chan_dung-ke_si

CỎ NON - Truyện ngắn Hồ Phương

07-11-2023

Lượt xem 1064

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Hồ Phương

CỎ NON - Truyện ngắn Hồ Phương
Nhà văn Hồ Phương
 
Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Hồ Phương nhớ lại đại ý: Ngày ấy ông công tác ở tạp chí Văn nghệ Quân đội, thường được cử về các đơn vị viết bài. Lần ông đi công tác qua đoạn cánh đồng gần đường Hòa Lạc bây giờ, giữa trưa, nắng như đổ lửa, cháy da cháy thịt, ông bắt gặp một cảnh tưởng không thể nào quên. Ấy là khi ông đang ngồi nghỉ trốn nắng dưới gốc cây ven đường chợt nghe có tiếng người hô rất dứt khoát: Họ… Đứng lại! Đứng. Cái thằng kia, bố láo, vô kỷ luật, đứng lại. Bắn bỏ giờ, đứng lại!. Cứ thế tiếng hô cứ lặp đi lặp lại. Ông thầm nghĩ, giữa đồng không cháy nắng thế này không biết anh bộ đội nào hô hoán gì không biết. Đang thắc mắc thì bỗng nghe rộ lên những tiếng rào rào xung quanh, quay sang nhìn thì thấy bao nhiêu là bò.
 

Ngày hôm đó, mầm cỏ đã lấm tấm xanh khắp các ngọn đồi. Tuy chưa ăn được nhưng đàn bò cũng lộ rõ vẻ khoan khoái. Nhẫn đem sách đi nhưng chưa học được, anh vẫn còn phải chạy suốt ngày để tìm cỏ cho bò ăn. Ðêm ấy trời lại mưa phùn. Ðêm hôm sau nữa lại mưa tiếp. Sáng ngày thứ ba, Nhẫn lùa đàn bò ra đi.

Cả đàn bò rống lên sung sướng. Nhẫn cũng phải đứng dừng lại một bước, hai mắt sáng rực lên. Qua có mấy đêm mưa phùn mà cả khu đồi Con Cuông đã thay đổi hẳn bộ mặt. Cỏ non đã mọc tua tủa. Một màu xanh non ngọt ngào, thơm ngát, trải ra mênh mông trên khắp các sườn đồi.

"Ò... ò..." đàn bò reo hò. Chúng nhảy cỡn lên, xô nhau chạy. Con Tô cũng mừng lây rít lên ăng ẳng, sủa Đông sủa Tây, hai chân trước chồm lên, chồm xuống.

- Dừng lại! Gặm cỏ... gặm!

Nhẫn kẹp chiếc hèo vào nách bắc loa lên miệng, rướn cao người, hô vang động cả rừng núi.

Con Nâu đứng lại. Cả đàn dừng theo. Tiếng gặm cỏ bắt đầu trào lên nhưng một nong tằm ăn rỗi khổng lồ. Con Ba Bớp vẫn phàm ăn tục uống nhất, cứ thúc mãi mõm xuống, ủi cả đất lên mà gặm. Bọt mép nó trào ra, nom đến là ngon lành. Con Hoa ở gần đó cũng hùng hục ăn không kém, mặc dù ả có bộ mã tiểu thư rất yểu điệu "cái giá cắn làm đôi". Gã công tử bột vẫn sán ở bên cạnh ả, mồm vừa rau ráu gặm cỏ, mắt vừa liếc sang lem lém.

Mẹ con chị Vàng ăn ở riêng một chỗ cùng con Cún. Cu Tũn dở hơi chốc chốc lại chạy tới ăn tranh cỏ của mẹ. Chị Vàng lại dịu dàng nhường cho nó và đi kiếm một búi khác.

Nhẫn đứng ngây người nhìn đàn bò. Những tiếng nhai cỏ rào rào ngon lành, liên tiếp dội vào lòng anh những tiếng reo náo nức. Anh tưởng như nom thấy đàn bò đang từ từ béo ra, lớn lên và đang sinh sôi nảy nở đàn đàn lũ lũ ở ngay trước mắt anh.

Nhẫn đã quên bẵng mất quyển vở đang nằm ở trong túi quần. Anh cứ hớn hở bước theo đàn bò. Chúng đã tràn lên, phủ vàng rực các sườn đồi. Nom những cái mõm ngọn cỏ sao mà ngon thế! Ngon đến nỗi phải ứa nước miếng. Nhẫn cũng muốn cúi xuống gặm một đám cỏ lưỡi gà, đuôi rắn kia mà nhai ngấu nghiến. Và anh hình như cũng cảm thấy mùi rễ non phảng phất thơm mùi mạch đất, mùi lá non ngan ngát, cay cay xen lẫn vị ngọt ngào nồng nồng của nhựa mới, bốc lên ngây ngất.

Nhẫn đã lên tới đỉnh đồi. Cây ruối dại, nơi trước đây anh vẫn thường tranh thủ ngồi học văn hóa. Một vệt đất nhẵn lỳ đập vào mắt anh làm cho Nhẫn bấy giờ mới sực nhớ tới quyển vở để trong túi quần. Anh vội lôi nó ra. Chú mình đây rồi! Ba tháng nay gặp gỡ chú mình thất thường quá!

Nhẫn tháo mảnh ni lông giắt ở thắt lưng ra, trải phẳng phiu xuống gốc cây ruối dại.

Đoạn, anh nằm xoài ra, khoan khoái mở từng trang sách.

Nhưng mà quái lạ, sao đọc chẳng thấy tí nào thế này? Lòng dạ anh cứ bổi hổi bồi hồi đến hay! Nhẫn cố tập trung tư tưởng vào đọc lại từ đầu. Song chữ vẫn nhảy ra khỏi đầu anh lung tung.

Ruột gan anh vẫn để tận đâu đâu. Anh đã nom thấy đàn bò mỗi lúc một tản rộng ra. Có cỏ non chúng ham ăn đến thế là cùng. Này, khéo khéo, phởn lên, lạc mất vài chú bây giờ.

Nhẫn vội gấp quyển vở lại rồi cầm hèo chồm dậy. Anh chép miệng:

- Thôi! Mai hẵng hay! Hôm nay hẵng trông cho chúng nó ăn cái đã! Buổi đầu có cỏ.

Anh chạy băng băng sang ngọn đồi bên cạnh, hối hả le con Ba Bớp trở về. Nó đã tách ra khỏi đàn một quãng khá xa. Xem ý nó đang muốn “linh động”, “tranh thủ” chạy rông một lúc cho khoái chí.

Rồi Nhẫn lại hớn hở đi theo đàn bò, lại thèm thuồng nhìn chúng đua nhau gặm cỏ và lại tưởng tượng như nom thấy chúng đang béo ra, đang lớn lên, đang sinh sôi nảy nở đàn đàn lũ lũ cho nông trường.

* * *

Ðàn bò, sau một ngày ăn no nê, đi rất thong thả phởn phơ. Nhẫn vẫn đi sau chúng, nhưng anh không cười như hồi sáng nữa. Anh vừa đi vừa lầm rầm nguyền rủa con Ba Bớp. Nó là con ôn vật! Nó là con beo vồ! Bảo nó trăm lần nghìn lần cũng vậy. Nó phụ công lao của anh. Nó không thương anh một tí nào gọi là có. Nó phá hại sản xuất của nông trường... Chuyến này bắt nó về, nhất định phải đả! Phải đả cho nó một trận nên thân thì bận sau nó mới chừa. Con khốn nạn!...

Hộ Pháp vẫn khoác chiếc chăn trấn thủ lòe xòe, đứng đợi Nhẫn ở đầu nhà ngủ:

- Bò no chửa! Thôi mau tắm rửa, thay quần áo đi! Cơm canh còn nóng nguyên, kẻo nguội tiệt cả bây giờ!

Mặt Nhẫn vẫn tối sầm sầm; anh rút mạnh dóng chuồng:

- Con Ba Bớp lại chạy mẹ nó đâu mất rồi!

- Cái gì? Nó lại chạy rong rồi à? - Hộ Pháp trợn tròn hai con mắt.

Lùa hết đàn bò vào chuồng, Nhẫn lại vớ lấy hèo.

- Thế cậu không ăn lấy một miếng đã hử? - Hộ Pháp nắm lấy vạt áo Nhẫn.

- Chẳng cơm, chẳng nước gì cả, đang điên tiết đây!

Nói đoạn anh xăm xăm đi ra cổng. Con Tô chạy tế đuổi theo.

Đêm cuối đông tù mù. Gió thổi lồng lộng rét buốt bên tai. Đường gồ lên, dốc xuống, lồi lõm vệt bánh xe. Nhẫn vấp ngã dúi dụi. Anh băng ra con đường cái đá đi về tỉnh. Theo kinh nghiệm, anh đoán là con Ba Bớp no bụng quẩng mỡ chạy đi, chắc chỉ đi theo con đường cái lớn. Bộ nó không đời nào dám rẽ vào rừng vì còn sợ cọp.

Nhẫn đi như chạy. Con Tô dường cũng sốt ruột như chủ, chạy phóng lên phía trước. Khi đã khá xa, nó đứng lại đợi, theo thói quen, lại ghếch một chân lên đái tè sang vệ đường.

Nhẫn đi tới một ngã ba. Mấy quán hàng cơm, hàng nước thắp đèn sáng trưng. Một dãy xe bò chở hàng đỗ ở dọc đường cái đá. Một gánh phở bốc khói nghi ngút, mùi nước dùng thơm ngào ngạt. Nước miếng ở đâu mà tứa ra nhiều thế? Nhẫn chép miệng rồi ngoái cổ vào hỏi thăm:

- Ông phở ơi! Có thấy con bò lưng đen bụng vàng nào vừa chạy qua đây không?

Bác phở vẫn đều tay băm hành trên thớt:

- Không! Từ tối giờ chẳng thấy gì sốt!

Nhẫn đã thất vọng thì một bà hàng nước đã nói vọng ra:

- Có đấy anh ạ! Em vừa thấy một con bò chạy qua đây xong. Cứ ngỡ là bò của hợp tác trong xóm.

- Nó chạy qua đây lâu chưa hả bà? – Nhẫn mừng quýnh.

- Vừa xong! Anh nhảo mau lên thì kịp đấy!

Hai chẫn Nhẫn như quàng lên cổ. Quên cả đói, quên cả rét. Con Tô cũng dài bụng ra chạy theo. Song, càng đuổi thì càng mất hút. Nhẫn lại tức điên lên. Con Tô sủa ủng oẳng. Tới một dãy phố xép khác, Nhẫn cố nén giận hỏi thăm một lần nữa. Lại người bảo có thấy và lại người bảo không thấy. Chán quá. Nhẫn đứng lại thở dốc. Gió táp vào mặt làm cho ngực anh rức lên, nước mũi đổ ra ròng ròng.

Anh đứng tần ngần mấy giây rồi lại cắm đầu cắm cổ chạy. Và lại thở, lại lầm rầm nguyền rủa.

Khoảng chín giờ đêm, tới phố Quảng, cách thị xã độ ba cây số, anh chợt nom thấy phía trước có một người xách một chiếc đèn chai đi tới. Ánh đèn đỏ đậm, hắt xuống mặt đường mấp mô những đá. Lại có người để hỏi thăm đây rồi! Người đó tới gần. Đó là một ông cụ đầu trùm khăn vuông kín mít, mình vận một chiếc áo bông đã sờn rách, quanh lưng buộc một sợi rơm. Ông cụ tuy đã cao tuổi nhưng hai mắt vẫn còn tinh tường và đáng đi nhanh nhẹn y như một người con trai.

Ông cụ thấy Nhẫn chạy tới, bèn dừng lại, giơ chiếc đèn lên soi.

- Anh đi đâu? Đi tìm bò phỏng?

Nhẫn vừa ngạc nhiên vừa ngờ ngợ, mừng mừng:

- Vâng! Sao cụ biết ạ?

Ông cụ cười khà khà:

- Thế lão có tinh không nhá! Thôi vào đây, vào đây! Bò đây rồi!

Nhẫn thở trút ra một cái, nhẹ bỗng người. Thì ra lúc chập tối ông cụ định sang cái xóm ở bên này đường để thăm thằng cháu ngoại ấm đầu. Khi ra tới đường cái thấy một con bò cổ đeo số đang chạy rông một mình, đoán là bò của Chính phủ lạc, ông cụ “họ” nó lại. Song nó không nghe, cứ cong đuôi chạy, “họ” một lần nữa chẳng được, “họ” hai lần cũng không xong. Nó cứ tế lên như muốn trêu tức ông lão. Song, chẳng may cho nó gặp phải tay không vừa. Ông cụ cởi phăng ngay áo bông rồi chạy theo. Thoáng cái ông đã bắt kịp nó, vỗ mông đánh đét một cái, nhảy phát lên lưng cu cậu và kẹp chặt hai đùi lại. Con Ba Bớp cũng chưa chịu, cứ lồng lên như hóa rồ. Ông cụ cáu tiết, một tay cầm đuôi nó kéo giật lại, một tay cứ nhè lưng nó mà đấm, đồng thời hai gót chân thúc thật mạnh vào lưng cu cậu. Cuối cùng con Ba Bớp đành phải chịu thua. Nó phải ngoan ngoãn đi theo ông cụ về nhà. Hiện nay nó đang ở gốc cây bưởi sau vườn. Ðoán biết là thế nào cũng có người đi tìm bò, nên ông cụ xách đèn đi đón.

- Cám ơn cụ quá! May quá, không có cụ thì... Thôi cháu xin cụ, cháu về kẻo khuya rồi!

- Hượm cái đã! Vào uống hớp nước cho ấm bụng đã! Mặt mũi anh xanh xám cả rồi này! - Ông cụ kéo Nhẫn vào trong nhà, vặn to đèn rồi sai cô con dâu đi đun nước.

Một lúc sau, ông cụ đưa Nhẫn ra vườn sau. Con Ba Bớp đây rồi! Con ôn vật đây rồi! Cái mặt nó nhăng nháo sao mà ghét đến thế kia chứ! Con vật cũng nhận ra chủ nó, con mắt nó ánh lên xanh lẹt, vừa có vẻ mừng, vừa có vẻ sợ. Nó cúi gầm mặt xuống ra cái điều biết lỗi lắm rồi đấy. Nhẫn cười nhạt cầm mũi nó kéo lên:

- Hừ! Ba Bớp đấy à? Giỏi! Giỏi lắm! Giỏi lắm con ạ!

Con bò đứng im không dám ho he, động đậy, hai mắt nó chốc chốc lại liếc trộm Nhẫn một cái để dò xét thái độ. Nhẫn mượn một đoạn chạc buộc vào sừng nó, rồi cám ơn ông cụ, kéo ra cổng. Nó đi cung cúc. Ra tới đường cái đá, gió rít lên ào ào. Tuy lạnh cứng mũi, nhưng cơn giận của Nhẫn đã bốc lên nóng rực cả đầu rồi.

- Ði, con beo vồ! Con khốn nạn này! Chuyến này mày về sẽ biết tay tao! Tao có phải người nhu nhược đâu cơ chứ! Mày phá kỷ luật lần này là lần thứ mấy? Hử? Mày phá cả kế hoạch của nông trường! Mày hỏng! Tao tưởng mày ăn no thì mày ngoan cơ chứ... Hừ, con beo vồ, con khốn nạn!

Nhẫn vừa giong nó đi, vừa mắng sa sả. Anh mắng không còn tiếc lời, mắng với tất cả sự tức giận và cả bầu nhiệt tình của mình. Con Ba Bớp vẫn cứ cung cúc đi, không dám nói năng nữa tiếng. Nhưng bỗng "khục". Đi qua con suối cạn, nó vấp phải một tảng đá to: cả hai chân trước nó quỵ xuống. Nhẫn đang hùng hổ nói vội im bặt. Anh cuống quýt quỳ cả hai đầu gối xuống đống sỏi đá, ghé vai vào bụng con Ba Bớp để đỡ nó dậy.

- Giời ơi, mắt với mũi! Mày đi với đứng thế thế hả? Giời ơi là giời!

Nhẫn rên như chính mình vừa ngã một cái chết điếng. Con Ba Bớp đã đứng dậy được rồi, nhưng vẫn còn đau. Hình như nó bị trẹo một chân rồi thì phải. Cái chân phải của nó cứ giật giật rồi cào cào xuống đất. Nó bước đi tập tễnh. Ruột gan Nhẫn như xát muối. Anh vội "họ" nó lại rồi ngồi thụp xuống nắn bóp cái chân đau cho nó. Anh đã quên tất cả mọi tội lỗi của nó rồi. Cơn tức giận của anh đã bay biến đi đâu mất hết. Anh chỉ còn thấy thương nó vô hạn, tội nghiệp cho nó, mới được bữa no, lại ngã một cái đau quá. Thế này thì, "của thiên lại trả địa", nó lại gầy sút đi cho mà xem.

- Khổ chưa con! Ai bảo quẩng mỡ chạy đi cho nó khổ thế này? Có đau lắm không?

Hai bàn tay anh xoa xoa, nắn nắn mãi đã phát nóng rực lên. Con Ba Bớp cứ đứng lim dim cặp mắt rồi bỗng "ò" lên một tiếng. Và bước đi thủng thẳng. Nó cảm động trước thái độ của chủ nó đấy. Nó ve vẫy cái đuôi. Chân nó còn đau, nhưng hình nó cố đi mạnh bạo, khỏe khoắn.

Con Tồ lại phóng lên trước, đứng đợi và lại ghếch chân đái tè.

Nhẫn về đến doanh trại thì đồng hồ cũng vừa chỉ mười hai giờ. Một chiếc lồng bàn úp trên bàn ăn. Hộ Pháp vẫn còn khoác chân gồi xù xù ở đó, ngủ gà ngủ gật. Chốc chốc anh ta lại cúi đầu, đập cái mũi to và đỏ như quả cà chua xuống mép bàn. Khi nghe tiếng động, anh mới choàng dậy:

- Ðã về đấy hử? Tìm thấy nó chưa? Cơm canh nguội hết cả rồi còn gì!

Khi vừa đặt mình nằm, kéo chiếc chăn ấm hùm lên trùm kín đầu thì Nhẫn lại nghe thấy rì rầm ngoài trời. Lại cái tiếng êm êm, dìu dịu, rơi rơi. Và âm thanh ấy lại có tiếng cỏ non đang đua nhau nảy mình đâm lá.

- Lại mưa rồi, Thịnh ạ.

- Ừ, mai cỏ lại lên mạnh ra phết!

Ngoài trời mưa mỗi lúc một mau hơn. Hơi lạnh thấm qua các vách nứa, thấm qua cả giấc ngủ. Hộ Pháp bất giác quay sang:

- Này Nhẫn! Hôm nay có tranh thủ học được tí nào không thế?

- Tương đối, tương đối. - Nhẫn khẽ trả lời trong giấc ngủ đang dịu dàng kéo đến.

1-1960
Hồ Phương

 

Cùng tác giả:

THƯ NHÀ - Truyện ngắn Hồ Phương

NGƯỜI RA VỀ - Truyện ngắn Hồ Phương

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.