chan_dung-ke_si

CON THÚ TẬT NGUYỀN - Truyện ngắn Ngụy Ngữ

07-10-2023

Lượt xem 1975

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Ngụy Ngữ

CON THÚ TẬT NGUYỀN - Truyện ngắn Ngụy Ngữ

Nhà văn Ngụy Ngữ (trái) và nhà văn Lê Lựu. 

Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Ngụy Ngữ (1947-2022) được biết đến nhiều hơn với vai trò biên kịch. Ông là người viết kịch bản của các phim Gái nhảy, Cha con đậu đũa (truyện ngắn Nguyên Hương), Ai xuôi vạn lý, Xóm nước đen, Bụi hồng, Cánh đồng bất tận (truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư), ...

Ông và nhà văn Lê Lựu (ảnh trên) là hai nhà văn có tác phẩm được đạo diễn Hồ Quang Minh chuyển thể thành phim điện ảnh trong tổng số bốn phim điện ảnh mà vị đạo diễn này từng làm trong toàn bộ sự nghiệp điện ảnh của mình, nhưng riêng nhà văn Ngụy Ngữ đã có tới hai kịch bản, Con thú tật nguyền, Bụi Hồng.

 

Qua khỏi cánh đồng, đường nhựa dần vươn cao nổi lên cây cầu sắt gẫy, xe rẽ xuống một con đường đất đỏ đã vữa ra lầy lội trong mưa, chạy chúi xuống bờ sông vào cầu phà. Những khớp sắt giữa lòng cầu rên lên dưới bánh xe đinh đõi. Mặt nước sông trắng bạc căng cao. Vài ba người lính trùm kín pông-sô đứng trên lề cầu ngó lên xe, nhưng đôi mắt sáng xa khuất rơi lại phía sau. Xe chạy chậm, tiếng động cơ lừ khừ mỏi mệt, khó khăn vượt qua quãng đường lầy nối đầu múi cầu rồi qua con đường cao trải đá cuội lam nham chạy dọc vào khu phố. Thi ngồi trước ca bin ngoái cổ lại hỏi gì đó sau tấm vải nhựa, tôi gật đầu nhiều lần. Con đường dàn rộng ra giữa hai hàng cây sầu đông nối dài. Khe phố dựng chênh cao trên bờ sông. Những mái ngói mái tôn đục ngầu san sát tiếp vào nhau, những cánh cửa khép lại trong giấc ngủ mỏi mệt lẩn trốn. Mưa dăng chùng khuất phía trước. Xe lê lết gập ghềnh. Trên xe không có vải bạt che, nước mưa đổ xuống chảy lõng bõng quanh quan tài Bình. Trên nắp quan tài, những cây nến đã cháy hết. Nhiều cây đổ xuống lăn lóc qua lại. Chị Nga vẫn ngồi im lặng như lúc mới lên xe. Chiếc nón rộng chụp xuống, thân thể giấu kín sau lớp vải dầu xanh úa. Bàn tay ôm vào góc áo quan. Tôi vẫn đứng bám hai cánh tay vào sườn xe lạnh buốt nhìn xuống chung quanh, quần áo ướt đầm đìa. Nước mưa từ tóc, trán, chảy xối vào mặt vào miệng. Chốc chốc tôi đưa tay vuốt ngang qua, kéo tóc lại đằng sau ngửa mặt lên cao. Khung trời trắng đục nhòe nhoẹt. Ở đâu đó đang có một mặt trời. Đâu đó, ngày Bình trở về. Đứa con hận thù trở về. Tôi kéo cổ áo vén tay áo lên cao. Bắp thịt trần rám nắng ngả xám ngoét hàng chữ chạm bằng mực: Ra đi vì đời. Bình ra đi. Một cành cây sầu đông không lá quất ngang vào mặt tôi. Tôi yên lặng, nhắm mắt lại, gục đầu xuống. Vết roi như đánh thức dậy những cảm giác đê mê dồn trong thịt da. Tôi cắn chặt hàm răng, mím môi lại. Chị Nga vẫn ngồi im lìm bấu vào áo quan tài. Thi hỏi gì đó. Tôi đứng trở lại, nhìn xuống đường. Xe đã đến cuối phố. Tôi đấm mạnh trên vải bạt che ca bin; xe ngừng trước một chiếc quán nằm bên bến đá dốc cao. Cánh cửa quán được chống hững lên. Vài ba người khách co ro ngó ra. Tôi chậm chạp cúi xuống. Chị Nga vẫn im lặng như không hay biết gì. Tôi gọi:

Chị Nga, chị Nga.

Tiếng gọi dính vào lớp nước miếng sánh đặc, không thoát ra ngoài được. Tôi vỗ vào vai chị, cố gọi lớn hơn. Chị, chị Nga, đến rồi này.

Chị Nga ngẩng lên, nhích người tựa vào thành xe. Đôi mắt ngơ ngác như một người ngủ mê vừa được đánh thức dậy. Khuôn mặt tái mét, mái tóc rã rượi đổ xuống. Đôi mắt bất động vắng vẻ, môi khẽ mấp máy, tiếng gọi thoát ra hờ hững. Bình, Bình, rồi tiếng khóc nối theo, dâng lên đột ngột, lâu dài. Bình ơi, Bình à à à. Đầu chị đổ gập xuống, bàn tay bấu chặt lớp gỗ, vai rung rung dưới lớp vải áo mưa. Tôi xốc tay vào nách nâng chị dậy. Khối thịt nặng nề mềm nhũn. Mày có thể ngủ với nó một đêm, nhưng đừng về kể với tao, tao ghét đàn bà... Nước mưa từ chót tóc chấm vào mắt cay xè. Tôi đưa cánh tay trần quệt nhanh qua. Chị Nga. Khối thịt gục xuống. Tôi lại cố nâng lên. Những bắp thịt trên cánh tay hiện rõ, hàng chữ chìm sau lớp da, tiếng khóc trên cánh tay. Ra đi vì đời. Vì đời, vì cái gì? Tôi không đủ sức để nhớ nữa. Vì, không vì cái gì cả. Bình đi, Bình à. Cánh tay chuyển rung rung theo khối thịt. Tiếng khóc văng vẳng như từ một nơi xa xôi nào đưa về, tiếng gọi lê thê đánh thức khu phố dậy. Một cánh tay tôi bám vào sườn xe, một tay giữ lấy chị Nga. Khu phố chạy dài vài ba cánh cửa mở. Vài ba người khoác áo tơi chậm chạp đi đến. Rồi những cánh cửa khác, những người khác tụ lại. Con trai, con gái, đàn ông, đàn bà, những màu áo lạnh. Những khuôn mặt ngửa ra, những đôi mắt ngước lên trong cơn mưa cuối mùa se sắt lạnh buốt. Mái tóc chị Nga bết nước phủ trùm cả mặt. Bình ơi... Bình... Có ai tên Bình giữa đám người vây quanh đó không. Bình, Bình, ai đâu đó đang mang tên Bình. Ra đi vì đời. Một cơn gió kéo mưa từ đầu phố hắt lại. Những khuôn mặt nghiêng xuống, né tránh. Nước mưa trộn với bùn đất chạy trên xe. Cánh tay tôi tê cứng giữ lấy chị Nga. Cánh tay chị Nga với thấp xuống níu vào nắp quan tài. Bình ơi, Bình ơi. Không còn ai tên Bình nữa trong đời sống này. Bình sứt, Bình vôi, Bình trà, Bình ơi, Bình à... Không có một Bình nào cả. Cánh tay lẻ loi nằm trên miệng hố đất, hàng chữ chạm nguệch ngoạc, cái đầu cháy đen, từng khoảng da tróc bày sọ trắng, chút cuống họng đủ dính vào phía dưới. Cuối cùng đời thằng Bình chỉ còn lại chừng đó chờ ngày tôi đưa hắn về. Thằng Bình thù hằn khạc nhổ bỏ đi năm nào, trở về quê cũ, thằng Bình mái tóc ngắn lởm chởm, tay áo xắn cao, đưa qua đưa lại chiếc ly không, tiếng nói nồng nặc men rượu: Mẹ, để rồi mày xem, tao đã nói rồi mà, tao không trở về nữa đâu, tao chết mày bỏ mìn vào bụng bấm cho tung bét cả đi. Và mày đã nổ tung ra, mày biết thế không Bình? Mày tan nát và tao cúi xuống nhặt nhạnh bỏ vào áo quan mang về nơi mày đã nguyền rủa bỏ đi, nơi chôn nhau cắt rốn của mày, của tao, của con Năm, thằng Vân, thằng Ý. Chị Nga đang theo về đang khóc gọi mày đó. Khu phố đang chụm lại đón mày đó, chúng đang ngửa mặt lên, đang nghe chị Nga gọi. Rồi một khoảng đất cho mày như đã cho những người khác, rồi quên lãng như người ta đã quên lãng, những người đời sống khác đang nối dài, mẹ, thế đó Bình. Thi mở cửa sau sàn xe bước lên giúp tôi dìu chị Nga xuống. Đi tránh qua một bên, chị Nga lại rời khỏi tay tôi té chụp vật ôm lấy quan tài, ba bốn cây nến còn đứng theo nhau gãy tắt lăn lóc rơi xuống sàn xe. Mặt gỗ áo quan trống trơn, những vệt sáp cháy cách khoảng. Bình ơi, Bình à... Tôi lại cố gắng nâng chị dậy, cánh tay lồng qua ngực hai chiếc vú lớn mềm nhũn, cánh tay mần sâu vào. Vốn liếng cuối cùng, gia tài thê thảm của chị còn lại đây. Thằng Vân làm cán bộ xã đã bấu mười ngón tay thèm khát vào đây rồi đi mách ồn ào, con nhỏ chịu chơi ác. Thằng Ý chủ tịch xã đã ôm lấy thân thể này trên chiếc chõng tre, và thằng Tân giáo sư dạy giờ trên trường trung học. Những vết tích nào còn lại trong vùng da thịt u ám này và tiếng khóc vang âm âm rời rã, tiếng gọi tức tưởi mù lòa. Hai bàn chân chị Nga chậm chạp đưa tới theo cánh tay tôi và Thi dìu đi. Đám người đứng giãn ra. Những đôi mắt chăm chú. Chị Nga đây. Con Nga làm đĩ, chị của thằng Bình sứt đây, có ai biết không, có còn ai nhớ không. Có ai quấn quít ôm lấy khối thịt này. Con Nga làm đĩ bỏ xứ đi ba năm mang theo xác em hắn về đây. Chị Nga vẫn cúi gập người xuống khóc gọi thảm thiết. Chị khóc cho ai bây giờ. Khóc cho thằng em ngang ngược tàn bạo đã nắm tay đấm vào mặt chị tím bầm nước mắt, khóc cho cái chết đã có sẵn từ lâu trong đời sống, khóc cho tháng ngày đã qua, cho tháng ngày còn lại, cho chị, cho tôi. Tôi nắm vai chị kéo lên, cố gắng nói:

-Thôi chị, thôi đừng khóc nữa, dầu sao chị cũng...

Tiếng nói nghẽn lại trong cổ họng. Mí mắt tôi đầy cứng bụi đất với nước mưa trên trán rửa xuống. Tôi đưa cánh tay trần quệt ngang qua. Sao tao không khóc được ngày mang mày về. Chúng ta đang mang nhau về đây. Phải trở về lại vùng đất này, dù muốn, dù không. Tất cả đã hết rồi. Chúng ta là những con thú tật nguyền khốn đốn mang vết thương về, lặng lẽ liếm vết máu mình, nằm chết. Tôi nuốt nước bọt nhắc lại câu nói và dìu chị Nga đi, đặt chị ngồi trên phần chiếc ghế dài từ trong kê thò ra ngoài mái quán ướt đầm. Những đôi mắt vây quanh xúm lại. Tôi đứng lên. Những đôi mắt tản mác bay đi, rồi lại sát vào nhau, càng lâu càng dày kín. Tôi làm sao biết được sau từng đôi mắt đó, những linh hồn ẩn náu bí mật, nhớ quên, còn mất. Đôi mắt như đá lở, như mờ tối trên những khuôn mặt chập chờn đong đưa. Đôi mắt mở ra trâng trân trên khoảng thịt da nhăn nhúm cháy đen, tóc sủi bù lại từng mảng trên lớp xương sọ phơi trắng, đôi mắt hoang vu lạ lùng treo trên cuộn thép gai trông qua bên kia sông, trông lên dãy núi đã mất tích trong mưa. Tôi đặt bàn tay vuốt xuống. Hai mí mắt đã thun lại không thể kéo cho tròng mắt. Đôi mắt còn mở ra sau lớp gò ướt đó. Cửa ngõ linh hồn, thằng Bình sứt cũng có một linh hồn, một linh hồn bưng bít hận thù. Hồn có tìm về đây không? Mày có mang về đó không Bình? Thôi, dầu sao thì sự cũng rồi. Chết là hết, nếu có còn thì quên đi mày, sức đâu nữa, yên ngủ sao cho xong. Những đôi mắt nổi quanh quất. Tiếng nói, tiếng khóc, tiếng gọi lao xao vấn vít. Tôi lồng bàn tay lạnh buốt vào ngực mình và nghe một cảm giác kỳ lạ lan khắp thân thể. Ba bốn người lính trong quán đi ra phụ với mấy người đàn ông đến sẵn, bưng chiếc quan tài xuống. Một người đứng bên cạnh hỏi lớn, ai đấy? Tôi quay qua nhìn hắn, khuôn mặt mét mét, hàng ria lún phún ngả bạc, da khô héo dán chùng vào họng thoi thóp động đậy. Tôi nói cộc lốc:

-Bình, thằng Bình.

-Bình nào kia? Hắn nhíu mặt lại một lúc. À, thằng Bình con thím Quảng phải không?

Tôi gật đầu, quay lại tìm chị Nga, chị đang ngồi gục bên trụ xi măng đầu bến. Ai đó vừa đưa đến một ly đựng gạo cắm hương, thắp hai cây nến trắng mới. Một người hỏi phía đầu xe: Thằng Bình này tôi nghe đi lính rồi mà. Thi nói vâng, lính mới đi GMC, mới chết chứ, dân thì sức mấy. Lính sao không có cờ. Cờ gì? Cờ quốc kỳ mà. Thi không trả lời, cho xe nổ máy tiến về phía trước một đoạn. Tôi tìm thuốc ướt nhàu, sợi thuốc chảy ra vừa nhàu trong túi. Tôi bóp nát ném xuống đất. Người đàn ông trở lại hỏi tôi:

_Lính sao không có cờ chú? Đây an ninh quá mà, chôn đây chớ chôn đâu. Chú Bình là người ở đây.

-Vâng, nhưng nó không có.

-Sao thế?

-Nó không thích.

Người đàn ông tỏ ý không bằng lòng, vừa thụt lùi vừa lẩm bẩm, hừ, bậy nè. Một người lính địa phương đứng bên cạnh giải thích.

-Lính Mỹ đó, Prou mà làm chi có cờ.

-Thì mình mua đắp lên cho nó dễ coi chứ.

-Dễ với khó gì, chết rồi thôi, như nhau hết.

Tôi vào quán cà phê. Con Sáu, em con Năm, đang chuyện trò cười nói gì đó với hai người lính, thấy tôi hắn đứng lên. Tôi hỏi nhanh:

-Đây có bán cờ không?

-Có, nhưng làm gì có cờ lớn phủ quan tài.

-Nhỏ cũng được.

Con Sáu quay lại kệ hàng, kéo ra một cuộn cờ vàng sọc đỏ rút đưa cho tôi một tấm lớn bằng quyển vở. Tôi cười cầm ra trải lên mặt gỗ, lấy ly hương dằn lên. Hai cây nến quằn quại cháy.

 

Bình sứt đã về đó, tất cả mọi ngọn lá đều rụng về cội, tất cả mọi ngọn lá đều có cội. Không có ngọn nào dưới lỗ nẻ đục lên cả. Phải không Bình, tao đã nói với mày bao nhiêu lần như thế. Bây giờ thì còn gì mà nói. Tất cả là một câu chuyện kể nửa chừng, mẹ mày bỏ dở trên chiếc chõng tre kê sau cánh cửa sổ chống lên mỗi ngày có nắng mới, bà ôm ngực ho nhìn ra vườn mỉm cười. Bà đã chết rũ rượi trên chiếc chõng tre đó. Chị Nga đã ôm thằng Ý thằng Vân quằn quại trên chiếc chõng tre đó, mày đã giẵm nát chiếc chõng, đốt lửa vào căn nhà, nhỏ máu lên vùng đất này, ra đi. Ra đi vì đời. Có phải cuộc đời đang vây quanh đây không, những khuôn mặt già yếu co quắp, giá lạnh, đốt nến thắp hương, đòi hỏi lá cờ. Người đàn ông cắm thêm nén hương mới, hỏi tôi:

-Giờ cậu tính sao đây?

Tôi cúi đầu mệt mỏi:

-Dạ, chẳng biết sao bây giờ.

-Hừ, hay chưa, sao cũng phải lo cho cậu ấy một chỗ nằm chứ không lẽ phơi mưa như thế này à?

-Giờ chắc tôi phải nhờ mấy bác chứ biết tính sao.

Chị Nga cũng chẳng hơn gì chỉ biết khóc.

Người đàn bà vồn vã hỏi:

-Đâu? Con Nga đâu?

Tôi chỉ về trụ đá nói nhỏ:

-Đó, chỉ ngồi đó kìa.

Người đàn bà đi đến, ngồi xuống bên cạnh chị. Người đàn ông nhìn tôi một lúc lâu, gật gù:

-Thôi cậu yên tâm, người dưng khác nước kia còn chưa gì huống đây cậu Bình cũng là con dân cả mà. Cậu để đó có chúng tôi, khuôn hội lo.

Người đàn ông quay lại kêu người thanh niên đứng gần đó bảo đi thuê đò, rồi sai một người khác đi báo tin cho sư cụ trên chùa biết. Tôi yên lặng trở vào quán. Con Sáu nhìn tôi hỏi Bình chết bao giờ. Tôi thờ thẫn nói hôm qua và ngồi xuống ghế đặt sát bên cửa sổ nhìn xuống dòng sông lộng gió. Tôi hỏi thuốc "Pôm-môn", con Sáu bảo có và đi lấy mang lại, đứng tựa vào cột nhà, vén tóc hất lên cao, cổ áo rộng lộ một vùng da thịt trắng lạnh. Tôi chợt hỏi:

-Dạo này chị Năm có hay về nhà không?

-Không, năm ngoái chỉ có về một lần, đường sá lúc này mà.

-Ở đâu? Năm ở đâu?

-Sàigòn.

-Sàigòn. Tôi rút điếu thuốc gắn lên miệng quẹt diêm hút.

Con Sáu vẫn chăm chăm nhìn ra ngoài. Ở đâu đó con Năm bây giờ không còn nữa ngọn tóc hoe nắng cột túm lại sau, mỗi đêm rằm đến kêu chị Nga đi chùa, đứng chuyện trò cười nói với Bình sứt trước hiên nhà. Bình sứt đã về đó, con Năm đang ở Sàigòn, con Sáu đang nhìn ra đường, tôi đang hút thuốc và chùa đang sửa soạn chôn dấu quan tài. Thế đó Bình. Tuồng cải lương đã đến hồi buồn thảm nhất, giọng người đàn ông kể lè nhè trong nắng trưa, mày ngồi nghêu ngao hát theo trước trụ sở xã. Còn gì bây giờ. Tao cũng mệt đuối sức rồi. Tôi đứng dậy trả tiền đi ra. Chị Nga vẫn cúi thấp xuống khóc gọi bên trụ đá. Bình ơi Bình à... Tiếng gọi sâu vào lòng đất trơ sần. Thằng Bình sứt đang ở một nơi nào đó trong lòng đất đang nghe chị gọi, đang quay mặt sấp lưng hằn học chửi thề, đang cảm động nước mắt lưng tròng, cúi mặt tìm về đứng im nhìn chị khóc, nhìn đám đông vây quanh, nhìn lá cờ. Bình sứt cũng có Tổ quốc, có xóm làng, có người da thịt thân yêu như ngày nào rủ tôi vào dân vệ xã, đứng đọc hàng chữ trên tường hông trụ sở. Bạn muốn làm gì cho nước, hãy vào dân vệ xã. Xa quá rồi. Có lẽ ngày mai không còn ai, kể cả tôi đủ sức để nhớ dai dẳng về một thằng Bình sứt đã vác súng trường lầm lũi đi trong phố, ngồi nhậu suốt buổi ở quán con Năm phi-dê, rồi về nhà đánh chị Nga ngất xỉu cầm tay kéo lết ra đường, ném xuống mặt sỏi la lối, gì đó, đ. mẹ bây giờ thằng nào muốn ngủ với nó thì ngủ, kéo đi chỗ khác mà nằm, nhà tao không phải nhà thổ, đ. mẹ, tao giết hết. Bình sứt không giết ai nhưng đã đánh gãy tay thăèng Ý, cầm súng rượt theo thằng Vân chạy quanh làng, về nhà lại xách chị Nga ra đánh, xé nát quần áo, chị lõa lồ nằm ôm lấy cột nhà kêu cứu. Hắn kéo ra, chị níu chặt lại, Bình sứt la hét như một con thú điên. đ. mẹ mày đĩ mà cũng trẽn à, mày có ra không. Chị Nga vẫn khóc níu chặt lấy giằng co với hắn, hắn đi lấy dầu hỏa dội lên chị, rồi mồi lửa đốt. Chị Nga hoảng hốt vùng chạy. Bình rượt theo và ném mồi lửa vào mái nhà. Lửa bốc cháy, ngọn vươn cao làm náo động cả khu phố. Dân vệ xã kéo đến tìm bắt. Bình ngồi trên chiếc ghế nhỏ ghìm súng thách đố. Tôi bước vào hắn quay súng la lớn, một bước nữa tao bắn, không tin bước thử xem, đ. mẹ cả bọn bay. Tiếng nói gầm gừ, khuôn mặt đầy mụn đỏ, đôi mắt chằm chằm sáng ngời man dã. Không ai dám đến gần nữa. Hôm sau hắn vào trả súng, bị bắt dẫn ra quận giam giữ, sau đó hơn ba tuần hắn lại trở về rồi lặng lẽ bỏ đi, ở lính đâu trên núi trên non không ai thấy mặt. Nửa năm sau có tin hắn bị đâm chết trong một quán rượu ở Sàigòn, nhưng rồi có tin hắn đang sống, đang ở lính biệt kích. Chị Nga cũng bỏ đi, theo viên thiếu úy, rồi góa bụa, lãnh tiền tử, theo một người khác vào làm sở Mỹ bị hiếp đáp, sau đó chị về Q.T, tìm Bình. Tôi đã bỏ làm dân vệ, tình cờ gặp Bình hắn rủ vào lính Prou. Hai đứa trở lại những thân yêu gần gũi cũ. Bình chạm lên tay tôi một hàng chữ như ở cánh tay hắn: Ra đi vì đời. Một hôm chị Nga đến căn cứ tìm, chị mặc áo đỏ tóc rũ dài, cười tươi. Bình đi ra nạt nộ xua đuổi rồi quày quả trở vào. Chị Nga đứng khóc kể lể với tôi. Hai chị em đi loanh quanh trong phố, chị dắt tôi về nhà chị trọ, hết chuyện này sang chuyện khác, chị nhắc đến thằng Vân trúng mìn chôn trong trụ sở, thằng Ý bị Việt Cộng về giết, thằng Tân bị bắn và mấy người chồng của chị, viên trung sĩ, viên thiếu úy. Tất cả được kể lại dửng dưng như người kể chuyện phim. Khi tôi về, Bình ngồi yên lặng trên lô cốt, tôi đến bên hắn trách móc thái độ hắn đối với chị Nga, hắn quay lại dằn giọng, tao mà chị em à, mày muốn ngủ với nó trả tiền mà ngủ đừng đặt thêm điều, tao không có chị em gì hết. Im lặng một lúc, giọng hắn trở nên rên rỉ, đay nghiến: tao dưới lỗ nẻ đục lên mà, không cha không mẹ, không có chi hết. Chị Nga đến tìm thêm hai ba lần nữa. Bình vẫn dửng dưng như không quen biết, không nhìn không hỏi. Rồi hắn bị thương, chị Nga vào bệnh viện thăm, hắn vùng dậy la hét, xua đuổi làm vết thương đã băng bó lại bung máu ra. Lần sau chị Nga vào, người ta cản đường lại sợ làm rộn bệnh nhân. Ở nhà thương ra Bình sứt được làm thường vụ đại đội ở lại căn cứ. Tôi vẫn đi đi về về, hết chuyện này đến chuyện kia. Hôm qua về ném súng vào kho, lãnh giấy phép đi ngủ ngoài, đêm Việt Cộng công đồn, Bình chết một mình trước pháo đài, thân thể nát bét, chân tay đứt ra vung vãi trộn với những tay chân khác. Năm thằng tìm được sáu cánh tay. Buổi sáng tôi vào nhặt nhạnh thu góp, xếp vào quan tài. Chị Nga nghe tin chạy đến điên dại la gọi. Tôi đứng giữ lấy nắp áo quan tài không cho chị lật ra. Không còn gì hết. Con vật nguy hiểm chui lên từ một lỗ nẻ nào đó đã chết. Nhân loại bớt một kẻ thù. Thằng Bình sứt đã rụng về cội, đã bình yên trên bốn viên đá xi măng, dưới lá cờ khổ nhỏ, ướt sũng. Bình sứt đã chết vì nước như ngày nào. Ba năm rồi Bình ơi. Mẹ mày đã nằm xuống giữa lòng cồn bãi đó với cha mày. Thằng Ý, thằng Vân, thằng Tân đã ở đó, tất cả êm đềm. Thôi quên hết đi mày, quên đi cái trần gian khốn nạn này. Chết là hết. Tôi bụm tay vuốt nước mưa trên mặt, đi vòng quanh quan tài rồi trở lại quán. Đám đông đã tản mác dần. Chị Nga ngồi bất động, hai tay ôm lấy trụ đá, nước mưa đổ thành dòng trên áo tơi. Tôi ngồi vào ghế hỏi cà phê nóng, con sáu cười gật đầu đi pha mang lại. Tôi cho một muỗng đường và quay nhanh chiếc muỗng. Một người con trai mặc áo quần xanh đi vào, kéo ghế ngồi xuống trông ra ngoài, hỏi đứa con gái mặc áo đen vàng đi vào sau:

-Người này hả?

Đứa con gái ngồi quay lưng lại phía tôi:

-Ừ, chú đó bỏ đi có ba bốn năm chi rồi đó.

Người con trai xoay xoay ly cà phê vừa được mang tới hỏi đứa con gái:

-Hiền uống gì? Rồi rút thuốc lá ra hút nhìn sang tôi.

Hiền nói nhỏ:

-Thôi gần ăn cơm rồi, uống gì nữa.

-Đêm qua thế là đánh có bốn, năm nơi kia, ồn ào quá.

Tôi uống xong gọi con Sáu đến trả tiền. Hiền quay lại hỏi:

-Nghe lính Prou chết nhiều lắm hả chú?

Tôi lắc đầu đẩy chiếc ly không về phía trước:

-Có đâu, chưa tới mười lăm mạng, khéo ồn.

Thi đi vào hỏi tôi ra hay ở lại. Tôi nói ở lại, hắn quay đi, tôi gọi theo. Thi nhảy lên ca-bin cho xe nổ máy, trở đầu lại, chạy lên cầu phà. Cơn mưa đã ngớt hẳn, số người còn lại đứng vây quanh quan tài bàn tán về những trận đêm qua, một vài đôi mắt lơ đãng ngó theo chiếc xe. Hai cây nến vật vã cháy. Người con trai nói với Hiền gì đó rồi chụm đầu lại cười. Tôi chưa hề thấy mặt hắn, có lẽ dân đâu mới tới, giọng hắn ấm vui. Hiền xoa xoa bàn tay xuống bàn cười ngặt nghẽo. Có phải đời sống này được kiến trúc trên một sắp đặt vô hình nào đó phải không. Có người sinh ra để hạnh phúc, để trò chuyện thầm thì, để ngặt nghẽo cười, và có kẻ sinh ra để la hét, chửi thề. Bình với hình ảnh người cha què cụt từ chiến tranh kháng Pháp còn lại, chống nạng lê lết tới lui rồi một ngày té xuống ao nằm chết, không rõ cố ý hay vô tình, và người mẹ ốm đau dai dẳng cho đến ngày khạc ra từng búng máu tươi, xuôi rũ tay chân. Cũng như Bình sứt, tôi không có gì cả. Cho đến ngày hôm nay tôi mới nhận thế sao? Bây giờ thì không còn mày. Tao một mình về đây. Tao mệt quá rồi. Không lẽ đợi đến một ngày chết tan nát để được mang về hoặc không được mang về đây. Mà có ai để mang tao về. Tôi đuối sức rồi. Tôi muốn yên nghỉ. Tôi muốn trở về kiến nhật lại từ đầu. Bắt đầu lại đời mình, lặng lẽ, riêng tư. Không còn mày nữa Bình. Người con trai chỉ ra quan tài hỏi:

-Anh ở một đơn vị với anh đó à?

Người con trai và Hiền cười. Tự dưng câu nói trở thành thứ khôi hài nhạt nhẽo đến trơ trẽn làm tôi bàng hoàng. Không, tôi nói lại thằng Bình trước làm đội trưởng của tôi, sau này về chết ở căn cứ. Người con trai hỏi tiếp và Hiền cười cầm chừng. Tôi càng nói càng thấy ngột ngạt chán nản và một nỗi lo sợ bâng quơ như kẻ bị lạc vào thế giới mới xa lạ, đầy dẫy những công thức ghẻ lạnh. Tôi xót xa nhớ lại đôi mắt đỏ ngầu hơi men của Bình đấm tay xuống cát la lớn: Đ. mẹ cuộc đời này. Cuộc đời mà Bình chửi, đó có phải là một đứa con trai và một đứa con gái uống cà phê, hút thuốc chuyện trò cười ngặt nghẽo, áo quần đúng mốt, tiếng nói thì thầm. Cuộc đời mà chúng ta không thể nào tham dự vào được phải không Bình. Chị Nga đã chạy theo, bị loại ngay từ vòng thứ nhất đầu ngày con gái và chúng tôi không biết làm gì hơn là chọn một thứ kẻ thù, bất lực, tàn bạo rồi lao đầu vào chiến tranh, bị đánh đổ xuống, đôi mắt trợn trừng trút xuống họng lắt lưởng. Tôi không muốn nữa. Cho tôi trở về, Bình. Tao khốn đốn quá rồi. Tôi nói nhỏ và tự dưng muốn khóc. Tao thua mày Bình ạ.

Chiếc đò đã được thuê đến. Đám đông vây tụ lại. Người đàn ông kiếm tôi và gọi chị Nga dậy. Tiếng khóc lại trỗi lên khoảng bến sông lấm bùn, những bậc tam cấp thoai thoải nghiêng xuống. Mặt nước vàng đục, bào rác táp vào bờ bập bềnh. Tôi chợt muốn nói với chị Nga một câu gì đó thật ngọt ngào nhưng chẳng biết nói thế nào. Chiếc thuyền hơi chòng chành khi quan tài được bưng xuống. Bãi cát phía dưới xa nhoi lên trên mặt nước lớn. Những cây sầu đông khô chơ vơ như ngóng đợi. Ngày Bình về. Tôi khom bước vào thuyền tay vẫn dìu chị Nga. Tôi đang trở về. Chúng ta đã ra đi từ nơi này, và giờ đang mang nhau về, phải không Bình. Chúng ta đi hết mệnh kiếp của mình. Phận sự đã hết, nhiệm vụ đã rồi. Tao còn lại một mình, một mình với ngày mai không toan liệu. Người đàn ông bước đến đổi nến, cắm thêm hương và ngồi vào mạn thuyền bắt đầu lần tràng hạt, miệng thì thầm, đôi mắt đăm đăm nhìn vào lớp gỗ ẩm nước. Xâu chuỗi láng bóng trên bàn tay khô héo run run. Một dụng cụ cho những người chết, cho cái chết? Hai chú tiểu thay mặt sư cụ đến. Tiếng cầu kinh bắt đầu trỗi lên và con thuyền tách bến xuôi theo dòng nước, táp bờ cây vắng vẻ. Nguyền vãn sinh Tây phương... Chị Nga nói trên cánh tay tôi, giọng thì thầm khàn thấp.

-Giờ chị làm sao đây nhỉ? Chắc chết thôi.

-Chị cầu kinh đi, chị còn nhớ kinh chứ.

-Thế em?

-Em à. Em ở lại đây... không đi nữa.

Chị Nga ngửng lên. Đôi mắt đỏ ngầu khuất sau làn tóc lòa xòa ướt rối và tiếng khóc như cơn mê đứt quãng, như một khúc hát lê thê trôi theo lời kinh trên dòng sông nước lớn.

 

Ngụy Ngữ

Con Thú Tật Nguyền được Ngụy Ngữ chuyển thể thành kịch bản phim cùng tên, Hồ Quang Minh đạo diễn

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.