chan_dung-ke_si

CÔ LÁI ĐÒ SÔNG NINH - Truyện ngắn Chu Văn

28-01-2024

Lượt xem 1581

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Chu Văn

CÔ LÁI ĐÒ SÔNG NINH - Truyện ngắn Chu Văn

Chân Dung Kẻ Sĩ: Cô lái đò Sông Ninh là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên của nhà văn Chu Văn, Nhà xuất bản Văn Học in năm 1960.

Ai cũng đoán rằng cái người bé nhỏ như thế mà chịu đòn tra tấn ở Từ Phương thì thôi chết, chả còn mong gì mà trở về nữa.

Nửa tháng sau, cô Tẹo lần được về bến đò. Cô đi men theo dọc bờ đê, tay phải bọc trong một bó giẻ xù xù đẫm máu đặc sệt, tay trái chống một cây gậy bằng thân sắn. Người vốn nhăn nheo xấu xí, lần này cô càng nhăn nheo hơn, khặc khừ như bà lão sáu mươi. Trên mặt, năm sáu vết máu đọng xanh xám. Bàn chân, bàn tay đầy những vết sẹo, vết lở loét. Cô đi rất chậm, vai lệch hẳn về một bên.

 

Sông Ninh chỉ là một con sông nho nhỏ, hiền lành vùng bể. Nước sông bốn mùa đục lờ. Hai bên bờ đê thấp xoai xoải, có từng dãy chuối mọc sum suê, xen lẫn với những khoảng vườn rau xanh mướt. Trong đê, đồng lúa bạt ngàn, bọc xung quanh các thôn xóm.

Thuyền đi lại trên sông quanh năm. Gõ (1) Trà Lý chở nước lên Việt Trì, Yên Bái, bồng (2) Hà Nam bốc cá khô đi Hà Nội, và những chiếc nan to bè bè xếp từng đống rau tươi đi tỉnh. Một năm hai mùa, từng đoàn đò dọc tải lúa bông từ đồng bể đi lên, lúa vàng nhạt chất đầy mướt xun xun như đĩa xôi nghệ. Gió bể thổi căng vài buồm cánh dơi nối đuôi nhau như những chiếc vẩy cá khổng lồ màu nâu nhạt. Chèo khua nước ì oạp, xen lẫn tiếng các anh chân sào thuyền xuôi thuyền ngược chào nhau, hoặc hát trêu các cô gái cắt cói bên bờ.

1. Thuyền gỗ: Loại thuyền vượt bể thon thon và nhỏ.

2. Thuyền bồng: Loại thuyền lớn đi trong sông.

Con sông hiền lành ấy - một buổi sáng mùa xuân - nổi sóng sôi sùng sục. Ca nô Pháp từ ngoài bể phóng vào - xám sìn sịt, chở những tên lính mũ đỏ, áo dù, cầm súng đen sì bắn vào hai bên làng mạc. Lúa đồng bốc khói. Lửa tràn vào mái gianh, thiêu trụi cả những vườn cam đang mùa trổ hoa. Đò ngang đò dọc xô nhau chạy biệt. Tây trắng, Tây đen, lính ngụy hò nhau cướp những thuyền còn sót lại, chở đi chở về trên sông, càn quét. Giặc đi đến đâu, bộ đội dân quân ta đánh đến đó. Có lần súng ran trên mặt nước. Máu người đổ xuống thành vệt thắm như phù sa tháng bảy. Thế rồi giặc đóng vị trí, lập tề. Sông Ninh trở thành vệt biên giới. Bên kia là mấy xã Từ Phương, An Lạng có phản động. Bờ bên này vẫn thuộc vùng du kích, với những anh dân quân hiền lành, vác súng gác cho dân cày cấy, gặt hái.

Trên dòng sông thuyền xuôi ngược có thưa đi chút ít, mà thường đi về đêm, để tránh máy bay địch bắn phá. Nhưng bến đò ngang lại tấp nập thêm. Đường giao thông kháng chiến đặt ra như mạng nhện. Các anh cán bộ, bộ đội, du kích và nhất là giao thông ra vào vùng địch luôn luôn phải vượt dòng nước hai trăm thước, bất kể ngày đêm. Rừng chuối sum suê hai bên bờ trụi dần. Những chuyến vượt sông chạy càn, người ta không kịp đợi đò, đã đẵn phăng cây chuối làm phao bơi qua lại.

Cô lái đò ngang sông Ninh được nhiều người nhắc đến tên từ ngày ấy.

Người mang cái tên đẹp đẹp, hay hay đó, thực ra, đã quá tuổi trẻ trung của thời con gái. Lọt lòng mẹ ra ở trên sông Ninh, cô ta cầm tay chèo kiếm ăn từ năm mười một mười hai tuổi. Đôi bàn tay đã nổi lên những cục chai dày quánh nứt nẻ, dạn dày với sương muối nắng hè gần hai chục năm. Người vùng biển thường hay mập mạp, to lớn quá khổ. Nhưng cô lái này chẳng có cái vóc dáng quen thuộc của quê hương. Có lẽ vì ở thuyền, suốt đời ngồi lái, ra vào cửa khoang sùm sụp, nên dáng đi hơi gù, lưng dài mà chân ngắn. Thân hình cô thấp bé, chân tay nhỏ, cùn quần, bộ mặt cũng héo héo, buồn buồn. Đã bị thiệt thòi nhiều như vậy, cô lại câm từ nhỏ. Riêng có đôi mắt, to và trong suốt, với sống mũi dọc dừa cao cao - đôi mắt và cái mũi ta thường gặp ở những cô gái theo đạo Thiên Chúa - nó làm cho con người tuy xấu xí, mà có một vẻ hiền hậu, thật thà rất đáng mến.

Chiếc đò ngang cô chở, có lẽ cũng mang đến ba mươi tuổi đời như chủ nó: Một con thuyền gỗ thon thon, ván cái đầy vết hà đục lỗ rỗ, hai mạn sứt sẹo, vá víu, thớ gỗ đã mục nát, tưởng như nếu chỉ sẽ chạm vào đâu cũng gãy vụn ra như vỏ trứng. Thế mà, khách sang ngang bến này hay chọn con đò cũ với cô lái già ấy. Thuyền cũ, nhưng nó lướt trên mặt nước nhẹ nhàng như ru võng. Đôi tay chèo gầy guộc thế mà khoắng xuống nước thoăn thoắt, thành thạo vô cùng. Nếu mà thi ra, chưa chắc một anh làng chài khỏe mạnh nào đã vượt được chiếc thuyền con cổ lỗ ấy.

Nhưng người ta nhắc đến cô lái sông Ninh, chẳng phải vì con thuyền nát, vì cô bơi tài, hoặc để chỉ điểm người cô xấu xí. Tất cả cái đò ngang trên bến Ninh đều lấy tiền đò. Riêng cô, hễ cứ cán bộ, bộ đội đi qua, không bao giờ cô chịu nhận tiền, dù là những buổi trời mưa gió, hoặc đêm hôm khuya khoắt. Con người không biết nói, dáng dấp chậm ấy lại có tài nhận xét thật lạ. Thoáng nhìn, cô nhận được ngay ai là người đi công tác, dù đã qua đò nhiều lần, hay mới vài ba lần. Ở vùng du kích này, cán bộ các cấp ăn mặc không khác gì nhân dân, khó mà phân biệt: Anh này áo và quần nâu, chân đi đất, có vẻ làm ruộng về; chị kia thì lòe loẹt cái thắt lưng xanh, quần nái, xách tay đầy như cô lái buôn các chợ. Theo lệ thường, bước chân lên thuyền, nếu anh rờ túi lấy tiền đưa, thế nào cô lái cũng lắc đầu, từ chối. Có lần, một chị giao thông đã cổ đưa tiền vào tận túi, bị cô đầy ngoắt ra. Chị này kêu lên:

Ô kìa! Tôi đi buôn, có tiền trả đò mà.

Cô lái lắc đầu, cười.

- Này! Không lấy tiền đò, nó giông buổi sớm mai đi. Tôi buôn bán thua lỗ, tôi giận đấy!

Cô lái vùng cười to hơn, cười ngặt nghẽo lộ đôi hàm răng trắng đục. Miệng cô cười, nét mặt càng thiểu não trông ái ngại.

Nhưng vì sao mà cô lái có cảm tình với những người kháng chiến không ai rõ. Nghe đâu xưa kia, ông bà chài Mạch - bố mẹ cô - chết sớm lắm, từ hồi cô chín mười tuổi. Ba chị em không nuôi nổi nhau. Cô Tẹo - tên cô lái - ở lại bến Ninh với con đò cũ của bố mẹ. Hai đứa em trai thì xiêu dạt, mỗi thằng một nơi. Thằng lớn đã có sức đôi chút, theo một người xuống đồng muối, còn đứa nhỏ đi làm con nuôi cho một người chân sào đò dọc, về ở vùng chợ Lương. Gia tài của cô lái - ngoài con đò nát ra chỉ còn có bộ cần câu, tay lưới cũ, với mấy cái nồi đất, và bộ quần áo rách. Suốt năm, cô không rời khỏi tay chèo, nếu không chở khách thì thả lưới, buông câu. Đêm khuya, nhiều khi con thuyền ấy vẫn cứ bì bọp trên dòng nước. Một tháng, hoặc vài tháng một lần, Tẹo mới vắng mặt một ngày: Cô xuống nhà xứ Từ Phương xem lễ.

Thỉnh thoảng, một năm vài ba lần, hai người em cũng có về thăm chị. Trong những dịp sum vầy ngắn ngủi ấy, nét mặt cô lái rạng rỡ hằn lên. Bao nhiêu những thức dành dụm lặt vặt suốt năm - một chút thức ăn hoặc vài đồng tiền - cô dốc cả ra, dùng cho hết. Cả ngày, cô vá quần áo, bắt chấy, tắm táp cho chúng. Đến lúc chia tay - hai thằng đi hai ngả - cô nhìn theo, mắt buồn rười rượi. Nhưng chút hạnh phúc gia đình của cô cũng không bền: Tính nết hai em khác nhau nhiều quá. Thằng lớn quen học đòi thói xấu nơi đồn đoan, trại khố xanh vùng muối thời Pháp thuộc nên tính nết ngông ngược, quay quắt, hay cậy khỏe, bắt nạt cả em lẫn chị. Thằng bé - hiền mà cục - nhất định không chịu anh. Có lần chúng đánh nhau, cô chị gỡ mãi mới nổi. Hai người em xa nhau dần, cho tới lúc tình ruột thịt không hàn gắn được nữa. Mỗi đứa theo một con đường: Chú bé vào làm liên lạc cho xã, rồi về sau, đi bộ đội Cụ Hồ; thằng lớn ham tiền, ham ăn chơi, theo bọn địch làm ngụy binh. Tẹo khổ sở về chuyện ấy lắm. Bà cụ Đạm - một bà cụ trong họ - rất thương cô. Tẹo chỉ ra hiệu chớp chớp đôi mắt, tay ôm ngực bà hiểu ngay là cô than thở chuyện nhà chuyện cửa. Bà xuýt xoa: .

- Cha bố nó! Rõ thật là tội nợ. Mày vất vả trăm đường.

Chiều chiều, những chiều êm mát, bà cụ hay chống gậy xuống đò cô lái. Ngày trước, bà cũng làm chài, bây giờ đã lên cạn cày cấy. Nhưng bà vẫn nhớ nghiệp cũ, thích ngồi bên mạn, tóp tép nhai trầu thuốc lim dim đôi mắt già mà vẫn tinh, ngắm dòng nước, với những tảng bọt đục ngầu trôi trên sông. Mỗi khi có mặt bà, con đò ngang vui hẳn lên. Cô gái câm, mắt long lanh, mỉm cười nhìn bà cụ, thỉnh thoảng sẽ ra hiệu. Cô hay thẹn, chỉ ra hiệu với bà thôi. Nhưng bà thì nói chuyện huyên thuyên với khách, hết điều này sang điều khác về Tẹo. Bà mắng yêu:

Cha mẹ nó chứ! Nghèo rớt ra chứ gì mà cứ đài! Sao các anh các chị ấy cho tiền mà lại không lấy?

Bà cũng nói thể cho mọi người chú ý đến cô cháu, chứ thực ra bà cũng cho rằng làm thế là phải.

Theo lời bà cụ, thì cô cháu bà có ngãi (nghĩa) lắm. Ngày trông thấy giặc giết người trên sông Ninh, cô lái cứ khóc mãi. Cô giận thằng em đi lính cho giặc. Thằng này đã đóng đến chức hạ sĩ ở trên Bùi, có vợ, con hẳn hoi.

Có lần, nó nhắn người gọi chị lên chơi. Tẹo nghỉ đò mấy ngày, lên thật. Nó thế nào mặc nó, tình chị em vẫn là tay đứt ruột xót. Tẹo đến Bùi vào một buổi trưa.

Cô dừng lại trước gian nhà lá hẹp, cửa đóng sùm sụp. Bên trong chật ninh ních những giường, ghế với hòm xiểng lùng cùng. Trên vách dán đầy tranh ảnh người ngợm ở truồng, cầm súng, trông gớm chết. Nhìn quang cảnh, Tẹo đã thấy ngài ngại. Đến lúc đứa em lù lù bước ra thì cô tròn mắt, đờ người, chân muốn lùi. Đây là em đấy ư? Một người to sù sù, khoác bộ áo quần xám xám, túi hoàng hoạc như cái bị. Những đứa mặc áo thế này, Tẹo đã được nhìn thấy trong trận càn bữa nọ. Nó cầm súng bắn đòm đòm vào làng, vào thuyền, người chết như rạ... Em cô há miệng cười. Miệng nó chói lên một dãy răng vàng. Bộ tóc trên đầu dày cờm cợp trờm lấp hết gáy, hai món lờm rẽ quặt, quặp chặt lấy tai như hai gọng kính. Tẹo thấy ngỡ ngàng như trước một người xa lạ.

- À! Chị không nhận ra tôi à? Rõ nhà quê! Vào đây! Vào.

Đứa em cầm vai chị dắt vào nhà. Nó chỉ một mụ đàn bà cũng cao lớn gần bằng nó, răng đen mới cạo trắng nham nhở, vai đầy nung núc, bộ mặt thì sưng sỉa như đang chửi nhau với ai. Mụ bế đứa bé con trên tay.

- Nhà tôi đấy. Cháu đấy.

Rồi nó hối hả, giục vợ:

- Này! Đưa em đây tôi. Mua quà chị ăn. Lỡ cơm rồi.

Vợ nó trao đứa con cho chồng, mặt lầm lầm, loẹt quẹt lê guốc ra cửa. Mồm mụ lầm bầm những gì không rõ.

Tẹo ghé ngồi xuống mép ghế, đưa tay bế đứa bé. Cô âu yếm nhìn cái mặt bụ sữa, ngoan ngoan, lại sẽ liếc nhìn mặt thằng em có mái tóc gọng kính. Ngày xưa... nó còn bé, cũng thế này. Mà bây giờ, nó lại thành như thế.

Đứa em nói oang oang, gần như hét vào tai chị:

- Này! Tội gì mà cứ làm đò ở cái vùng "Cộng sản" ấy mãi.

Ăn thua chó gì? Vào đây mà ở. Bế cháu cho tôi. Muốn ăn mặc gì, có đủ.

Mụ đàn bà bưng một bát phở ở phố về, đặt bịch xuống bàn. Hắn không nói không rằng, vơ vội lấy con, phủi phủi cái tã trắng, lại gờm gờm nhìn đôi bàn tay sứt sẹo của Tẹo, vẻ khó chịu ra mặt.

Thằng chồng đẩy bát phở lại:

- Này! Ăn đi! Ăn đi chứ! Rồi tôi nói chuyện cho mà nghe.

Tẹo cầm thìa. Cô đói lắm. Lần đầu tiên, cô ăn thứ quà này. Thằng em mở cái hòm nhỏ, lôi ra một đống lù lù:

Ở đây với tôi. Nhưng phải ăn ở cho sạch sẽ... áo quần này, xà tích này... hoa tai này. Gì cũng có.

Tẹo ngừng ăn, nhìn các thứ trong tay em. Toàn các đồ cũ. Nó lại ăn cướp ở đâu về đấy thôi... bao nhiêu người đã chết vì nó?

Thằng ngụy thấy chị mở to mắt, tưởng rằng chị thích lắm.

Đấy! Mê không? Đồ thật cả, chả mỹ ký đâu mà! - Rồi nó vỗ vào túi ngực bịch bịch.

- Tiền nữa! Khối. Tôi cho. Tha hồ ăn quà. Kia! Chị ăn đi, ăn đi chứ, ăn hết mua nữa sao cứ ngồi như ngố ấy?

Vợ nó nhìn chòng chọc vào đống áo quần, lại nhìn vào Tẹo nửa như tiếc của, nửa như khinh bỉ. Tẹo hiểu đôi mắt ấy lắm. Và cô thấy cực. Mặt cô đờ ra, hai tai đỏ tía như ứ máu. Cô đặt bát, cái cổ cứng đờ, gân kéo chằng chịt như muốn bật ra một tiếng quát. Chân tay cô run cầm cập. Mỗi khi bực mình, cổ cô cứng lên như vậy.

- Ô hay! Làm cái trò gì thế? Rõ... vớ vẩn.

Hai vợ chồng đứa em liếc nhìn nhau. Nó hiểu sao được nỗi lòng của người chị mà nó coi như là một con dại, chả biết gì.

Tẹo chờ em vắng nhà, lùi lũi bỏ về. Cô đi lặng lẽ mải mốt, như muốn trốn thoát khỏi những người xa lạ hung ác. Thôi!

Tình nghĩa chị em thể là hết!

Từ đấy cô ta nhất định không chở đò cho những lính ngụy bị bắt giải qua sông nữa. Cứ nhìn bộ quần cứt ngựa có túi rộng lùng thùng là cô ta nhổ bọt, quay mặt đi. Có giời mà giải thích nổi.

Tẹo không muốn bà Đạm nói chuyện đến đứa em đi lính cho giặc, thỉnh thoảng lại sẽ đưa mắt, sẽ giơ tay ra hiệu. Nhưng bà chẳng chú ý. Người nghe chuyện thì cũng đoán già rằng cô lái - tuy thế - vẫn còn thương thằng em mất giống ấy. Ngày nó đi càn bị đạn chết ở trên trận Cầu Đôi, cô cũng vấn một mảnh khăn tang trên mớ tóc ngắn, và nét mặt buồn thêm. Dù sao, trên bến Ninh này, cô cũng đã nuôi thằng em ấy ba bốn năm liền, thay bố mẹ.

Người em út còn lại đi bộ đội không thấy trở về. Cô lái vẫn âm thầm chờ đợi. Có bộ đội sang đò, là cô nhìn kỹ các chiến sĩ trẻ tuổi như cố tìm bóng dáng người thân thuộc. Tối về, cô lại ra hiệu với bà cụ Đạm: Đưa tay xoa xoa phía trước mặt như xoa đầu trẻ con rồi sẽ lắc lắc.

Bà cụ mắng:

Bố mày! Em nó đi bộ đội nơi khác. Mỗi lúc mà về cho mày xoa đầu!

Giặc giã quấy rối luôn luôn, dân bến Ninh cũng vất vả thêm về đời sống: Lúa ngoài đồng vàng ửng rồi mà không gặt được vì đại bác. Ruộng cày xong, nhưng phải tổ chức cấy đêm và những con đò trên sông cứ luôn luôn phải chạy: Giặc càn đến là dìm xuống đáy sông, giặc đi lại vớt lên. Cũng vì thế mà cô lái gặp khó khăn. Trước kia người có ruộng hai bên sông luôn luôn đi lại, thuê công chở hàng năm. Cứ mùa đến, mỗi nhà đem lại cho cô lái một bó lúa. Nếu là bà buôn bán quen thì hàng mùa, góp đấu vừng, bơ muối. Cô thu nhặt những món đó làm vốn ăn quanh năm, và chở khách chuyến, câu rạm, vớt rươi thêm cặp vào cũng tàm tạm đủ. Nhưng gặp lúc đường sá nhiễu nhương, đi về thất thường, nhiều người cũng sinh khôn, tính toán chi li hơn. Họ đến đập đập sẽ vào vai cô, nói trống không:

Này! Này! Từ nay tôi không đi đò mùa nữa nhá. Đổi ruộng cấy rồi. Mấy sào bên kia sông để lại cho dì nó bên ấy. Tôi cấy mảnh ruộng bên này.

Lại mấy bà đi buôn đến gọi:

- Này! Tôi đi chợ phiên nào, giả tiền phiên ấy nhá! Không giả năm nữa! Buôn bán thất thường chết đi ấy mà!

Cô lái sẽ gật đầu. Cô thì chỉ biết gật đầu chịu vậy chứ còn biết tính sao? Họ nói thêm:

- Thôi! Tìm nghề khác làm đi. Để đò cho du kích họ chở chứ. Đò giang bây giờ ăn gì?

Cô lái cười, miệng cười nhưng đôi mắt sầm lại, buồn xiu.

Người kia ái ngại, tưởng nên đùa một tí cho câu chuyện đỡ tẻ.

- Này! Lấy chồng đi nhá! Kẻo già. Tôi làm mối cho.

Lần này cô gái cười to, cười ngặt nghẽo, lộ hai hàm răng trắng đục. Cái cười vẽ trên mặt cô những nét nhăn thiểu não. Từ ngày họ bỏ cái cách trả công từng vụ ấy đi, cô lái túng bấn trông thấy. Ngày hai bữa, vo gạo bên sông, cái niêu to hơn quả cam mà cô ních đầy quá nửa những củ khoai, củ đao, nhặt nhạnh đâu các vườn hoang bên vệ đê. Mức ăn uống kém sút, nhưng đò cô vẫn chở đều, từ sáng đến khuya, mái chèo khỏa nước thoăn thoắt. Người qua sông trả cô năm chục, hai chục, bỏ trong chiếc túi làm bằng mo cau, buộc bên mạn. Nhưng nếu là anh giao thông, anh cán bộ mà muốn trả tiền, cô gái vẫn lắc đầu, cười...

Hai năm qua. Giữa vùng du kích với vùng tạm bị chiếm, luôn luôn xảy ra những chuyện giành giật, xô xát. Nhiều bộ đội, cán bộ qua lại đò Ninh, quen cả mặt cô lái... Nhưng người em trai út của cô thì chẳng thấy tăm hơi. Không biết người chị ấy có nản lòng chờ đợi hay không. Cứ mỗi lần bên kia vang tiếng súng, tiếng mìn, đôi mắt cô lại tỏ vẻ sợ sệt lo lắng và có những đêm khuya, khi bên kia vùng địch hậu có ánh lửa, con đò cô vẫn thao thức, luẩn quẩn bên sông. Nhờ con đò ấy, một đồng chí cán bộ huyện thoát chết chìm vào một đêm gió bão.

Anh ta đi công tác cơ sở An Lạng. Có một thằng tề ác nó theo dõi. Dạo ấy đang mùa hè, nước lớn, lại sắp bão. Chập tối, bọn phản động ở An Lạng, Từ Phương hợp nhau mười hai tên bảo an, mang súng, mã tấu đến lùng xóm Hạ. Nó đào hầm, bắt được anh cán bộ. Chúng đánh cho anh một trận rồi trói ngoài gốc cau, phơi mưa. Mấy thằng vào nhà uống rượu với thịt cầy, bàn nhau đem cán bộ nộp Tây lấy thưởng. Trong lúc chúng đang chè chén, thì anh cựa tuột dây, lẻn trốn. Nhưng vừa đến làng, tụi bảo an đã hô hoán lên, đuổi theo. Gió to. Đường trơn. Bọn dõng (lính ở nông thôn thời Pháp thuộc) đốt đuốc lên, rọi theo rất gấp. Anh cán bộ tắt qua đồng, hướng thẳng phía đò Ninh. Ra đến bờ sông, sức anh đã yếu. Sông nổi sóng cao, bạc đầu, vỗ ầm vào vệ đê. Mưa trút xuống từng cơn ràn rạt. Đứng bên đê trông ra, chỉ thấy đen người, phía sau, bảy tám cây đuốc cháy bùng bùng đã rượt tới nơi. Anh hoảng hốt, luýnh quýnh một lúc tìm cây chuối. Nhưng cây chuối đã nhẵn sạch. Một thằng dõng đi đầu trông rõ anh qua ánh chớp. Nó hò nhau lao thẳng về phía ấy. Anh cán bộ vội nhảy tọp xuống nước. Một đợt sóng rút ra đánh ào, đưa anh xa bờ bảy tám thước. Trên bờ, tụi tề An Lạng đứng xúm xít, chập đuốc lại, xả súng bắn theo xuống dòng sông. Anh ngụp đầu, tránh đạn, tránh sóng, hết sức quẫy trong nước lạnh. Đã thoát khỏi làn đạn, gần tới bờ bên kia, còn cách độ vài chục sải nữa thì anh uống nước nhiều, sặc, lại bị chuột rút, đành buông tay, mặc cho sóng cuốn.

Cuối canh hai, du kích đi tuần thấy Tẹo lôi một cái xác trên bờ đê. Anh em đem cả hai người về xóm. Tẹo rét run cầm cập, người xám ngắt, phải đốt lửa hơ suốt sáng. Còn anh cán bộ thì cứu chữa lâu lắm mới tỉnh. Tẹo vớt được lúc anh đã bắt đầu chìm nghỉm, may có đợt sóng đánh bật lên mặt nước. Thì ra cô lái ấy tuy miệng câm mà mắt rất tinh, vừa thoảng thấy ánh lửa là ra bờ sông nhìn sang. Cũng phải tay chèo cừ mới dám đưa cái thuyền ọp ẹp ra giữa dòng trong lúc bão gió ấy.

Người ta đồn ầm lên chuyện cô Tẹo cứu được cán bộ huyện, lĩnh thường hàng mấy chục vạn bạc, lại có cả huân chương kháng chiến. Tin đồn ấy có hại cho cô ta. Theo lệ thường, đầu tháng bảy, gặp ngày chủ nhật, Tẹo cùng bà Đạm chèo thuyền xuống nhà thờ Từ Phương xem lễ. Đến buổi chiều, bà Đạm về một mình, mặt thất sắc đi.

- Con Tẹo bị bắt rồi. Lạy Chúa tôi!

Hàng xóm lại hỏi thăm:

- Ai bắt cái cô ấy làm gì? Cụ?

Bà lão làm dấu:

Ai? "Họ" ấy bắt chứ còn ai?

Bà không nói tên những đứa đã bắt cháu bà. Nhưng bà kể lại rành rọt.

Tẹo ở vùng du kích, nhưng cô gái tàn tật, xấu xí ấy chẳng bao giờ có giấy tờ gì, và cũng chẳng sợ gì vùng bị chiếm. Mỗi lần đi lễ, cô vẫn lên Từ Phương. Từ Phương có tề ác, và có bốt vệ sĩ. Trước kia, chúng cũng chẳng chú ý gì đến người con gái giở câm, giở què ấy. Nhưng từ hôm nghe tin cô cứu được cán bộ thì chúng ghét lắm. Hai bà cháu bà Đạm đến lễ lần này, chỉ có bà Đạm được vào trong nhà thờ. Còn Tẹo bị tên bõ gạt ra cửa, cùng một chỗ với mấy gia đình có con em đi cán bộ, bộ đội, mà chúng gọi là gia đình cộng sản. Họ đối xử thế nào, Tẹo cũng chịu vậy. Xem lễ xong, cô lủi thủi đi ra đò, thì hai tên vệ sĩ chạy đến, xốc lấy hai bên nách, lôi tuột đi. Tội nghiệp cô gái, ú ớ không kêu được. Cô vẫy mạnh hai tay giương đôi mắt to, trong suốt trừng trừng nhìn, vừa kinh ngạc vừa giận dữ. Nó bốc cát, vã vào đôi mắt cô một nắm lớn, rồi khóa chặt hai tay lôi tuột đi. Bà Đạm nhìn theo, không dám xin, chỉ thấy nó đạp đứa cháu gái vào một cái chuồng tun hút, ngày trước cha xứ vẫn dùng làm chỗ nhốt dê.

Ai cũng đoán rằng cái người bé nhỏ như thế mà chịu đòn tra tấn ở Từ Phương thì thôi chết, chả còn mong gì mà trở về nữa.

Nửa tháng sau, cô Tẹo lần được về bến đò. Cô đi men theo dọc bờ đê, tay phải bọc trong một bó giẻ xù xù đẫm máu đặc sệt, tay trái chống một cây gậy bằng thân sắn. Người vốn nhăn nheo xấu xí, lần này cô càng nhăn nheo hơn, khặc khừ như bà lão sáu mươi. Trên mặt, năm sáu vết máu đọng xanh xám. Bàn chân, bàn tay đầy những vết sẹo, vết lở loét. Cô đi rất chậm, vai lệch hẳn về một bên. Hình như một bước đi như vậy làm cho chân cô đau đớn lắm. Bộ quần áo rách bươm, hở da thịt từng chỗ, trông tiều tụy lạ. Cô lừ khừ về đến bên lối rẽ vào xóm, thì dừng lại, mắt nhìn quanh, đôi mắt mờ bạc đi, kém hẳn ánh trong suốt ngày trước. Gặp bà con quen thuộc, cô chỉ lắc đầu, cái miệng gượng cười như mếu. Trong lúc làng xóm xúm xít hỏi han, Tẹo bỗng lăn đùng ra, mê man, sùi bọt mép, tay chân quờ quạng. Từ hôm bị đánh, cô mắc chứng bệnh ấy.

Cô lái liệt giường chiếu hơn một tháng. Bà Đạm ngày ngày giã từng mẻ cua đồng, vắt lấy nước thay thuốc cho cô uống. Các chị cán bộ phụ nữ trên huyện mang cho quần áo, và xã cấp tiền, cấp gạo. Nhưng Tẹo sống được mà không lành bệnh. Tay phải cô bị co gân, không duỗi được thẳng. Chân trái cô cứng đờ, bước đi cứ trơ như chân gỗ. Đôi mắt trong suốt ngày trước, giờ bị mờ. Hai ba ngày một lần, cô lại lên cơn sùi bọt mép, ngã vật ra, mê man. Trông tội nghiệp quá.

Tẹo phải bỏ nghề chèo lái đã quen thuộc từ hai mươi năm. Cô xách cần đi câu cáy ven sông. Không thể làm được việc gì khác nữa, thì đành chịu vậy, chứ cô tiếc nghề nghiệp cũ đến ngơ ngẩn cả người. Giỏ cáy chưa đầy, nhưng hễ có chuyến đò sang ngang là cô lái cũ lại buông cần, ngồi thừ mặt trên cỏ, thầm đếm trên đầu ngón tay số người qua lại. Ý hằn cô nhẩm tính có bao nhiêu người cần được miễn tiền đò. Nhiều khi, cô lò dò lén xuống con đò cũ nát đậu ở bến. Từ ngày Tẹo ốm, nó vẫn bị cột bên bờ, chỉ thỉnh thoảng có bà Đạm đi về chút ít. Tẹo nhìn con đò, xuống ngồi vào lái, đưa tay trái ngọ ngoạy cái bơi chèo, con đò cựa mình, loạng choạng, quay lông lốc. Cô không làm chủ được nó nữa rồi. Thế là hết. Hai mươi năm, con đò chia sẻ với cô chủ mọi nỗi vất vả của cuộc đời côi cút. Cô thuộc cái tính nó: Mỗi khi ngoáy bơi chèo xuống nước, nó ướn lên vùn vụt. Mảnh ván cái có bao nhiêu lỗ hà, bên mạn có chỗ nào sứt mẻ, Tẹo thuộc hết. Nó cũ quá rồi, chẳng bao lâu cũng đến ngày giải bản. Nhưng nó còn đấy ngày nào, Tẹo còn tha thiết với nó ngày ấy. Đôi mạn xù xì kia, chiều chiều đón ngọn sóng hiền lành của sông Ninh, bật lên những tiếng gì thân thuộc, như tiếng người mẹ nâng niu, vỗ vào mông đứa trẻ con... Vậy mà, nó không chịu theo tay lái nữa. Tẹo đờ đẫn nhìn thuyền, nhìn sông, rồi đưa tay trái bóp bóp nắn nắn đôi chân tay què quặt. Một buổi chiều, Tẹo đang ngồi thờ thẫn bên lái con thuyền con, thì thoáng thấy bóng người, và con đò tròng trành. Cô ngước mắt nhìn, nét mặt tươi lên: một anh cán bộ. Anh còn trẻ lắm, da trắng xanh, mặc quần áo nâu bợt, vai đeo chiếc túi vải. Có lẽ anh đi xa tới, và gấp việc lắm: mặt và chân tay đầy bụi bám. Anh ta giục rối rít:

- Chị cho tôi sang đò gấp! Tôi vội lắm.

Cô lái đờ mặt ra, môi lắp bắp. Tay muốn ra hiệu nhưng lại rụt lại. Cô thẹn.

- Chị cho sang ngay mà! Tôi vội lắm. Bao nhiêu tiền?

Khốn khổ! Đâu có phải chuyện tiền. Tay chân cô lái cứng đờ, có chèo được đò đâu! Cô nhìn anh cán bộ lắc đầu, lắc đầu. Anh ta vẫn không hiểu, vội giở túi:

- Ô hay! Tôi đã bảo tôi vội mà. Bao nhiêu tôi cũng trả.

Cô lái đò đưa tay vỗ vào chân cứng đờ, và cái tay phải bị co. Tai cô đỏ như rớm máu, các gân trên cổ run bần bật rồi nước mắt cô trào ra, chảy ròng ròng hai bên má. Mỗi khi có bộ đội qua bến, cô lại đi tới, chăm chú nhìn từng chiến sĩ một, cho đến lúc anh em đi khuất, và lại thở dài. Đến chiều tối thường thường Tẹo cứ luẩn quẩn bên bờ sông. Bà Đạm phải ra tận nơi dắt cô về. Hai bà cháu đi bên nhau. Cả hai đều gù gù, thấp bé. Nhưng Tẹo có vẻ còn yếu đuối, chậm chạp hơn. Cô ra hiệu với bà cụ: Đưa tay vỗ vỗ vào hai mắt, rồi xoa trên đầu, trên ngực. Bà cụ hiểu ngay, càu nhàu:

Biết rồi. Hôm nay mày thấy nhiều bộ đội qua sông.

Cô gái nhìn môi bà cụ mấp máy, sẽ gật đầu, đưa bàn tay xoa xoa phía trước mặt, như xoa đầu đứa trẻ con. Rồi cô nhắm đôi mắt, buông thõng cái tay xuống. Bà cụ chửi:

- Mẹ cha mày! Chỉ dại. Thằng em mày nó đi bộ đội xa xôi ở đâu. Sao mày lại bảo nó chết?

Cô gái ủ rũ, không buồn cất bước.

* * *

Vùng du kích mở rộng dần, lan sang phía bên kia bờ sông Ninh mấy cây số. Vị trí giặc rút bớt đi. Chúng không mở được trận càn quét nào nữa.

Từ khi giặc thua to ở Điện Biên, bọn bốt lẻ mất tinh thần, chỉ tính chuyện chạy. Tề An Lạng, tề Từ Phương trốn sạch, thằng xin Ủy ban khoan hồng về nhà làm ăn, thằng theo quan thầy đi Hà Nội. Bọn khinh quân ở tiểu đoàn mười hai - tiểu đoàn mạnh của địch ở miền bể - đêm đêm lẻn ra hàng du kích từng tiểu đội. Bến đò Ninh cứ rộn lên. Khách sang ngang nườm nượp suốt ngày đêm: du kích, bộ đội kéo nhau truy kích giặc, dân công tải đi nào súng ống, nào gạo, và tải về những gánh ba lô, hòm gỗ, vải dù bắt được của địch. Có đêm đến mười hai giờ khuya còn có tiếng gọi đò the thé bên kia sông. Anh giao thông thường trực ở bến chèo sang, đón một chị du kích mặc áo cánh nâu, cắp cái nón đựng ba quả lựu đạn, áp giải mười một tên tù binh về tỉnh.

Trong những ngày bận tíu tít lên về chuẩn bị giải phóng đồng bằng ấy, các anh chị em chở đò, và các ông già bà cả bến Ninh thường nói với nhau:

Chèo suốt đêm ngày thế này, lại nhớ đến lần tải thương binh trận càn "dô la" nhỉ. Cô Tẹo nó giỏi thật. Nó thức đêm là khỏe lắm đấy nhá!

Những đồng chí cán bộ, bộ đội qua bến đò, cũng cứ hay ngơ ngác nhìn suốt lượt mấy bà, mấy chị chờ thuyền rồi hỏi nhau:

Quái! Cô lái đò ngày nọ. bây giờ đâu rồi nhỉ.

Cô lái sông Ninh, người con gái nhỏ bé và tàn tật, ngày trước vẫn chở bộ đội, cán bộ qua sông mà không nhận một xu, người ấy không còn ở đây nữa. Hai tháng trước đây, vào một đêm khuya cuối tháng, Tẹo chờ lúc bà Đạm ngủ say, khẽ bò dậy. Cô rón rén bước xuống, cởi dây, rồi đẩy mạnh. Thuyền lừ lừ trôi. Tẹo muốn chọn lúc thật vắng để gắng sức tập chèo lái, với bàn tay còn lành, may ra nó quen đi, mai kia lại có sức đón khách, đón bộ đội qua sông, và biết đâu chả có ngày tự tay cô chả được chở thẳng em út đi bộ đội về chơi?

Ánh trăng suông bàng bạc. Mặt nước phẳng lì. Dòng sông ban đêm trông rộng mênh mang. Cô lái cầm chèo, sẽ bẩy.

Thuyền lắc lư, lắc lư. Cô ngoáy mạnh. Nó bướng bỉnh, quay quay. Tẹo ngả người về phía sau, đưa hai bàn chân đạp vào tay chèo, chèo thử. Bàn chân cô rơi phịch xuống như một khúc gỗ. Tẹo thở dài, mồ hôi toát đầm áo. Cô thấy buồn nản quá chừng.

Bỗng Tẹo giật thót mình. Một cơn gió lạnh buốt thổi từ ruột ran ra đến da thịt. Trong đầu đau như con tôm giãy bựt bựt... Cơn động kinh đến rồi. Tẹo nắm chặt lấy tay chèo, cố giữ cho khỏi lộn xuống nước. Nhưng tay cô giật giật, và người như chao chao trên võng... Mặt trăng lừ lừ sa thấp, sa thấp rồi nhúng hẳn một nửa xuống dòng sông mênh mang. Có tiếng gì vo vo bên tai cô lái... Tiếng tụi vệ sĩ Từ Phương cầm gậy vụt bịch bịch. Tẹo rú lên, khiếp sợ. Tiếng quát tháo im bặt. Ô kìa! Đứa em đi bộ đội đã về. Nó xinh quá, mắt đen, mũi dọc dừa, răng trắng muốt, mặc áo trấn thủ. Tẹo đưa tay với với, với với... Người cô từ từ chúi xuống mặt sóng. Nước sông sẽ kêu đánh bọp như cá quẫy. Con đò nghiêng về một bên, tròng trành rồi đứng im dần lại, bập bềnh giữa dòng.

***

Một buổi chiều mùa xuân năm 1955, có đoàn thuyền lớn chở muối, thuốc lào và cá khô tiếp tế lên Tây Bắc, hạ buồm dừng lại ở bến Ninh. Một đồng chí bộ đội ở thuyền đi lên, quanh quẩn như muốn tìm ai. Anh lướt qua nơi đò ngang đậu, rồi tạt thẳng vào xóm, chắc anh đã ở đây lâu, nên rất thông thạo đường ngang, lối tắt. Bà cụ Đạm đang ngồi trên giường lầm rầm đọc kinh. Thấy có khách lạ đến, bà đứng dậy, nhìn sùng. Anh này đúng là người miền bể, mặt vuông chằn chặn, da đỏ như gỗ lim ngâm nước. Người đâu mà to lớn làm sao? Cái áo đi mưa khoác lùng thùng trên vai, rộng như một nửa cánh buồm. Đôi giày vải to tướng bước đến chỗ nào cứ huỳnh huỵch như thùng đất chỗ ấy. Anh kêu lên:

- Bà ơi! Con... Diệu đây! Bà ơi!

Bà cụ vẫn ngơ ngác, rồi sau khi nhận được cái mũi dọc dừa, với đôi mắt trong suốt, thì rú lên:

- Lạy chúa tôi! Diệu đã về thật à? Con ơi!

Anh bộ đội nói, giọng khàn khàn vì cảm động:

- Con đây! Bảy năm rồi mới có dịp thăm bà, thăm chị con...

Bà cụ lắc đầu, tóc trắng xóa:

- Chị mày ư? Nó không... Nó chờ đợi mày mãi mấy năm liền. Nhưng bây giờ...

Bàn tay gầy guộc, run run chỉ ra phía sông Ninh. Nước sông Ninh đục lờ lờ, hiền lành chảy ra bể. Hai bên bờ đã mọc lên hàng chuối mới giồng. Rau cải, rau diếp khoe màu lá xanh non. Cam quýt đang mùa hoa. Đằng xa, mấy mảnh buồm cánh dơi theo nhau chạy một hàng. Năm sáu con đò ngang đợi khách buộc hững hờ bên lợi nước.

Trong đám đò con ấy, có một chiếc đã quá cũ kỹ, hai mạn đầy vết sứt sẹo, gỗ mục nát từng mảng. Con đò không ai chở, nằm lì - nhàn hạ - như ngơ ngác trước mọi sự ngược xuôi tấp nập trên dòng nước. Sóng vỗ nhè nhẹ. Mạn thuyền ran lên tiếng ì oạp quen thuộc, thân yêu như bà mẹ vỗ vỗ vào lưng đứa con nằm im trên võng.

Buổi chiều mùa xuân xuống dần với mưa phùn nhẹ hạt. Anh bộ đội cao lớn đứng sừng sững bên cột buồm cao vút, tần ngần nhìn lại bến sông ấy, với con đò ấy. Gió bể rít trên dây lèo, căng cánh buồm mở rộng. Đoàn thuyền rẽ nước rào rào, tiến về phía Tây Bắc.

Ghi 1955,

viết 12-12-1959, tại trại sáng tác Hội Nhà văn

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.