chan_dung-ke_si

LÁ THƯ TÌNH ĐẦU TIÊN -  Truyện ngắn Tô Hoài

08-02-2024

Lượt xem 1228

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Tô Hoài

LÁ THƯ TÌNH ĐẦU TIÊN -  Truyện ngắn Tô Hoài

Nhà văn Tô Hoài (1920-2014)

Cô Mì mười tám tuổi. Ðến tuổi ấy, từ mùa xuân trở đi, đôi mắt người con gái trong thẳm và đen lay láy. Cô nhìn sang hai bên, con mắt lừ đừ đưa nghiêng nghiêng. Ôi chao là say sưa. Miệng hoa chúm chím. Mỗi khi mỉm một nụ cười nhỏ, đôi má hây khẽ gợn lúm xuống hai nét vòng yêu.

Mì là cô gái đẹp nhất làng. Tất cả những người con trai đều công nhận thế. Vả anh nào cũng ngấp nghé muốn phải lòng. Nàng chẳng kiêu kỳ chi đâu, nhưng yêu được nàng cũng không phải là dễ. Bởi vì nàng nhan sắc. Bởi vì nàng lại biết chữ nữa. Sự biết chữ của một người con gái ở làng Nghĩa đô quả là một tài hoa hiếm có. Nàng viết hộ thư những người hàng xóm. Nàng đọc truyện Hoàng Trừu vanh vách. Nàng thông thạo về đường tiểu thuyết lắm. Bởi vậy, đã xảy ra một chuyện tức cười về chữ nghĩa khó khăn ấy.

Có một người con trai khác xóm yêu Mì. Một bữa kia, chẳng biết làm thế nào, anh chàng đưa đến tay Mì một bức thư. Mì đọc. Rồi Mì đi nói với các chị em bạn rằng: - Nó không biết chữ, nhờ ai viết cho cái thư,người ta lại hiểm, đi chép ở trong truyện ra. Truyện ấy tôi xem rồi. Ðã dốt đặc cán mai, lại còn ti toe, chài sao nổi mình!

Và nàng chép miệng:

-Không biết chữ, nhục thế đấy!

Những lời nói chẳng hay cho người con trai nọ lọt ra ngoài và lan đi khắp ngã ba, ngã bảy. Anh Cuông cũng rõ câu chuyện như mọi người. Nhưng anh còn biết rõ thêm hơn nhiều. Bởi Cuông có cô Nghiên, cô em con nhà chú, là bạn thân của Mì. Một lần Cuông đã được nghe Nghiên đọc những lời thư kia. Nó đọc từ đầu đến đuôi. Nhưng Cuông chỉ nhớ lõm bõm thôi; thư hay lắm. Ðại khái có những câu rằng: "Mợ yêu quý của tôi ơi! Cánh hồng bay bổng, chim xanh tuyệt vời. Mành tương lất phất. Gió đàn lung lay. Nỗi niềm ngậm đắng nuốt cay; ai ơi có biết lòng này cho không."

Những nghe mà cảm động. Thỉnh thoảng Cuông đọc lẩm bẩm trong miệng những lời văn chương ấy. Cũng bởi rằng anh Cuông đã yêu cô Mì. Cuông là một gã trai mới lớn. Tơ tình đương phơi phới nhẹ nhàng. Thường anh vẫn được trông thấy Mì, mỗi buổi chiều, dù hai người ở cách hai xóm. Chiều chiều, Mì sang chơi nhà Nghiên. Cũng chiều chiều, lúc hoàng hôn đã đỏ sạm, mọi người đều rời khung cửi, Cuông ra đứng ngẩn ngơ trước ngõ. Hư thoáng thấy cái thắt lưng lụa bạch của Mì phất phơ đằng đầu xóm, chàng đã đỏ bừng mặt, chân tay tự dưng líu ríu lại. Và khi Mì đi sắp đến nơi thì Cuông lẳng lặng thụt dần vào trong cuối ngõ. Ðể đến lúc Mì đã đi khỏi, Cuông mới nhô đầu ra cúi khom khom nhòm theo, nét mặt ra chiều đờ đẫn. Giá bấy giờ có ai chợt đi đến trông thấy Cuông thì Cuông vội đứng ngay ngắn, hai tay chắp ra đằng sau, mặt ngẩng lên trời, giả như đương đứng tơ mơ nghe tiếng diều sáo vo vo trên cao ấy, buổi chiều nào cũng tương tự như buổi chiều nào. Nếu không có một sự gì mới mẻ khác chẳng biết cuộc "tình duyên một vế" này còn kéo dài đến tận bao giờ!

Cuộc đổi thay vào sau những đêm có hát chèo bên làng Thượng. Một hôm, Nghiên nói chuyện với anh Cuông:

-Cái hôm hát trò Lục-Vân-Tiên ấy mà. Em đi xem với chị Mì.

-ừ, lúc bấy giờ tao lẻn qua chỗ cửa đình chứ gì?

-Vâng. Lúc chị Mì thấy anh đi qua, lại bảo em thế này chứ: "Anh ấy hay nhỉ?"

Cuông bừng người, thấy như đương rung từng đốt xương ống một. Anh hấp tấp hỏi dồn:

-Sao, Sao thế?

-Em cũng hỏi lại. Chị ấy cười, bảo: "Anh có vẻ hay phạm. Chiều nào cũng đứng ngoài ngõ. Trông thấy em lại đi vào."

Anh Cuông ngơ ngác, lẩm bẩm chối bâng quơ:

-Quái nhỉ Quái nhỉ Tao có đứng ngõ đâu!

Nhưng trong lòng anh nghĩ khác. Trong lòng anh đương có hoa nở. Và anh đã tương tư cô Mì lên gấp trước mười lần rồi. Bởi vì như thế là cô Mì có chú ý đến anh lắm. Ðêm hôm đó và mấy đêm hôm sau, anh Cuông nằm trằn trọc không ngủ được mấy. Chính anh cũng chẳng muốn chợp mắt.Ðôi chốc, anh mỉm cười vớ vẩn. Anh nghĩ lập lý rằng:

-Thế là cắn câu rồi. Bây giờ chỉ thả một cái thư là ăn thua ngay đấy. Nhưng chết một cái, mình lại cóc biết chữ. Nó mà hỏi đến, minh mít đặc như cái anh cu kia thì bỏ xừ.

Cuông thở dài ở đoạn này. Anh nghĩ lơ mơ, lơ mợ.

-Có lẽ mình phải đi học chữ quốc ngữ!

Một ngày phiên chợ Bưởi, Cuông xách một con gà lên chợ bán. Con gà hư quá, ăn bún rất nhiều, mà lại đẻ trứng cách nhật, nên Cuông đem bán trống nó đi. Nó to xù xù, há mỏ kêu cục te cục tác cùng đường. Bán gà xong, anh đến một hàng xén. Anh có ý tránh những hàng có cô gái ngồi bán. Anh vào hàng một ông cụ già kèm nhèm mắt. Và anh mua một quyển "Lên sáu" năm xu. Anh thu gọn lỏn ngay quyển sách vào bụng áo, chẳng một ai nhìn thấy. Rồi anh ung dung về làng.

Cuông học chữ quốc ngữ liền từ tối hôm ấy. Thằng Tế là cháu anh, học trò lớp tư ngoài trường làng, dạy anh. Mỗi phiên, anh trả công thằng bé một xu, nó bằng lòng ngay. Bắt đầu anh lẩm nhẩm những chữ cái to thô lố - gọi là chữ cái có khác - một cách nhọc nhằn và hơi chán nản. Nhưng anh chỉ gắng, chịu khó vài bữa, đã học sang đến nửa vần bằng"ba be bê bi" rồi. Tối đến, dệt cửi đầu hôm xong, Cuông mang đèn ra ngoài hiên. Thằng Tế đã đợi sẵn ở đấy. Anh ngồi xổm, chăm chú chỉ từng chữ, theo ngón tay trỏ của thằng bé. Học đuổi nhau như vậy một lát. anh đã thuộc. Thằng bé đi ngủ, để anh ngồi lẩm nhẩm gật gù một mình. Khi đã thuộc kỹ, có thể gấp sách lại mà vẫn đọc được, anh mở vở ra. Anh nằm nhoài xuống, cong hai chân lên. Bút và mực đã sẵn đấy. Anh mắm môi, nheo mắt, nghiêng đầu tô từng cái"gậy" một. Hết hàng "gậy" này xuống hàng "gậy"khác. Cầm thì cầm úp ngòi bút xuống, chấm mực vừa phải và vạch cho khỏe. Nhiều khi tức ê ẩm cả ngực mà anh vẫn chịu khó nằm thẳng duỗi ra. Viết xong một trang, anh mới bò dậy, thở phèo một cái rõ mạnh, rồi gấp sách lại, đi ngủ. Bao giờ trước khi đi ngủ, anh cũng nghĩ đến những chữ nghĩa lủng củng, lôi thôi anh vừa học: "Nào t-a-ta,n-g-a-nga, lại n-g-h-e-nghẹ.." Và thể nào anh cũng tưởng tượng lan man đến một hôm nào đó, cái Nghiên đưa tờ thư của anh cho Mì.Cô nàng mở ra, vừa đọc vừa chớp đôi hàng mi. Anh không tư lự gì hơn nữa.

Anh Cuông rất chịu khó học. Nhưng anh giấu giếm cẩn thận việc học của anh. Bạn bè không ai biết, anh lại càng kín đáo hơn đối với cái Nghiên. Bởi vì to đầu mà còn đi học, anh rất sợ xấu hổ, và nhất là sự bí mật đến tai Mì thì hỏng bét cả. Mùa đông đã sang những ngày cuối. Cuông ngồi học phải quàng chân lên tận cổ. Nhưng anh cũng sắp thành công rồi. Bởi anh đã có thể chúm nghẹo mồm đi mà ậm ực đánh vần đến u-i-cờ-lét-a-uya, đến u-i-cờ-lét-uê-c-h-uếch, rồi...Trong giấc ngủ, lẫn với bóng dáng hình ảnh cô Mì yêu quý, lòng anh xốn xang hy vọng. Thế rồi, một đêm đầu mùa xuân. Cái không khíđầm ấm, cái phong thái nhàn nhã hãy còn phảng phất trong mỗi gia đình. Cuông khuân sách vở, bút mực ra ngoài hiên. Nhưng tối nay không có cu Tế. Anh ngồi gật gưỡng, ngả nghiêng cái đầu, mắt nhìn đăm đăm vào ngọn đèn. Thoáng mơ màng một vẻ nghĩ ngợi rất xa xôi. Phải, anh Cuông đương có điều nghĩ ngợi. Anh xếp bằng tròn hai chân ngồi nghiêm như ông Phật, qua hàng giờ im lặng. Rồi anh xé ở cuối vở ra một trang giấy. Anh đặt lên trên bìa sách, vuốt hai mép cho thực phẳng.Chàng từ từ nằm bò xuống. Cái bút chấm vào lọ mực tím, chàng cứ hí hoáy đưa ngòi bút. Chiếc ngòi bút sắt, bên ánh đèn, lấp loáng màu mực, đưa đi theo dòng kẻ, như ngượng nghịu reo lên cồn cột vì được gặp mặt tờ giấy trắng. Một chữ viết, lại ngừng. Một chữ viết,lại rụt rè xóa. Song Cuông đưa bút rất nắn nót, tề chỉnh. Có khi cố gắng và đam mê công việc quá, Cuông ngoẹo cổ, trợn lồi mắt lên, méo lệch mồm để đẩy chữ "o" cho được thực tròn trặn. Mặt giấy đầy dần dần được ba dòng, rồi bốn dòng, rồi bốn dòng rưỡi thì anh buông bút xuống, bâng khuâng ngó ra ngoài vườn. Bấy giờ đã khuya lắm. Vườn tre và vườn dừa láng một chút ánh trăng xế dịu dàng.Cuông cúi xuống, hai tay nâng tờ giấy, trầm ngâm nhìn mươi hàng chữ nằm ngổn ngang, trong những đường kẻ xanh. Nhưng khi anh lắp bắp đọc lại nho nhỏ thì mắt anh sáng lên. Những tiếng chữ lẫn với tiếng"ư", "a" bật ra miệng và cả ở đôi mắt, một cách rất khó nhọc, nhưng rất kính cẩn, thiêng liêng. Thành thử, những hàng chữ xấu xí và bề bộn cũng được lây ít nhiều khí sống mạnh mẽ, trở nên quý giá và đẹp đẽ lắm. Anh Cuông đã đọc lại xong. ồ, đó là một bức thư ngắn - mà dài cho người viết - để gửi cho người yêu. Thư của Cuông gửi cho em Mì.

Thư rằng:

Em Mì ơi! bấy lâu nay tôi vẫn trộm nhớ thầm mong em lắm. Chẳng biết em có biết cho không. Tôi viết thư này là chính của tôi viết cho em đấy. Em Mì ơi! gió đưa tờ giấy lên mây; gió đưa thư này bay đến nhà em. Em mà bắt được em nên trả lời. Trăm năm xin quyết cùng nhau chung một lời vàng đá.

Nguyễn Văn Cuông viết thư.

Thực là một công trình ghê gớm của Cuông. Anh đọc lại một lần nữa, rồi hơ giấy lên ngọn đèn cho chóng khô mực. Bấy giờ anh mới cẩn thận gập lại làm tư, để vào trong quyển vở, đem nhét xuống gối đầu giường. Ðã vào canh một, gà gáy lên te te. Vừng trăng đã khuất hẳn.

Thế là Cuông cắm cuối học từ ngày vào mùa đông, đến ngoài Tết Nguyên đán thì viết được trọn lá thư đưa cho Mì. Nhưng lá thư tình đầu tiên ấy không bao giờ được gửi cho ai. Bởi vì, ngày đầu mùa xuân đó, cô Mì đi lấy chồng. Cô lấy chồng người bên làng khác. Tất nhiên là Cuông không hay biết gì trước. Cho đến khi cái Nghiên lại nói chuyện với anh thì đã muộn hẳn hoi rồi. Anh không thể dám oánai được. Bởi anh chưa có ai để mà oán hận.

Lá thư tình vô duyên nằm buồn thiu trong mép bím(*) anh được mấy hôm.Những nếp gấp đã lên nước mồ hôi mà đen xỉn lại. Một đêm, anh châm đèn lên, kề tờ giấy vào ngọn lửa mà đốt đi. Ðôi mí mắt nặng sụp xuống.

Rồi mọi người xung quanh đều biết rằng tự nhiên mà Cuông thông thạo đọc và viết nhoang nhoáng được chữ quốc ngữ.

Nhưng anh buồn lắm. Cả ngày anh chỉ giải khuây mối hận kín đáo bằng cách đọc truyện Kim-Vân-Kiều.Một hôm, anh nói với cô em:

-Truyện Kiều hay lắm. trong ấy có nhiều câu buồn ghê!

Nghiên cười:

-Ðộ còn chị Mì ở nhà, chị ấy cũng thích đọc truyện Kiều. Hoài của,giá ngày trước em làm mối cho anh nhỉ!

(1942)

(*)bím: cái ví

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.