đi dạy về rất khuya cô vẫn ngồi chờ ở cửa, im lặng như một pho tượng. Khi thấy tôi về cô đứng dậy và hỏi:

 

   - Cậu xơi cơm chưa ạ?

 

   Cô dọn cơm, tôi ăn xong thì vừa đúng 12 giờ đêm.

 

   Sáng hôm sau, lúc tôi vừa dậy thì đã thấy cô Lụy xách một bọc nhỏ đựng một ít quần áo. Tôi chưa kịp hỏi thì cô đã nói:

 

   - Thưa cậu, cháu xin phép cậu về quê.

 

   Tôi nghĩ: ngay cả ngày Tết cô cũng không về quê, sao ngày thường cô lại xin về quê? Mà quê cô ở đâu, tôi biết hỏi cô, cô sẽ không trả lời, giữ cô ở lại cũng không được, tôi đành nhận lời cho  cô về. Tôi đưa tiền công, cô cầm tiền và bỗng oà lên khóc. Nhân thể tôi nói thêm:

 

   - Ra đi mà buồn thế thì cô về làm gì?

 

   Cô ấp úng trong nước mắt:

 

   - Không phải cháu buồn đâu ạ.

 

   Tôi tiễn cô ra ga Hàng Cỏ về Nam Ðịnh. Tôi hỏi cô:

 

   - Về Nam Ðịnh rồi cô về đâu?

 

   - Cháu về Cổ Lễ, Nam Hồng.

 

   - ở đấy có ai?

 

   Cô đáp:

 

   - Có ạ.

 

   Ðến giờ tầu chạy, cô chào tôi vừa khóc vừa nói: Trời rét cậu đừng đi đêm nữa!

 

   Tầu rời ga.

 

   Tôi về nhà bỗng cảm thấy trống trải, không có người chờ đón, không có người mong đợi. Và điều làm tôi không ngờ đến là sự vắng mặt của cô Lụy, đã có một ảnh hưởng rất lớn trong nếp sống hằng ngày của tôi. Cô Lụy đột ngột ra đi, ở tôi bỗng có cái gì hẫng hụt, mất cân bằng. Cái ấy là cái gì? Một nếp quen, một phản xạ hay là một tình cảm chưa được định hình?

 

   Nhân một đợt thực tập ở vùng quê, tôi xin đi Nam Ðịnh. Nếu nói là nhớ thì chưa hẳn đúng, nhưng mục đích tôi xin đi Nam Ðịnh là để nhân cơ hội tìm cô Lụy.

 

   Tôi về Cổ Lễ hỏi một sư nữ, tôi được biết cô Lụy có đến xin nhà chùa ở nhờ. Sư bà nghe cô Lụy ở Hà Nội về nên từ chối. Không nơi nương tựa, không có giấy  tùy thân, lý trưởng Nam Hồng thấy cô xinh đẹp nên đã ép cô làm lẽ hắn. Sợ vợ cả ghen nên đã đem gửi cô Lụy nay đây mai đó những nơi quen biết. Tôi tìm được ra nhà cô ở - một cái lều tựa vào một bức tường sắp đổ, một chiếc chiếu che bên ngoài thay cửa. Trong nhà le lói một ánh lửa bếp. Khi thấy tôi cô kêu lên:

 

   - Ôi! Cậu, cậu...

 

   Tiếng gọi tuy là chào nhưng vẫn ẩn một lời cầu cứu! Cô bảo tôi:

 

   - Nhà chỉ có ổ rơm, cậu đừng vào, cháu đứng đây với cậu.  Tôi nhìn cô Lụy mắt thâm đen, đôi môi cánh cung khô và nhợt nhạt. Cô Lụy quay người nhìn thẳng vào mắt tôi. Có lẽ lần đầu tiên đôi mắt ấy đã chạm vào người tôi, tâm hồn tôi. Tôi không biết nói gì và cũng không biết hỏi gì cô. Tôi chỉ biết là cô đang khóc. Tại sao suốt cả đời chỉ lấy khóc thay lời nói? Và nếu nói được thì cô sẽ nói điều gì?

 

   Cô nói:

 

   - Cậu nghỉ trên tỉnh, vậy cậu về kẻo muộn, cháu sẽ lên cậu.

 

   Tôi mừng và hỏi lại. Cô Lụy đáp:

 

   - Cháu không dám dối cậu, nhưng...

 

   Tôi hỏi tiếp:

 

   - Nhưng làm sao?

 

   Cô vừa khóc vừa trả lời:

 

   - Thưa cậu, không làm sao cả ạ, cháu sẽ lên cậu.

 

   Tôi đưa cô một số tiền để đi tầu xe và chào cô ra về, tôi dặn với:

 

   - Cô nhớ lên trong tuần sau, tôi chờ!

 

   Tôi quay lại nhìn cô Lụy, bóng dáng một con người tiều tụy trong hoàng hôn le lói ở Nam Hồng là hình ảnh cuối cùng của cô còn lưu lại trong tôi.

 

   Tôi về Hà Nội, đếm  từng ngày chờ cô. Hai tuần trôi qua, và một tháng trôi qua cô Lụy vẫn không lên.

 

   Sự chờ mong đã đưa đến lo lắng và lo sợ. Vào những năm bốn mươi nhiều nơi trên miền bắc có dịch sốt chấy rận, người chết nhiều. Dịch cũng bắt đầu vào đến Hà Nội.

 

   Phần đông các xác là bệnh nhân vô thừa nhận ở các nhà thương làm phúc đưa về. Tôi dặn bác Năm người chọn nhận xác ở bệnh viện:

 

   - Bác cẩn thận nhé, đừng lấy xác người bị bệnh chấy rận.

 

   Hôm ấy tôi vào viện thì bác Năm cho biết vừa nhận thêm ba xác của nhà thương Bạch Mai và đã đánh số làm thủ tục. Họ chết trên tầu từ Nam Ðịnh đến đầu Ô, nhân viên xe lửa cho xuống nhà xác Bạch Mai.

 

   Tôi xuống sân rửa xác. Người phụ nữ nằm úp sấp trên sàn mang số 2. Không hiểu tại sao khi nhìn  xác này tôi có linh cảm lo sợ. Bác Năm lấy vòi nước  phun vào các xác  người và xác được lật ngửa lên. Bỗng dưng tôi hốt hoảng bảo bác:

 

  - Thôi bác đừng phun nữa!

 

   Nhìn bác Năm ngơ ngác tôi bảo:

 

   - Bác cho xác số 2 vào thang đưa lên phòng tôi. Tôi đeo găng đẩy xác lên bàn, dùng cồn rửa sạch xác, và nhìn kỹ.

 

   Cô Lụy!

 

   Vẫn khuôn mặt ấy, tóc rụng gần hết, mắt nửa nhắm nửa mở. Tôi lấy tay vuốt mắt cho cô, đôi mắt vĩnh viễn không còn khóc nữa. Tại sao nên nông nỗi này? Tôi đoán cô Lụy ốm từ Nam Hồng. Hiện tượng rụng tóc có thể là bị thương hàn, cô lần đến Nam Ðịnh để đi Hà Nội nhưng trên tầu gặp lạnh, cô đã quá yếu nên  chết dọc đường.

 

   Cô nằm trên bàn xác không quần áo, tôi cảm thấy Con Người đã đối xử quá tàn nhẫn với Con Người. Tôi vội cởi chiếc áo bờ-lu đang mặc đắp lên người cô, và tìm chiếc quần của y tá trực mặc vào cho cô. Tôi gọi bác Năm và nói khẽ:

 

   - Bác không ghi xác này trong sổ, tiện lên phố bác mua cho tôi một cỗ áo, đặt cho tôi một huyệt ở nghĩa trang gần đây và thuê cho tôi một xe đám.

 

   Bác Năm có vẻ không hiểu tại sao nhưng vẫn đi làm.

 

   Thấy hai tay cô vẫn co quắp, tôi lấy cồn nắn thẳng lại và đặt lên ngực cô. Khi làm cử chỉ ấy tôi nhớ đến cái yếm cô vẫn mặc và chiếc áo con tôi đã mua dạo nào. Tôi vội vàng lấy xe chạy về nhà, chiếc áo ở góc tủ vẫn y nguyên như ngày nào cô Lụy đã đặt nó vào đấy. Tôi đến phòng xác, mặc chiếc áo con vào ngực cô. Có lẽ đấy là món quà tặng, tặng cho con người chỉ còn là một cái xác. Món quà đánh dấu một hối hận, một sơ lỡ của tôi. Tôi muốn nói lên một lời với cô nhưng với một nỗi ân hận khôn nguôi tôi cảm thấy mình đã sai trái với cô, một sai trái không hành động, giờ đây nói bất cứ điều gì tôi thấy mình giả dối! Hối hận nào cũng là điều muộn mằn.

 

   Tôi kéo ghế ngồi bên cạnh cô, cố tưởng tượng ra những điều cô có thể nói mà không nói được. Những đêm dài lịch sử không được ghi chép đâu có nghĩa là không có cuộc sống và sự im lặng không có nghĩa là con số không.

 

   Ðến giờ phút này tôi mới thấy được hết ngôn ngữ của sự im lặng. Người thầy mà lúc này đang là một cái xác vô thừa nhận đã dạy tôi những điều trên: Im lặng cũng là lời nói.

 

   Tôi đứng dậy nhìn cô và lấy miếng gạc trắng đắp lên mặt cô.

 

   Bác Năm đưa cỗ áo lên bằng thang máy. Tôi đặt cô Lụy vào áo quan. Xe tang đang chờ ở cổng sau.

 

    Tôi đi theo chiếc xe tang lên dốc đê Lương Yên về nghĩa trang Hợp Thiện. Huyệt đã đào sẵn, mộ đắp xong tôi sực nhớ đến tấm bia. Tôi quay ra đầu cổng mua một bia đá và nhờ người thợ đục chữ Lụy trên mặt bia. Cái điều duy nhất mà tôi được biết về cô chỉ là chữ "Lụy" ấy.

 

    Ai là người đã đặt cho cô cái tên ấy - cái tên đã làm cho người mang "lụy" cả cuộc đời. Riêng tôi từ ngày ấy "Lụy" đã nhập vào đời tôi như một nỗi đau mãn tính...

 

   Không nói gì thêm, Hiền đứng dậy cùng tôi về quán trọ. Gà rừng đã te te gáy. Sáng hôm sau, chia tay nhau, Hiền đi chợ Rã, tôi về Ðại Từ. Từ ngày ấy không còn gặp lại nhau. Không biết Hiền ở đâu.

 

Hà Nội, 10-1997                

Trần Duy

 

_______________________

 

(1), (2): Nay là đường Tô Hiến Thành và Triệu Việt Vương

 

(3): Nay là Mậu dịch Quốc doanh Tràng Tiền

 

 

 

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.