Nhà văn Thanh Tịnh (1911-1988)
Chuyến xe lửa đêm ra Bắc hôm nay có vẻ hấp tấp vội vàng như người đi trốn nợ. Thỉnh thoảng đầu xe lại thét vội giữa quãng đồng không, xa xa. Nghe như hơi thở của đêm vắng.
Gió ngoài trời thổi vi vút tỏa hơi lạnh khắp mấy toa vắng vẻ. Tâm ngồi dựa mình vào lưng chiếc ghế dài, gác chân lên rương, hai mắt lim dim muốn ngủ. Rải rác trong toa có thêm năm hành khách khác nữa, nhưng họ đã ngủ từ lâu. Tâm thấy giấc ngủ của họ dễ dàng quá mà thèm. Nhưng Tâm cũng không biết làm thế nào để ngủ được.
Tâm đã lấy kính đen ra đeo để ánh sáng trong toa đỡ chói, nhưng càng không thấy được cảnh vật chung quanh, Tâm càng nghĩ vơ vẩn. Tâm buồn vì giữa lúc thiên hạ đang nô nức trong gia đình để đón xuân sang, Tâm lại ngồi trong một toa xe lạnh lẽo với chung quanh những gương mặt lạnh lùng.
Buồn và tủi, Tâm muốn khóc để bao nhiêu nỗi khổ được tuôn ra. Nhưng Tâm vẫn không thể khóc được.
Sau bao nhiêu năm lăn lộn trong cảnh làm ăn chật vật, Tâm đã cảm thấy lòng mình rắn rỏi và nước mắt không chảy được dễ dàng như xưa. Hôm nay nghe hơi lạnh chạy lồng trong áo và ngoài trời tiếng gió vi vu, Tâm miên man nhớ lại những mảnh đời xa cũ.
Chuyến xe vẫn chạy xiết trên con đường sắt và in những tấm vuông sáng mập mờ trên quãng đồng hoang vắng. Cỏ hai bên đường cúi rạp mình như khiếp sợ trước một sức mạnh oai nghiêm.
Mấy người vùng quê mới vẳng nghe tiếng còi đã chạy ra giữa sân nhà đứng ngóng. Lúc thấy xa xa cặp mắt đèn đang khoét bóng đêm dày đặc, họ liền lẩm bẩm:
- Tàu hỏa đã đến. Thế là mười hai giờ; thế là đã qua năm khác.
Khắp trong thôn mấy tràng pháo chuột lách tách nổ lên một hồi. Hơi pháo đi gần, đi xa và quyến luyến đuổi theo con tàu đêm tết.
Hành khách trong toa đều dụi mắt ngồi dậy. Sự thực họ không ngủ như Tâm đã tưởng. Họ thức và lòng họ cũng thao thức như Tâm.
Hành khách trong chuyến tàu này toàn là những người đã xa lạc gia đình. Suốt năm họ ăn cơm quán, ngủ nhà thuê rồi gần Tết họ lại tìm về quê hương của họ. Họ đến ở tạm ít hôm trong nhà người quen để lại đi và tự hứa thầm sang năm về nữa. Tâm cũng ở trong cảnh ngộ ấy.
Một cụ già tay vẫn giấu trong hai túi áo, nhìn ra cửa sổ xe một lát rồi nói:
- Tiếng pháo giao thừa đã nổ ran rồi đấy.
Tiếng cụ già như gieo rơi vào cõi không người. Không ai lên tiếng hưởng ứng. Nhưng lời cụ đã lạc vào tâm hồn những người ngồi chung quanh và bắt họ buồn rầu nghĩ ngợi. Gương mặt người nào cũng thoáng hiện một nét buồn ngao ngán lạnh lùng.
Tâm đưa tay kéo vành mũ xuống. Lúc đặt tay lại chỗ cũ Tâm thấy lạnh. Tâm loay hoay tìm lại dáng ngồi ấm áp trước, nhưng không thể được.
Con tàu vẫn thản nhiên chạy giữa cánh đồng hoang.
Năm giờ hôm sau, ánh sáng như đến chùi nhạt tất cả vẻ buồn đã sống lại trong lòng Tâm giữa đêm tối. Nắng gieo ngoài nội cỏ, nắng lướt trên dòng sông. Nhìn nắng, Tâm thấy lòng vui tươi hơn trước.
Cụ già ngồi bên cạnh Tâm lấy áo điều ra mặc. Mấy hành khách kia cũng tìm nước rửa mặt và choàng thêm áo mới đủ màu. Tăm thấy họ thay đồ mới cũng bắt chước làm theo. Tâm mở rương lấy chiếc "cravate" màu vàng đeo vào cổ và thay cái áo dạ đen đã bạc màu. Tâm vừa thay áo xong thì người soát vé mở cửa vào. Lúc thấy ai nấy đều thò tay vào túi tìm vé thì người ấy tươi cười vội nói:
- Xin các ông cứ ngồi yên. Đầu năm tôi đến xin chúc các ông được vạn sự như ý.
Tâm và mấy người trong toa đứng dậy chúc lại.
Nhưng mỗi người nói mỗi câu nên lộn xộn không nghe được câu nào. Người soát vé cúi chào mọi người rồi đi sang toa khác. Tâm đưa mắt nhìn theo và cảm thấy tâm hồn tự dưng nao nức.
Cụ già hết chúc người này đến người khác. Họ chúc lẫn nhau và đem mứt bánh trong rương mời nhau ăn một cách vui vẻ. Tâm cũng dự vào bữa tiệc cỏn con ấy và Tâm so sánh sự vui trong lòng mình với ánh nắng mùa xuân lạc trên đồng cỏ mới.
Từ toa cuối một thiếu phụ trẻ dắt đứa con trai lững thững đi lên. Mọi người quay lại nhìn thiếu phụ yên lặng. Thiếu phụ cúi chào rồi mỉm cười:
- Chết! Có lẽ cháu là người đầu tiên đến xông rồi.
Cụ già lên tiếng:
- Đồng tử đến xông nhà là quý lắm đấy!
Cụ già vuốt râu nói tiếp:
- Như nếu cô đến xông trước cũng không hại gì. Vì cô có dẫn theo đứa con trai. Theo tục lệ xưa chúng tôi tin nhà ai được hai mẹ con đến xông thì hay lắm.
Thiếu phụ tươi cười:
- Nghĩa là như cháu đến xông nhà các bác hiện giờ. Nhưng "hay" thế nào cụ?
- Là nhà người ấy được đoàn tụ và nhà có người đến xông được vợ chồng hòa hợp.
Thiếu phụ cúi đầu xuống như để giấu một chút lệ buồn thoáng nở trong mi. Vô tình cụ đã tự mỉa mai mình và mỉa mai người khác. Trên trán cụ nét nhăn khổ bấm mạnh lên trên nét nhăn già.
Một lát sau thiếu phụ tươi tỉnh:
- Các bác cho cháu đến ăn Tết ở đây cho vui. Ở toa cuối không có ai hết.
Cụ già vui vẻ:
- Vâng, cứ tự nhiên, nhà chúng tôi cũng như nhà cô.
Cụ già nói đến chữ "nhà" với giọng thành thật đến như quên mình đang ở trong toa.
Qua ga Mỹ Lý, chuyến xe lửa ra Bắc lại từ ánh sáng mờ mịt của buổi chiều tàn dấn mình trong bóng tối mênh mông của cánh đồng bát ngát.
Một gia đình gồm có những người không gia đình đang vui vẻ ăn Tết và đang quay bánh lăn dài trên con đường sắt.
Trời lại sáng, Tâm giật mình tỉnh dậy. Tâm lấy làm lạ là cụ già, thiếu phụ, và mấy hành khách kia không còn trong toa nữa. Tâm ngồi nhớ lại cảnh êm ấm của một gia đình tạm chiều hôm qua. Bên lòng Tâm như còn vương lại ít nhiều hương vị của ngày Tết. Tâm say sưa và lòng Tâm bát ngát. Nhưng Tâm còn muốn níu lại trong lòng thì hương vị ấy lại dần dần tan mất. Tâm thất vọng. Lòng Tâm lại lạnh như gió ngoài trời đã lạnh.
Tâm bàng hoàng đứng dậy... Cảnh gia đình êm ấm chiều hôm qua đối với Tâm đã như một cảnh đoàn viên trong mộng. Tâm không tin có thật. Cũng như Tâm đã sợ không dám tin có gia đình.
Tâm xuống ga Vinh.
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com