chan_dung-ke_si

Bà Mụ Của Búp Bê - Truyện ngắn Quế Hương

12-01-2023

Lượt xem 1531

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

Bà Mụ Của Búp Bê - Truyện ngắn Quế Hương

BÀ MỤ CỦA BÚP BÊ

Quế Hương

Tiếng khóa cổng lách cách, tiếng xe nổ. Tiếng càu nhàu của con dâu ông. Ðó là những âm thanh cuối cùng mà ông lão đợi - ông biết chúng đã đi làm, hai con bé đã đi học mà bây giờ ông và con Lỡ sẽ tự do trong ngôi nhà vắng lặng.

Ông chui ra khỏi cái hộp của ông, một cái buồng nham nhở, hai mặt tựa vào hông tường và bếp, một mặt che tấm ván ép, một mặt trống hoác làm cửa ra vào. Ông đã quen đổi chỗ từ hai mươi năm nay, khi con ông trở thành chủ nhân trong ngôi nhà của cha mình. Từ lầu đến trệt, từ phòng trước đến phòng sau, từ phòng rộng đến phòng hẹp và bây giờ kề bên bếp. Lần này thì chính ông đề nghị: "Bây để tau xuống nhà sau ngủ. Tau hay đi tiểu đêm mà cửa thì bây khóa...".

"Không khóa để ông đi ra, kẻ trộm đi vào à?". ' Con ông càu nhàu. Còn vợ nó thủng thỉnh: "Mùa hè, nằm đó khác chi hứng gió biển". Nằm đó là nằm ở khúc nhà ngang nối liền nhà trên với bếp. ở đó có mái nhưng tường không che chắn kín đáo như nhà trên. Thồng lộng. Con ông che tạm cho ông cái buồng này và bảo: "Rồi thư thư... con xây thành phòng". Tối đến khi cánh cửa thông đã khép, cắt ông với thế giới "trên nhà", ông thấy dễ chịu khi được một mình với yên tĩnh và bóng tối. Ông có thể ngắm cả mảng trời sao nhấp nhánh. Cả vầng trăng viên mãn tròn đầy. Cả lúc trăng mỏi. Cả những bóng cây vật vã vào nhau trong đêm mưa gió. Cũng còn dễ chịu hơn rón rén đái vào bô, từng tí, từng tí để tiếng nước tiểu không làm con dâu thức giấc, còn hơn níu tiếng đằng hắng cứ chực vọt ra khỏi họng. ở đây, ông có thể tự do đi lại, uống nước khi không ngủ được. Người già uống nhiều hơn ăn, ông có thể uống trà trừ bữa. Nhắc trà ông lại nhớ chén - cái chén sứ men lam bắt tuấn mã ông thường dùng nay đã cất trong tủ buýp-phê trên nhà. Ông có thói quen vừa uống trà vừa ngắm cái vẻ dữ dằn tuấn vĩ của tám con ngựa ở tám tư thế khác nhau. Nét vẽ sống động bằng màu xanh đậm mà vẫn trong như ngọc bích. Men trắng xanh lơ quý phái. Trà sóng sánh vàng bốc khói, tám con ngựa oai phong lẫm liệt. Uống trà trong chén ấy mới tuyệt làm sao! Nhưng chúng nói phải. Chén quá quý mà tay mình thì run - vỡ uổng lắm. Ðể còn mà ngắm - ông lão lại chép chép miệng móm mém rồi đi tìm con Lỡ. Nó đang kéo lê đôi chân cong vòng, nhỏ như cây sậy đi tìm ông. Nó ngủ trên kia nhưng khi cả nhà đi hết, nó lại được thả xuống cho ông. Con và dâu ông mắc một chứng bệnh kỳ dị - bệnh sạch. Ði làm về là chúng dọn dẹp lau chùi cho đến khi bóng như lau như li. Ðồ không dám dùng. Ngồi không dám dựa. Con cái không được chơi làm bẩn đồ đạc bóng lộn. Chúng làm lụng cực nhọc nhưng chúng không thuê người giúp việc vì sợ thêm người thêm bẩn. Vả lại đời nay biết đâu mà tin.

Con Lỡ toét miệng cười với ông. Ông đến bế nó. Ngó nó lết mà thương. Nhưng ông không bế nổi con bé. Hai ông cháu lảo đảo. Ông ngồi chỗm hỗm cho nó bá cổ. Con Lỡ nằm bẹp trên lưng ông và hai ông cháu đi đến chỗ để thức ăn. Con Lỡ vừa ăn vừa "khóc" như mọi khi. Cũng như mọi khi, nó vừa ăn vừa đút cho con búp bê trụi tóc, gãy tay của nó. Cha mẹ nó chẳng chờ đợi nó ở ngôi nhà này. Họ đợi một đứa con trai. Mẹ nó đã quay lưng khóc khi cô đỡ chìa ra một cô bé gái nhăn nheo, đau khổ như một bà cụ. Ðứa con gái thứ ba! Lại xấu xí! Lại gầy gò vì thiếu cân, thiếu tháng! Lại bị què sau trận sốt tê liệt khi lên hai!. Ðôi lúc người mẹ cùng ăn năn. Giá chăm chút nó như hai đứa trước, uống, tiêm phòng đầy đủ. Thôi thì lỡ rồi. Lỡ sinh. Lỡ quên. Ngưòi ta gọi nó luôn là con Lỡ. Nó lại bị cái gì đó ở tuyến lệ nữa. Nước mắt cứ ri rỉ ngay cả khi nó cười: Trong ngôi nhà sạch bóng, tươm tất này, nó và ông thật lạc điệu - xấu xí, vô dụng - ông đọc điều đó trong cái nhìn. ăn xong, hai ông cháu ngồi chơi trên chiếc ghế mây dưới bóng cây. Một già một trẻ có thể ngồi đó suốt buổi cho đến khi có tiếng khóa lách cách trở lại. Con Lỡ lắng nghe ông nói, không hiểu, không khen chê nhưng vẫn nghe. Nó thường bắt lấy chữ cuối của ông làm chữ đầu của nó. Tuổi tác có ý nghĩa gì khi mọi sự đều trở về. Tóc trở màu, con người lại bắt đầu như một đứa trẻ, yếu đuối, bất lực, sợ hãi, ngây thơ. Thường ông kể chuyện cho nó nghe, chuyện đời, chuyện xưa nay, bày cho nó đếm, nó đọc. Còn nó bày cho ông bán hàng bằng lá, chơi búp bê. Sáng nay mặt con Lỡ đầy vẻ nghiêm trọng. Nó cứ nhìn chăm chăm con búp bê cũ kỹ hai đời chị quẳng lại cho nó và bảo ông:

- Sáng nay con búp bê sẽ đẻ con.

- Sao cháu biết?

- Nó nói.

- Nó nói sao?

- Nó nói nó đau bụng. Con nó ở chật bụng nó.

Ông lắc đầu. Bao giờ con bé cũng ao ước con búp bê đẻ. Mẹ nó biết đẻ. Con mèo biết đẻ thì tại sao con búp bê không đẻ? Nó sẽ đẻ một con búp bê tóc vàng, má hồng và lành lặn. Ðôi khi cả một bầy búp bê cũng có!

Giá mình có thể "đẻ" cho nó một con thế nhỉ! Ông lão lẩn thẩn nghĩ. Tia mắt già nua đậu trên con bé Lỡ. Ðậu trên những chiếc lá vàng nâu nằm uể oải trên mặt đất.

- Ông thấy không? Con Lỡ lắc tay ông - Bụng con búp bê sáng nay bự chác. Nó đựng đầy con. Nhưng con nó làm sao ra được?

- Thì... thì... cũng như bà cho ra ba cháu. Mẹ cháu cho ra cháu. Có một bà tiên người ta gọi là bà mụ. - Thế bà mụ của búp bê đâu?

- Cháu đấy!

- Cháu không biết làm bà mụ. Bà mụ phải làm gì?

- Gối lên chân ông ngủ và đợi.

- Không, cháu không ngủ. Con bé lắc đầu quầy quậy.

Ông nhớ lại lúc con mèo mun đẻ. Con bé đã ngồi bên nó suốt buổi để đợi xem em-bé-mèo.

- Cháu không ngủ. Có bé lập lại, nhìn ông bướng bỉnh. Chính lúc ấy ông mới thấy mắt con bé đẹp vô cùng - trong như nước hồ thu, ươn ướt. "Giống hệt mắt bà ấy" - Ông lão thì thầm.

- Bà ấy nào?

- Bà cháu.

Rồi ông lão nhìn đăm đăm vào khoảng trống trước mặt, dường như bà hiện ra ở đó, mãi mãi ở tuổi thanh xuân với những dải nước màu đen sóng sánh, đôi mắt trong ngần, đôi má vàng óng nắng, phơn phớn lông tơ.

- Này ông! Sao con búp bê lâu đẻ thế?

Bóng bà tan biến. Con Lỡ nhìn ông chăm chú:

- Ơ! Mắt ông cũng có nước. Mặt ông lại nhăn thêm nữa. Một, hai, ba, mười, mười lăm... Nhiều quá. Chẳng ai nhiều như ông, đếm bắt mệt!

- Tại năm tháng đó cháu. Năm tháng đi qua để lại dấu vết. Ông đã sống nhiều năm tháng quá rồi!

Và bà lại hiện ra, một bà lão khô héo, cái lưng nằm mãi vì bệnh đến lở lói. Khuôn miệng cay đắng thốt những lời cay nghiệt. Ðôi mắt mờ đục chất ngất mệt mỏi.

- Thế ông cất năm tháng của ông đó à? Khi hết chỗ ông sẽ cất ở đâu?

- Khi đó ông chết.

- Ðừng... cháu sẽ chơi với ai? Miệng con bé méo xệch - ông đừng chết. Cháu sẽ cất giùm ông nếu ông hết chỗ. Ông đừng chết!

- Chưa chết đâu! Con búp bê gọi cháu kìa!

Con bé lại quên ông. Nó quay qua con búp bê mất tay:

- Này đau bụng hả? Mày đẻ con thôi. Mày đẻ một con búp bê tóc vàng đẹp như công chúa, không trụi tóc, không gãy tay. Con mày sẽ đẹp dùm mày.

Con-mày-sẽ-đẹp-dùm-mày. Chao ôi! Con Lỡ nói một câu hay quá. Ông nhìn cháu ngạc nhiên. Ông nhìn hai cẳng chân cong vòng, nhìn thân hình èo uột, mái tóc lơ thơ và chợt nhận ra nó không ngô nghê như hai chị nó, rằng ông quá hoài phí năm tháng để hiểu điều này. Trong bản chất mỗi con người, mỗi sự vật, có cái người ta không thể học được. Ôi con Lỡ của ông! Từ khi bà mất, lòng ông nguội lạnh. Chính con bé què quặt ốm yếu này đã hâm nóng nó lại. "Ai mạc ư tâm tử". Mọi sự đau xót không gì bằng nguội lạnh con tim. Thật đúng!

- Ðúng là con búp bê sắp đẻ phải không ông?

- ừ.

- Nhưng lâu quá! Con bé rên lên nhìn ông nôn nóng.

Con - nó-làm-đẹp-cho-nó. Con người được cứu vãn nhờ sự tái sinh. Ông không thể dập tắt niềm tin ấy của con Lỡ. Ông lão trầm ngâm suy nghĩ rồi đứng phắt dậy:

- Nó sẽ đẻ! Ông lão dõng dạc tuyên bố. Có điều cháu phải kiên nhẫn chờ. Ông đi mời bà mụ đây. Cháu sẽ giúp ông bằng cách ngồi yên trên ghế, không được rời con búp bê.

- Mau lên ông! Cháu sẽ ngồi yên mà! Con bé rối rít giục. Ông lão tất tả ra cổng rồi đột nhiên ông khựng lại, quay lui. Cả hai ông cháu tuyệt vọng nhìn cái ổ khoá cổng to tướng. Con Lỡ bắt đầu thút thít.

- Ðừng khóc! Ông có cách rồi.

Ông đi tìm cái ghế cao con ông vẫn dùng để tỉa hoa giấy. Nó được dựng gần tường. Ông kéo nó sát hàng rào, vụng về, khó nhọc. Ông dặn con Lỡ lần cuối trước khi leo lên:

- Nhớ ngồi yên. Ðừng tụt xuống té nghe!

- Dạ! Ði nhanh ông nghe!

Ông già bắt đầu trèo lên chiếc ghế cao. Chân ông run run, lóng nga lóng ngóng nhưng lòng ông rạo rực. Thằng bé nghịch ngợm trong ông hồi sinh - cái thằng cu Ðen thề không đặt chân xuống đất khi ở nhà một mình. Nó chỉ nhảy từ bàn qua ghế, từ ghế qua giường... Ông ngồi trên bờ tường nhìn xuống đường. Bây giờ ông phải xuống đó không có ghế. Ông bấu tay vào gờ tường và tụt xuống. Cứ nghĩ mình đi - ngược-lại. Ông vừa tụt xuống vừa lẩm bẩm và niềm vui lẫn sợ của thằng cu Ðen trèo tường đi chơi cứ làm tim ông đập thình thịch. Thời gian không thực có. Nhảy đi, cu Ðen! Nửa thước chứ mấy. Ông lão nhảy. Thằng cu Ðen táo tợn vỗ tay. Còn ông lão đau quá, khuỵu xuống. Ông nhăn mặt nhưng sực nhớ con Lỡ, ông đứng dậy, ông vịn tường bước khập khiễng. Ðể đỡ đau, ông tụt dép cầm tay. Có năm năm rồi ông không ra đường. Phố xá bây giờ lạ quá. ông lại là đứa con nít sợ lạc trước dòng người và xe cộ nườm nượp.

"Này nằm yên đó. Ông sẽ về bây giờ với bà mụ và mày sẽ hết đau bụng, sẽ đẻ cho tau một con búp bê tóc vàng, lành lặn - con Lỡ thầm thì. Nó cảm thấy buồn đái, nhưng nó nhớ lời ông dặn không được rời con búp bê, không được tụt xuống té. Mày cũng khó chịu thế chứ gì. Như tau buồn đái thế thôi". Con bé ôm bụng nhăn nhó. Con búp bê mở to đôi mắt biếc có hàng mi cong vút nhìn trời. "Chịu khó đi rồi con mày sẽ làm đẹp cho mày. Con mày sẽ không rụng tóc và gãy tay như mày. Con tau... không biết rồi con tau có làm đẹp cho tau không? Chân tau không như mọi người. Tau không làm đẹp cho mẹ và mẹ không thương tau!" Con bé thở dài. Hoa nắng bắt đầu nhảy nhót trên áo nó. Con búp bê nhắm mắt ngủ. Con bé cũng thiu thiu.

Khi con Lỡ mở mắt, điều kỳ diệu đã xảy ra. Ông nó ngồi cạnh nó. Con búp bê tóc vàng, má hồng nằm cạnh con búp bê trụi tóc, cụt tay. Còn nó, nó nằm trên vũng nước tiểu.

- Ôi! Nó đẻ rồi! Thế bà mụ đâu! Cháu muốn cảm ơn bà.

- Bà mụ đi rồi. Bà còn phải vội đi đỡ đẻ cho con búp bê khác.

- Sao ông không thức cháu?

- Rồi nó nhìn cái quần ướt sũng, bẽn lẽn: - Cháu không định tè trong quần, nhưng...

Ông vừa nhăn nhó vừa cười. Nom ông là lạ. Nửa như nó, nửa như ông.

Ông lão ngồi thở, ông còn mệt và còn đau chân lắm; khó lòng tưởng tượng những gì ông đã làm sáng nay. Nó cũng kỳ diệu và khó nhọc như con-búp-bê-đẻ-con vậy.

Con Lỡ nhìn sững con búp bê tóc vàng. Nó đẹp dễ sợ. Nó không như con mèo mới đẻ, lông bết dính và mắt nhắm tít. "Mày thích lắm nhỉ - Bây giờ mình có ba người - Ban ngày thêm ông là bốn. Tau sẽ giấu mày trong chăn - Chị tau mà thấy họ không để yên cho mày đâu".

Ðêm đó ông lão không ngủ được, ông gác hai cẳng chân đau nhức, mỏi nhừ lên thành giường. Ông đã đi bộ đến mấy con đường với cái chân đau. Chính thằng cu Ðen táo tợn, bướng bỉnh ấy kéo ông đi tới cửa hàng búp bê. Ông thò tay vào ngực - Bà vẫn nằm yên trong đó, gối đầu lên ngực ông. Chỉ có khác là bức chân dung hồi trẻ của bà lồng trong trái tim bằng ngọc bây giờ không được treo sợi dây chuyền vàng nữa - nó được thay bằng một sợi dây rút từ bao xi măng. Trong bóng tối đôi mắt đẹp như mắt con Lỡ nhìn ông cười có đuôi. Con Lỡ chắc ngủ ngon sau khi trò chuyện với lũ búp bê. Ông mơ màng thấy thằng cu Ðen kéo một toa tàu, một ông lão cà nhắc, một con bé cà thọt và một bà lão muôn thuở tuổi đôi mươi.

Trên nhà, con Lỡ ôm hai con búp bê ngủ. Nó mơ nó đẻ con. Ðẻ ra một con Lỡ con lành lặn, đôi chân tròn trĩnh xinh đẹp lộ trong chiếc áo đầm voan trắng. Con Lỡ con đẹp giùm mình. Mặc áo đầm giùm mình. Con bé ngủ thiếp với ý tưởng đó. Còn con búp bê trơ trụi tóc, gãy tay thì không ngủ. Nó thao thức nghĩ đến bà mụ của mình.

4-1994

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.