chan_dung-ke_si

CON ĐƯỜNG LẦY - Truyện ngắn Chu Văn

28-01-2024

Lượt xem 1401

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Chu Văn

CON ĐƯỜNG LẦY - Truyện ngắn Chu Văn

Nhà văn Chu Văn (1922-1994)

Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Chu Văn là thành viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam, ông được trao Giải thưởng Nhà Nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001 với các tác phẩm: Bão biển, Đất mặn và Tuyển tập Chu Văn.

Truyện ngắn của ông dưới đây, Con đường lầy đạt Giải ba cuộc thi văn chương Tạp chí Văn Nghệ (Nay là Báo Văn nghệ) năm 1958.

 

Phiên chợ chiều hè tàn nhanh như làn nước lũ. Người đi cuồn cuộn trên đường cái lớn, rẽ dần vào các ngõ ngách ngang dọc quăn queo trên cánh đồng lúa mới cấy, tản về các làng xóm xa tắp. Ngày sắp hết rồi. Công việc tháng ba, ngày tám cũng không lấy gì làm bận rộn. Nhưng sau mấy giờ chen chúc dưới ánh nắng gay gắt, ai nấy đều mong chút nghỉ ngơi tắm giặt. Mùi cơm canh bốc hơi thơm phức qua làn khói tỏa trên mái rạ. Tiếng bước chân lép nhép trên vệ cỏ xăm xắp nước ruộng. Từng dãy quang thúng theo nhau lũ lượt. Đàn gà con chiêm chiếp trong lồng treo tòn ten bên đòn gánh của một cô bé. Cô này chạy gần theo bà mẹ già vừa đi vừa thỉnh thoảng cúi xuống vục nước đục ngầu té vào lưng đôi lợn giống nằm trong sọt, mình phủ đầy bèo Nhật Bản. Trâu bò thôi canh, gầy như cái đẳng đồ, uể oải bước đi lục cục, theo sau có mấy ông già râu bạc, tóc bạc, da đỏ như gạch, tay cầm roi tre xua muỗi, vai đeo cuộn dây thừng vấn tròn như chiếc phao bơi. Họ nói chuyện to, cười cũng rất to: Năm nay giá gạo vừa phải, lúa lên chóng, mưa rất đều, và nước sông không có gì đáng ngại...

Bà lái Thìn quẩy đôi bồ hàng xén, nhịp nhàng, cái nón cúp trắng tinh, đôi gánh cong vút tung tẩy trên vai, nó làm cho bà lão ngoài năm mươi như trẻ hơn, với cái dáng mềm mại của các cô con gái vùng Bắc. Nhưng trên khuôn mặt dăn deo, mồ hôi chảy nhễ nhại xuống cổ yếm nhuộm nâu non, và từng sợi tóc bạc hoa râm dính bét vào hai thái dương ướt đầm. Con đường rẽ vào thôn Tâm lầy lội, bùn ngập bàn chân, trâu bước thành bực thang trơn như mỡ đổ. Bà lái dừng bước ngần ngại: Gánh hàng trên ba mươi cân, ngoài năm mươi tuổi đầu rồi, gặp cảnh vai nặng chân trơn như bây giờ kể cũng vất vả. Bà nhẹ nhàng đặt gánh xuống gốc đa, cầm nón quạt phe phẩy. Ánh nắng in bóng cây rậm xuống mặt đường. Gió may cuốn hơi nước đồng nồng nồng ấm ấm, lẫn mùi thơm của lá lúa và cỏ héo. Cảnh vật quen thuộc và thân mật quá. Hơn ba mươi năm liền, đi về con đường cũ, bà vẫn nghỉ mát gốc đa này, nhìn đồng ruộng bạt ngàn, và dãy tre xanh ngăn ngắt lay động dưới ánh nắng. Nhưng từ ít lâu nay, lòng bà lái không còn thấy vui vui, mừng mừng sau phiên chợ. Cái gánh hàng tạp hóa của bà - chiều nào cũng vậy, không vơi được mấy chút. Mà con đường như muốn dài hơn, lầy hơn, đôi chân như cũng mỏi hơn, yếu hơn...

Ở ngay chợ này, người ta vừa mở một ngôi hàng hợp tác xã. Mọi mặt hàng đều có đủ, từ cái kim sợi chỉ đến chục bát, thước vải. Mấy chị bán hàng kể ra thì còn vụng hơn bà lái nhiều. Họ bầy cái hàng chả được gọn, đo thước vải chưa được khéo. Cách chào mời khách hàng thì kém. Nhưng mà cái giá hàng ở đây thì nhất định, không nói thách lấy một đồng. Vì thế mà người vào mua cứ đông nghìn nghịt từ đầu đến cuối buổi chợ, cả những người bạn thân của bà lái dần dần cũng thưa tới hàng bà. Số tiền lời hàng ngày còn được dăm bảy trăm bạc, nhưng bà cảm thấy nhất định rằng dần dần bà còn khó làm ăn hơn nữa, chỉ còn được có một mức độ thế thôi, chớ có hòng nhòm được những lúc giá vọt lên cao, hay tự nhiên hạ xuống để mà đè đen hớt đò như ngày trước. Một người ba bốn mươi năm bán hàng ở vùng này, gãy chục cái đòn gánh trên vai, thế mà cũng đành chịu. Có lúc bà nhớ lại ngày xưa, bà thiết tha nhớ tiếc ngày xưa...

Bây giờ, bà lái đã luống tuổi, nhưng vẫn còn cố làm lụng buôn bán vun thu cho con. Nhưng công việc tính toán của bà lỡ hết cả. Ba cô con gái lớn đi lấy chồng xa. Phấn - cậu con một - bà vẫn cho đi học, dù tuổi đã quá hai mươi và đã có vợ. Bà lái nghĩ: Ở đời làm cái ruộng là chân lấm tay bùn rất vất vả. Mà muốn làm nên ông nọ ông kia, có danh có giá thì phải đỗ nhiều bằng. Giả như vào thời trước thì Phấn mà làm được giáo học; thì cũng là con hơn cha, nhà có phúc rồi. Nhưng thời này, có người không biết chữ, như cái anh Đàm làng bên, suốt đời, đi châm mìn ngoài mỏ Cẩm Phả, có biết chữ nghĩa gì mấy, mà bây giờ cũng làm chức gì to lắm. Thế thì con bà dù có quá tuổi cũng cứ học nữa đi, sau này thi đỗ, rồi bổ đến chức chủ tịch huyện chứ bỡn ư? Còn chị con dâu thì bà vẫn muốn truyền cho cái nghề hàng xén, để may ra nhờ thổ công hà bá, nhờ cái dáng cái duyên con người thơm tay may miệng, mà kiếm dư dật đồng lời, đỡ sớm chiều vất và ngoài ruộng. Bà vẫn dạy dỗ ngọt nhạt: Tuy bây giờ đã có mậu dịch, có hợp tác xã, nhưng buôn bán mà biết chạy chọt vẫn ăn thua. Thôn quê khối người còn ngại vào hàng chờ lâu, tiếp đãi không khéo. Vả lại cứ mỗi lần hàng khan thì trộm vía anh cán bộ, cứ bán đắt một chút, ai biết đâu? Giá mà Ước, con dâu bà, thạo nước đời như bà ngày xưa, thì bà chỉ việc ở nhà trông nom cơm nước, đợi ngày có cháu bế, chiều chiều, đón nó về, kiếm tấm bánh đồng quà.

"Lỡ bét, lỡ hết cả". Bà lại lẩm bẩm. Thật cái số không khá: Cậu Phấn lẹt đẹt mãi không sao mà qua được cái tốt nghiệp lớp bảy. Còn Ước thì nhất định cứ ở nhà cày cấy mẫu ruộng, nhất định không theo lời mẹ chồng để làm cái nghề hàng xén. Cứ nghĩ đến con dâu lúc nào là bà lại thấy đầy ruột. Giá nó mà biết điều ra, thì bà đâu còn phải chịu mãi cái cảnh vai nặng chân trơn như bây giờ.

Bà lái Thìn ngồi nghỉ đã đỡ mệt, mà bóng nắng cũng đã dịu. Bà lại đặt gánh lên vai, bước vào đường lội, bỗng có một người thoăn thoắt đi tới. Đến gần, thì là Ước. Chị này người lùn mà đậm, có hàm răng rất trắng giữa khuôn mặt ngắn và đen, trông khỏe mạnh một cách bạo dạn. Ước xắn cao ống quần, lộ đôi bắp chân tròn, da nâu sẫm. Đường lội thế mà chị cứ bước phăng phăng, chả trách các cụ xưa vẫn nói: "Gái mười bảy bẻ gãy sừng bò". Ước nhìn mẹ chồng, cười khanh khách, lại đỡ lấy đòn gánh, rồi đi vượt lên trước. Đòn gánh kĩu kịt trên vai tròn lẳn, áo nâu dính sát vào lưng tròn như cuộn giò nây bóc lá. Bà lái đi sau nhìn dáng điệu con dâu mạnh khỏe, nghĩ càng thèm cái tuổi trẻ, mà bỗng lại thấy bực sôi lên. Ước con nhà nghèo, ngoan nết, đảm đang nhất làng, không đẹp lắm, nhưng cũng gọn gàng sạch sẽ. Bà chọn Ước làm dâu, cũng chắc chắn rằng sẽ được một người chịu sai bảo, biết nín nhịn. Ai ngờ nó bướng quá, không chịu làm hàng xén đã đành mà cả đến việc làm ruộng cũng không nghe mẹ chồng. Nó hay đua chị đua em đi họp hành suốt buổi tối, mà cứ trưa thì lại le te dắt cái loa sắt tây sau đít đi a lô khắp xóm dưới làng trên.

Cái việc xảy ra xô xát lần đầu tiên, là việc ngâm mạ giống năm ngoái. Chả biết học ở đâu cách ngâm mạ nước nóng thế là Ước thực hành ngay. Bà lái giãy giụa, chửi ầm lên. Nhất định con dâu không chịu. Mạ mùa năm ấy tốt, lúa đỡ gọn, Ước cho là tự mạ ngâm theo lối khoa học. Nhưng bà lái thưỡi dài đôi môi:

Nó là cái năm được mùa chứ đời thủa nhà ai làm ăn trái khoáy như nhà chị mà cũng hòng được có hột gạo?

Ước không hay tranh lời với mẹ, nhưng cứ làm theo ý mình. Đến dịp thiếu đồ bón, chị ta ngày ngày đem gánh đi nhặt phân ngoài bãi. Dân làng thì đã biết tính nết của cô gái bạo dạn mà cần cù. Nhưng bà mẹ thì được một dịp chành chẻ:

Nhà tôi không có cái mà hót cứt đâu chị ơi! Chị đừng bôi gio trát trấu vào mặt con già này nữa.

Ước cáu tiết, bỏ về với mẹ đẻ, không lai vãng chi nữa, mãi hôm bà lái thân hành đến gọi, chị mới lại trở về. Từ đó mẹ con bằng mặt mà chẳng bằng lòng. Nhưng bà lái chỉ nghiến ngầm chứ cũng ít dám to tiếng với chị con dâu "bất trị". Bà vốn biết giữ tiếng, không muốn dân làng chê là ác, và lại Ước vắng nhà một ngày là công việc cứ ùn lên ngay. Từ con lợn con gà đến chày gạo cối lúa, không việc gì chị ta không thông thạo. Mùa chiêm vừa qua, số thóc thu về gấp rưỡi vụ mùa tốt năm ngoái. Bà lái cảm ơn giời Phật cho được mùa. Dù sao thì - theo ý bà - nếu Ước chịu đi buôn là chính, còn cày cấy chỉ là thêm cập vào, thì vẫn có lợi hơn. Lắm lúc bà tự nhủ: "Thôi! Giăng đến rằm giăng tròn, bây giờ nó chân son mình rỗi, thì còn xốc vác được, cũng đua đòi vào tổ đổi công nọ kia, mới dám khinh bỉ cái nghề hàng xén. Chứ mai kia... mai kia con quấn, con dắt thì lại chả vơ lấy cái quầy hàng cho nó nhàn hạ hơn hay sao?". Nhưng chỗ này bà lại nghĩ đến con giai: "Cái thằng nó hèn, nó đụt chứ. Nó nghe lời bà ra thì trị con vợ có khó gì đâu. Muốn tự do bình đẳng gì mặc kệ, chi cứ quấn tóc, dận xuống chân, đá cho một chập thì thấy ông vải”. Hà! Nhưng cái thời bây giờ nó làm sao ấy. Con giai, đàn ông đứa nào cũng sợ vợ, không ra thể thống gì nữa, khác hẳn cái buổi ngày xưa! Bà rùng mình nhớ lại những trận đòn của ông Hương ngày trước: Mỗi một lần đi đánh bạc thua về "lão ta" gờm gờm đôi mắt trông đáng sợ. Có đồng vốn buôn, vốn bán nào là cất đi cho thật kin. Có lần ông Hương vì một chuyện bực mình nào đó, đã cột tóc vợ vào chân giường, cầm giày Gia Định đập bật máu hai bên má. Nghĩ đến đoạn ấy, bà thấy tủi, và ghen với hạnh phúc của con dâu bây giờ: "Thật nó sướng như bà hoàng".

Ước không biết những nỗi lòng thầm kín của mẹ chồng, vẫn cử lũi cũi gánh bồ hàng đi trước. Nghe thấy tiếng bà lái thờ dài đánh sượt, chị quay lại hỏi:

Mẹ mỏi chân à?

Bà lái đang suy nghĩ vẩn vơ cũng trả lời lấy lệ:

Ừ.

Ước tưởng được dịp tỏ lời can ngăn:

Mẹ già yếu rồi mà! Đấy! Con đã bảo! Mẹ cứ ở nhà trông nom con lợn con gà, để chúng con cày cấy. Tội vạ gì mà cứ rước cái nợ vào thân - nay quẩy hàng, mai quẩy hàng đi chợ.

Bà lái bỗng xám mặt, dằn giọng:

Thôi đi chị! Đừng có mà xịa! Chị cứ tưởng mấy sào ruộng của chị mà đủ à? Không có đôi bồ này, thì tiền đâu cho chồng chị đi học? Tiền đâu mua cám cho chị nuôi lợn? Cám đắt như vàng, chị không biết à?

Ước thấy mẹ gắt, vội cười làm lành:

Là con cũng nói thế chứ! Nhưng mẹ ạ: Tưởng chả cần anh Phấn đi học nữa. Nhiều tuổi rồi mà cứ cày cục mãi, thanh niên làng xã họ cười gớm. Còn cám lợn thì mẹ đừng lo. Con đã học được cách nuôi lợn mà chỉ tốn ít cám.

Bà lái gạt phắt đi:

Cười gì? Cười đề mười cái răng ra. Nó đi học mai kia nó đỗ bằng nọ bằng kia thì ấm vào thân chị! Còn lợn thì chị đừng có nói. Không cám thì nó chìa xương hông ra.

Từ đấy đến nhà, hai mẹ con không ai nói một lời nào nữa. Ước buồn rầu nghĩ đến nỗi khó khăn trong gia đình.

Đồng chí Đáp, chiến sĩ thi đua nông nghiệp toàn tỉnh về báo cáo kinh nghiệm tăng năng suất vừa đúng ba giờ đồng hồ.

Hơn ba trăm người ngồi nghe, phần rất lớn là thanh niên tích cực ở các xã trong toàn huyện. Họ im thin thít ghi từng lời nhớ từng con số. Nhiều lúc chiến sĩ đang nói chậm rãi phải ngừng lại vì tiếng vỗ tay nổi nên dào dạt, hoặc tiếng xuýt xoa ở cuối phòng - mỗi khi báo cáo đến một thành tích đặc biệt.

Ước ngồi ghế gần cuối, cứ nghển nghển mãi đầu để nhìn cho thật rõ. Bài báo cáo, từ đầu chí cuối - chỉ là câu chuyện làm ăn của gia đình ông già Đáp, bần nông, từ chỗ không có lấy một thúng thóc để dành trong bồ, mà làm nên trâu nái ruộng sâu. Bây giờ thì ông già ấy đang phụ trách một hợp tác xã sơ cấp, loại nhất trong tỉnh. Kinh nghiệm của chiến sĩ thì rút lại cũng chỉ là: chăm làm, chăm học hỏi, hết lòng tin vào sự lãnh đạo, thế thôi. Điều khó theo kịp được ông ta - là ngoài năm mươi tuổi mà giữ vững được tinh thần làm việc không biết mỏi mà có gặp những khó khăn hay thất bại thì không nản lòng.

Ông Đáp báo cáo xong, anh em ồ cả lại, tíu tít hỏi chuyện. Họ vây vòng trong vòng ngoài, làm cho ông già bức đến ngốt người. Nhưng ông vẫn cẩn thận, kiên nhẫn trả lời từng người một. Chờ lúc họ đã dãn dần ra, Ước mới đánh bạo lại gần:

Bác ạ! Thế bác có gặp khó khăn gì trong khi bắt đầu lập kế hoạch hoặc thí nghiệm lần đầu không?

Ông già gãi gãi cái đầu trọc, rồi nhìn kỹ Ước:

Khó khăn thì có chứ! Việc gì mà nó hơi lạ với đất lề quê thói, thì mới đầu, làng xóm cũng không theo. Nhưng... khó nhất là gia đình. Giấu gì chị: Cái bà lão nhà tôi là cũng khó bảo gớm đấy, phá ra trò. Nhưng mình cứ chắc ở như mình. Rồi lúc có kết quả thì dễ ăn dễ nói. Tôi báo cáo không hết ở cái chỗ này: Tôi phải nhờ tổ nông hội thuyết phục mãi bà cháu về cái bừa cỏ Nghệ An…

Ước thấy ngực như muốn đầy hơi. Chị nhớ lại những lần mẹ chồng nàng dâu xô xát nhau về ngâm mạ nước nóng, cấy dày, vun phân bắc. Lần nào mẹ chồng cũng cứ mắng át đi, bất chấp lẽ phải. Thế rồi đến lúc mạ đều lúa tốt, thì bà lái lại không chịu nhận là kết quả mới, cứ đổ cho giời cả. Chị so sánh mình với ông già Đáp: Ông ta là chủ gia đình, dù sao cái thế ăn, thế nói nó cũng mạnh hơn. Chứ làm nàng dâu mà giáo dục ngược lại cho mẹ chồng, thật không khác gì kéo xe bò lên dốc. Ước rơm rớm nước mắt. Ông già Đáp đoán biết ý nghĩ của chị, cười ha hà vỗ vai:

Các cô thì cũng nhiều điều vất vả đấy. Nhưng mà còn làng nước, còn chị còn em chứ. Gái có công, thì chồng, à quên, mẹ chồng có phụ cũng chẳng được. Hà! Hà!!!

Quý và Thường từ nãy đến giờ vẫn đứng nghe, vỗ tay reo:

Hoan hô cụ Đáp. Nói trúng tủ cảnh chị Ước nhà tôi rồi. Chị ấy cũng xuất sắc ở xã đấy. Mà bà mẹ chồng thì lại "hắc" không chịu được.

Họ khoác tay Ước:

Thôi! Việc mình mình lo chứ! Bác Đáp có ở xã ta đâu mà biết hết được việc nhà chúng ta? Đằng ấy yên chí. Nhất định phen này đằng ấy thắng. Hôm nọ thì anh cu Phần còn ngần ngừ chứ hôm nay chúng tớ chế mãi, nhất định là hắn ta ở nhà sản xuất, vào tổ đổi công ta rồi! Thuận vợ thuận chồng thì tát bể Đông cũng cạn chứ!

Na đứng ngoài chen một câu:

Mẹ chồng già, mẹ chồng chết, nàng dâu có nết thời nàng dâu... tiến bộ. Cứ sợ khó thì hỏng.

Ước sẽ lắc đầu:

Các chị ạ! Tôi còn lo nhiều thứ, chả như các chị đâu.

Thấy Ước vẫn băn khoăn, họ lảng sang chuyện khác, cười òa lên, rồi lũ lượt kéo nhau về xã. Nhưng lúc đi đường, họ bàn nhau cách nhờ mấy cụ già trong thôn giúp đỡ bà lái Thìn chịu nghe theo con, quay về sản xuất.

Mấy chị em chia tay nhau trước cửa trụ sở xã. Đường về nhà vắng ngắt. Bên cạnh đường bèo Nhật Bản mọc xanh um, trổ những bông hoa tím nhạt, cánh điểm vàng, trông hệt đuôi con công đực. Ước đứng nhìn một lúc, nghĩ bụng:

Phen này làm cỏ ruộng xong, mình phải đem cả tổ đổi công ra vơ sạch chỗ bèo này. Hàng chục gánh phân xanh là ít.

Phấn đợi ở cổng ngoài, ra hiệu cho vợ ngừng lại. Cậu ta có vẻ rối trí, tóc đầu bù như mớ rễ tre, mặt đầy trứng cá, càng ửng đỏ lên vì ánh nắng. Hình như giá Ước chậm về thì Phần cũng sắp đi đâu thì phải. Anh chàng mặc quần tây xanh, áo cộc nâu, chân dận đôi guốc mộc lộp cộp. Hắn thấy vợ thì ngập ngừng:

Mình ạ, bà cụ chửi quá lắm!

Ước gượng cười:

Chửi sao, chửi thì nghe chung!

Phấn cần nhằn:

Ối dà! Nghe được à? Mẹ bảo nhất định phải đi học, không xin được vào lớp nữa thì học tư. Mẹ không cho ở nhà.

Ước hỏi lại:

Thế anh nghĩ sao?

Nghĩ gì nữa. Hăm hai hăm ba tuổi mà đeo đẳng mãi, học sinh nó cứ chế là bố chưởng bạ. Mà cả mấy cô Quý, cô Thường nó cũng đả kích, ở nhà thì cũng chết với bà cụ... bà ấy móc máy khổ quá lắm! Hay tôi đến phải xin đi công trường.

Ước quả quyết:

Nhất định cứ ở nhà làm ruộng. Bà cụ hủ bỏ mẹ. Học mãi làm cái ông tướng gì? Các bà ấy nói giùm cho mà được thì càng hay, nếu không thi cũng mặc kệ bà cụ, chửi chán rồi phải thương. Hùm chả ăn thịt con mà!

Phần ngần ngại. Ước cầm tay chồng đẩy vào ngõ. Bà lái Thìn hầm hầm nhìn hai đứa con "sóng đôi" nhau về nhà. (Bà cũng nói thế chứ thực ra hai vợ chồng Phấn đi cách nhau đến hai thước). Phấn không chịu đi học nữa, bà cho là chỉ tại Ước xui giục, bỏ cả công danh, không khác gì "ông vua nghe vợ cũng mất nước". Bà đứng ở cửa bếp, gọi Ước lại gần, chỉ vào nồi cám lợn đặt trong góc bếp:

Chị nấu cái nồi gì kia?

Ước chột dạ, nhìn theo. Cái nồi đất đầy phân trâu sôi tràn cả xuống đầu mấy viên đầu rau nặn bằng đất sét.

... Con nấu... con nấu...

Nấu gì?

Con nấu phân trâu cho lợn đấy. Lợn ăn phân trâu tốt lắm, chóng béo lắm!

Bà lái chỉ đợi có thế, để mà làm to chuyện:
Mày bắt lợn ăn phân à? Nào... nào. Nó mà không ăn thì mày ăn thay nó nhá!

Ước không cãi mẹ, cúi xuống bưng nồi phân trâu nấu nhuyễn đổ toẹt vào mẹt. Con sề đói ngấu xông vào đớp lấy đớp để. Nó ăn bôm bốp, nghe vui tai như người vỗ tay xuống nước.

Bà lái trố mắt nhìn, lạ lắm. Nhưng bà lại hoạnh ngay:

Của giống của má mà mày làm tình làm tội nó thế à? Ai bắt mày ăn cứt mà mày bắt nó ăn cứt? Hở! Hở!

Ước suýt bật cười, mà không dám cười:

Ơ hay mẹ! Là con đi học, thì người ta dạy thế.

Bà lại rít lên:

Mặc người ta. Mày không thế được! Nhà tao không có thói phép thế. Làm ăn nó có mở mày mở mặt ra được là nhờ có thổ công đất nước chứ! Mày làm ô uế ra đấy, rồi mà mọc mũi sủi tăm được à! Giời ôi! Tội tình gì mà nó làm khổ tôi thế này?

Thấy Ước vẫn bình tĩnh đổ nốt cám vào cho lợn, bà giãy lên đành đạch, chửi Phần:

Thằng kia! Mày không dạy được vợ à? Mày coi nó hơn mẹ mày à? Mày... mày...

Phần cuống quýt lên. May sao, bà cụ Hưởng, bà hai Thảo đã từ ngõ đi vào:

Nào! Sang chơi với bà Phần tí nào. Gần nhà xa ngõ. Chị em lâu nay mới đến nhà! Đánh chó cho tao... cháu!

Bà lái vốn hay giữ kẽ với hàng xóm, đành nguýt con dâu một cái thật dài, rồi chạy vội ra đón khách. Tối ấy, hai bà khách ở chơi thật khuya. Phần và Ước sau khi đã nấu một ấm nước chè tươi và luộc nồi khoai lang đem lên cho các bà vừa ăn vừa vui chuyện, thì lỉnh sang hàng xóm, họp tổ đổi công.

Câu chuyện gia đình nhà bà lái Thìn, không phải là chỉ một buổi như thế mà đã thu xếp ổn thỏa. Mấy bà bạn bên hàng xóm - mà bà lái Thìn quý như mẹ - rồi họ hàng, làng mạc đều có lời qua tiếng lại, khuyên bà hòa thuận với dâu con. Trong lòng bà lái thì còn nhiều bực bội lắm. Nhưng nể lời hàng xóm bà cũng chỉ ậm ừ, không mấy khi to tiếng nữa. Vả lại, từ ngày Phần thôi học, thì vợ chồng hắn cũng không hay ở nhà - trừ hai bữa cơm. Cả ngày, chúng hì hục giống cây ngoài vườn, xúc bùn ao đổ ruộng, hoặc làm cỏ, bắt sâu với các anh chị em ngoài cánh đồng. Trưa và chiều, anh chồng cắp cuốn sổ con với ba hòn phấn ra dạy bình dân ngoài quán, còn chị vợ vẫn le te cấp cái loa sắt tây sau đít, chạy khắp làng trên xóm dưới phát thanh a lô... a lô... Bà mẹ lẩm bẩm: "Làm vương làm tướng gì? Sao mà nó lại cứ đâm đầu đi làm đầy tớ thiên hạ không công thế nhỉ...?". Nhưng bà chán chẳng buồn nói mãi, mà cũng khó có cớ mà nói: Hai đứa con đều chịu khó, lúa tốt lắm; con sề vẫn ngày hai bữa ăn cám trộn phân trâu, mà vẫn khỏe mạnh, béo tốt. Ước đã chiều ý mẹ đặt nồi nấu cám ngoài góc vườn, kẻo động "ông thổ công".

Mỗi phiên chợ chiều thôn Hạ, bà lái lại lọm cọm đôi bồ hàng xén, đi trên con đường dài hun hút. Thanh niên hai xã vừa tổ chức lao động tập đoàn sửa chữa, nên bây giờ đường đã rải gạch vụn, san phẳng lốt bục thang thật nhẵn nhụi. Nhưng bước chân lên, bà lái vẫn ngài ngại. Ngoài năm mươi tuổi đầu, mà mang ba mươi cân trên vai đi qua ngang quãng này vào dịp ngâu tháng bảy, thật càng ngày càng vất vả thêm. Cái nghề xoay chợ đã ba mươi năm của bà lái, thật cũng dần dần tàn tạ. Mỗi phiên dù hết sức mời kéo, bà cũng chỉ còn kiếm được chút lãi cỏn con: năm ba trăm đồng...

Trời trong xanh. Mây kéo vẩy tê tê trắng xốp. Gió tây nam, quạt dào dạt trên cánh đồng lúa mùa, lá đã rải đầy ngồn ngộn. Có tiếng cười ầm ĩ dưới bờ ruộng. Bà lái dừng lại nhìn. Không ai chú ý đến bà. Xa xa, hai vợ chồng Phấn đang còng lưng kéo cào cỏ. Bên cạnh họ, độ non chục thanh niên làng lúi húi ủ phân xanh bón ruộng. Ánh nắng đầu mùa thu chiếu xuống nón, xuống lưng áo nâu của họ, và cả trên mặt lúa, từng vết vàng rực, như rắc bụi kim nhũ.

Bài liên quan
  • KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ký sự Cao Lạng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được ghi nhận là một trong những tác phẩm dài hơi đầu tiên của nền văn học kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp, đại diện xuất sắc cho thể loại ký sự trong văn học sử Việt Nam thời hiện đại. Tác phẩm như một thiên sử thi, ghi lại những diễn biến lần đầu tiên Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tiến công quân xâm lược Pháp, do đích thân Hồ Chủ Tịch ra trận chỉ đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhận trọng trách chỉ huy trưởng chiến dịch. Ký Sự Cao Lạng cùng với một số tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (giải thưởng diễn ra 5 năm một lần) trong lần đầu tiên giải thưởng này được tổ chức năm 1996.
  • MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mùa Gụ là truyện ngắn trong tập Ngày mai sẽ nắng của nhà văn Trần Tâm, Nxb Kim Đồng in năm 2002.
  • ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuyện của nhà văn gốc Cà Mau, về miền sông nước...
  • CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    Chuyến xe lửa đêm ra Bắc hôm nay có vẻ hấp tấp vội vàng như người đi trốn nợ. Thỉnh thoảng đầu xe lại thét vội giữa quãng đồng không, xa xa. Nghe như hơi thở của đêm vắng.
  • LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Làn gió chảy qua là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.
  • THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tháng Bảy là truyện không ngắn như những truyện ngắn khác mà nhà văn Phan Thị Vàng Anh thường viết, nó dài hơn hẳn. Truyện được viết khi tác giả tham dự chương trình viết văn của Đại học Iowa, Mỹ, đăng trên TTCT năm 1996.
  • HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn quê gốc Chợ Gạo Trần Kim Trắc, còn được biết đến với tên gọi Ông Thiềm Thừ, theo tên một truyện ngắn xuất sắc của ông, là một trong những cây đại thụ của văn chương Nam Bộ. Truyện nào của ông, cũng như gieo những cơn mưa Nam Bộ, thấm đẫm từng trải và bạt ngàn vốn sống lên văn đàn.
  • ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư của nhà văn Đỗ Phước Tiến in trên báo Văn học và Dư luận năm 1992, ngay lập tức đã gây chú ý  tới đông đảo độc giả yêu mến văn chương. Năm 1994, Đảo của dân ngụ cư đã được dịch sang tiếng Pháp với tựa Terre des éphémères và được lấy làm tên cho một tập truyện xuất bản ở Paris. Truyện cũng được dịch sang tiếng Anh với tựa The Way Station trong tuyển tập Night, Again xuất bản tại New York năm 1996. Đến năm 2016, tại Việt Nam, nó được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên do Hồng Ánh đạo diễn.
  • THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH của Nhà văn Cà Mau Nguyễn Trọng Nghĩa in lần đầu trên báo Tuổi trẻ chủ nhật sau đó in trong tuyển tập Truyện ngắn hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật, nhà xuất bản Trẻ 2005.
  • ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đình Tú đến với văn chương từ cuộc thi Tác Phẩm Tuổi Xanh của Báo Tiền Phong năm 1995, với giải thưởng cho truyện ngắn Niềm vui của một dòng họ. Nhưng phải tới khi đạt giải nhì cuộc thi văn chương của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999, anh mới chính thức rẽ vào làng văn và trở thành một trong những nhà văn thế hệ 197x viết nhiều và đa dạng thể loại thành công nhất hiện nay.