chan_dung-ke_si

BẦY CHIM TRỞ VỀ - Truyện ngắn Phạm Sông Hồng

08-09-2023

Lượt xem 2028

Đánh giá 2 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Truyện ngắn hay Phạm Sông Hồng

BẦY CHIM TRỞ VỀ - Truyện ngắn Phạm Sông Hồng

Phạm Sông Hồng

Năm ấy, lũ chim không về làm tổ ở khu vườn. Bà ngoại tôi ngồi ở bậc thềm, nhìn vào khoảng không hun hút trước mắt. Trời không mưa không nắng, xám xịt một màu chì. Tôi không biết bà tôi nghĩ gì, nhưng chắc chắn là đang nghĩ. Dáng ngồi như thế, tấm lưng còn tựa vào cửa cũ, nửa như lơ đễnh, nửa như coi cánh cửa ấy là một điểm tựa. Ðúng rồi, cái cánh cửa là điểm tựa của bà. Bà ngồi như thế lâu rồi, từ ngày tháng năm này qua ngày tháng năm khác. Bà tựa vào tiếng răng của lũ mọt, hình như là hoài nhớ về những ngày đã qua nhiều hơn là nghĩ đến ngày mai. Tôi ôm con mèo cái già có bộ lông màu xám tro vào lòng, vuốt ve nó. Nó chừng như cũng đã mệt mỏi vì quãng đời có tuổi của mình mà không chờn vờn đôi bàn tay thô kệch của tôi, bộ ria mép chỉ hơi khẽ động đậy. Nó lim dim đôi mắt. Tôi thấy thái độ của nó giống bà tôi quá. So với lũ mèo, nó cũng có tuổi, nó cũng đã là một con mèo già. Mà già rồi thì hay mệt mỏi. Chắc lúc này ở trong tay tôi, nó cũng đang suy nghĩ, suy nghĩ theo kiểu loài mèo. Nó nghĩ gì thì chỉ có trời mới biết được (có khi loài mèo biết?). Nhưng tôi thầm nghĩ, biết đâu nó cũng như bà tôi, tức là đang hoài nhớ về cái thời đã qua thì sao? Tuổi thơ tôi là một chuỗi những ngày tháng không tên. Cứ lặng lờ lặng lờ, chẳng có gì sôi nổi. Tôi ở với bà từ ngày còn nhỏ. Ngày xưa dì Mân cũng ở với bà, nhưng dì Mân vì lý do nào đó tác động đến mà sinh mất trí, bỏ nhà đi lâu rồi. Ði, rồi từ đấy không về. Và cũng chẳng có tin tức gì, không biết còn sống hay đã chết. Thỉnh thoảng, tôi ngây ngô nhắc đến gì như một lẽ bình thường, bà tôi lại chảy nước mắt. Ông Hân, hàng xóm nhà tôi bảo: "Bà cháu đã mất hai anh con cả trong cuộc chiến. Mất cả mẹ cháu, bây giờ lại mất cô con gái ngay giữa thời bình....". Ông Hân nói thế rồi đi về nhà. Nhưng ông đã thức dậy trong tôi hình ảnh một người đàn bà bỏ con lại cho mẹ già, đi biền biệt. Người ấy là mẹ tôi, tôi chưa biết mặt mẹ bao giờ! Suốt những năm tháng hiện diện ở bên bà, tôi ít khi thấy bà tôi cười, hay đúng hơn là chưa bao giờ thấy bà tôi cười dù chỉ khe khẽ. Và tôi như nhánh mạ non mọc trên cánh đồng bà ngoại, cánh đồng ấy là vô cùng. Tôi cũng ít cười, ít khóc. Tôi làm cái gì thì lẳng lặng làm theo ý mình. Làm xong rồi mới nhớ đến việc phải hỏi bà: "Bà thấy cháu làm cái này, (hay cái kia) thế nào? Có được không?". Những lúc ấy bà im lặng gật đầu và nhìn đi đâu. Hay cũng có khi bà mải vào bếp, dáng đi lệch đầy vẻ cam chịu, mà quên cả câu trả lời dành cho tôi. Mấy hôm nay con mèo cái gì có bộ lông màu xám tro bỏ đi đâu, không thấy về nhà. Bà tôi vẫn ngồi ở bậc thềm, nhìn vào khoảng không hun hút trước mặt. Trời không nắng, nhưng hưng hửng hơn một chút. Tôi không có con mèo để ôm nó vào lòng vuốt ve như mọi bữa, quay ra bẻ cọng rơm chổi nghịch đĩa cơm bà để phần nhỡ nó có về thì ăn. Nghịch chán, tôi ngồi tì tay lên má nhìn đàn kiến đen hành quân. Lũ kiến thì nhỏ nhoi nhưng hạt cơm thì kềnh càng, thế mà chúng cũng tha cho được. Tôi nghĩ vớ vẩn, bây giờ cho tôi cái giò mà to hơn người tôi một chút, không biết tôi có tha nổi không? Nhưng rồi tôi lại nghĩ đến những người thợ thuyền. Nghĩ đến bà. Nỗi buồn bà mang làm gì có ranh giới. Rồi tôi lại lắc đầu. Chịu, không sao lý giải nổi. Ðêm. Trời nổi gió, nhưng mà không mưa. Tôi nằm bên bà, mắt thao láo nhìn lên những kèo, cột, giằng nhà. Bà hờ hững phe phẩy cái quạt nan, chẳng vào đâu, tôi không được mát, bà cũng không được mát! Chợt có tiếng động trên mái, tôi tập trung nhìn lên đó nhưng không thấy gì. Rồi có tiếng của con mèo già nhà tôi với tiếng của những con mèo lạ. Chúng chạy rầm rập trên mái, gào lên gọi nhau bằng những âm thanh nghe ghê rợn. Tôi dựng tóc gáy nép sát vào bên bà. Tôi nhớ ngày xưa đã có lần bà giải thích cho tôi rằng, mùa này là mùa lũ mèo tìm nhau. Loài mèo thuỷ chung lắm! Nhưng nghe tiếng kêu của chúng, tôi vẫn sợ. Tôi im lặng, nem nép, mắt mở trừng trừng. Chợt tôi nghe tiếng bà thở dài. Giữa lúc tiếng con mèo đực nào đó với tiếng con mèo cái già nhà tôi đáp lại nhau. Sau đó thì lặng im, chúng bỏ đi đâu mất... Qua thời gian đấy, con mèo cái già trở về nhà. Nó nằm trên bậc thêm sưởi nắng. Tôi thấy người nó to hơn, và có vẻ nặng nề, bữa ăn không hết đĩa cơm. Nó trở nên lười biếng, chỉ suốt ngày cuộn mình nằm ngủ. Bà tôi ngồi tựa cửa, nhìn sang nó, thở dài. Tôi không biết bà đang nghĩ gì, chắc vẫn chỉ có thế thôi! Có tin của cô tôi ở tỉnh nào đấy xa xa. Một buổi chiều, ông bưu điện tìm đến đưa cho bà tôi cái phong bì màu xanh xanh hồng hồng, thơm thơm mùi nước hoa. Tôi cầm nó xăm xoi. Từ bé tôi mới nhìn thấy cái phong bì đẹp như thế, cứ y như... Tây. Tối, ông Hân sang chơi, bà tôi đưa cái thư cho ông đọc. Ðọc xong ông Hân với bà tôi ngồi nói chuyện, tôi nằm ê a hát mấy bài hát trẻ con cũ rích, và ngủ quên từ lúc nào. Hôm sau ông Hân đi đâu đấy, không ở nhà. Ba hôm sau nữa.... Cho đến lúc trời xâm xẩm tối, ông Hân đeo lỉnh kỉnh những cái túi ở đâu đó về thẳng nhà tôi. Uống ngụm nước bà tôi đưa, còn dở dang, ông Hân đứng lên dốc ngược mấy cái túi, các thứ lăn ra giường. Tôi ngạc nhiên giương mắt nhìn. Ông Hân cầm con búp bê tóc vàng: "Con búp bê này, dì Mân gửi cho cháu. Cầm lấy mà chơi!". Tôi ôm em bé búp bê, ngỡ như là trong tưởng tượng. Lần đầu tiên, tôi thấy bà tôi cười. Ông Hân phá bụi mây ngăn giữa hai nhà, tôi chạy loăng quăng như con loi choi mà ngồi chơi với em bé búp bê của mình: "Cháu sẽ gọi là ông ngoại". Ông Hân nghỉ tay vào thềm ngồi hút thuốc, bà tôi ngồi bên cạnh rót nước chè cho ông. Tôi nghĩ, ông Hân như cái cột lắp cánh cửa sắp rơi ra của nhà tôi, là chỗ cho bà tôi tựa. Năm ấy tôi mười tuổi. Năm ấy con mèo cái già có bộ lông màu xám tro đẻ được ba con. Hai con khoang và một con tam thể. Năm ấy bầy chim lại tìm về làm tổ, hót vang ở khu vườn.

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.