Chân Dung Kẻ Sĩ: Cát Trắng là truyện ngắn của Nguyễn Trí Huân, nhà văn được trao tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007. Ông cũng người nắm giữ cương vị tổng biên tập lâu nhất của tờ Văn nghệ quân đội, mười bốn năm.
Đạo không thể nhớ được một cách rõ ràng anh đã hấp tấp đi khỏi cái bệnh xá nhỏ và hẹp ấy như thế nào. Dường như lúc chia tay với anh, mọi người đều nhìn anh bằng một đôi mắt trách móc. Điều đó phải cho đến lúc này, khi đã ra đến cửa rừng Đạo mới mường tượng nhận thấy, và tự nhiên những cái nhìn trách móc ấy cứ xoáy mãi vào tâm can Đạo.
Đạo cảm thấy khó chịu với chính mình. "Mày đã cư xử chả ra làm sao!". Đạo thở dài, lòng bỗng day dứt và cũng phải đến tận lúc đó, anh mới hiểu hết mình đã gắn bó với cái bệnh xá nhỏ ấy như thế nào. Hơn hai tháng trước đây, Đạo buộc phải vào viện với một khuôn mặt khổ sở và suốt trong khoảng thời gian dài dặc đó, Đạo cứ giữ nguyên một khuôn mặt khổ sở như thế. Vốn là một người hiếu động, Đạo có thể chịu đựng được mọi sự giày vò của vết thương nhưng không sao chịu nổi sự giày vò của nỗi nhớ. Vì thế, khi được ra viện, Đạo đã hấp tấp chạy như đi trốn, đến nỗi anh quên chào cả mấy đồng chí hộ lý trong bệnh viện. Mấy tháng trời qua, Đạo luôn luôn nhớ biển, nhớ cái tiếng sóng nôn nao thúc vào mạn thuyền, nhiều lúc tưởng không thể nào chịu đựng thêm được nữa. Bây giờ thì nỗi vui háo hức được về với biển lắng đi, Đạo lại bồi hồi nhớ bệnh xá, nhớ những cơn đau vật vã của cậu Lâm và giọng nói van nài, tha thiết của cậu Hải: "Lâm ơi, tao thương mày lắm! Mày đừng van nữa. Chị y tá đến rồi kia. Đừng làm cho chị ấy khổ!".
Bất giác, Đạo khẽ rờ tay lên vết sẹo trên cổ. Vết sẹo như có lửa nóng bỏng. Anh vội rụt tay lại gượng nhẹ cài nút áo rồi đi như chạy lên đỉnh một ngọn đồi chi chít hố đạn đại bác và đạn cối 106 ly 7.
Một luồng gió bất ngờ ào đến thổi rạp những bụi lau thưa thớt còn lại trên đỉnh đồi, biển đột ngột hiện ra trước mắt Đạo xanh thẳm, vô tận. Đạo đứng ngây người. Tự dưng nước mắt muốn trào ra. Ở rất xa mà Đạo tưởng như nghe rõ tiếng sóng đang ào ạt tiến vào bờ vừa hùng dũng, vừa uy nghi và khi đã trào lên bờ cát rồi, sóng nằm xoài ra đắm đuối trên những dấu chân người...
Quê hương Đạo không có biển. Anh sinh ra ở một làng cát ven dòng sông Đáy. Quanh năm nước sông đục ngầu, chở đầy phù sa cuồn cuộn đổ ra biển. Dọc hai bên bờ sông, từng dãy lò nung thủy tinh đắp bằng đất sét lúc nào cũng hừng hực những lửa...
Đạo gặp biển từ lâu. Sóng và gió đã thổi chất mặn của muối biển tràn ngập khắp cơ thể Đạo, nhưng mãi cho tới trận đánh ở Sa Thạch vừa rồi, biển mới thực sự trở thành nỗi nhớ của anh. Lần ấy, Đạo bị thương nặng và một ông già cùng với một cô gái - con của ông - đã giấu anh dưới ván thuyền, đưa anh tránh càn trên khắp những vùng biển dày đặc tàu giặc. Những ngày ấy nếu không có tiếng sóng thì buồn biết bao. Sóng đã kể cho anh nghe về những mùa cá hố, những mùa cá chuồn, về đời sống phóng đãng, dũng cảm của những người dân biển trước những con sóng dữ...
Đạo sửa lại chiếc dây lưng, lúng túng như bị một người trông thấy sự xúc động vụng về của mình, Đạo chạy lao xuống dốc, luống cuống và rạo rực. Biển thấp dần rồi khuất hẳn sau những hàng cây lớn rất nhanh dưới chân đồi. Đạo về đến đầu làng Sa Thạch lúc mặt trời gần lặn. Làng như vừa qua một cuộc càn nên không khí rất im ắng. Trên con đường trục chạy vòng vèo giữa làng, những dấu giày đinh còn in chồng chéo lên nhau hỗn độn. Một vài người lánh càn về muộn, đòn gánh nghiến trên vai trèo trẹo. Có tiếng trẻ khóc, tiếng gắt và tiếng gàu múc nước ở một chiếc giếng cạn. Sóng biển ầm ào sau những hàng dừa đã hết trái, xơ xác.
Đạo tạt vào một ngôi nhà gần đấy.
- Chào thím! Giặc hắn vừa mới càn sao vầy thím? - Đạo hỏi khi thấy một người đàn bà ngồi xây lưng ra ngoài đang nhặt những hạt lúa vãi tung toé trên cát một cách kiên nhẫn.
Người đàn bà không quay lại, trả lời giọng bực dọc:
- Còn chi nữa. Quân bất nhơn vậy đó. Đến cái quần đàn bà cũng không từ!
Trong bếp lửa cháy bập bùng, một người con gái ngồi day mặt ra nhìn Đạo.
- Ủa, anh Đạo! - Cô gái chợt kêu lên thảng thốt làm người đàn bà cũng vội vã quay lại.
- "Hương!" - Đạo khe khẽ gọi như biết bao nhiêu lần âm thầm gọi tên cô. Người Đạo rùng lên còn cô gái thì đứng khựng nơi ngưỡng cửa, ngó Đạo trân trân. Lửa bếp cháy lan ra ngoài nổ lép bép, khô khát.
- Sao Hương lại ở đây? Bác đâu?
- Cha em đi biển. Nhà hắn đốt trọi rồi. Anh bỏ ba lô xuống đi chớ. Thím Tư, anh Đạo mà con đã kể cho thím nghe hồi hôm đó.
- Con nhỏ nó cứ nhắc hoài, tao cứ ngỡ thằng Cảm. Chú mạnh thiệt chưa?
- Dạ, mạnh - Đạo đã trở lại trạng thái thoải mái, tự chủ. Anh cởi ba lô trong lúc Hương luýnh quýnh chạy vào ấn lại củi vào bếp. Bà thím thôi không nhặt những hạt lúa trên cát nữa. Bà dong dả chạy ra ngoài. Chắc là đi kiếm thức ăn. Đạo biết nhưng không giữ.
- Giặc hắn càn có đông không Hương? Đưa rau đây anh nhặt cho.
- Một đại đội. Hắn ngủ ngoài cồn cát. Sáng vô, chiều về. Ba em ổng nhắc anh miết.
- Ba nhắc hay Hương nhắc?
Cô gái đỏ mặt. Cái nhìn làm Đạo cúi xuống. Một cảm giác lạ, đột ngột chạy như một đợt sóng rân rân trong cơ thể.
Lát sau Đạo đi ra biển. Gió và sóng như ùa vào ngực anh. Đạo rạo rực, ngây ngất và thật lạ, có lúc anh lại cảm thấy biển như ở phía sau mình, ở xung quanh mình, còn anh đang đứng trên một con thuyền, sóng cứ mềm mại luồn qua, luồn lại dưới đáy con thuyền đó.
Một loạt súng chợt rộ lên ngoài cồn cát làm những cảm giác ấy của Đạo mất đi. Người Đạo bỗng chuyển sang một trạng thái khác. Anh trở lại nhà giữa lúc Hương đã dọn xong bữa ăn. Bà thím lại ngồi nhặt từng hạt lúa trên cát một cách kiên nhẫn.
- Du kích xã đóng ở đâu Hương? Này, bọn bảo an chúng nó có mấy chục đứa tất cả?
- Anh hỏi làm chi vậy? Lát em sẽ dẫn qua bên thôn đội. Giờ phải ăn cơm đã. Coi bộ anh đói hung rồi đó!
Nói xong cô gái cười. Đôi mắt sâu thẳm như màu nước biển lúc chiều tối. Không hiểu sao, mỗi lần bắt gặp cái nhìn của Hương, Đạo lại liên tưởng đến cái màu xanh sâu thẳm, chói chang của biển.
Chợt nhìn thấy vết sẹo đo đỏ ló ra trên cổ áo Đạo, lòng cô gái se lại. Những kỷ niệm lại phập phồng trong ngực cô. Ngày ấy anh cứ bảo em là Biển, còn em thì lại sợ. Nếu không vì vết thương của anh, em đâu dám đi trên những con sóng đó. Ăn cá đi anh, sao cứ dựng đũa hoài. Đừng làm em mắc cỡ như hồi hôm nữa...
Ngoài xa, ở cuối hàng dừa, sóng biển vẫn ầm ầm bào lên bờ cát nồng nhiệt và dữ dội.
Cô gái bới lại mái tóc, khuôn mặt trái xoan hơi nghiêng nghiêng về phía Đạo.
- Anh và anh Cảm ra thuyền trước đi. Ba em ổng đang đợi đó!
Đạo kiểm tra cây tiểu liên một lần cuối, lên đạn, khóa chốt an toàn rồi cùng với Cảm, một du kích có nụ cười bẽn lẽn, đi về phía biển.
Họ đi thành một hàng, cô gái vừa đi vừa nghịch ngợm nhặt những vỏ sò đủ màu lấp lánh trên cát tung về phía trước. Sương biển bốc lên mờ mịt. Những đợt sóng dồn dập như phả những giọt sương ấy vào mặt họ.
Đêm qua, Hương đã dẫn Đạo đi gặp đồng chí chính trị viên thôn đội. Cô gái đưa anh đi lòng vòng khắp làng rồi dẫn anh ra trước biển.
- Thôn đội trưởng đó. Ở đây không có chính trị viên.
Cô gái mỉm cười tinh nghịch, khuôn mặt trái xoan hơi nghiêng nghiêng, tiếng cười của cô thoảng tan trong không khí mát lành của đêm biển.
- Ủa, hồi hôm chính anh đặt tên cho đồng chí đó thôi. Có việc chi mà gấp dữ vậy anh?
Đạo sững người. Anh không ngờ thôn đội trưởng lại chính là cô gái. Ngày Đạo bị thương, Hương còn là một cô nữ sinh trung học nhút nhát. Cô sợ biển và sau mỗi lần thay băng cho Đạo, cô lại lén bỏ ra mũi thuyền thút thít khóc. Hương nói cô chính thức thôi học và xin vô nhập đội du kích thôn sau ngày đưa Đạo về bệnh xá non một tuần lễ.
Hai người đứng nói chuyện được một lát thì Cảm đến. Họ kéo nhau đi về phía cửa biển. Trước mặt, cồn cát nổi lên lập loè với những đống lửa đốt vung vãi. "Chắc bọn chúng nó đang nấu ăn" - Đạo lẩm bẩm. Anh chợt quay lại. Một ý nghĩ bất ngờ loé lên sáng rực như một tia chớp. Đạo nắm lấy cánh tay của Cảm, giọng anh run lên sôi nổi: "Thế vầy, được không? Bọn mình sẽ lót trong cát một ngày, đêm tung cát dậy mà đánh, chắc gọn"...
Từ ngoài xa, những cồn sóng lân tinh trong suốt cứ lừng lững ập vào bờ, rồi lại hối hả rút lui, rồi lại sầm sập xô tới. Ba người ngồi ở sát mé nước, mắt dòm ra phía cửa biển lặng lẽ quan sát và sáng nay, họ cùng xuống một chiếc thuyền do bác Tám, cha cô gái chở ra cồn cát.
- Xuống khéo không té. Tôi tưởng chú quên biển rồi chớ!
- Quên sao được bác, con trông về hoài thôi!
Chiếc xuồng nổ máy, biển như phẳng lặng hơn. Sương tan dần và cái màu xanh vô cùng, vô tận ấy chả mấy chốc đã lại vây bọc xung quanh Đạo. Cô gái ngồi rất thấp trong khoang thuyền. Đạo và Cảm nằm lẫn vào đống lưới bao giờ cũng chiếm một khoảng lớn. Lòng Đạo háo hức, anh tưởng tượng đến lúc ba người tung cát bật dậy đánh vỗ mặt vào bọn giặc. Chuyện cứ y như trong tiểu thuyết trinh thám vậy. Đạo mỉm cười khi nhớ đến gương mặt ngơ ngác, bẽn lẽn của Cảm: "Nếu chúng nó nhóm lửa nấu ăn ngay trên bụng mình thì biết tính cách sao!".
Đạo là một chiến sĩ trẻ. Anh ham mê đánh giặc hơn bất kể một công việc nào khác. Thấy giặc, Đạo không thể ngồi yên được. Những chuyện hành hung, cướp giật của chúng lại càng làm cho lòng ham mê đó của anh hừng hực lên như lửa cháy. Đạo mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Bố anh chết giữa một cơn say điên đảo. Những kỷ niệm mà Đạo còn giữ được về bố vẫn là những cơn say tàn nhẫn ấy. Hồi đó, Đạo chỉ thấy sợ, thấy ghét mà không hiểu trong cuộc đời quá ngắn ngủi của bố mình chứa chất một nỗi khổ u uất không sao giải thoát nổi. Bố anh đã từng đi lính cho Pháp rồi bỏ trốn về trong một cơn say điên dại. Từ đó ông cụ luôn luôn tự giày vò, hành hạ mình cho đến chết. Mãi sau này khi Đạo nhận ra được những tâm sự day dứt của bố thì ông không còn nữa. Lúc bấy giờ Đạo mới thấy thương bố xót xa. Sau khi bố Đạo mất được ít lâu thì Đạo mất mẹ. Anh còn nhớ đêm hôm ấy, có một người đàn ông cao lớn, vai khoác một chiếc tay nải vải nâu đã cũ tìm đến nhà Đạo lúc sao tua rua gần lặn. Mẹ Đạo vội vã trở dậy. Hai người đi được nửa giờ thì chó rộ lên ở bãi cát bên kia sông. Con đò cũng bị bắn nát, ván thuyền trôi giạt trên những ngọn sóng đục ngầu, sôi réo lên ở hai bên bờ cát...
Từ đó, Đạo bắt đầu một thời kỳ lang thang trên khắp các bãi sông của bọn chủ thầu trong vùng. Ngày này nối ngày khác, anh gò lưng kéo những xe bò cát nặng nề đổ vào những lò nung thủy tinh đỏ ngòm những lửa. Nhiều khi Đạo đứng mê mẩn hàng giờ nhìn những người thợ lấy ra từ cửa lò từng khối thủy tinh lỏng trong suốt. Đạo bị cuốn hút vào công việc đó.
Đạo mơ ước trở thành một người thợ đúc thủy tinh. Sau này khi đã là một sinh viên khoa thổ nhưỡng học, ước mơ ấy vẫn lấp lánh trong những dự định lớn lao của anh. Nhưng cũng giống nhiều người bạn khác cùng lứa tuổi, Đạo luôn cảm thấy lòng mình như có một điều gì đó chưa yên. Bấy giờ, chiến tranh đã lan ra cả nước. Những chiếc máy bay Mỹ hôm nào cũng ầm ầm lao qua bầu trời thành phố. Tiếng bom đã chấn động đến mọi ngõ ngách của cuộc sống. Vào một buổi chiều mùa hạ, Đạo về làng. Anh đi lang thang trên những khu ruộng cát, dưới vầng mặt trời lúc nào cũng đỏ cháy lên gay gắt. Đạo chui vào hầu hết các lò thủy tinh, để rồi sáng hôm sau, anh lặng lẽ từ biệt dòng sông, từ biệt những triền cát, nơi mẹ anh đã chết như cái chết của một chiến sĩ. Ngày ra đi, Đạo đã tâm niệm rằng, sẽ không còn kỷ niệm nào sâu nặng hơn, tha thiết hơn những kỷ niệm về mẹ, về dòng sông quê hương nữa. Nhưng Đạo đã lầm. Ba năm ở chiến trường của anh là ba năm dày đặc kỷ niệm. Đạo lại gặp những dòng sông, những triền cát. Từ những dòng sông, những triền cát ấy, anh đã lao vào những cơn xoáy lốc của những trận đánh dữ dội. Đạo hoạt động nhiều năm ở vùng ven biển này và có lẽ chính cái sóng gió hung hãn, không hề biết khoan dung đó của biển đã tạo cho anh một lối đánh hiểm hóc, táo bạo. Với lối đánh ấy Đạo đã gieo những nỗi kinh hoàng cho bọn giặc trong khắp khu vực đơn vị anh hoạt động.
Có lần ở trụ sở xã Mỹ Hoài, giữa lúc bọn hội đồng xã cùng với bọn bình định đang chuẩn bị bước vào bữa tiệc khởi đầu cho chiến dịch "bình định trắng" của chúng thì Đạo cùng với một du kích khác bất ngờ bật ra từ một chiếc tủ đứng kê ở góc nhà. Khẩu tiểu liên rung lên trong đôi bàn tay của anh. Lần khác, Đạo đóng vai một đại uý an ninh ngụy, cùng với ba chiến sĩ khác, bận đồ lính thản nhiên vượt qua mấy tầng lính gác vào thẳng phòng làm việc của tên thiếu tá quận trưởng quận Bồng Đức. Không may, một đồng chí đi cùng để lộ nòng khẩu tiểu liên sau chiếc áo khoác. Biết bị lộ Đạo vụt đứng dậy, đưa tay chộp lấy chiếc đài "sô-ni" để trên bàn, ném vỡ mặt tên quận trưởng, xách cặp tài liệu mật của nó rồi lại ung dung thoát ra bằng lối cửa chính...
Sau lần bị đơn vị Đạo giả làm đoàn lái buôn đánh cho tơi tả ở xóm ba Sa Thạch, bọn bảo an không dám nghỉ trong làng nữa. Chúng ngủ đêm ở cồn cát ngoài cửa biển. Sáng ra chia thành nhiều mũi thọc vào đất liền, bắt đầu một ngày cướp đoạt, chém giết. Buổi chiều chúng lại hợp điểm ở bãi cát, xách ôm theo những của đã vơ vét được lên thuyền kéo về đồn.
- Hôm qua bọn cướp lại đốt thêm hai ngôi nhà nữa. Gà vịt trong làng chúng cũng bắt đi hết trọi. Làng không còn tiếng gà như nằm ngủ miết anh Đạo hè?
Cảm nói khẽ khẽ, Đạo nghe tiếng được, tiếng mất. Hai người vội nằm rạp xuống kéo lưới phủ kín mình khi có tiếng xuồng máy vang lên ở phía trước. Ba chiếc thuyền chở hai trung đội địch đang chậm chạp vào bờ. Lúc đi ngang qua thuyền bác Tám, một thằng hỏi như quát:
- Đi biển sớm dữ vậy, ông già?
- Có đi sớm mới có cá cho mấy thầy nhậu chớ!
Bác Tám trả lời trong tiếng máy nổ phành phạch. Mùi xăng tỏa ra nồng nặc. Khi bọn giặc đi khỏi, bác Tám bẻ lái hướng mũi thuyền về phía cồn cát. Nắng sớm đổ đầy trong khoang thuyền.
Đêm ấy những người dân Sa Thạch không ngủ. Trời vừa mới ập xuống, người ta đã kéo nhau ra bãi biển lặng lẽ ngồi đợi. Trước mắt họ, những con thuyền, mũi hướng về phía cồn cát cũng dềnh lên, dềnh xuống trầm tĩnh và trang trọng. Biển im lìm, giấu kín những con sóng dữ. Vài du kích không nén được đi đi lại lại. Bóng người, bóng súng in đậm nét lên vạch sáng của đường chân trời. Cứ thế cho đến ba giờ sáng.
Đột nhiên, một ánh chớp lựu đạn loé lên ngoài cồn cát. Tiếng nổ vừa dội lại đã bị chìm lấp bởi hàng loạt những tiếng súng nổ khác, bởi tiếng sóng. Chớp loè loè từng đám như phụt lên từ mặt biển. Rồi tiếng AK nổ. Đường đạn bắn găm, đỏ rực. Lâu lắm mới nghe tiếng đại liên địch phản ứng từng loạt ngắn rời rạc, khắc khoải. "Vầy là ngon rồi". Một người nào đó bất chợt kêu lên, giọng run run và lạnh. Những người khác thở trút ra và đều cảm thấy luống cuống. Trong một khoảnh khắc, không ai nhớ mình đang ở đâu nữa.
Nhưng cũng chỉ mươi phút sau đó, từ rất xa ngoài cửa biển, từ những căn cứ nằm sâu trong đất liền, pháo địch bắt đầu hộc lên. Đường đạn réo xoèn xoẹt qua đầu mọi người trùm xuống cồn cát những quầng lửa sáng rựng. Đèn pháo treo dọc cửa biển. Ánh đèn túa ra cháy xèo xèo, kéo theo một cái đuôi khói rớt chầm chậm xuống mặt nước.
Không ai bảo ai, tất cả mọi người cùng chạy ào xuống thuyền một lúc. Súng lựu đạn, mác va chạm lích kích. Những chiếc thuyền nổ máy chồm lên. Mũi thuyền đè sóng vùn vụt lao về phía cửa biển.
Trời cũng vừa rạng.
Mới đó mà đã nửa năm trời trôi qua. Cuộc sống thanh bình như một người đi vắng lâu ngày đột ngột trở về làng với vẻ mặt vừa bỡ ngỡ vừa quen thuộc. Người ta đổ xô ra bãi biển vào những buổi chiều, mắt dõi tìm trên sóng những thuyền cá và khi bắt gặp cồn cát đang sừng sững như một con tàu, lòng mọi người lại dịu xuống yên tĩnh và mặt biển như cũng bớt mênh mông hơn.
Đạo đã nằm lại trên đỉnh cồn cát ấy. Những người đi biển đêm kể rằng, đêm đêm họ vẫn thấy anh bồng súng đứng gác trên đỉnh cồn, người sáng lên lấp lánh như màu cát biển. Có người bảo anh đã biến thành một loài chim làm tổ trong cát, suốt ngày chao lượn trên sóng gọi báo cho những thuyền lưới biết vùng biển nào nhiều cá hố, cá chuồn... Đôi khi họ còn cam kết rằng, nhiều buổi sớm ra cồn, họ đều bắt gặp những dấu dép cao su mới nguyên, cát trên cồn còn in rõ vết nước của một người vừa mới bước lên từ dưới biển...
Đạo lặng lẽ ra đi và một cuộc đời mới của anh lại được bắt đầu bằng những truyền thuyết dân dã. Trong một cuốn sổ còn lại của anh, trang cuối cùng có ghi mấy dòng chữ vắn tắt: "Cát biển Sa Thạch - hàm lượng si-líc - Nhà máy kính - công suất...".
Đó là những điều duy nhất mà anh còn để lại. Ngoài Hương ra, không một ai hiểu được những dòng chữ sơ lược ghi trong cuốn sổ tay ấy. Nhưng có một điều mà mọi người thấy rất rõ là anh yêu vùng biển này, và để ghi công đức của anh, Đảng bộ và nhân dân Sa Thạch đã xây một bia mộ trên đỉnh cồn với những dòng chữ cũng rất vắn tắt, sơ lược: "Liệt sĩ... sinh ngày... mất ngày... tại cửa biển Sa Thạch".
Không một ai biết thêm gì về cuộc đời của anh cả.
Vào những đêm trăng, cát trên cồn sáng lên như một bầu trời với vô số những vì sao nhỏ, lóng lánh. Những đêm như thế, Hương và trung đội du kích của cô thường đi dạo trên bãi biển. Cô gái thôi không nhặt vỏ sò như ngày nào nữa. Vỏ sò không làm cho nỗi nhớ của cô nguôi được. Cô còn nhớ rất rõ đêm hôm ấy, khi anh tung cát đứng dậy, cát dưới chân anh bay lên mù mịt. Lửa lân tinh dưới biển toé sáng. Sóng ầm ầm xô vào bờ cát sôi sục. Đầu đằng kia, Cảm cũng đang nhảy qua những xác chết, đường lê sáng loáng như một làn chớp phóng thẳng vào lưng những thằng giặc bỏ chạy xuống sát mé nước. Vào những giây phút chót của trận đánh, Đạo bị thương ở ngực. Khi Hương dìu được anh lên đỉnh cồn thì pháo đất, pháo hạm đã chụp đạn xuống dày đặc. Trong những tiếng nổ hỗn loạn của kim loại, Hương thấy Đạo khe khẽ gọi và lúc cô cúi xuống, khuôn mặt của anh chỉ còn lại một nụ cười...
Sau này, mỗi lần nhớ tới cái đêm kỳ lạ ấy, Hương lại không sao quên được nụ cười của Đạo. Nụ cười đã làm cho lòng cô thanh thản. Theo ý muốn cuối cùng của anh, mọi người đành để anh nằm lại trên đỉnh cồn. Nhiều đêm biển động, Hương lo lắng bồn chồn. Hai cha con cô lục đục trở dậy đi vội ra bãi biển. Những đêm như thế cô không sao ngủ được.
Rồi kẻ thù trở lại làng cô với những khuôn mặt quỷ quyệt hơn. Những mùa cá lại bị bỏ qua. Pháo bắn suốt ngày trên cửa biển, trên đỉnh cồn. Khắp làng không còn một ngôi nhà nào nguyên vẹn. Đội du kích của cô rút vào hoạt động bí mật. Những trận đánh lại diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Làng biển Sa Thạch lúc nào cũng như có lửa.
Cuộc sống cứ thế căng thẳng và kéo dài cho tới một ngày kia, khí trời trở nên oi bức. Mây đùn lên ở ngoài xa tầng tầng. Những con sóng trăn trở vỗ vào bờ. Nhìn bọt biển phơn phớt một màu tím, người dân biển biết sắp có bão lớn và người ta thấp thỏm chờ đợi cũng căng thẳng và ngột ngạt như trước một trận đánh lớn. Cuối cùng cơn bão ấy đã đến. Suốt đêm, sóng biển gầm thét quật vào bờ bức thiết, giận dữ. Gió gào rú trên những khung cửa ngỏ. Vườn dừa quật ngã. Sấm nổ rung đất và chớp chạy từng luồng sáng rực trên biển.
Hương và trung đội du kích của cô bất ngờ tập kích diệt gọn một đại đội lính chủ lực ngụy chính trong cái đêm bão táp đó. Khắp nơi, tiếng súng vũ trang khởi nghĩa cùng nổi dậy đồng loạt. Hàng ngàn, hàng vạn người kéo về bức rút quận lỵ Tam Sa. Cờ, dáo mác dựng rợp trời. Những trung đoàn chủ lực từ căn cứ địa cũng bắt đầu tràn xuống đồng bằng, đạp hết cứ điểm này đến cứ điểm khác.
Đó là những ngày vui nhất của quê hương cô. Cô cảm thấy tự hào mỗi khi nghĩ về Đạo. Chưa bao giờ làng biển của cô có một cơn bão lớn như thế, một trận đánh lớn như thế.
Vài ngày sau bão tan. Biển lặng dần. Một màu xanh mềm mại tha thiết lại hiện lên. Làng biển nát tươm, xơ xác. Không ai buồn vì mọi người đều biết rằng, một mùa cá chật chội khoang thuyền sẽ trở về với họ. Người ta lại cuồn cuộn đổ ra bãi biển với một tâm trạng mới mẻ, khác thường. Đột nhiên, có tiếng kêu thất thanh của một cô bé:
- Cồn cát trôi mất rồi! Má ơi, mộ anh Đạo...
Kinh hoàng, người ta chạy ào ào về phía cửa biển. Lòng người nào cũng nhói lên, ngơ ngác. Chỗ cồn cát chỉ còn là một khoảng biển xanh thẳm, vô tận. Hương cúi xuống bốc lên tay mình một nắm cát. Vậy mà cô vẫn nghĩ, không còn ai có thể gắn bó với làng, với biển hơn cô nữa. Cô nhớ tới một dòng sông quanh năm đỏ ngầu phù sa. Anh đã sinh ra bên một dòng sông như thế. Cô hình dung ra những dãy lò thủy tinh với hình dáng của những người thợ đang rút ra từ lửa những khối thủy tinh trong suốt như nước biển...
Buổi chiều hôm đó, những thuyền lướt từ ngoài khơi trở về, thuyền nào cũng đầy ắp cá. Biển lại hiền hòa, sóng từng đợt trào lên bờ cát rồi nằm xoài ra đắm đuối trên những dấu chân người...
Người dân Sa Thạch còn kể thêm rằng, chưa có năm nào biển được mùa cá như sau cơn động biển, động trời năm ấy.
Bình Định xuân 1973
N.T.H
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com