Bớt vừa đi vào đến giữa sân, bà Ngải ngồi trong nhà đã chì chiết:
- Sao chị chả đi chơi lấy một lúc nữa hãy về, cơm nước đã có con già ở nhà nó thổi!
Bớt đang hớn hở bỗng sững lại. Bớt đi tát cá cả buổi hôm, Bớt có đi chơi đâu mà mẹ cũng mắng. Bớt vùng vằng, vất cái giỏ lấm như trát bùn xuống đất. Cái giỏ lăn chiêng, một con cá trê từ trong giỏ rơi ra, quẫy đành đạch. Con mèo mướp từ nãy vẫn khoanh tròn trên đầu hè lim dim ngủ, lúc này bỗng nhảy vụt ra như một mũi tên, gừ gừ sắp sửa vồ lấy con cá.
Bà Ngải cuống quít hét lên the thé:
- Kìa! Mèo nó vồ cá kia! Bớt!...
Bớt chộp lại được con cá nhét vào giỏ rồi, bà vẫn còn thở hồng hộc chưa thôi.
- Cha tiên nhân quân trắng mắt! Quân trắng mắt nó ra gan với tôi! Suýt nữa không có tôi thì con mèo nó vồ mất con cá!
Những cơn chửi mắng vô lý thế, chẳng mấy ngày là Bớt không phải chịu. Thường mẹ mắng, Bớt chỉ lặng im. Bớt quen rồi. Mẹ chửi quá thì Bớt bỏ đi, sang hàng xóm vá vẩn hộ bà cụ Xã, hoặc đi kiếm lá hòe về vò đầu trốc cho con chị Hồi. Ði chán chốc về, mẹ lại có cớ chửi cái tội con gái đi ngồi lê, mẹ chửi thêm cho một chập nữa.
Song cũng có những lúc Bớt tủi thân muốn. Ấy là lúc mẹ âu yếm chị Nở, âu yếm thằng Tấn, đối xử chênh lệch hẳn với Bớt. Thằng Tấn là con giai, nó lại là em Bớt. Bớt chả thèm suy tị nó làm gì, nhưng đối với chị Nở thì sao...? Thì sao mẹ lại thế? Này nhé, có những hôm Bớt đi cắt cỏ về, giời thì nắng, mắt Bớt hoa lên, cổ khe khé, người hầm hập nóng, nóng như than và mặt, mắt đỏ dứ đỏ dừ. Bớt cảm. Nhũng lúc ấy mẹ đã không thương Bớt thì chớ, mẹ còn lườm còn nguýt Bớt, làm như Bớt chỉ giả ốm đau để mà trốn việc! Mẹ kể lể:
- Ôi dào! "con gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu", ngày xưa tôi bằng tuổi các chị, đố ai bắt được tôi nhức đầu, xổ mũi lấy một buổi.
Nhưng chị Nở, giá đi về có hơi hu hi, mẹ đã giục chị lên giường nằm, rối rít sai Bớt đi nấu cháo, đi rang cám, đánh cảm cho chị. Thỉnh thoảng nhà mua được ít đường ngoài hàng hợp tác, mẹ lại dành dụm cho chị Nở. "Chị mày nó nhiệt, có tí đường để cho nó hòa với bột sắn sống nó uống. Mày thì nồi bảy quăng ra, nồi ba quăng vào, hàn nhiệt gì mà phải ăn đường nào?".
Chị Nở đi đâu, mẹ cũng phần cơm, phần canh cho cẩn thận. Chị Nở về, chỉ việc trèo lên giường, chĩnh chệ ngồi ăn, hiềm nào! Còn Bớt đi thì đi, về thì về, mẹ mặc thây. Mẹ không phần. Ðói, Bớt phải đi lục niêu vét cơm nguội ăn. Mẹ lại ngồi kể xấu Bớt:
- Rõ đẹp mặt con gái chưa kìa! Chửa về đến nhà đã hục vào buồng, cạo nồi xoèn xoẹt? Cứ bảo sao tao lắm điều? Con gái, con đứa, ăn uống xấu thói thế, ở nhà mẹ không dạy, mai kia đi lấy chồng, nhà chồng nó lại không đào mồ cuốc mả lên nó chửi, tao chớ kể!.
Bớt đi ngang qua chỗ mẹ, mẹ cũng nhìn theo chê bai:
- Con cái Bớt này giống bà Dẫn ngoài đó, hai cái chân thì dài như chân cò dóc; ngồi, đầu gối quá tai; má thì má có bớt; mũi, mũi nhòm mồm chỉ có ăn; miệng thì miệng chum chúm thổi lửa, hơi ai nói gì, ngồi ngoài cũng hơn hớt hơn hớt cái miệng nói leo được. Người hình dạng đã xấu, có cái nết thì mười nết bỏ đi cả mười, khổ thân đời nó vậy.
Một lần chị Nở với Bớt đi cất vó tôm. Ði một lúc buổi tối, về được lưng cái rá nhỡ tôm, toàn những con tôm càng to tướng, nhảy tanh tách, chị em rủ nhau bỏ vào rổ, trên đậy sàng cạp chặt, xong đem thả lơ lửng xuống ao, sáng mai đem đi chợ bán. Sáng mai, mẻ tôm chỉ còn vài chục con, rang lên khéo chỉ được một đĩa. Mẹ tiếc của chửi mãi. Mẹ không chửi cả hai, chỉ nhè một Bớt chửi. Nở đã không bị sao còn nói hùn vào, đổ tại Bớt tối qua đi sống, đã đốt đèn lại nói oang oang, để lão Nhờ nhà bên kia ao nghe thấy, đêm khéo lão lần sang lão đổ mất.
Cả con ngan thằng Tấn mua về nuôi cũng thế. Ðược hôm trước, hôm sau mở cửa chuồng, đã thấy con ngan nằm chết cứng giữa chuồng, cái mình màu vàng nghệ bẹp dí xuống đất. Mẹ lại nghiến ngẩm Bớt, đổ chỉ tại hai con ngan lớn của Bớt nuôi riêng, vật cũng giống chủ ác, giẫm chết con ngan bé!
Những chuyện bất công ấy, giá Bớt có phàn nàn thì mẹ đã ầm lên:
- Phải rồi! Mày cứ chửi tao đi. Tao chỉ con yêu con ghét thế thôi. Mày cũng là con tao đẻ ra, mày có làm sao, tao mới ghét mày chứ!
- Rồi mẹ ngồi mẹ so. Nào là Bớt vô ý vô tứ. Bớt cục cằn, Bớt hay đi ngồi lê, hay cãi mẹ... Thôi thì hàng thúng tội. Còn chị Nở thì khôn ngoan. Chị Nở nhiệm nhặt. Chị Nở biết thương mẹ, quý mẹ, vun vén cho mẹ.
-... Cái đứa khôn, có phải ai dạy nó mới khôn. Con cái Nở năm nó mới lên năm, bé lũn chũn vừa bằng cái nấm, ấy thế nhưng ra đồng thế này, gặp nhà ai rỡ khoai, con bé cũng tìm cách lần vào, xin. Người ta thấy con bé bẻo lẻo thì người ta lại cho, chốc con bé đã kệ nệ ôm về năm, bảy củ to kếch. Còn Bớt ấy à? Nhà đáng có thứ gì cất kỹ trong buồng, ai đến hỏi, mẹ còn đang chối không, con đã tông tốc đem ra cho người ta; người tử tế họ vay họ còn giả, phải cái người tham là thôi, mình mất không. Con, có đứa làm giàu làm có, lại có đứa chỉ có làm hại... Ðấy, cứ bảo sao con yêu con ghét?
Từ sau ngày chị Nở đi học lớp ươm tơ một tháng về, ra làm ở đội chăn.nuôi, mẹ lại càng quý chị. Trời mưa, mẹ thương chị đi hái dâu, ướt át tội nghiệp. Trời nắng, mẹ chép miệng chèm chẹp:
- Tội con bé? Nắng này mà ngồi ươm được mẻ tơ thì còn gì là hơi sức. Chỗ ươm tơ tao vào rồi, tao biết. Chỉ có ba gian, cũng kích thước như ba gian nhà này mà đây một lò, kia một lò, bảy, tám lò ươm, toàn lò đun than, các cô thợ ươm, cô nào cô nấy mồ hôi cứ đẵm như tắm. Chả trách con cái Nở này ăn không ăn được, gầy rộc đi đêm tao sờ, trên lưng nó phải có đến trăm cái mụn đầu đanh - đến đây mẹ lại lườm Bớt -Thế giá có bảo nhường nhịn cho con bé ít đường, mặt nó đã sưng lên bằng cái thớt!
Mẹ làm như cả nhà đói hay no là trông cả vào số điểm chị Nở làm ra, còn công Bớt chăn trâu, cắt cỏ, công Bớt đi mò, đi tát, đi cất vó, bỏ chỗ - chả ngày nào là ngày không được cá, được cua, hết bán lại ăn - thì mẹ không kể.
Bớt càng lớn lên, mẹ càng ghét Bớt. "Con gái đâu có con gái mười đêm đi ngủ lang cả chín, tao sợ lại không có ngày mà bôi gio trát trấu vào mặt tao ấy à?" Mẹ nhiếc thì nhiếc; Bớt vào dân quân, Bớt phải đi ngủ tập trung, ban đêm còn canh phòng tuần tiễu trong làng với chị em, Bớt chả làm chuyện gì xấu. Mẹ chửi Bớt: "Cha tông môn quân trắng mắt! Quân trắng mắt, việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng", Bớt chỉ lặng thinh, càng hùng hục làm cho mau việc nhà, nhưng đến lúc đứng lên đi họp, mẹ vẫn không hết chửi. Làm thế nào được? Ðoàn phân công cho Bớt công tác, Bớt phải làm, không lẽ Bớt bỏ? Mẹ chê tướng Bớt đi như tướng đàn ông, đúng tướng khổ, khổ thì khổ, Bớt là quân báo. Bớt còn tập sao cho Bớt đi nhanh nữa, đi nhanh như bay. Ðêm, mẹ nằm nhà, mẹ không biết: "anh" quân báo, ban đêm, bất cứ lúc nào, hễ có lệnh ới một tiếng là đã phải vùng dậy đi ngay. Không phải đi mà là chạy. Chạy sao cho từ xã lên huyện, lại từ huyện đem lệnh về xã, chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, đi cho có tướng nhàn thì có mà... hỏng việc!
Chị Nở đã được mẹ chiều, lại càng hay về hùa ton hót với mẹ:
- Bu có bảo cái Bớt thế nào không? Tối qua họp đội bên sân kho, ông Thanh ăn cắp thóc của đội hay không thì kệ ông ấy, nó cũng nói. Nói, bà ấy mới chửi cho: "chị có bắt được tay, day được tóc chồng tôi không mà chị nói?". Bu bảo thế nó có dơ không?
Mẹ nghe chị Nở, mẹ lại lườm, chửi Bớt:
- Thế mới đẹp mặt giống mỏng môi ! cứ để người ta đánh, người ta xé nó ra, cho nó chừa cái tính hay hớt!
Mẹ chửi rồi, mẹ vẫn còn tức. Không chỉ tức một cái nhẽ "để vợ ông Thanh chửi cho" mà còn tức vì nhiều nhẽ khác. Ừ, của - của hợp tác - ai khiến nó mà nó lanh chanh nó giữ? Cái năm nọ cũng thế. Mùa đến, con người ta đi mót đông mót tây cả, con nhà mình, ai giục, chỉ được mỗi cái Nở chịu đi (mà con bé đã đi là nó phải mót được bằng người ta chứ nó không chịu kém). Còn cái Bớt đã không đi, nó còn quay cổ lại nó đe con cái Nở: "Chị cứ đi đi, hôm nào sinh hoạt đội, tôi đưa ra!" Nó đe là con cái Nở lại sợ, lại rụt vào không dám đi. Con đâu có con tai hại!
Chị Nở lại xúi mẹ: Bớt đã khỏe đi họp, đi công tác thế, mẹ cứ cho phắt Bớt ra ăn riêng. Tưởng mẹ với chị nói đùa, Bớt cũng cười ngay thật:
- Ðược! Bu cứ chia thóc ra cho tôi, mai tôi ăn riêng ngay. Mẹ chửi:
- Ðừng có mà đòi tao chia thóc, tao vạc mặt ra bây giờ.
Chị Nở hùa vào:
- Mày làm điểm à? Ðiểm của con, còn thóc của bu, bu nhỉ?
- Phải rồi! Mai mấy đứa thổi cơm, dứt khoát đừng thổi cho con Bớt. Nó ở đâu có cơm ăn, đi công tác được thì nó ở. Tao già rồi, việc gì tao phải còm cọm làm nuôi báo cô nó mãi.
Người lành thì ra dễ cục. Bớt tức, khóc ầm ĩ:
- Bu đừng có con yêu con ghét? Ðược, đã thế xem sau này bu già, một mình cái Nở có nuôi được bu không, hay lúc ấy lại phải gọi đến tôi?.. Nay bu dọa đuổi ra ăn riêng, mai bu dọa đuổi ra ăn riêng... Tôi đi công tác chứ tôi có đi đánh đĩ?...
Bà mẹ cười khẩy:
- Phải, tôi chỉ đối xử thế thôi. Chị tức thì chị đâm đầu xuống sông, xuống ao kia mà chết. À, chị lại đe tôi nữa kia! Mai sau tôi già cái Nở, thằng Tấn nó không nuôi nổi tôi thì tôi đi ăn mày thiên hạ tôi sống, tôi không thèm nhờ cái mặt chị đâu, tôi bảo cho chị biết thế...
2
Sang năm sau, cả Bớt và Nở đều đi lấy chồng. Nở lấy chồng bên kia sông - đám mà bà Ngải vẫn thường khoe với bà con một cách hãnh diện:
Ðám này nhà cháu nể nhời bà Lân bên ấy quá, phiên chợ trước, nhà cháu có rẽ vào... Vâng, cũng phải xem cửa xem nhà thế nào mới dám định đoạt cho cháu chứ ạ! Nhà bên ấy cũng còn lợp rạ, nhưng nhà xây năm gian, cửa toàn cửa kiểu mới, chả có kiểu cổ cửa bức bàn như ta thế này đâu. Ấy, hôm nọ bà Lân lại sang, nhà cháu cũng tiền tiện thế nào xong thôi, chỉ xin đôi hoa tai, cái nhẫn, hai thứ hai đồng cân, đôi áo bô-lin, đôi quần lụa, cái khăn len, cái áo len. Còn tiền mặt thì xin ba trăm. Ba trăm chỉ vào khoản giầu nước, với lại thế nào cũng phải chạy lấy dăm, ba mâm mời bà con trong họ khéo thiếu đấy ạ? Bà tính đời người mới có một lần, tôi cũng xin cho cháu gọi là cho cháu khỏi tủi... Không ạ! Ông bà bên ấy ưng ngay. Hoa, nhẫn thì người ta đã sắm trước - từ những ngày vàng mới lên năm mươi. Bảo chỉ khó có cái khăn len, đằng mười sáu đồng hai hào, đi tìm khắp mấy cửa hàng, lên cả cửa hàng bách hóa trên huyện cũng không có, chỉ có đằng mười hai đồng bốn hào, xấu hơn, họ lại không dám mua, lại nhờ bà Lân sang nói hay là họ gửi tiền, nhưng cháu nó không nhận.
Ấy là đám cưới cô con gái lớn. Nhưng đến đám cưới Bớt giá có ai nhắc đến, là bà Ngải mặt đã tái ngăn ngắt:
- Tôi có gả bán đâu, bà? Tôi không thừa con tôi gả cho đứa không cha, không mẹ, không cửa, không nhà cơ mà! Nói, bà tha phép, tôi bảo con cái Bớt: Ðấy, mày dại đi theo nó thì mày cứ theo, nhưng đừng có mở mồm xin tao một xu tao cũng không thí cho đâu... Ôi dào! Bà bảo cán bộ xã còn chả ăn ai nữa là cán bộ đội sản xuất! Nếu có tử tế, nó đã chả tự do đem con Bớt lên xã đăng ký...
* * *
Ba năm sau, Tấn đi bộ đội. Dạo ấy, Nở mới đẻ đứa thứ hai. Bà Ngải vét tất hai ổ gà đẻ, mua thêm nữa đầy đủ năm chục trứng xếp vào cái bị có lót trấu, lễ mễ xách sang cho con gái. Tưởng ở chơi với cháu dăm ba bảy ngày đỡ nhớ rồi về, chẳng ngờ con rể, con gái giữ ở dịt. Bà giẫy lên:
- Còn gà, lợn của tao ở nhà?
Gà, lợn thì con rể dồn vào một gánh - bên rọ lợn, bên lồng gà gánh cả sang bên này nuôi khó gì.
Mùa đến, bà cụ cuống cuồng:
- Cho tao về, tao còn gặt ruộng phần trăm, còn xem hợp tác chia chác thóc lúa ra sao, rồi mùa tao lại sang, chứ bắt tao ở đây bây giờ thì tao chết.
Con gái, con rể lại thu xếp khéo léo:
-... Ruộng phần trăm - cả phần của cậu Tấn - được năm miếng chứ gì thì gặt mấy lúc! Còn thóc lúa hợp tác xã chia cho, bao nhiêu đã có phương án, giấy trắng mực đen rành rành đấy rồi, ai bớt xén được? Bà không phải về, để chúng con về, chỉ vài buổi là xong, được bao nhiêu, chúng con gánh tất sang đây, quây riêng ra cho bà, bà giữ.
Ðấy được hai cái mùa còn rành mạch, của mẹ riêng, của con riêng, chưa có chuyện gì xảy ra cả. Nhưng dần dà, lúa thóc của bà gộp lại với nhà nó lúc nào không biết. Con lợn nuôi đến cuối năm đem bán - nào có bán cho Nhà nước, lại bán thầm bán vụng cho mấy anh chuyên đi giết lợn lậu! - được một trăm bốn chục đồng. Món tiền ấy bà giữ trong người khéo chỉ được nửa tháng, rồi thì con gái vay, con rể vay, nay năm đồng, mai một chục, quanh quẩn mà rồi hết nhẵn.
Cho đến một hôm, ấy là hôm bà cụ nhận được thư của cậu con trai. Trước khi đi xa, Tấn gửi thư về xin mẹ một trăm đồng để mua đồng hồ với mấy thứ lặt vặt. Bà cụ quýnh lên, hỏi Nở. Nở làm ra bộ ngơ ngác:
- Tiền gì bà nhỉ?
Bà cụ gắt lên:
- Tiền bán lợn chứ còn tiền gì. Phiên chợ hôm mười sáu tháng giêng, chị hỏi vay tôi mười đồng, tôi đưa chị hai tờ giấy năm đồng thì một tờ có vết mực tím. Ðến phiên chợ hôm mười một tháng hai, anh ấy lại hỏi vay mười lăm đồng, bảo đi mua cái gì? có phải cái dũi dũi cắt tóc không nhỉ?... Lại cái hôm có ông cụ bên Sở...
Nở ngắt ngang:
- Con tưởng bà sang ở bên này với chúng con, tiền nong, thóc lúa mẹ con có gì thì tiêu chung, chứ ai biết đâu bà lại...
Bà cụ choáng cả người. Nó nói thế là làm sao? Chả có nhẽ ngay con gái mình nó cũng định cướp không của mình con lợn với mấy chục thùng thóc. Ruột bà nóng điên lên, bà bỏ bữa cơm trưa hôm ấy không ăn. Nở cũng lờ đi, bế con đi chơi hàng xóm. Ðợi đến tối, con rể về, bà lại hỏi, hy vọng nó là đàn ông biết điều, chắc nó phải thu xếp nó giả. Nhưng thằng chồng cũng chẳng hơn gì con vợ. Nó cũng làm bộ ra ngơ ngẩn - ngơ ngẩn ăn người - hỏi lại vợ:
- Kìa mình? Tiền gì mà mình nợ bà nhỉ?
Vợ nó nói buông xõng:
- Nợ gì? Bà muốn đòi thì đòi chứ nợ gì?
Bà cụ khóc lóc, làm toáng lên. Nghĩ tức mất của thì ít, mà tức con gái, con rể thì nhiều. Chẳng thà nó xin, nó lại dáo dở! làm toáng lên thì chỉ mệt bà; một đồng cũng không cạy được ở chúng nó. Thằng chồng còn hầm hầm chửi vợ:
- Ông đã bảo mày rồi, có sai đâu, rằng mấy đứa bé ấy thì tống nó vào nhà trẻ hợp tác! Cứ vẽ sự, để bây giờ điếc tai ông, điếc tai hàng xóm.
Nó chửi vợ nó thế là nó chửi mình rồi còn gì? Bà cụ điên tiết, chửi con rể, con gái một thôi, xong cắp quần áo về ngay tức khắc hôm ấy.
Về đến nhà, việc đầu tiên là bà cụ nhờ một em học sinh gần nhà viết cho bà một lá đơn - lá đơn thật dài kể các chi kỳ việc, kể hết.
Ðơn được viết xong, bà gấp cất đi cẩn thận, định bụng mai thứ hai, Ủy ban huyện làm việc là bà lên tận nơi đưa đơn. Ðúng lúc ấy thì Bớt tìm đến.
Từ khi đi lấy chồng, dù ở đầu làng - cuối làng, Bớt cũng ít khi về nhà thăm mẹ. Bớt không giận gì mẹ, nhưng cứ nghĩ đến cái đận đi lấy chồng nhục nhã thì Bớt lại buồn tênh, lại chả muốn về chơi làm gì. Anh Sâm, hồi chưa đi nhập ngũ có lần cũng bảo với Bớt:
- Mẹ đã rẻ rúng thế thì thôi, đến in ít chứ. Ðến luôn, có khi mẹ lại tưởng hay là mình định bòn rút gì mà đến, thật đấy. Cứ để khi nào mẹ già mẹ yếu, không làm gì được nữa, lúc ấy mình hãy đến. Cần thì mình đem mẹ về, san sẻ nuôi mẹ. Tôi không phải cái đứa mẹ mày mẹ tao đâu, cô không phải lo.
Cho nên lần này, nghe biết chuyện, Bớt lật đật đến ngay. Vừa ngồi xuống phản Bớt đã hỏi mẹ:
- Bu định... bu định kiện chị Nở hay sao đấy?
Giá là ai khác, có lẽ bà cụ đã kể ra rông rốc một thôi. Kể cho nó hả, với để tìm lấy một thái độ đồng tình. Nhưng đằng này lại là Bớt: "Khổ! Xưa nay thì mình vẫn cứ ngỡ con cái Nở nó hiếu nghĩa!".
Bớt mở ghim băng, rút ở túi ra một cuộn tiền đưa cho mẹ. Thoạt đầu bà lão còn ngẩn ngơ, chưa chi đã ngờ cái Nở nó nghĩ lại, nó gửi tiền sang cho em nó giả mình? Nhưng đến khi Bớt bảo là "tiền Bớt bán đi ổ lợn chín con với một mớ ba mươi quả mít cho người ta buôn, bòn tất cả được trăm mốt bạc, đem lên xem bà có cần gửi đi cho cậu Tấn" thì bà cụ khóc, khóc rưng rức, và nhất định đẩy cuộn tiền ra, không lấy. Bà cụ muốn kêu lên rên rỉ: "Ôi! Xưa nay mẹ đối xử với con bất công, giờ mẹ lại cầm tiền của con thì ra mẹ là giống chó".
Bớt nhặt cuộn tiền, cố nhét vào túi áo mẹ:
- Còn kiện cáo thì thôi thôi, bu nghe con, chuyện mẹ con trong nhà, bu bới ra làm gì, rồi người ta cười cho chả bõ - Bớt đứng dậy cười to. Ðấy rồi bu xem, đố rồi chị ấy có bỏ được bu, bu có bỏ được chị ấy.
3
Vài hôm sau, bà cụ Ngải khóa cửa, xuống cuối làng ở với mẹ con Bớt, ngày nọ - ngày bà cụ còn ghét bỏ con gái ấy - thoạt nghe tin con rể đi bộ đội, lại nghe con gái được cử ra thay, làm đội phó đội sản xuất, thì bà cụ đã cười, mỉa mai:
- Con Bớt mà cũng làm đội phó, chả trách làng này bây giờ hết người!
Và cứ nghĩ đến cái tính lành chanh của Bớt ngày bé, bà cụ lại lẩm bẩm:
- Rõ mới thối!
Ngày ấy cũng có người đã hỏi:
- Sao bà không xuống trông cháu, đỡ dần cho cô Bớt? Chú ấy thì đi bộ đội vắng, cô ấy thì bận công tác đi suốt ngày, lại con cái...?
Bà cụ chỉ lặng thinh hoặc gượng gạo đổ lỗi cho con rể, con gái:
- Chị ấy có thèm nhờ đến tôi đâu? Cả anh ấy nữa, khi đi chẳng thà anh ấy bảo tôi lấy một câu "nhờ bà ở nhà" hay là sao? Ðã không nhờ đến tôi thì thôi, tội gì tôi lại phải ngửa tay ra xin việc ấy nhỉ?
Nhưng bây giờ, thoạt bước chân vào sân nhà Bớt, nhìn cái nhà khóa cửa để đấy, cái bếp thì gà qué bới tung hoăng, trấu lộn với gio, cái vung đất vỡ làm đôi nằm lăn lóc bên mấy ông đồ lốc, còn hai đứa bé, chả hiểu mẹ nó gửi nhóm trẻ ở tận đâu thì bà cũng nhận ra mình bây giờ mới đến với mẹ con nó là muộn quá.
Ừ, hoàn cảnh như con cái Nở thì việc gì mình phải đến bế con nó giúp nào? Không phải vợ chồng nó dáo dở với bà rồi bà mới nghĩ thế, nhưng cái Nở thì công tác gì, còn thằng chồng nó béo khỏe như vâm, cứ đợt nghe sắp tuyển binh, lại thấy nó nhăn nhó kêu đau tim, với thấp khớp... mưu mẹo trốn nghĩa vụ đấy!
Thấy mẹ đem quần áo, nồi niêu đến ở chung, Bớt rất mừng. Nhưng chị cố gặng mẹ cho hết lẽ:
- Bu nghĩ kỹ đi. Chẳng có sau này lại phiền bu ra, như chị Nở thì con không muốn...
Nghe con nhắc thế thì bà cụ lại ngượng. Bà cụ gượng cười:
- Mày khác, nó khác. Với có gì mà phải nghĩ hở con? Ðây này, bu cứ tính thế này: bao giờ đánh xong thằng Mỹ; bố con Hiên với cậu Tấn nó về, lúc bấy giờ ở đâu rồi hãy hay. Còn bây giờ thì bu cứ ở đây với mẹ con mày, chứ bu ở trên ấy một mình vong vóng cũng buồn, mà mẹ con mày dưới này thì lại bấn quá. Mày thì đã lắm thứ công tác. Lại còn lo làm lấy điểm lấy thóc nuôi con...
Từ ngày có bà đến ở chung, Bớt như người được cất đi một nửa gánh nặng trên vai. Giờ Bớt chỉ còn lo công tác với ra đồng làm, giá có phải đi họp hay đi học dăm, bảy ngày liền như lớp học chống sâu bệnh cho lúa vừa rồi, là Bớt có thể yên trí đùm gạo đi được, không phải như cái đận ngày xưa vừa họp đấy, mà bụng thì nôn lên với mấy đứa con còn vất vạ ra ở nhà, gửi liều cho hàng xóm. Mấy đứa trẻ được bà trông, chỉ vài tháng đã lớn, béo ra trông thấy. Cái Hiên con đã chập chững bước nhanh, cứ bà đi trước, cháu đi sau, hai bắp chân có ngấn, lảo đảo như anh say rượu. Còn con Hiên lớn, giống mẹ ngày xưa như đổ khuôn, da cũng ngăm ngăm đen, lông mày cũng rậm cũng to chỉ khác má không có cái bớt. Tội con bé, cả cái tính lủi thủi hay làm cũng giống mẹ. Mới bốn tuổi đầu đã nhớn nhao gì, cứ cái xảo với cái liềm cùn, lê la một mình ngoài ngõ cắt cỏ. Cắt được một dúm cỏ cháu lại khệ nệ bê xảo về, đổ vào chuồng lợn, bắt chước người lớn làm phân đấy. Bà sợ cháu mỏi tay, gọi cháu về ăn hạt mít, cháu mải cắt không về, bà nghĩ thương (có phải chỉ thương nó, mà là bà thương cái hình bóng ngày xưa của mẹ nó), bà lại ôm cháu, nựng:
- Cháu bà chăm làm quá? Mai kia hợp tác cân phân, đổi cho thóc, bà bảo mẹ mày cho hai đồng, bà cháu ta đi chợ mua đôi ngan con về nuôi, công cái Hiên cắt cỏ bỏ lợn nhỉ.
Chiều về, nghe bà kể chuyện, Bớt móc túi chìa ra cho con hai con niềng niễng chị vừa bắt được ở ngoài ruộng.
- Ðây con ngoan, mẹ cho con. Ừ, con đưa bà, chốc bà nấu cám bà nướng cho. Ðừng ăn sống. giun sống, nó vào nó đục bụng cho đấy, Hiên ạ?
Bớt kéo con vào lòng, vạch tóc con ra, và chỉ vào cái sẹo to bằng cái trôn bát ở gần đỉnh đầu, vô tình kể với bà:
- Còn bố nó ở nhà, bố nó thương con này nhất, bố nó cứ bảo: Tội! Con gái xấu xí.
Bà cụ thở dài, và buột ra cái điều mà bà vẫn lấy làm ân hận:
- Ừ, đáng ra thì thế, con nào chả là con. Có mẹ cổ nhân cổ sơ, ngày xưa mẹ mới dọa ra thế chứ!
Bớt vội buông bé Hiên, ôm lấy vai mẹ:
- Ô hay? Con có nói gì đâu, sao bu cứ nghĩ ngợi thế nhỉ.
1966-1974
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com